#MeToo và các phong trào mới trong Giáo hội
international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2020-07-08
Mở ra một chương mới trong lịch sử của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Đức Phanxicô đã bắt đầu tăng tốc tiến trình toàn cầu hóa của Giáo hội Công giáo.
Vẫn đúng theo câu “mọi con đường đều dẫn đến Rôma”, nhất là khi chúng ta nghĩ đến các vụ lạm dụng tình dục và các loại lạm dụng khác trong Giáo hội.
Trong vài tuần qua, theo yêu cầu, Vatican đã can thiệp vào việc quản trị của một giáo phận địa phương (ở Ba Lan) và hai cộng đồng giáo dân (Tu viện Bose và Memores Domini của Hiệp thông và Giải phóng).
Một lần nữa Rôma đã gởi các nhà điều tra riêng của mình và các đại diện đến để giải quyết vấn đề nội bộ của một tổ chức, vượt quyền các giám mục địa phương và các hội đồng giám mục quốc gia.
Sự giải tập trung thực sự khó thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng hệ thống. Nhưng cũng có một khía cạnh đặc biệt đụng chạm đến một trong các thành công của công giáo thời những năm 1940-1960: các phong trào và cộng đoàn tu sĩ mới.
Phong trào Schoenstatt là phong trào mới nhất…
Tuần trước, các viện dẫn về một cộng đoàn Công giáo mới này được đưa ra ánh sáng: lần này liên quan đến Phong trào Tông đồ của Schoenstatt.
Bà Alexandra von Teuffenbach, nhà sử học Giáo hội Đức đang nghiên cứu tại Thư khố Vatican, viện dẫn rằng các nhà điều tra Tòa Thánh đã buộc tội người sáng lập Cộng đoàn Schoenstatt, Cha Joseph Kentenich (1885-1968), lạm dụng tình dục và lạm quyền đối với các thành viên nữ của phong trào.
Trong một lá thư gửi cho nhà báo người Ý Sandro Magister, bà nhấn mạnh, đây là lý do thực sự khiến Vatican gửi Kentenich đi lưu vong ở Hoa Kỳ vào năm 1951 – kéo dài 14 năm, chứ không phải vì nghi ngờ về viễn cảnh của giáo hội, một phong trào do linh mục người Đức thành lập.
Tòa Thánh đã thực hiện hai chuyến thăm tông đồ đến phong trào này giữa năm 1949 và 1953.
Chủ tịch của phong trào Schoenstatt đã công bố một tuyên bố sắc bén mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc chống lại người sáng lập, mà án phong chân phước đã được mở ra năm 1975. Tiến sĩ von Teuffenbach không đưa ra bằng chứng đáng kể nào về bất kỳ cáo buộc nào.
Đánh giá lại vai trò của các phong trào giáo hội mới
Sẽ mất thì giờ để kiểm tra tất cả các tài liệu. Nhưng cho dù cáo buộc sẽ được xác nhận hay không, đây vẫn là một dấu hiệu khác cho thấy có một phong trào MeToo (Cả tôi nữa) trong Giáo hội công giáo để đối diện với cuộc khủng hoảng lạm dụng.
Nó có ảnh hưởng trong Giáo hội vì nó đã tập trung vào một lĩnh vực mà kinh nghiệm công giáo trên toàn thế giới cho đến bây giờ đã coi thường: các phong trào và các cộng đoàn tu sĩ mới.
Phong trào MeToo đã có tác động trên một quy mô rộng lớn đối với các quan hệ nam nữ trong thế giới thế tục bằng cách lên tiếng cho các phụ nữ sống sót sau các vụ quấy rối tình dục, sau các vụ tấn công và các hành vi sai trái. Nó cho thấy các lạm dụng như thế vẫn còn là một vấn đề hệ thống.
Tác động đáng kể nhất của MeToo đối với Giáo hội công giáo có thể nằm trong các phong trào và cộng đoàn tu sĩ mới, bởi vì các động lực giáo hội và xã hội điển hình cho một cách mới để trở thành thành viên của Giáo hội.
Đức Phanxicô đã bắt đầu tái lượng định vai trò của các phong trào này, trước khi Giáo hội bước qua một giai đoạn mới trong lịch sử cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục vào năm 2018.
Trong một loạt các bài nói chuyện và phát biểu, ngài cho thấy một số điểm không liên tục với chính sách “khoán trắng” mà Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã theo, liên quan đến các phong trào và cộng đoàn tu sĩ mới.
Đức Phanxicô cho thấy một nhận thức sâu sắc hơn về các rủi ro của chủ nghĩa độc đoán và kinh nghiệm sùng bái trong các nhóm tập hợp giáo dân mới.
Các nhóm bảo thủ mạnh mẽ và lạm dụng
Sự trùng hợp về thời gian giữa phong trào MeToo và giai đoạn thứ hai của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục (đặc biệt với các tiết lộ và điều tra từ Hoa Kỳ, Chilê và Úc, cũng như từ Châu Phi và Châu Á) đã đẩy nhanh thời điểm phán xét của Giáo hội công giáo về các phong trào mới.
Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, chủ tịch Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Gregorian ở Rôma trong một bài viết cuối năm 2017 đã lưu ý: “Trong vài năm gần đây […] chúng tôi đã thấy một vài trong các nhóm tôn giáo này – mà một số trong đó có các quan điểm bảo thủ mạnh gắn liền với các hình thức phụng vụ và thần học truyền thống – cuối cùng đã trở thành các trung tâm của nhiều hình thức lạm dụng nghiêm trọng”.
Ngài viết tiếp: “Trong số các trường hợp đáng chú ý là trường hợp của Đạo binh Chúa Kitô (ở Mêhicô), Cộng đoàn Beatitudes (Pháp), Cộng đoàn Comunità Missionaria di Villaregia ở miền bắc nước Ý, Cộng đoàn Sodalitium Christianae Vitae (chủ yếu ở Pêru), cũng như các nhóm chung quanh linh mục Fernando Karadima ở Santiago, Chilê.
Kể từ đó, sự chú ý nhắm đến hiện tượng lạm dụng trong Giáo hội đã mở rộng: lạm dụng các nữ tu (tuyên bố tháng 11 năm 2018 của Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Dòng) và các lạm dụng trong các cộng đoàn công giáo, khác nhau theo từng giáo xứ, từng Dòng.
Điều quan trọng ở đây là nó bao gồm các tiết lộ tháng 6 năm 2019 về các trường hợp sai trái tình dục trong cộng đoàn Taize, một cộng đoàn không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội công giáo.
Nhưng điều gây sốc nhất là các tiết lộ tháng 2 năm 2020 liên quan đến ông Jean Vanier, người sáng lập Cộng đoàn Arche. Làn sóng tiết lộ này không chỉ tạo ra tranh luận công khai về các phong trào và cộng đoàn mới mà nó còn đòi hỏi một loại đáp ứng mới của thể chế.
Mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử lạm dụng Giáo hội
Chẳng hạn vào cuối năm 2019, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống – văn phòng Vatican chính thức công nhận các phong trào và tổ chức thế tục công giáo quốc tế – đã ra lệnh cho các nhóm thiết lập chi tiết các hướng dẫn và quy tắc bảo vệ trẻ em để xử lý các cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương.
Các cáo buộc chống lại các người sáng lập và lãnh đạo các phong trào và cộng đoàn công giáo sẽ có thể mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử của cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội.
Các phong trào mới này đưa ra một cam kết ổn định và một quy tắc để các thành viên tuân theo, có thể là văn bản hoặc đơn giản là một phần trong cách sống của họ; đôi khi thấm đậm toàn bộ cuộc sống của các thành viên và mạng xã hội của họ.
Các loại thuộc về (giáo dân, tu sĩ hoặc cả hai) và lối sống (độc thân, gia đình, cộng đoàn, đan tu hay truyền giáo) khác nhau từ phong trào này qua phong trào khác, và trong cùng một phong trào có thể thay đổi tùy từng khu vực khác nhau trên thế giới.
Điều quan trọng để hiểu các phong trào này trong vấn đề khủng hoảng lạm dụng là cách họ điều hành: thẩm quyền và sức cuốn hút của người sáng lập và của các nhà lãnh đạo đóng vai trò lớn hơn nhiều so với các giáo xứ công giáo bình thường hay nhà dòng.
Các hệ thống thể chế để kiểm soát quyền lực của nhà sáng lập hoặc các nhà lãnh đạo thậm chí còn ít hơn trong tổ chức giáo xứ hoặc trong một nhà dòng. Và trong 40 năm qua, Rôma và nhiều giám mục đã khoán trắng cho các phong trào này, họ hoàn toàn độc lập trong công việc điều hành, họ được xem là đáp ứng sáng tạo nhất đối với phong trào thế tục hóa.
Đặt các phong trào mới “trên bệ”
Đây là thời điểm đặc biệt tế nhị vì nhiều lý do.
Lý do đầu tiên là một chương điều tra mới về các phong trào sẽ gây rắc rối nhiều cho di sản của Đức Gioan-Phaolô II, người ủng hộ quan trọng nhất của hiện tượng mới này trong triều giáo hoàng của ngài. Ngài có một ưu tiên rất rõ ràng đối với những người có khuynh hướng thần học và chính trị bảo thủ (một điểm khác biệt chính so với Đức Phanxicô).
Lý do thứ nhì này khá tế nhị đối với lịch sử các phong trào và cộng đồng mới trong tổng thể chung của nó. Chúng ta đang chứng kiến thế hệ của các người sáng lập truyền dấu ấn cho thế hệ lãnh đạo đầu tiên được bầu hoặc được nhà sáng lập tiến cử.
Lý do thứ ba là các thành viên và các người ủng hộ có thể xem các cáo buộc chống lại các phong trào này và các cộng đoàn mới như một thử nghiệm thêm nữa trong lịch sử của thù địch vừa từ Giáo hội và vừa từ “thế giới”.
Nhất là vào cuối những năm 1970, một phần lịch sử các phong trào mới cũng là lịch sử của các hiểu lầm và đấu tranh quyền lực với Giáo hội giáo sĩ và thể chế.
Lý do thứ tư và lý do cuối cùng là các thành viên của các phong trào mới liên hệ chặt chẽ với nhà sáng lập qua mối dây căn tính cá nhân và qua gắn bó tình cảm sâu đậm hơn so với người công giáo trung bình có với linh mục giáo xứ hoặc giám mục của họ.
Như vậy, việc đưa các phong trào và cộng đoàn công giáo mới vào một bệ, có thể nói như thế, sẽ tái kiểm tra lại các thành quả của “lời kêu gọi thánh thiện phổ quát” mà Công đồng Vatican II đã chủ trương.
Nhiều người công giáo (cả chính tôi là thành viên trong hơn 20 năm của Hiệp hội Hướng đạo Nam Nữ Công giáo Ý, AGESCI) đã thấy các phong trào này hữu ích hơn nhiều so với Giáo hội vùng nên đã đi theo tiếng gọi này.
Làm chính trị trong Giáo hội
Nhưng các phong trào này cũng đã trở thành một phần chính trị Giáo hội, như chúng ta đã thấy vai trò của họ trong việc đẩy nhanh việc phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II.
Ngay sau khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, câu khẩu hiệu “Phong thánh ngay” (Santo subito) của Phong trào Focolare đã trở thành câu chuyện cực kỳ thành công của một câu khẩu hiệu.
Nó cũng mở ra một khuynh hướng nguy hiểm tiềm tàng trong thể chế công giáo hiện đại, gần như tự động phong thánh cho tất cả các giáo hoàng thế kỷ vừa qua: một trong các chuyện mà cuộc khủng hoảng lạm dụng giúp chúng ta xem xét lại.
Thêm một lần nữa, tất cả điều này cho thấy cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội công giáo đòi hỏi một sự phân định có tính cách lịch sử, thần học và giáo hội học trong một thái độ minh bạch và trách nhiệm, không biểu tượng ý thức hệ cũng không biện giải ích kỷ.
Cho dù chúng ta thích hay không thích các phong trào mới và các cộng đoàn mới, điều thách thức ở đây, đây là một phần quan trọng của Giáo hội công giáo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch