Một mệnh lệnh về bất bạo động  

184

Một mệnh lệnh về bất bạo động

Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình (5/7)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Một tiên tri, Daniel Berrigan trình bày, phải làm một lời thề nguyện cho tình yêu chứ không phải cho thù hận. Các tiên tri cao cả về công bằng xã hội của thời hiện đại (những người như Gandhi, Dorothy Day, Thomas Merton, Gustavo Gutiérrez, William Stringfellow, Oscar Romero, Jim Wallis và Richard Rohr) tất cả đều đồng ý với điều này. Tình yêu, không thù hận, là cơ sở cho bất bạo động và bất bạo động là nền tảng có thể duy nhất cho một trật tự thế giới mới của công lý và hòa bình.

Vì thế, ví dụ, Jim Wallis đề nghị mệnh lệnh sau đây cho bất cứ nỗ lực đấu tranh bất bạo động nào để tạo nên công lý và hòa bình:

Tất cả các hành động của chúng ta cho hòa bình phải bắt nguồn từ mãnh lực của tình yêu và sự thật, và phải được thực hiện với mục đích làm sao cho mãnh lực đó được biết đến chứ không phải để cho chính chúng ta được biết đến. Động lực của chúng ta phải luôn luôn tỏ ra cho mọi người biết sự thật chứ không phải thể hiện chúng ta đúng, họ sai. Những hành động tốt nhất của chúng ta là những điều chúng ta đồng tình công nhận và được đánh dấu bằng tinh thần ăn năn và khiêm nhường chân thành. Hành động xấu nhất của chúng ta là hành động làm để chứng tỏ chúng ta đúng, trong sáng, đạo đức, xa với bạo lực mà chúng ta đang phản kháng.

Bất cứ khi nào niềm kiêu hãnh vượt qua sự phản kháng, thì chúng ta chỉ đơn giản lặp lại theo kiểu chính sách tự phán xét công bình của người theo trào lưu chính thống: “Tôi được cứu còn bạn thì không.” Hành động thực hiện công khai luôn mang theo nó mối nguy hiểm to lớn của kiêu căng. Do đó nó luôn luôn phải được làm trong tinh thần khiêm nhường và mời gọi.

Phán xét, kiêu ngạo, độc đoán, đặc nét thường có trong sự phản kháng của chúng ta, là dấu hiệu của tinh thần chưa trưởng thành và nếu thể hiện qua những nét như vậy, thì chỉ có tác dụng làm dân chúng chai cứng trong quan điểm hiện có của họ. Phản kháng dễ duy trì cũng như dễ tan biến trong mù quáng của dân chúng.

Hơn nữa, chưa bao giờ chúng ta cần một bất bạo lực chân chính như bây giờ. Tuy nhiên, dụng cụ chính của nó là ứng dụng sức mạnh tinh thần chứ không phải sử dụng áp bức. Một vấn đề rất nghiêm trọng trong tiến trình hòa bình là đôi khi các cuộc tấn công ẩn giấu, sự lèo lái, cái tôi quyết đoán, khát vọng khiêu khích có thể hoạt động dưới bề mặt của luân lý bình thường về các cam kết bất bạo động. Những chiếc mặt nạ hoa mỹ của bất bạo động có thể được sử dụng để che đậy ý chí quyền lực vốn là nền tảng của bạo lực. Mong muốn giành chiến thắng trên người khác, đánh bại kẻ thù, làm nhục đối thủ, tất cả là đặc điểm của bạo lực và vẫn là còn là vết thương đau đớn trong hầu hết các nỗ lực hòa bình của chúng ta.

Sự tức giận, đấu đá và thiếu tôn trọng người khác của chúng ta, chỉ là bằng chứng xấu cho thấy ý chí quyền lực đã vượt trội. Từ bây giờ chúng ta nên biết bạo lực cũng chỉ là một cái cớ. Nếu điều đó đúng, thì bạo lực của bất đồng trực tiếp liên hệ đến bạo lực của trật tự đã được thiết lập. Trong thực tế, nó chỉ đơn thuần là một phản chiếu của nó. Chúng ta cũng không thể biện minh cho những thái quá trong tiến trình hòa bình và trong chính bản thân mình bằng cách dùng đến một thứ bạo lực lớn hơn trong hệ thống. Sự cấp bách của tình hình hiện nay kêu gọi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các hành động chúng ta thực hiện. Trọng tâm là, bất bạo lực không cố gắng vượt lên đối thủ để đánh gục họ nhưng làm sao thuyết phục họ. Nó cố gắng để biến kẻ thù thành bạn, không phải bằng chiến thắng trên họ, nhưng bằng việc có được họ.

Đồng thời, kiên nhẫn là trọng tâm của bất bạo động. Bất bạo lực dựa trên kiên nhẫn mà Kinh Thánh gọi là “chịu đựng mọi thứ.” Thomas Merton nói rằng gốc rễ của chiến tranh là sự sợ hãi. Nếu điều đó là đúng, thì chúng ta phải hiểu biết hơn về các nỗi sợ hãi mà mọi người có. Người kiến tạo hòa bình hữu hiệu nhất là người có thể hiểu các nỗi lo sợ của người khác.

Cuối cùng, việc kiến tạo hòa bình ôn hòa phải bắt nguồn từ hy vọng chân thành vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng thay đổi vạn vật. William Stringfellow một lần đã trách cứ một nhóm hòa bình về tác dụng này: “Tôi nhận thấy trong các đối thoại của các người có một thiếu sót chủ chốt, đó là không đề cập đến sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chiến thắng của Chúa trên sức mạnh của sự chết đã là một sự đảm bảo và nhiệm vụ khiêm tốn trong việc kiến tạo hoà bình của chúng ta chỉ đơn giản là sống sao cho biểu lộ được điều này. Chúng ta không phải chiến thắng trên sức mạnh của sự chết bằng chính động lực, nỗ lực, chiến lược của chúng ta. Chúng ta không cần phải đánh bại sự chết một lần nữa. Thánh Vịnh 58 nói với chúng ta: “Duy chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng cai quản thế giới.” Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Hy vọng, chứ không phải giận dữ, dẫn đường cho công việc phản kháng của chúng ta. Hơn nữa, niềm hy vọng đó, tin nơi quyền năng của sự sống lại, không phải chỉ là cảm nhận hay tâm trạng mà là một chọn lựa cần thiết cho sự sống còn.”

Đương nhiên, Chúa Giêsu là gương mẫu tối cao của người kiến tạo hòa bình ôn hòa. Người không bao giờ làm theo bạo lực và bất công mà Người đang cố gắng để thay đổi. Vì thế, qua biến cố, chúng ta thấy Người hóa giải và cải hóa đám đông, một đám đông đã thiên về bạo lực, điều đó minh họa cho thấy cấu trúc của bạo lực và bất bạo lực một cách rõ ràng.

Biến cố diễn ra khi đám đông giận dữ mang đến cho Chúa Giêsu người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Để hiểu toàn bộ hành động bất bạo động của Chúa Giêsu ở đây, chúng ta xem lại sự tương phản giữa câu chuyện này với một sự kiện tương tự (tuy kết cục khác nhau) trong sách tiên tri Đa-ni-en. Cả hai chuyện giống nhau lạ lùng. Trong mỗi câu chuyện, người phụ nữ vô tội bị đám đông đe dọa, được một người trung gian can thiệp và sự việc được thay đổi. Tuy nhiên, kết thúc mỗi chuyện khác nhau, một trong ôn hòa, một trong bạo lực.

Sách Đa-ni-en ghi lại câu chuyện Đa-ni-en cứu Susanna, người phụ nữ xinh đẹp và vô tội. Câu chuyện như sau: Có một hôm, hai vị trưởng lão thấy bà Susanna tắm và thèm khát bà. Họ đến gần bà với ý xấu, nhưng bà cự tuyệt và quyết giữ đạo đức. Cay cú và ghen tỵ với sự mạnh mẽ của bà, họ vu cáo bà về tội ngoại tình, dẫn bà đến trước đám đông và luật sĩ để chống bà. Bà bị lên án tử hình và khi đang dẫn đi xử thì Đa-ni-en thấy gian dối và bất công, ông can thiệp với đám đông. Ông tố cáo hai ông già nói dối và minh chứng bằng cách tách họ ra để hỏi cung. Tất nhiên, họ nói ngược nhau, chứng minh bà Susanna vô tội. Tuy vậy, Đa-ni-en không làm đến cùng. Ông làm cho đám đông chống lại những kẻ vu cáo, lên án họ chết, và đám đông, trong cơn điên cuồng cảm xúc buộc những kẻ vu cáo phải chết. Hai người đàn ông đã bị ném đá đến chết, chính cái chết mà họ đã định cho bà Susanna.

Câu chuyện giống nhau nhưng cách làm khác nhau, Chúa Giêsu bình tĩnh bác bỏ yêu cầu của những kẻ tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Bà bị lên án tử hình, vì tội ngoại tình. Không giống bà Susanna, bà này phạm tội thật, nhưng tội chỉ chuyện phụ so với những gì xảy ra. Rõ ràng, cũng như bà Susanna, người phụ nữ này bị lôi ra ở đây là do ghen tức và đám đông cuồng loạn, vì thế, về mặt cơ cấu là vô tội, dù cho bà phạm tội. Và cũng như Đa-ni-en, Chúa Giêsu đối mặt với đám đông. Phản kháng của Ngài với đám đông thì xuyên thấu lương tâm hơn Đa-ni-en – “Ai vô tội thì ném đá trước đi!” và điều này đã có một hiệu quả rất khác biệt.

Cũng như bà Susanna, người phụ nữ được cứu, nhưng không có cảnh đám đông theo bà. Những gì xảy ra theo sau là một cảnh trái ngược hoàn toàn với một đám đông cuồng nộ khát máu:

“Tất cả bọn họ bỏ đi từng người một, bắt đầu từ người già nhất”. Lời Chúa Giêsu không chỉ cứu người phụ nữ nhưng còn hóa giải một ngòi nổ tiềm ẩn. Không ai phải chết trong ngày đó. Thay vào đó, mọi người về nhà trong tâm tư nhạy cảm hơn với lòng khiêm nhường và sự thật.

Các nỗ lực bất bạo động cho công lý và hòa bình được thực hiện theo cách này. Cũng như Chúa Giêsu, chúng không làm cho đám đông chống lại bất cứ ai, vô tội hay có tội. Hơn thế nữa, chúng nhẹ nhàng chạm đến phần lương tâm vốn là nơi nhạy cảm và bất khả xâm phạm, nơi mà chân lý vang dội sự thật và nơi mà hòa bình vẫn là một khao khát dịu dàng. 

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)

Xin đọc thêm: Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả

Công bằng xã hội Kitô giáo là gì?

Nền tảng Kinh Thánh về Côg Bằng Xã Hội

Kiến tạo hoà bình bất bạo động