Christian de Cacqueray: “Ý thức về cái chết đặt câu hỏi cho hiện tại”

160

Christian de Cacqueray: “Ý thức về cái chết đặt câu hỏi cho hiện tại”

lavie.fr, Violaine des Courières, 2020-08-19

Ông Christian de Cacqueray, nhà sáng lập và là giám đốc Dịch vụ tang lễ công giáo, một hiệp hội của giáo phận Paris, phân tích các mối liên hệ giữa việc truyền di sản vật chất và các giá trị thiêng liêng.

La Vie: Có phải cuộc khủng hoảng sức khỏe đang thay đổi mối quan hệ của chúng ta với cái chết không?

Ông Christian de Cacqueray: Đúng, tôi nghĩ cuộc khủng hoảng đã làm cho mối quan hệ này phát triển. Nhưng theo nhiều cách khác nhau. Khuynh hướng đầu tiên của đại đa số là tiêu cực. Đó là nỗi sợ cuống cuồng về ngày cuối cuộc đời, được thể hiện qua việc thu mình và xa rời người khác. Nó bắt nguồn từ giáo dục xem cái chết là điều cấm kỵ. Nhiều người có vết thương này và bây giờ họ thấy mình bị nhiễm. Đối với một số người khác, dịch bệnh đã biến cái chết là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Ý thức này đặt câu hỏi cho hiện tại và sau đó nảy sinh các lời kêu gọi cụ thể: tôi có bằng lòng với cuộc sống hàng ngày của tôi không? Tôi có muốn sống nơi khác không? Và nếu mình đi chậm lại? Và nếu mình biết thưởng thức giây phút hiện tại?

Theo thống kê của các văn phòng chưởng khế, trong thời gian đại dịch, nhu cầu làm di chúc tăng lên rất nhiều ở những người ở độ tuổi 40. Chúng ta thấy dấu hiệu gì ở đây?

Tôi thấy đây là hệ quả trực tiếp của việc hoảng sợ gây ra do hàng ngày chứng kiến một chuỗi người chết vì Covid. Khi chúng ta ở tuổi 30 – 40, các suy nghĩ bệnh hoạn làm chúng ta nghĩ mình chịu đựng cuộc sống chứ không chọn nó. Theo tôi, một quan hệ đúng với cái chết trước hết là chấp nhận những “cái chết nho nhỏ” trong cuộc sống vì các lựa chọn này là của chúng ta. Vì bất kỳ sự từ bỏ nào cũng bao hàm tang tóc: kết hôn, chọn một con đường mới cho nghề nghiệp, dọn đến một thành phố khác, v.v.

Ý thức này về cái chết có tác động đến mối quan hệ của chúng ta với của cải, với di sản không?

Cứ duy trì điều cấm kỵ về cái chết, xã hội chúng ta tạo ảo tưởng về một đời sống đời đời ở trần gian này. Nó ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với tài sản – nhà cửa, đồ đạc, tiền bạc của chúng ta. Khi chúng ta quên một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, thì chúng ta sẽ gắn bó với di sản của mình nhiều hơn mức cần thiết. Và sự ràng buộc này làm cho chúng ta thành tù nhân của mình, tạo căng thẳng với người xung quanh và ngăn chúng ta có một cái nhìn dài hạn về cuộc sống và trên hết, có thể làm chúng ta cắt đứt với Chúa.

Nếu một tài sản được sở hữu hóa chỉ duy nhất vì giá trị di sản của nó thì nó có thể là nguồn gốc của chia rẽ.

Ngược lại, ý thức về cái chết sẽ đặt cho chúng ta câu hỏi: “Tôi là ai mà sống đời đời?” Khi đặt câu hỏi này là mở rộng chân trời. Của cải trở thành vật trung gian cho các mối quan hệ sâu đậm hơn với người thân yêu của mình. Căn nhà gia đình là ví dụ điển hình của chuyện này. Nếu một tài sản được sở hữu hóa chỉ duy nhất vì giá trị di sản của nó thì nó có thể là nguồn gốc của chia rẽ. Cuối cùng, nó có thể bị đóng lại, màn buông xuống và không còn ai đến đó. Trong khi một hình thức không bám dính có thể biến căn nhà thành nơi chào đón và chia sẻ với gia đình bạn bè.

Chẳng hạn, ở tuổi nào nên nghĩ trước việc di tặng?

Có một khía cạnh đáng sợ nếu không nghĩ đến việc chuyển giao khi đã đến đoạn cuối cuộc đời. Trong khi một chuyển giao nhẹ nhàng có các nhân chứng – từ khoảng sáu mươi – hướng tới vĩnh cửu và mang lại hương vị cho giây phút hiện tại. Quan trọng là nói chuyện với con cái mình. Lời nói đôi khi bị ngăn lại vì nhắc đến cái chết có thể là điều cấm kỵ. Nhưng có các trao đổi trong khi còn sống có thể tránh được chấn thương sau khi chết.

Câu hỏi được đặt ra: “Ai sẽ là người lấy căn nhà?”  Nếu có một hình thức tham lam nảy sinh ở một hoặc nhiều đứa con – đôi khi nói về vật chất có thể tạo các phản ứng không lành mạnh – thì khi đó chúng ta có thể giải tỏa được xung đột. Sau này, việc chia của sẽ được thực hiện một cách lành mạnh và yên bình hơn.

Không tiên liệu trước, di sản có thể là lý do căng thẳng giữa anh chị em…

Các chưởng khế hay nói họ ghen tị với tôi. Khi chuẩn bị tang lễ cho người đã khuất, thường thường mọi người nói lời chúc phúc cho nhau. Các văn phòng chưởng khế thường chứng kiến các xích mích như trường hợp của nghệ sĩ Pháp Johnny Hallyday. Sacha Guitry đã nói: “Xem họ yêu nhau như thế nào, họ không có người thừa kế.” Đó là di sản vật chất thường dựa trên các mối quan hệ của con người.

Chuẩn bị cuộc sống sau khi chết là tập trung làm việc cho hiện tại. Những gì xảy ra tiếp theo là do những gì được sống hôm nay.

Di sản chất vấn về các năng lực của sự sống và cái chết giữa anh chị em. Chúng ta có luôn tôn trọng và lắng nghe từng người không? Một số người đã có thói quen thống trị người khác – và ngược lại? Chuẩn bị cuộc sống sau khi chết là tập trung làm việc cho hiện tại. Những gì xảy ra tiếp theo là do những gì được sống hôm nay.

Ông có thấy có khía cạnh tâm linh trong việc chia sẻ di sản không?

Qua Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa không sở hữu gì. Nhờ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chính Thiên Chúa ban chính mình là ơn, là  chuyển giao. Tôi trân trọng hình ảnh này của linh mục thần học gia Thụy Sĩ Maurice Zundel, ngài viết: “Với Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta ở trong thế giới của mối quan hệ. Để tồn tại dưới hình thức một ơn, tồn tại như một mối quan hệ với người khác, tồn tại trong một hơi thở thuần khiết của tình yêu.” Vì thế có một chiều kích thiêng liêng của kế thừa, theo nghĩa nó bao gồm cả hình thức không bám dính đối với của cải của chúng ta khi chúng ta còn sống…

Cũng vậy, việc chuẩn bị tang lễ liên quan đến khía cạnh vật chất…

Đúng, cả hai liên kết với nhau. Những người đến gặp chúng tôi trung bình ở tuổi 80. Thường là do các câu hỏi thực tế: ai sẽ lo việc chôn cất của tôi? Làm thế nào để các con tôi không phải trả gì? Ngoài ra, ngày càng có các tiến trình tâm linh. Họ muốn đám tang của mình là dịp để trao truyền đức tin. Đây là một ước mong cảm động nhưng lại có một trở ngại: tự do. Theo tôi, điều quan trọng là người thân có thể tự soạn cho mình một phần tang lễ. Vì khoảnh khắc này là điểm hiệp thông giữa mọi người với nhau. Việc chuẩn bị tang lễ cũng đòi hỏi một tinh thần buông bỏ.

Sau khi qua đời, người chết có để lại di sản thiêng liêng không?

Linh mục Jean Monbourquette, nhà tâm lý học người Quebec, Canada đã nghiên cứu rất nhiều về câu hỏi này. Ông nhắc lại tất cả giai đoạn tang chế mà nhà phân tâm Sigmund Freud đã đưa ra, đó là phủ nhận, giận dữ, thương lượng, xuống tinh thần và chấp nhận. Linh mục Jean Monbourquette bổ túc thêm một điểm cuối cùng, đó là có được di sản thiêng liêng của một người. Vì thế người đã khuất nhắc chúng ta về những gì tốt nhất của họ. Một cách làm phong phú qua sự hiện diện của họ là gần với các giá trị của họ và áp dụng những gì họ đã truyền qua cuộc sống của họ. Do đó, việc để lại vật chất chỉ là phần hữu hình của những kế thừa liên thế hệ.

Ông Christian de Cacqueray là tác giả quyển Cái chết bị tịch thu. Tiểu luận về sự suy tàn của các nghi thức tang lễ (La Mort confisquée. Essai sur le déclin des rites funéraires, CLD, 2005) và Tiến trình Từ giã, Các con đường cuộc đời (Parcours d’adieux, chemins de vie, nxb. Salvator, 2016). Các lựa chọn này là của chúng ta. Vì tất cả mọi từ bỏ đều bao hàm một tang chế.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Vì sao họ chọn di tặng?

Các chúc thư của Covid-19