Thông điệp Tất cả anh em: bảy lời kêu gọi của Đức Phanxicô

231

Thông điệp Tất cả anh em: bảy lời kêu gọi của Đức Phanxicô

cath.ch, 2020-10-04

Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti được Đức Phanxicô ký ngày 3 tháng 10 năm 2020 tại Assisi là lời cổ vũ cho tình anh em của nhân loại. Ngài nêu lên nhưng cũng là nhắc lại lời kêu gọi này một cách cụ thể hơn.

1- Để “cải tổ” Liên Hiệp Quốc

“Tôi xin nhắc, cần phải cải tổ Liên hợp quốc,” Đức Phanxicô nói ở chương năm của thông điệp. Theo ngài, công việc phải được thực hiện để phát triển một cấu trúc, vừa có thể ngăn cơ quan quyền lực không bị “một vài quốc gia được nhận bằng tuyển lựa” và vừa có thể “ngăn các áp đặt văn hóa hoặc vi phạm các quyền tự do cơ bản trên các quốc gia yếu nhất vì khác biệt ý thức hệ”. Tuy nhiên Đức Phanxicô, người đã gửi một thông điệp video tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 25 tháng 9, lưu ý: “Phải tránh để Liên Hiệp Quốc bị đặt ngoài vòng pháp luật vì các vấn đề hoặc các thiếu sót của nó có thể bị chạm trán hoặc giải quyết trong sự thông đồng.”

2- Chống án tử hình

Ở chương bảy, Đức Phanxicô lên tiếng: “Ngày nay chúng ta phải nói rõ ràng án tử hình là không thể chấp nhận được”, ngài nhắc lại bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 25 năm Giáo lý của Giáo hội công giáo vào năm 2017. Ngài cam kết: “Giáo hội kiên định cam kết án tử hình phải được bãi bỏ trên toàn thế giới”. Theo ngài, sự loại bỏ hoàn toàn này là công nhận “phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người”. Cũng bao gồm trong việc lên án tuyệt đối hình phạt tử hình, ngài còn lên án “cái gọi là hành quyết ngoài tư pháp hoặc ngoài-hợp pháp của các vụ giết người có chủ ý do một số Quốc gia và các đại diện của họ thực hiện.”

3- Tiếp nhận người di cư

Đức Phanxicô giải thích trong chương đầu của thông điệp: “Châu Âu […] có các công cụ để bảo vệ vị trí trọng tâm của con người và tìm ra sự cân bằng đúng giữa nghĩa vụ đạo đức bảo vệ quyền của người công dân và đảm bảo sự hỗ trợ và tiếp nhận của người di cư”, sau đó ngài dành toàn chương thứ tư cho vấn đề di cư. Ngài công kích những người đối xử và xem người di cư như những người “kém giá trị, kém quan trọng, kém con người hơn”, ngài cho rằng “không thể chấp nhận khi tín hữu kitô chia sẻ cùng não trạng và thái độ này, đôi khi nó còn chiếm ưu thế cho một vài sở thích chính trị hơn các xác tín sâu sắc về đức tin của họ”.

4- Chấm dứt mọi hình thức nô lệ

Ngay phần đầu của thông điệp, Đức Phanxicô đã phẫn nộ: “Ngày nay còn có hàng triệu người – trẻ em, đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi – bị tước quyền tự do và buộc phải sống trong những điều kiện tương tự như chế độ nô lệ”. Vì thế ngài kêu gọi phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề, mà ngài định nghĩa là “khái niệm này về con người chấp nhận khả năng xem con người như một đồ vật”. Trích dẫn một số hình thức nô lệ hiện đại, ngài lấy làm buồn “khi phụ nữ bị lạm dụng và sau đó buộc phải phá thai” hoặc nói về “sự ghê tởm” trong các trường hợp “bị bắt để buôn bán nội tạng”. Ngài nhấn mạnh: “Khắc phục hiện tượng này đòi hỏi một nỗ lực chung”.

5- Xóa bỏ vũ khí hạt nhân

Trong chương bảy, một lần nữa Đức Phanxicô nhắc lại lập trường của Giáo hội công giáo: “Mục tiêu cuối cùng của việc loại bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn phải trở thành một thách thức đối với đức tin và mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo”. Ngài khẳng định “hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm nhận an toàn không đúng”, “trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau hoặc hủy diệt hoàn toàn.” Theo ngài, các quỹ dành cho vũ khí hạt nhân có thể giúp “loại bỏ hoàn toàn nạn đói” và giúp “các nước nghèo nhất phát triển”.

6- Các tôn giáo bất bạo động

Trong các trang cuối của thông điệp, Đức Phanxicô khẳng định: “Một con đường dẫn đến hòa bình là khả thi giữa các tôn giáo”. Ngài nhắc lại ơn gọi của tất cả tín hữu: “Kính Chúa và yêu người làm sao để cho các khía cạnh trong học thuyết của chúng ta cuối cùng không đi ra khỏi bối cảnh, không kết thúc bằng các hình thức khinh thường, hận thù, bài ngoại, phủ nhận người anh em.” Ngài nhấn mạnh: “Sự thật, bạo lực không có cơ sở trong các xác quyết cơ bản của tôn giáo, nhưng trong các sai lầm của nó”.

7- Hiệp nhất của Giáo hội

Ở chương tám, Đức Phanxicô lấy làm tiếc: “Chúng ta rất buồn khi nhận thấy, sự đóng góp về mặt ngôn sứ và thiêng liêng của tinh thần hiệp nhất giữa tất cả kitô hữu vẫn còn thiếu trong quá trình toàn cầu hóa.” Chúng ta xin Chúa “củng cố sự hiệp nhất trong Giáo hội”, ngài khẳng định “việc tiếp tục làm chứng cho một hành trình gặp gỡ giữa các tín ngưỡng kitô khác nhau là điều cấp bách.”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh lên chương trình hoạt động của Đức Giáo hoàng

Pablo Servigne: “Trong ‘Fratelli tutti’, Đức Phanxicô cho thấy một minh triết cá nhân và chính trị”

Thông điệp Fratelli tutti: không có cách nào thay thế cho đối thoại

Một vài hình ảnh Đức Phanxicô ký Thông điệp Tất cả là anh em Fratelli tutti ngày 3 tháng 10 tại Assisi.