Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả

214

Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả

Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình (1/7)

Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Sức mạnh mà không có lòng thương xót là bạo lực

Lòng thương xót mà không có công lý chỉ là cảm tính đơn thuần

Công lý mà không có tình yêu là chủ nghĩa Mác

Và… tình yêu mà không có công lý là chuyện vớ vẩn!

Đức Cố Hồng Y James SIN (Phi Luật Tân)

Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả

Thiên Chúa yêu cầu chúng ta chỉ có một điều, đó là chúng ta “thực thi công bình, yêu chuộng nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa.” Như chúng ta vừa thấy ở trên, làm sao để điều đầu tiên trong các mệnh lệnh này, lời mời gọi cộng tác cho công bằng xã hội, là một trong các rường cột thiết yếu không tranh cãi của Linh đạo Kitô giáo. Tuy nhiên vẫn còn một số câu hỏi khá quan trọng liên quan chính xác đến công bằng xã hội là gì, động lực nào sẽ thúc đẩy được nó, và cần thực thi công lý cách nào để nó ôn hòa bất baọ động).

Thực thi công bình là gì? Công bằng khác với đức ái riêng tư  thế nào? Thêm nữa, làm sao để năng lực đằng sau hành động cho công lý của chúng ta không là mô phỏng bạo lực và bất công mà chính chúng đang cố gắng thay đổi? Làm thế nào để chúng ta giúp đỡ các nạn nhân mà không làm cho chính mình thành những nạn nhân kế tiếp?

Thực thi công bằng đòi hỏi phải làm sáng tỏ một vài điều về những gì là công bằng xã hội và làm thế nào để công bằng xã hội được thực thi trong vai trò Kitô hữu.

Công bằng xã hội Kitô giáo là gì?

Công bằng vượt trên đức ái riêng tư – một dụ ngôn

Có một câu chuyện đã được kể, đến nay cũng khá nổi tiếng trong phạm vi công bằng xã hội:

Ngày xưa có một thị trấn được xây dựng trên khúc quanh của dòng sông lớn. Ngày nọ, những đứa trẻ thị trấn chơi bên cạnh dòng sông và thấy ba người nổi trên mặt nước. Chúng chạy đi kêu cứu và dân trong vùng nhanh chóng kéo các xác đó lên.

Một người đã chết nên được chôn cất. Một người còn sống, nhưng khá yếu nên được đưa vào bệnh viện. Người thứ ba là một đứa trẻ khỏe mạnh, vì vậy em được đưa vào một gia đình để được chăm sóc và được đi học…

Từ đó, mỗi ngày lại có một số người trôi trên sông, và mỗi ngày, những người tốt bụng trong thị trấn lại kéo lên để rồi tùy theo đó mà đưa người yếu sức đến bệnh viện, đưa các trẻ em vào các gia đình mới, và chôn cất những người đã chết.

Chuyện này xảy ra trong nhiều năm, từng ngày lại có một số người trôi sông, và dân cư trong vùng không chỉ dự tính là sẽ có những người trôi nổi mà còn làm việc theo một cơ chế vận hành tinh vi phát triển hơn để lo liệu cho họ. Một số cư dân trở nên khá quảng đại trong việc chăm sóc này, có một vài ngoại lệ phi thường đã bỏ công việc riêng của mình để toàn tâm toàn ý lo cho việc này. Cả thị trấn cảm thấy một niềm tự hào lành mạnh nhất định về lòng quảng đại của mình.

Tuy nhiên, trong suốt những năm đó và bất kể tất cả lòng quảng đại và cố gắng này, tuyệt nhiên không một ai nghĩ đến việc đi ngược lên dòng sông, vượt khúc quanh mà bao năm ẩn khuất khỏi tầm mắt của họ để biết cái gì trên đó, và tìm hiểu lý do tại sao, mỗi ngày, có những xác người trôi xuống khúc sông của họ.

 Công bằng như một đòi hỏi Biến đổi các hệ thống

Dụ ngôn này làm nổi bật cách khá đơn giản thế nào là khác biệt giữa đức ái riêng tư và công bằng xã hội. Đức ái riêng tư đáp ứng nhu cầu cho người vô gia cư, người bệnh, người chết nhưng tự nó không thử đi tìm vì sao các nạn nhân lâm vào cảnh này. Công bằng xã hội nỗ lực đi ngược lên khúc sông trên cao, tìm cách thay đổi nguyên nhân gây nên cảnh có kẻ không nhà, người bệnh, và người chết.

Vì thế, công bằng xã hội nỗ lực nhìn nhận vào hệ thống (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo và thần nhiệm) mà chúng ta đang sống để định danh và thay đổi những điều thuộc kết cấu đã gây nên sự thật rằng một số trong chúng ta chịu đau khổ trừng phạt quá mức trong khi một số khác được hưởng đặc ân quá mức. Vì vậy, công bằng xã hội phải hành động với các vấn đề như nghèo đói, bất công, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, phá thai, thiếu quan tâm đối với sinh thái, bởi vì những gì liên hệ đến gốc rễ các vấn đề trên không phải là lỗi phạm riêng tư của một vài người hoặc sự bất xứng riêng lẻ của một số cá nhân mà đúng hơn chính là do một hệ thống mù quáng khổng lồ vốn tự nó đã không công bằng.

Do đó công bằng khác với đức ái cá nhân: Bác ái là cho người đói ăn, trong khi công bằng thì cố gắng thay đổi hệ thống để không ai thừa mứa thức ăn trong khi người khác lại đói; làm từ thiện chỉ đơn thuần đối xử tử tế với người thân cận, trong khi công bằng thì nỗ lực vươn tới gốc rễ sâu xa hơn của sự phân biệt đối xử; bác ái là giúp đỡ các nạn nhân cụ thể của chiến tranh, trong khi công bằng xã hội cố gắng thay đổi những sự kiện dẫn đến chiến tranh trên thế giới. Bác ái nhân nhượng khi người giàu cho người nghèo tiền, trong khi công bằng chất vấn tại sao một người lại có thể giàu như thế trong khi rất nhiều người lại quá nghèo.

Vì vậy, một ví dụ rằng, bài bình luận gần đây của tạp chí Sojourners không ấn tượng lắm về việc ông Ted Turner, tỷ phú người Mỹ, đã tặng một tỷ đô la cho Liên Hiệp Quốc: “Tôi làm cho người giàu quan tâm. Họ sẽ lắng nghe tôi về việc cho đi của cải mình.” Thay vì ca tụng món quà khổng lồ của ông Turner, tờ báo Sojourners bình luận “Thiên Chúa đã làm cho người giàu biết quan tâm trước khi ông Turner làm như vậy” và chất vấn quan trọng hơn là “tại sao có người lại có nhiều đến mức thừa mứa (lại còn được khen vì giàu) trong một đất nước mà nạn nghèo đói tăng lên (đặc biệt là ở trẻ em!)”  Đây là kiểu bình luận nhằm làm sáng tỏ công bằng xã hội là gì.

Công bằng xã hội là phải thay đổi đường lối để tổ chức làm sao cho mỗi người có một chỗ đứng bình đẳng trên thế giới này. Nói một cách đơn giản, công bằng xã hội là cố gắng để tổ chức cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới đi theo con đường nhằm đạt đến sự bình đẳng giữa mỗi cá nhân và các giá trị tương xứng với môi sinh. Đạt được đến điều này thì sẽ có tác dụng lớn hơn là bác ái cá nhân. Các bất công tồn tại không phải vì  các cá nhân hành động không đúng hay thiếu bác ái, nhưng vì các hệ thống vô nhân khổng lồ (dường như nó thoát ra ngoài ý muốn của các cá nhân làm việc bên trong chúng) đã tước bỏ đặc ân của một số người trong khi những người khác lại có quá thừa mứa. Đây là những gì ngôn ngữ của công bằng xã hội gọi là bất công có hệ thống và bạo lực có hệ thống.

Để lấy một ví dụ duy nhất cho điều này, đó là vấn đề phá thai. Dù cho luôn luôn có những cuộc thảo luận gay gắt giữa những người ủng hộ phá thai hợp pháp và những người chống đối, nhưng cuối cùng, không ai muốn phá thai và mọi người ở cả hai phía đều công nhận bất cứ khi nào có một vụ phá thai xảy ra thì vẫn là một cái gì đó rất xa lý tưởng. Dù thường thường, không bên nào thấu hiểu sự việc một cách sâu xa hơn, là chính các vấn đề có tính cách hệ thống ở ngầm dưới vấn đề này. Rốt cuộc, phá thai vẫn xảy ra vì có sự sai lầm trong văn hóa, trong hệ thống, không đơn giản chỉ vì người đàn bà này, hay người đàn bà kia muốn chấm dứt một cái thai ngoài ý muốn. Khi một người phụ nữ vào một bệnh viện hoặc phòng khám phá thai, cô không phải chỉ đơn giản là một phụ nữ riêng lẻ có một quyết định riêng. Cô là phần chóp của một hệ quả văn hóa. Đằng sau cô, góp phần thúc đẩy cô bước chân vào phòng khám và có quyết định đó là cả một hệ thống (kinh tế, chính trị, văn hóa, huyền thoại và giới tính). Vấn đề của cô vừa có tính cách chính trị cũng như riêng tư. Vì sao như vậy?

Đầu tiên hết, đó là cơ cấu chính trị của chúng ta, tự chính nền dân chủ này, ít nhất là trong cách hiểu nó và sống nó hiện nay. Chúng ta biết, không có đường lối nào để chúng ta tổ chức nền chính trị tốt hơn là việc thông qua tiến trình dân chủ, nhưng nền dân chủ còn xa sự hoàn thiện. Ở một mức độ, nó hoạt động qua sự trao đổi tự do của các quyền và các năng lực. Vốn, lao động, quản lý, công nhân, các tập đoàn, các chính quyền hợp pháp, các hãng xưởng và những người sa cơ thất thế, tất cả đều mặc cả và tranh giành nhau về tài nguyên, quyền lợi, và quyền lực. Trong ý tưởng, đó là một hệ thống công bằng, nhưng trong thực tế thì không. Những người nhập cuộc với đặc quyền có sẵn, với tiếng nói mạnh hơn, với nhiều năng lực giá trị hơn thì đạt được nhiều lợi ích hơn so với người khác. Ngược lại, những người không có đặc quyền có sẵn, tiếng nói yếu hơn, hoặc có ít năng lực giá trị hơn sẽ không có đặc quyền nào và họ ở dưới đáy nấc thang xã hội. Như thế, không phải ngẫu nhiên mà nền dân chủ sống chết mặc bay rất hiếm khi là một cơ chế tốt cho những người nghèo.

Trong một chế độ như vậy, những người chưa sinh ra là những người hoàn toàn không có tiếng nói, quá dễ bị làm hại và luôn có nguy cơ bị tước mất quyền được hiện hữu. Đó là một trong những vấn đề hệ thống cơ sở của việc phá thai. Còn có một vấn đề khác, quan trọng hơn.

Chúng ta sống trong một chế độ, một chế độ văn hóa, chấp nhận cho đàn ông, đàn bà quan hệ tình dục với nhau ngay cả khi họ không có ràng buộc nào với nhau và không muốn có con với nhau. Trong chế độ như vậy, phá thai là không thể tránh khỏi, không có luật pháp và không áp dụng luật nào ngăn chận việc đó, vì cơ chế sẽ tiếp tục tiến trình cho một ai đó (bất cứ ai), khi thấy mình có thai, họ bị cô lập theo kiểu suy nghĩ,  rằng sinh đứa bé bởi người đàn ông này, bây giờ, là chuyện không thể đối với cô. Trong một bối cảnh như vậy, sẽ luôn luôn có cảnh phá thai và người muốn phá thai dính dáng đến cả vấn đề chính trị chứ không chỉ là vấn đề riêng tư của mình. Cô chỉ là cái chóp nổi lên, đàng sau cô là cả một nền văn hóa chọn tách rời tình dục ra khỏi hôn nhân và truyền sinh. Trong cơ chế như thế, nơi mà quan hệ tình dục là phần tiếp theo của hẹn hò, thì phá thai luôn còn. Chỉ có thể dừng việc phá thai khi thay đổi cơ chế. Điều này không bào chữa cho việc phá thai, nhưng nó giải thích cho việc đó.

Cũng một cách như vậy đối với các vấn đề công bằng xã hội khác: chiến tranh, nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, hệ sinh thái môi trường. Không thể có hoà bình, thịnh vượng chung, bình đẳng, hòa hợp giữa hai giới, và tôn trọng môi sinh đúng mực cho đến khi nào có công lý phổ quát, nghĩa là, cho đến khi cơ chế chúng ta đang sống trở nên công bằng và tôn trọng đối với mọi người và với tất cả mọi thứ.

Nguyễn Kim Long dịch 

(Còn tiếp)