Đức Phanxicô tiếp một nhóm nhân vật tên tuổi Pháp dấn thân vì sinh thái

90

Đức Phanxicô tiếp một nhóm nhân vật tên tuổi Pháp dấn thân vì sinh thái

vaticannews.va, Adelaide Patrignani, Vatican, 2020-09-03

Chỉ có một sự hoán cải sâu đậm thì con người mới có thể thành một “con người mới” mang lại một “quan hệ mới với thiên nhiên”, vượt lên được muôn vàn cuộc khủng hoảng mà khía cạnh sinh thái là biểu hiện bên ngoài. Chính khi chữa lành tâm hồn con người, chúng ta mới hy vọng chữa lành thế giới khỏi các rối loạn của nó, cả về mặt xã hội và môi trường.

Một phái đoàn gồm 16 nhân vật tên tuổi pháp do Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort, giáo phận Reims và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp dẫn đầu, đã gặp Đức Phanxicô trưa thứ năm 3 tháng 9 ở Thư viện Tông tòa để trao đổi một mục tiêu chung: bảo vệ môi trường. Trong bài phát biểu vào đầu buổi họp, ngài nhắc lại lý do vì sao Giáo hội muốn “tham dự trọn vẹn” vào việc bảo vệ ngôi nhà chung, và khuyến khích khách mời của mình tiếp tục cố gắng. Nhóm gồm các nhân vật đủ mọi thành phần, người tin người không tin, có ngành nghề khác nhau: nữ nhà báo Audrey Pulvar nhưng bây giờ là phụ tá cho thị trưởng Paris, nữ diễn viên Juliette Binoche, Ông Laurent Landete, Viện trưởng Viện  Bernardins ở Paris, nữ luật sư Valérie Cabanes, chuyên gia về chất diệt khuẩn, Linh mục Dòng Tên kinh tế gia Gael  Giraud, ông Jean-Pierre Denis, giám đốc phân bộ phát triển biên tập về xã hội, gia đình và rali của nhóm Bayard, nhà nghiên cứu Pablo Servigne, nhà lý thuyết về khái niệm “sụp đổ.”

Đó là bài diễn văn thấm nhuần tính mô phạm và nêu bật xác tín đức tin mà Đức Phanxicô đã chuẩn bị cho nhóm. Sau khi đọc bài nói chuyện, Đức Phanxicô muốn cuộc thảo luận được tự do hơn với khách mời. Tất cả gồm mười sáu người đến Rôma, nối tiếp các “suy tư của Hội đồng Giám mục Pháp đã tiến hành với Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato si ‘, các phản ánh gồm nhiều dấn thân để bảo vệ môi sinh” như Đức Phanxicô đã viết ở đầu bài nói chuyện của ngài.

Một Giáo hội mong muốn “tạo ý thức”

Ngoài ra Đức Phanxicô đã phấn khởi vì “nhận thức về sự khẩn cấp của tình hình gần như có mặt khắp nơi, chủ đề sinh thái ngày càng thấm nhuần trong đầu ở mọi cấp độ và đang bắt đầu có ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và kinh tế”. Nhưng ngài lưu ý vẫn “còn nhiều việc phải làm” và chúng ta chứng kiến có “quá nhiều chậm trễ và ngay cả đi thụt lùi đàng sau.”

Thông điệp Chúc Tụng Chúa của Đức Phanxicô phát hành năm 2015 đã tạo một tiếng vang lớn trên thế giới, ngài nhắc lại “Giáo hội công giáo muốn tham gia trọn vẹn vào cam kết bảo vệ ngôi nhà chung”. Ngài thừa nhận: “Giáo hội không có các giải pháp sẵn sàng để đưa ra và Giáo hội không phải là không biết các khó khăn về mặt kỹ thuật, kinh tế và chính trị, cũng như tất cả các nỗ lực mà cam kết này đòi hỏi. Nhưng mục tiêu của Giáo hội là “hành động cụ thể khi có thể, và trên hết, nhưng nhất là muốn tạo được ý thức để làm thuận lợi cho việc biến đổi sinh thái sâu sắc và lâu dài, chỉ như vậy mới có thể đáp ứng được các thách thức quan trọng hiện nay của chúng ta”.

Chăm sóc các ơn của Tạo hóa

Sau đó, ngài nói rộng về các lý do tâm linh mà tín hữu kitô dấn thân trong việc biến đổi sinh thái. Ngài nhấn mạnh, đức tin và khoa học “đưa ra các cách tiếp cận khác nhau với thực tế” nhưng trong nghĩa này chúng ta có thể “phát triển một cuộc đối thoại sâu đậm và hiệu quả.” Đức Phanxicô nhắc nhở “thế giới không phải sinh ra từ hỗn mang hay ngẫu nhiên, mà do quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã gọi và luôn gọi sự hiện hữu bằng tình yêu. Do đó, người tín hữu kitô được gọi để tôn trọng “việc mà Người Cha của họ đã giao phó cho họ” không “nghĩ mình là chủ hay kẻ chuyên quyền, nhưng chỉ là người quản lý chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình.” Mối quan hệ của Giáo hội với môi trường cũng phải tuân theo “lý tưởng Tin Mừng do Chúa Giêsu đề xuất”.

Bảo vệ sự sống và giữ hy vọng

Ngoài ra, Đức Phanxicô cũng lên án “thái độ thờ ơ, ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo cùng xu hướng nghĩ mình là chủ, là kẻ có quyền đưa con người đến việc một bên là tiêu diệt giống loài, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, một bên là khai thác sự khốn cùng, lạm dụng công việc của phụ nữ và trẻ em, làm đảo lộn quy luật của đơn vị gia đình, không còn tôn trọng quyền sống của con người từ khi sinh ra đến giai đoạn cuối cùng hoàn tựu một cách tự nhiên”.

Chỉ có một sự hoán cải sâu đậm thì con người mới có thể thành một “con người mới” mang lại một “quan hệ mới với thiên nhiên”, vượt lên được muôn vàn cuộc khủng hoảng mà khía cạnh sinh thái là biểu hiện bên ngoài. Nói cách khác, “chính khi chữa lành tâm hồn con người, chúng ta mới hy vọng chữa lành thế giới khỏi các rối loạn của nó, cả về mặt xã hội và môi trường”.

Cuối bài nói chuyện, Đức Phanxicô khuyến khích khách của mình trong cố gắng bảo vệ môi trường. Ngài đưa ra thái độ đặc biệt của tín hữu kitô như kim chỉ nam để đi theo con đường: “Chúng ta, tín hữu kitô, chúng ta luôn giữ hy vọng vì chúng ta có cái nhìn hướng về Chúa Kitô. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo dựng đến thăm tạo vật của Ngài và Ngài ở giữa chúng ta để chữa lành chúng ta, để chúng ta tìm lại sự hòa hợp mà chúng ta đã đánh mất, hòa hợp với người anh em chúng ta, với thiên nhiên.”

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Những gì Đức Phanxicô nói với các nhà môi sinh Pháp

Các nhân vật tên tuổi Pháp đi gặp Đức Phanxicô về Thông điệp Chúc tụng Chúa

Nữ diễn viên Juliette Binoche tặng Đức Phanxicô hai cây ngải (Artimisia) được người Phi châu dùng để chữa sốt rét