Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (6/6)

294

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (6/6)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Hiểu thế nào là giữ mối tương quan với người thân sau khi họ chết

Cuối cùng, cũng có sự khác biệt lớn giữa người hữu thần và kitô hữu trong cách hiểu mối tương quan với người thân sau khi họ chết.

Cả người hữu thần và kitô hữu đều tin có sự sống lại đời sau, và cả hai cùng tin có mối tương quan sâu đậm nào đó giữa người sống, là chúng ta, với người thân yêu đã chết. Tuy nhiên, nếu ai chấp nhận nhập thể, thì có sự khác biệt trong đời sống thiêng liêng do chỗ đứng của nhập thể.

Đối với người hữu thần, cách hiểu hay nhất về vấn đề này là tương quan này có tính cách huyền bí, giữa linh hồn với linh hồn, qua một tưởng tượng nào đó (có khi là thật sự) về sự hiện diện của người thân trong lòng chúng ta. Trong khi kitô hữu không cho là thế, họ đi xa hơn. Họ lưu lại trong mối tương quan, tình yêu, hiệp thông, và cuộc sống cộng đoàn với những người thân yêu đã chết như thế nào? Làm sao chúng ta tìm được người thân sau khi cái chết làm họ cách xa chúng ta?

Nhờ lời của họ làm thành xương thịt. Qua cách diễn đạt cụ thể trong cuộc sống chúng ta với các đức tính và phẩm chất vốn đã nhập thể một cách đẹp nhất. Nó hoạt động như thế nào?

Chúa Giêsu phục sinh giải thích cho chúng ta hiểu những điều này. Vào sáng ngày chúa nhật Phục sinh, Maria Magđala đi ra mộ Chúa Giêsu, hy vọng được xức dầu thơm cho xác Ngài. Tuy nhiên, bà đối mặt với ngôi mộ trống và thiên sứ nói với bà: “Tại sao bà tìm người sống giữa những kẻ chết?”

Lời nói gây tò mò? Không chắc? Thực tế, thiên sứ đang nói nghĩa địa thực sự không phải là nơi chúng ta tìm người bên kia thế giới mà bây giờ họ đang sống một cách mới mẻ. Chúng ta không tìm người chết nơi ngôi mộ, dù viếng thăm mộ là chuyện tốt. Các thiên thần vô hình đang ngồi đó, trên mộ người thân của chúng ta, và nhắc chúng ta đi về với cuộc sống để tìm thấy họ nơi cuộc sống. Như Maria Magđala không thấy Chúa Giêsu ở mộ Ngài, thì chúng ta cũng không thấy người thân ở đó. Vậy chúng ta tìm họ ở đâu? Chúng ta sẽ gặp người thân mà bây giờ chúng ta không chạm đến được ở những nơi mà ngày xưa tâm hồn họ được nuôi dưỡng. Người thân chúng ta vẫn sống nơi mà họ đã sống và chỉ có nơi đó chúng ta mới tìm gặp họ được. Điều này có nghĩa gì?

Nói đơn giản, chúng ta tìm gặp người thân đã chết bằng cách bước vào cuộc sống, trong yêu thương và đức tin, theo cách thế đặc biệt nhất của họ ngày xưa. Chúng ta tương quan với họ và liên kết với họ, trong cuộc sống chúng ta, chúng ta vẽ nên sự phong phú vô biên trong đời sống và lòng thương xót của Thiên Chúa theo con đường họ đã làm, khi chúng ta đưa chính cuộc sống của mình vào cuộc sống họ đã sống.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Cha mẹ tôi đã qua đời hơn hai mươi năm. Thỉnh thoảng tôi ra thăm mộ. Đó là một kinh nghiệm hay. Tôi thấy một vài thứ mọc trên mộ, một vài thứ bám rễ sâu làm tôi chú ý. Nhưng đây không phải là mối tương quan thực của tôi với cha mẹ. Không. Tôi gặp cha mẹ trong cuộc sống. Tôi gặp cha mẹ trong đời sống của tôi, tôi sống những gì đặc nét nhất nơi cha mẹ tôi, thương yêu, đức tin và đạo đức. Ví dụ, mẹ tôi rất vị tha, nhân nhượng với lỗi lầm, luôn luôn cho đi mọi thứ. Khi tôi sống vị tha và biết cho đi như mẹ tôi, thì tôi tìm thấy mẹ. Mẹ trở nên rất gần, vẫn đang sống. Lúc đó tôi không cảm nghiệm mẹ tôi đã khuất. Cũng vậy với cha tôi. Đức tính lớn nhất của cha tôi là chân thành đạo đức, đức tin không lay chuyển, dứt khoát không thỏa hiệp, dù thỏa hiệp nhỏ nhất. Đúng thế, khi tôi xứng đáng là con của cha tôi trong những trường hợp này, khi tôi có thể đối mặt với những cám dỗ dù nhỏ hay lớn trong cuộc sống, thì cha vẫn hiện diện, vẫn đang sống, liên kết với tôi trong đời sống cộng đoàn.

Không tốt hơn, nhưng vẫn đúng trong tình trạng  ngược lại: Khi tôi vị kỷ, khi tôi không dành trọn thời giờ cho hy lễ, thì mẹ tôi đang vắng mặt, đã chết đối với tôi. Với cha tôi cũng thế: Khi tôi thỏa hiệp với những vấn đề luân lý dù nhỏ nhất, thì cha tôi không còn sống với tôi nữa. Cha như nước thủy triều đã xuống. Đúng thế, những lúc như thế mà tôi đi viếng mộ thì cũng chẳng ích gì, khi ấy, đời sống của tôi đúng là đời sống giữa những người chết. Nếu những lúc như thế tôi cầu nguyện với cha mẹ tôi, thì lời đáp trả duy nhất tôi nhận được từ thiên thần phục sinh, người nói với tôi, một cách dịu dàng, những gì đã nói với Maria Magđala: Tại sao con tìm người sống giữa những kẻ chết?

Ai thiện tâm đều tạo cuộc sống vô biên và thương xót của Chúa theo cách đó. Khi người đó chết, chúng ta phải tìm họ giữa những người sống. Vì thế, nếu muốn có sự hiện diện của người thân yêu, chúng ta phải tìm gặp họ trong những gì nổi bật nhất ở họ, qua tình yêu, đức tin và đức hạnh. Nếu mẹ bạn có ơn hiếu khách, bạn sẽ gặp mẹ khi bạn mến khách; nếu người bạn của bạn yêu mến công bằng, bạn sẽ gặp họ khi bạn để thì giờ lo cho công bằng; nếu dì của bạn có niềm vui cho cuộc sống, cho bữa ăn gia đình, cho tiếng cười trong nhà, thì bạn sẽ gặp dì khi bạn là niềm vui cho cuộc sống, ăn uống với gia đình, cười vang nhà.

Đó là cách người kitô hữu tìm kiếm người thân sau khi họ đã qua đời. Người hữu thần thì viếng mộ (và kitô hữu cũng viếng mộ vì người kitô hữu cũng hữu thần) nhưng, được nhập thể, tất cả chúng ta tạo thành lời đã trở nên xác thịt, với tư cách là người kitô hữu, chúng ta tìm kiếm người thân đã khuất không những ngoài nghĩa địa, mà còn ở giữa  người sống – tại bàn ăn, nơi làm việc, nơi tòa án, dù sang hèn, chúng ta vẫn làm việc hằng ngày.

Quả tim đời sống thiêng liêng của người kitô hữu

Trong lời tựa quyển sách viết về Chúa Giêsu, John Shea đã bình luận như sau: “Khi âm tiết của chữ cuối cùng về Chúa Giêsu được cất lên, thì một người nhỏ bé, đầu hói, người cho đến nay vẫn thinh lặng sẽ nói: “Xin chờ một chút, tôi…” Sau hai ngàn năm, dân chúng vẫn đồng hành với Chúa Giêsu. Họ mang đến cái tôi huyênh hoang và nỗi đau khổ của năm cũ, niềm hy vọng ngỗn ngang và nỗi lo âu suy nhược, niềm vui vô cớ và quả tim do dự – cầu xin Giêsu ban cho họ biết những gì họ phải làm. Dần dần chúng ta mới ý thức cái móc câu trong lời hứa của Chúa Giêsu, “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày, cho dầu đến tận thế?” Nó không chỉ có nghĩa là Chúa sẽ ở lại mà còn có nghĩa là chúng ta không tài nào gạt Chúa ra ngoài được. Ngài vẫn tiếp tục lăn tảng đá ra khỏi nấm mộ nơi chúng ta đã an táng Ngài.”

Khi chúng ta cố gắng hướng luồng đi của lửa yêu, để tìm kỷ luật cho đời sống thiêng liêng, để chúng ta có sự sống, thì chúng ta phải để cái tôi, các vết sẹo, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, niềm vui và sự suy yếu đến với Chúa Giêsu để thấy Chúa  làm gì với chúng. Nhưng đời sống thiêng liêng kitô giáo còn hơn thế nữa. Ngọn lửa nhiệt năng của Chúa vốn nung nấu tâm hồn chúng ta sẽ đi đến hoàn thiện, sáng tạo và tĩnh tại, khi chúng ta hình thành đời sống chúng ta, thể xác chúng ta theo cách mà Chúa Giêsu hình thành, khi chúng ta giúp Chúa mang nhập thể đến với chúng ta. Như chúng ta đã nói, đời sống thiêng liêng không phải là luật lệ để vâng theo, nhưng là sự hiện diện để được lắm lấy, chịu thử thách và trở thành xương thịt.

Nguyễn Kim Long dịch 

Xin đọc thêm:  Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (1/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (2/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (3/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (4/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (5/6)

Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô