Các chúc thư của Covid-19

290

Các chúc thư của Covid-19

lavie.fr, Violaine des Courières, 2020-08-19

Trong thời gian cách ly, số lượng người Pháp từ 30 đến 50 tuổi quyết định làm di chúc để lại các mong muốn của mình gia tăng đáng kể. Hiện tượng chưa từng có này thậm chí còn đòi chưởng khế làm chúc thư giãn cách.

Chưởng khế Pierre Devine ở Roquemaure, chủ tịch chưởng khế đoàn vùng Gard cho biết: “Kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2020, chúng ta không chết nữa, chúng ta sống lại. Người Pháp không không gọi đến để làm chúc thư, nhưng để mua một căn nhà có vườn. Hay một căn hộ có sân thượng”. Trong thời gian cách ly, nhiều người lo âu gọi đến ông. Đầu tiên là những người bị bệnh Covid.

Sau đó là những người ở độ tuổi 30, 40 trước đây chưa bao giờ có ý định viết di chúc. Nhưng một cơn sốt, một tiếng ho khan hoặc những chuyện tương tự đã làm cho họ nghĩ đến cái chết. Ông chưởng khế kể: “Họ không thử nghiệm nhưng đặt nhiều câu hỏi về tình trạng của mình. Người trẻ thì lo cho bạn gái của mình, người lớn hơn thì lo cho vợ hoặc chồng và các con, bảo đảm tương lai cho gia đình nếu họ bị bệnh nặng phải chết.

Sau đó thì đến lượt các nhân viên chăm sóc hoặc những người phải tiếp xúc với virus. Như hình ảnh anh y tá 30 tuổi bị Covid: “Anh liên lạc với chúng tôi vào đầu tháng 3. Anh bị sốt 39 độ. Anh không có con và muốn chuẩn bị cái chết của mình, anh để lại một cái gì đó cho người bạn gái và anh chị em”. Ở Gard, một trong các đồng nghiệp của chưởng khế Devine được gọi đến bên giường bệnh của một người đàn ông bị ung thư và vừa bị nhiễm Covid. Các con của ông cuống lên. Người cha muốn có bản di chúc xác thực, như vậy phải cần sự hiện diện của chưởng khế. Nhưng làm sao được trong thời gian cách ly, các văn phòng đã đóng cửa? Trong trường hợp khẩn cấp, một nhân viên của văn phòng Roquemaure đến gặp với các biện pháp phòng ngừa sức khỏe.

Bình thường những người này trì hoãn chờ ngày họ về hưu. Nhưng với Covid, họ đã ý thức.

Để đáp ứng với các tình huống cực kỳ khẩn cấp này, ngày 3 tháng 4 năm 2020, Bộ Tư pháp đã công bố một nghị định cho phép bản chúc thư của chưởng khế được làm bằng giãn cách và có chữ ký điện tử. Cuối cùng, nhiều người có sức khỏe tốt – trẻ hơn độ tuổi trung bình 70 bình thường – đã xem lại trường hợp của họ.

Nghiên cứu của Cheuvreux ở Paris ghi nhận số đơn làm di chúc tăng 40%. Hồ sơ khách hàng: Người Pháp 40 tuổi, sống ở nước ngoài, có sự nghiệp thành công. Bà chưởng khế Angélique Devaux phân tích: “Thông thường, những người này trì hoãn, họ chờ đến tuổi hưu mới làm di chúc. Nhưng với Covid họ ý thức hơn. Họ tự hỏi: ‘Nếu mình bị tai nạn máy bay thì sao? Và nếu một ngày cả hai cùng chết, ai sẽ chăm sóc các con?’”  Bà nói tiếp: “Những người khác đặt câu hỏi về sự mong manh. Nếu vì vấn đề sức khỏe mà họ mất đi trí tuệ thì ai sẽ lo tài sản cho họ?”  Đồng thời, nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng các yêu cầu về “việc ủy quyền bảo vệ tương lai”. Bằng chứng cho thấy việc cách ly đã đóng vai trò xúc tác không những cho các câu hỏi hiện sinh về cái chết, mà còn về cả gia đình.

Vì vậy, một phụ nữ 50 tuổi có nghề nghiệp chuyên môn cao – sức khỏe tốt nhưng lo lắng virus đã viết chúc thư trên tờ giấy rời: “Bà và chồng không có con. Bà muốn quyền thừa kế không để lại cho Nhà nước nhưng cho Giáo hội, qua tờ di sản. Nếu bà chết trước, tài sản của bà sẽ dành cho người phối ngẫu. Nếu bà chết sau, một phần sẽ dành cho các cháu trai, cháu gái, một phần khác dành cho các công việc của giáo phận Paris,” ông Hubert Gossot, người đứng đầu trong các quan hệ lập di chúc của giáo phận Paris cho biết. Trong thời gian cách ly, nhân viên của tòa giám mục rất bận với công việc này. Thường thường họ giải quyết tạm thời vì không có chưởng khế, nhiều văn phòng đã đóng cửa. Đối với các giáo dân cần lời khuyên với ý tưởng để lại di chúc cho Giáo hội, ông đưa ra lời đề nghị: “Tự tay viết ra giấy hai bản các ước muốn cuối cùng rồi gởi  hai tài liệu này cho giáo phận.” Để chận các loại tưởng tượng: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi chết mà không ai tìm được di chúc của tôi ở nhà?”  Còn về phần ông Hubert Gossot, ông có một bản sao để gởi cho chưởng khế sau khi đương sự qua đời. Sau thời gian cách ly, các bản viết tay này sẽ được đăng ký ở văn phòng chưởg khế.

Chúng tôi không ở đó để thu dọn các căn hộ. Mục đích của chúng tôi là phục vụ những người, mà khi họ để lại di chúc cho tòa giám mục, họ đã tạo mối quan hệ rất gắn bó với chúng tôi.

Sau các buổi nói chuyện với các giám đốc điều hành người Paris lo lắng vì Covid, ông  Hubert Gossot quay qua lo cho các ông bà 80-90 tuổi của mình. Ông lo lắng cho họ. Làm sao họ có thể sống cách ly trong căn phòng ở thủ đô của họ? Khi nghe tên ông, các người để lại di chúc thường bắt đầu câu chuyện bằng lời nói đùa: “Tôi chưa chết. Chưa đâu!” Nhưng sau đó các trao đổi tập trung vào các khó khăn hàng ngày. Chẳng hạn với ông cụ 92 tuổi này. Trong căn phòng rối bùng bung của ông, ông đánh mất thẻ cao niên và thẻ tín dụng. Ông không thể mua được gì dù một bó rau. Các ngân hàng đã đóng cửa. Nhờ cuộc gọi của giáo phận, rồi một thiện nguyện viên đến – dĩ nhiên là tuân thủ đúng quy định vệ sinh -, ông có thể khai qua Internet và khôi phục lại cách trả tiền của mình. Ông Hubert Gossot nói: “Chúng tôi không ở đó để thu dọn các căn hộ. Mục đích của chúng tôi là phục vụ những người, mà khi họ để lại di chúc cho tòa giám mục, họ đã tạo mối quan hệ rất gắn bó với chúng tôi.”

Do đó, Covid đã làm cho mọi người ý thức sự  mong manh đời sống của mình, hiểu rõ hơn về di chúc, như một phương tiện để thực hiện trước các mong muốn cuối cùng của mình. Nhưng cuối cùng vẫn phải ra văn phòng chưởng khế để hợp thức hóa các ý nguyện này, cần thời gian, cần lời khuyên để hoàn toàn tự do trong quyết định.

Gia tăng các di sản thừa kế từ thiện

Cho đến năm năm qua, các di sản chủ yếu là của những người độc thân không có con. Bà chưởng khế Angélique Devaux ở văn phòng Cheuvreux, Paris giải thích: “Công thức di chúc của nước Pháp chủ yếu là truyền trong gia đình, trong khi người Anglo-Saxon thì có tính từ thiện nhiều hơn”. Một xu hướng mới gần đây đã xuất hiện: các hiệp hội ngày càng nhận nhiều khoản đóng góp từ các cha mẹ có con cái, với phần dành riêng từ di sản. Ông Pierre-Marie Morel, người phụ trách di sản và quyên tặng của Cộng đoàn Emmanuel nhận xét: “Chung chung các vợ chồng này có đời sống kinh tế thoải mái. Họ đóng góp một khoản nhỏ cho công việc có ý nghĩa theo văn hóa gia đình họ”.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Vì sao họ chọn di tặng?

Christian de Cacqueray: “Ý thức về cái chết đặt câu hỏi cho hiện tại”