Các cha xứ có phải đổi nhiệm sở mỗi sáu năm không? 

1603

Các cha xứ có phải đổi nhiệm sở mỗi sáu năm không?

 la-croix.com, Christophe Henning, 2020-08-26

Trong khi Vatican đã tái khẳng định về sự cần thiết tái bổ nhiệm các linh mục vô thời hạn, thì ở Pháp, theo thông lệ các cha xứ đổi nhiệm sở mỗi sáu năm. Báo La Croix phỏng vấn các linh mục họ nghĩ gì về chuyện này, đôi khi vấn đề được đặt ra vì bối cảnh mới của Giáo hội.

Tháng 9 cũng là tháng… tựu trường, đối với một số giáo dân, tháng tựu trường cũng là tháng bắt đầu với một cha xứ mới: trong đa số trường hợp, thường các cha loan báo việc mình được thuyên chuyển trước khi các cha đi nghỉ hè. Các thay đổi nhiệm sở luôn là sự kiện đối với giáo dân cũng như đối với chính các linh mục.

Thời kỳ đại dịch Covid là thời kỳ khó khăn để có các bổ nhiệm mới, đôi khi bị hoãn vài tháng. Đây cũng là dịp để suy nghĩ về các thuyên chuyển, dù ở đa số các giáo phận, các linh mục thường lớn tuổi và ngày càng ít hơn… Thuyên chuyển linh mục từ giáo xứ này sang giáo xứ khác là tạo ra các thay đổi, tạo chuỗi biến đổi dây chuyền theo một phương trình khó khăn: cũng giống như thay ghế trong các ban nhạc, đôi khi có nhiều ghế trống hơn là ghế có người ngồi…

Kể từ Công đồng Vatican II, Giáo hội Pháp khuyến khích nên thuyên chuyển, dựa trên nguyên tắc trung bình là sáu năm, có thể tái gia hạn hai lần, mỗi lần ba năm. Một quy tắc đang ngày càng giảm. Một mặt, từ giáo phận này sang giáo phận khác, các con số đang xuống. Mặt khác, linh mục cần thêm thì giờ để tìm hiểu các giáo xứ rộng lớn được giao cho họ ngày nay. Một chỉ dẫn mới đây ngày 29 tháng 6, có tựa đề “Sự hoán cải mục vụ của cộng đoàn giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội”, nhắc nhở chúng ta quy luật của “vấn đề”. Trong bản văn này, Bộ Giáo sĩ khuyến khích kéo dài bổ nhiệm: “Như Công đồng Vatican II khẳng định, cha xứ trong mỗi giáo xứ, nhiệm vụ của mình là vui về sự ổn định cần thiết cho lợi ích các tâm hồn”. Do đó, theo nguyên tắc chung, cha xứ được yêu cầu “được bổ nhiệm vô thời hạn”. Một nhiệm vụ trong một thời gian nhất định , với điều kiện không “quá ngắn”. Tối thiểu là năm năm, Bộ quy định, giám mục có thể thuyên chuyển linh mục “nếu thấy lợi ích cho các tâm hồn hoặc vì sự cần thiết, hoặc hữu ích mà Giáo hội đòi hỏi”.

Linh mục, nhà xã hội học Nicolas de Brémond của giáo xứ Ars giải thích: “Làm thế nào để đưa cải tổ của Công đồng Vatican II xuống giáo xứ nhỏ nhất? Từ Rôma về, các giám mục Pháp lo lắng về quyền lực của các linh mục ít thuyên chuyển. Vì thế cần có nhiệm kỳ với thời hạn ấn định, một điều khoản do Rôma quy định và giám mục Pháp mong muốn”. Được áp dụng từ lâu, tính đặc trưng này của nước Pháp đã mất địa bàn. Từ giáo phận này sang giáo phận khác, việc quy định thời hạn không còn mang tính hệ thống. Linh mục Paul-Antoine Drouin, linh mục tổng đại diện giáo phận Mans (Sarthe) chất vấn: “Mặt khác, ai có thể được gửi đến để yêu một cộng đoàn giáo xứ đức tin với một nhiệm kỳ ấn định? Phục vụ dân Chúa là lâu dài. Vào cuối sáu năm, khi linh mục và giáo dân biết lỗi của nhau đó là lúc bắt đầu đấu tranh để yêu nhau.”

Sau bốn hoặc năm lần bổ nhiệm liên tiếp, Linh mục André-Benoỵt Drappier, 59 tuổi, đánh giá cao thời gian cố định, ngài giải thích: “Sau một thời gian, tôi cảm thấy hao mòn. Nhưng vì biết thời gian ấn định là 6, 9 hoặc 12 năm, tôi biết tôi có thể thuyên chuyển và tôi cho giáo phận biết tôi sẵn sàng.” Mỗi lần thuyên chuyển đến chỗ mới là một năng động mới, linh mục đến gặp  cộng đồng mới được giao phó cho mình, đôi khi còn theo yêu cầu của cha: “Lần cuối cùng, tôi đưa ra bốn đề nghị, một trong các đề nghị này được giám mục giữ lại.”

Một mong muốn đối thoại được Đức Giám mục Bruno Feillet, giám mục phụ tá giáo phận Reims xác nhận: “Luôn có trao đổi với linh mục liên hệ.” Ở giáo phận Reims, quy tắc 6 + 2 × 3 không phải là quy tắc bằng đá, nhưng thường được áp dụng để giúp linh mục tổ chức một thời gian trung hạn để có thể đề nghị một đào tạo và có một năm nghỉ ngơi. Nhưng Giám mục Feillet xác nhận, trên thực tế đôi khi có các thuyên chuyển nhanh để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp…

Trong văn bản Rôma, Đức Hồng y Benianimo Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ nêu rõ, “điều cần thiết là cha xứ có thể tạo một liên kết hiệu năng, hiệu quả với cộng đồng được giao phó cho mình.” Tuy nhiên, tại chỗ ngài có toàn quyền hành động với lời nhắc nhở: “Chính cha xứ là người phục vụ giáo xứ, chứ không phải ngược lại”. Dù các giáo dân không được hỏi ý kiến để chọn mục tử cho mình nhưng vì cộng đoàn đa dạng nên mỗi khi có thuyên chuyển, luôn có một số hài lòng và một số không hài lòng. Linh mục Drappier cho biết: “Linh mục không phải là giáo xứ. Linh mục tìm cách hòa nhập vào với những gì đã có. Và chính qua các nét chấm phá nhỏ, mà linh mục mang đến thay đổi, luôn tôn trọng di sản và các nhân vật trong giáo xứ.”

Linh mục Jean-Eudes Fresneau, cha xứ của giáo xứ Sarzeau được bổ nhiệm vào tháng 5 năm ngoái giải thích: “Khi chúng tôi đến một giáo xứ, chúng tôi cần thời gian để thích nghi. Phải tìm hiểu giáo dân trước khi bắt tay vào các dự án mục vụ.” Đôi khi các sự kiện có thể tái phân bố lại: cha xứ ở Lorient từ hai năm nay, cha đồng ý rời bỏ chức vụ để giúp thành lập một cộng đoàn huynh đệ gồm một số linh mục. Một trong các cha cho biết: “Chúng tôi không được gửi đến một vùng nào, nhưng đến các cộng đoàn có trách nhiệm cho khoảng năm mươi tháp chuông. Phải đi hàng chục cây số để dâng thánh lễ cho một số ít giáo dân là một chuyện khó. Có nên quan tâm đến các hòn đảo của phụng vụ hoang vắng không? Các giám mục Paris chưa thỏa thuận, việc duy trì mạng lưới vùng đất vẫn còn xáo trộn. Linh mục Brémond ở Ars nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tất cả các linh mục thành các cha xứ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các giáo xứ. Không phải ai cũng có thiên chức hoặc năng lực. Áp lực rất mạnh và có thể tạo ra đau khổ thực sự.”

Việc bổ nhiệm đôi khi còn tuân theo hệ thống “thăng tiến” bất thành văn, dù ai cũng biết không có tinh thần thăng quan tiến chức trong ơn gọi linh mục. Đi từ một giáo xứ nhỏ đến một phụ trách một giáo xứ quan trọng hơn, cha phó thành cha chánh xứ: thời gian sáu năm đảm bảo một thuyên chuyển xoay vòng. Với kim tự tháp tuổi tác, việc thăng tiến trở nên khó khăn hơn. Còn thêm cảm giác mệt mỏi, linh mục Drouin thổ lộ: “Ngày nay, các linh mục 60 hay 65 tuổi xin phục vụ ở các giáo xứ ít việc hơn.”

Trì chí trong sứ vụ và đến với cộng đoàn: khó để chọn lựa giữa lời mời gọi của Đức Phanxicô “mục tử phải thấm mùi đàn chiên của mình” và hình ảnh Thánh Phaolô đi từ cộng đoàn này qua cộng đoàn khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên hệ: Bộ Giáo sĩ công bố Huấn thị về cải cách giáo xứ và tái cơ cấu giáo phận