Nền tảng Kinh Thánh về Công Bằng Xã Hội

300

Nền tảng Kinh Thánh về Côg Bằng Xã Hội

Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình (3/7)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser 

Các nền tảng về công bằng xã hội đã được đặt trong chính công trình sáng tạo. Sách Sáng Thế đưa ra bốn điểm chính, các khẳng định thâm nhập cung cấp nền tảng tối hậu cho công bằng xã hội. Điều đó xác quyết rằng Thiên Chúa tạo dựng mọi người bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi; trái đất và mọi tạo vật thuộc về mọi người cách công bằng, và mọi người, bình đẳng, đồng trách nhiệm với Thiên Chúa trong việc cộng tác bảo vệ phẩm giá của mọi người và mọi vật, và chính bản thân trái đất này cũng có quyền và nhu cầu được tôn trọng, nó không phải chỉ là nơi cho hoạt động của con người. Các khẳng định trên là cơ sở cho mọi giáo huấn luân lý nối tiếp liên quan đến trật tự xã hội.

Các ngôn sứ Israel đã quả quyết và đào sâu những nguyên tắc này. Tám trăm năm trước Chúa Kitô, hầu như tất cả các ngôn sứ Do Thái đã bắt đầu khẳng định, lặp đi lặp lại, một sự thật duy nhất, tối hậu, gói gọn và tập trung trong cuộc sống thực tế các nguyên tắc được thiết lập từ thuở khai thiên lập địa. Phẩm chất đức tin chúng ta phụ thuộc vào bản tính công bằng trong xứ sở và bản tính này phải được đo lường bằng cách mà chúng ta đối xử với ba nhóm người: góa phụ, mồ côi, và khách lạ (những người ở địa vị thấp nhất trong xã hội). Vì vậy, theo các ngôn sứ Do Thái, tư thế của chúng ta với Thiên Chúa tùy thuộc vào cách chúng ta đối xử với người nghèo, chứ không tùy thuộc vào đức tin và lòng mộ đạo của chúng ta, vì dù cho đức tin và lòng mộ đạo của chúng ta có trong sáng và chân thành đến đâu, nó cũng không thể giảm nhẹ mệnh lệnh này.

Chúa Giêsu khẳng định rõ điều này. Giống như các ngôn sứ Do Thái, Người cũng khẳng định tương quan của chúng ta với Thiên Chúa phụ thuộc vào tương quan chúng ta trong mối quan hệ với những người bé mọn nhất trong xã hội. Thật sự, Người còn đi xa hơn. Người dạy rằng, vào ngày chung thẩm, khi đứng trước mặt Thiên Chúa trong cuộc phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét theo cách chúng ta đối xử với người nghèo trong cuộc đời này. Người cho thấy việc thực hành công lý chính là tiêu chuẩn cực kì cho ơn cứu độ. 4    Hơn nữa, Người đồng nhất sự hiện diện của Thiên Chúa với người nghèo. Theo quan điểm của Chúa Giêsu, nếu bạn muốn tìm Thiên Chúa, bạn nên đi tìm nơi người nghèo. Ngược lại, Người nói cho chúng ta biết, khi giàu có và được ưu tiên chúng ta dễ rơi vào một mối nguy vô cùng về tâm linh và thể lý.   

Công bằng xã hội và các Giáo Hội

Qua nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Kitô đã phát triển các nguyên tắc xã hội như một phần chính yếu của linh đạo Kitô giáo. Rõ ràng, giống như trong hầu hết các chuyện, có một số khác biệt chính yếu giữa các giáo hội khác nhau, cũng như làm sao để lời dạy của Chúa Giêsu được hiểu và áp dụng. Tuy nhiên, dù có khác biệt, vẫn có một đồng thuận cốt yếu trên những điểm chính. Chỉ trừ một vài ngoại lệ, tất cả các giáo hội Kitô giáo cùng giữ và cùng giảng dạy các nguyên tắc sau đây:

  1. Tất cả mọi người trên thế giới này đều có phẩm giá bình đẳng và phải hưởng quyền bình đẳng về sự tôn trọng, tiếp cận với các nguồn tài nguyên, và tiếp cận với cơ hội.
  1. Thiên Chúa hoạch định quả đất này cho tất cả mọi người cách bình đẳng. Vì vậy, sự phong phú của thế giới này phải chuyển lưu cách bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người. Tất cả các quyền khác, kể cả quyền sở hữu cá nhân và tích lũy của cải được làm ra cách ngay chính, phải được đặt dưới nguyên tắc chính yếu này.
  1. Quyền sở hữu cá nhân và tích lũy của cải không phải là một quyền tuyệt đối, quyền này phải phụ thuộc vào lợi ích chung, cụ thể là, phải biết là của cải của quả đất cũng được hoạch định cho mọi người.
  1. Không một cá nhân, một nhóm người, hay một quốc gia có thể có quá dư thừa trong khi những người khác lại quá thiếu các nhu cầu cơ bản. Đó là tình hình hiện nay trong thế giới của chúng ta, nơi mà một số cá nhân và một số nước thừa mứa trong khi người khác thiếu các nhu cầu cơ bản. Như thế là trái luân lý, nó trực tiếp đối nghịch với lời dạy của Chúa Kitô, và cần phải được khắc phục.
  1. Về mặt luân lý, chúng ta buộc phải giúp đỡ cho người đang thiếu thốn. Khi giúp đỡ như vậy, không phải chúng ta làm từ thiện, nhưng phục vụ công lý. Giúp đỡ người nghèo không phải là công việc của lòng quảng đại và đạo đức cá nhân, nhưng là điều mà quy luật của mọi thứ đòi hỏi chúng ta.
  1. Các luật cung cầu, doanh nghiệp tự do, cạnh tranh không kiểm soát, vòng quay lợi nhuận, sở hữu cá nhân các phương tiện sản xuất không thể được xem như không được đụng đến về mặt luân lý, khi lợi ích chung và công lý đòi hỏi, nó phải được cân bằng bởi các nguyên tắc khác. Không ai có cái quyền luân lý làm giàu tối đa bất kể đến lợi ích chung (dù họ có là người đầy danh tiếng đi nữa).
  1. Vật chất tự nhiên cũng có các quyền vốn có của nó, cụ thể là các quyền nội tại của chính nó, chứ không phải do mối liên hệ với con người đưa lại. Trái đất không phải chỉ là “sàn diễn” cho con người. Nó cũng là tạo vật của Thiên Chúa với quyền riêng của nó, mà con người không được vi phạm.
  1. Việc lên án bất công là một phần trong sứ vụ trọng yếu rao giảng của Giáo Hội, và là một khía cạnh quan trọng trong vai trò ngôn sứ của Giáo Hội.
  1. Đến với người nghèo là con đường cao trọng để đến Chúa và hướng đến một đời sống thiêng liêng lành mạnh. Không có được một đời sống thiêng liêng lành mạnh, dù cá nhân hay cộng đoàn, khi không dấn thân đấu tranh cho người nghèo thật sự. Ngược lại, sự giàu có, bất kỳ loại nào, cũng là một nguy hiểm về mặt thiêng liêng.

Điều đáng lưu ý là làm thế nào các lời giảng dạy về công bằng – các nguyên tắc luân lý nhấn mạnh đến đạo đức xã hội hơn là đạo đức riêng tư – cùng hội tụ trong các giáo huấn của các giáo hội khác nhau. Khi được hỏi vì sao giáo hội ngày nay quan tâm nhiều đến công bằng xã hội (trong khi trước đây họ chú ý đến đạo đức cá nhân nhiều hơn) cha Pedro Arrupe cũng sẽ trả lời theo cách này.

Thế giới đã thay đổi theo cách buộc phải chú tâm ngày càng nhiều về công bằng xã hội: Từ trước cho đến cuộc cách mạng công nghiệp, trọng tâm luân lý của các giáo hội đều nhắm đến gia đình. Đó là trọng tâm đáng được nhấn mạnh. Sự tồn tại của nền văn hóa phụ thuộc vào gia đình. Do đó nó thu hút hầu hết các lời dạy và suy nghĩ đạo đức. Rồi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn thay đổi mọi thứ, thần học luân lý Kitô giáo đã tập trung khá mạnh chung quanh đạo đức gia đình – hôn nhân một vợ một chồng, tính dục liên kết trong hôn nhân và truyền sinh, tôn trọng lẫn nhau trong hôn nhân, các nhiệm vụ của cha mẹ và con cái đối với nhau và các điều tương tự như thế.

Rồi, vì cuộc cách mạng công nghiệp sinh ra một làn sóng các vấn đề mới (khai thác người lao động, nạn nghèo ở đô thị, các khu nhà ổ chuột, sống vô gia cư, cô lập với cấu trúc gia đình), các vấn đề chủ chốt của luân lý Kitô giáo cũng được mở rộng. Các Giáo Hội bắt đầu giảng dạy về sự cần thiết của mức lương công bằng, kìm hãm luân lý đối với chủ nghĩa tư bản không cương tỏa, các quyền của công đoàn, trách nhiệm của chính phủ và cá nhân đối với người nghèo, và hầu hết các nguyên tắc công bằng xã hội khác chúng ta vừa nêu ra. Vì các vấn đề luân lý trên thế giới được mở rộng, linh đạo của Giáo Hội cũng mở theo.

Cuối cùng, chỉ trong vòng một, hai thế hệ vừa qua, đã có một phát triển chủ yếu khác. Vì các vấn đề của cộng đồng thế giới, giới tính, chủng tộc, gia tăng dân số, môi sinh và phá thai bắt đầu hội tụ lại theo một cách mới, những nghị sự về luân lý của Giáo Hội có liên quan đến công bằng xã hội cũng được mở rộng và hoàn thiện theo cách tương xứng với sự phát triển này. Vì vậy, ngày nay các giáo hội Kitô giáo quan tâm nhiều vào các vấn đề luân lý xung quanh giới tính, chủng tộc, tầng lớp, và đặc quyền lịch sử.

Bà Elizabeth Johnson đã tóm tắt rất đúng phát triển gần đây nhất trong linh đạo Kitô giáo. Theo quan điểm của bà, ngày nay linh đạo Kitô “tìm kiếm sự khôn ngoan, không phải trong các ý tưởng rõ ràng và riêng biệt của những gì được cho là nguyên do phổ quát, nhưng, thực sự là trên tư tưởng của những người có quyền, đúng hơn, nó chạy theo đa số và theo cái nhập nhằng của lương tâm con người, nhạy cảm với sự khác biệt mà sự khác biệt dựa trên vị trí xã hội của một người về giới, chủng tộc, tầng lớp và văn hóa. Kim chỉ nam của các giá trị thiêng liêng hậu hiện đại không nhấn mạnh trên chủ nghĩa cá nhân và các bùng nổ dữ dội của nó nhưng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cộng đồng và truyền thống, tôn vinh của con người về tình đoàn kết và hòa bình. Nó cao quý không phải vì con người có quyền tối thượng trên quả đất nhưng vì tình liên đới tác động với toàn bộ cộng đồng của vũ trụ. Nói tóm lại, giá trị của kinh nghiệm tôn giáo thời hậu hiện đại không ở sự cô lập, nhưng nối kết thiết yếu; không trong phân thể thân xác-tâm hồn, nhưng trong nhất thể, một con người hiển hiện; không chỉ có phụ hệ mà cả mẫu hệ; không chủ nghĩa đàn áp độc đoán mà là chủ yếu cải thiện cuộc sống; không chủ nghĩa dân tộc bộ lạc, mà là công lý toàn cầu.”

Nhưng làm sao có được nền công lý toàn cầu này? 

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)

Xin đọc thêm: Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả

Công bằng xã hội Kitô giáo là gì?