Kiêu ngạo: nói cho chúng tôi biết ngươi là ai

276

Chương 1: Bệnh kiêu ngạo (6/6) 

“Kiêu ngạo: nói cho chúng tôi biết ngươi là ai”

Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sept maladies spirituelles, Sơ Catherine Aubin.  

Các dấu hiệu chia rẽ và người anh em, với Chúa và với chính mình

Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ (Lc 4, 5).

Bây giờ chúng ta cố gắng để hiểu sự phức tạp của tính kiêu ngạo và các hình thức tối thượng của chúng ta.

Một trong các hình thức kiêu ngạo là không muốn giao tiếp dưới tất cả mọi hình thức. Chẳng hạn nghĩ hoặc tin mình cao hơn người này người kia và đi tìm sự vượt trội này. Đó là hành vi nhấn mạnh đến các điểm mạnh về thể chất, trí thông minh hay thiêng liêng, hành xử như cái gương, có nghĩa là hình thức tự ca ngợi, tự đề cao: hoặc chờ người khác khen, hoặc khen nhau. Người kia thường bị hạ thấp, bị coi thường, bị từ trên cao nhìn xuống. Kết quả là, chúng ta sẽ so sánh, thiết lập một hệ thống phân cấp, dẫn đến phán xét, chỉ trích, vu khống. Một cách nào đó người kiêu ngạo cho mình là chuẩn mực, là điểm quy chiếu, cho mình có quyền phán xét hết, biết hết, nghĩ mình khôn ngoan, có lý, có tham vọng dạy dỗ và không chịu ai nói trái ý. Người kiêu ngạo hạ người khác là để tôn vinh mình, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình, tấm gương mà người kiêu ngạo tự tạo ra và chờ người khác gởi lại cho mình. Tính kiêu ngạo cũng thể hiện qua việc từ chối giúp đỡ, trước hết là với người thân, sau là với Chúa. Không thể mở mắt người kiêu ngạo, họ từ chối đặt lại vấn đề, từ chối sửa lỗi trong tình anh em, đôi khi họ còn hung hăng hoặc mỉa mai. Người anh em trở thành “đối thủ”, và do đó người kiêu ngạo là người “chia rẽ”, làm rối loạn các mối quan hệ; là người phủ nhận đức ái.

Chúng ta chỉ cần thay chữ “đức mến” bằng chữ “kiêu ngạo” trong Bài ca đức ái của Thánh Phaolô (1 Cr 13, 4-8) là hiểu: Kiêu ngạo thì không nhẫn nhục, không hiền hậu, kiêu ngạo thì ghen tương, vênh vang, tự đắc, người kiêu ngạo làm điều bất chính, tìm tư lợi, nóng giận, nuôi hận thù, mừng khi thấy sự gian ác, không vui khi thấy điều chân thật. Kiêu ngạo không tha thứ tất cả, không tin tưởng tất cả, không hy vọng tất cả, không chịu đựng tất cả. Kiêu ngạo bao giờ cũng mất.”

Tính kiêu ngạo tạo ra một con người vừa chống với người anh em, vừa chống Chúa. Không thể sống với tính kiêu ngạo mà không có hệ quả đến mối quan hệ với Chúa. Chẳng hạn, xem thường người khác là gán các việc tốt lành là do chính sức mình chứ không do Chúa. Đây cũng là một dấu chỉ từ chối sự khác biệt, mà khác biệt là huyền bí của Chúa, một cách phủ nhận hình ảnh của Chúa nơi người đồng loại, mà mỗi người chúng ta đều là con của Chúa. Chính vì vậy người kiêu ngạo là trống rỗng Chúa và đầy cả cái tôi.

Quên và phớt lờ

Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn (2 Cr 10, 12).

Thái độ kiêu ngạo đúng là ảo tưởng và mù quáng, nó xây dựng trên bề ngoài, trên thái độ kênh kiệu và tự mãn. Đây cũng là hành vi của quên lãng, không có khả năng nhìn, khả năng kinh ngạc. Không còn biết người kia có tồn tại, không bao giờ bỏ công ngừng lại để nghe nhạc, xem một bông hoa, không bao giờ biết cám ơn vì xem mọi thứ phải phục vụ mình. Phớt lờ mọi gốc rễ của mầu nhiệm, đó là quên Chúa và tạo dựng của Chúa, không còn biết chấp nhận mình là tạo vật có số phận vô hạn. Đặc tính bệnh lý của tính kiêu ngạo cũng là phớt lờ – “Đây không phải là kiến thức dẫn đến cao điểm của tính khiêm nhường, nhưng là phớt lờ” (Thánh Jean Chrysostome) -, và, đầu tiên hết là phớt lờ Chúa. Sự phớt lờ này làm cho người kiêu ngạo không nhận ra thực tế; họ phóng chiếu những gì họ nghĩ thế giới này phải là, vì thế phán xét bị méo mó. Đây là mất tính khách quan và sáng suốt trong nhận thức, cách biệt với những gì họ nghĩ và thực tế. Tính kiêu ngạo cọng thêm sự phớt lờ sâu đậm là một sự nghèo nàn lớn cả về mặt nhân bản và thiêng liêng. Người kiêu ngạo nghĩ mình là một thứ gì đó, chứng tỏ họ hoàn toàn không biết gì về mình, họ không biết mình và không biết Chúa. Trí thông minh và kiến thức thực về mình, là biết mình chẳng là gì bởi chính mình, nếu không có Chúa. Thánh Phaolô nói theo cách của ngài như sau: “Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Ga 6, 3).

Khi con người làm một cái gì tốt, nó chỉ là người trung gian; điều này cũng đúng với những việc tốt con người hoàn thiện, với tất cả mọi thiện hướng, phẩm chất hay đức hạnh được Chúa ban cho và có thể phát triển trong sự cộng tác với ân sủng. Khi gán cho mình những việc này, người kiêu ngạo tự hào ngầm mình là Chúa. Phớt lờ điều này và nhận thức một cách méo mó thực tế của mình, người kiêu ngạo chỉ có thể có một kiến thức bóp méo về người khác. Thái độ bình thường của con người, làm hoặc ghi nhận nơi mình có một cái gì tốt, đó là quy về Chúa, thấy đó là ơn và tạ ơn Chúa. Chính Chúa Kitô đã cho chúng ta ví dụ khi Ngài nói hãy gọi Ngài là “Thầy nhân lành”: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10, 17-18). Chính trong sức mạnh tổng hợp cố gắng của chúng ta và ân sủng của Chúa, nói cách khác là sự hợp tác với Chúa mà chúng ta được định sẵn và phát triển. Khi đó sự phát triển và trưởng thành thiêng liêng này mới có thể hoàn tựu khi kết hiệp với người đồng loại, kết hiệp với toàn vũ trụ để tất cả cùng kết hiệp với Chúa.

Sử dụng Chúa và không phục vụ Ngài 

Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật (1 Tx 1, 9).

Trong đời sống thiêng liêng, kiêu ngạo là bệnh xấu nhất trong các bệnh, bởi vì nó dùng điều tốt đẹp để biến nó thành vật sở hữu riêng của mình hay công trạng của mình. Trong các giáo xứ hay trong các cộng đoàn, các nhân vật hấp dẫn nhất đều đáng ngờ trong lãnh vực này, bởi vì những chuyện họ làm tốt, thậm chí là rất tốt, họ hoàn hảo và âm thầm xem mình như những “vị thần nhỏ”; họ làm cho mình trở thành người tuyệt đối và chỉ yêu có “mình”. Đó là điều xảy đến cho chúng ta khi chúng ta đi tìm toàn hảo trong mọi sự về mặt thực tế cũng như tinh thần; vì sau đó là không có chỗ cho yếu đuối, mong manh hay do dự. Chứng tỏ và triển khai các khả năng, các phẩm chất to lớn này cho cảm tưởng mình phục vụ, nhưng thực tế không phải vậy. Đó đúng là “khi phục vụ người khác là phục vụ mình”. Thái độ này là một hình thức tự thần thánh hóa mình và tự lực, chúng ta biến mình thành trọng tâm bằng cách cho mình là nhân vật không thể thiếu trong giáo xứ, trong cộng đoàn, trong nhóm cầu nguyện, trong hội từ thiện.

Tất cả thái độ biện minh này thường là vô hình, khó để những người xa xa nhận ra.  Một cách vô hình, đó là dùng Chúa cho công việc của mình. Phải bị rất nhiều thất vọng, rất nhiều đau khổ mới đi ra khỏi các cơ chế tối thượng này.

“Hãy làm vua trong lòng mình, ngự trị trong chiều cao của đức tính khiêm nhường, phải ra lệnh cười: hãy đến và nó đến; phải ra lệnh để có những giọt nước mắt dịu dàng: hãy đến và nó đến; và ra lệnh với cơ thể, người phục vụ chứ không phải bạo chúa: hãy làm điều này và nó làm.” (Thánh Jean Climaque)

Như người thu thuế, xin thương xót con và con sống trong ân sủng Ngài!

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Từ kiêu ngạo đến khiêm nhường. Từ thông minh đến kênh kiệu 1-6

 Khiêm tốn để đứng thẳng  2-6

Nhận ra sự thật con người mình và nguồn gốc của mình 3-6

Cúi xuống nhìn quả tim của mình 4-6

Kiêu ngạo: nguồn gốc của mọi tật xấu và đau khổ   5-6