Đứng trước “chủ nghĩa giáo sĩ trị”, giáo sư Daniel Bogner chủ trương cải cách
cath.ch, Jacques Berset, 2019-10-24
Thần học gia Daniel Bogner người Bavarois sinh năm 1972. Năm 2014 ông là giáo sư thần học đạo đức và luân lý tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
Theo giáo sư Bogner, khi Giáo hội công giáo, với hình thức “quân chủ lập hiến” đặt tất cả các quyền lực trong tay giám mục. Và khi các quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp ở trong tay một người, thì theo định nghĩa, không có sự kiểm soát quyền lực, và đó là vấn đề. Chúng ta không thể tách các cơ cấu của Giáo hội khỏi “đối tượng” đức tin nếu chúng ta muốn có một tinh thần truyền giáo.
Cần có sự nhất quán giữa hình thức và nội dung
Trong lần họp thứ 11 của Diễn đàn “Fribourg Giáo hội trong thế giới” (Fribourg Eglise dans le monde) được tổ chức tại Đại học Fribourg từ ngày 10 và 11 tháng 10 – 2019 về chủ đề truyền giáo hiện nay, giáo sư Daniel Bogner nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nhất quán giữa hình thức và nội dung. Theo giáo sư, sự tách đôi thường gặp giữa truyền giáo và các cơ cấu Giáo hội, giữa tinh thần và luật pháp không đứng vững được. Hai chiều kích này nhất thiết phải liên quan chặt chẽ với nhau.
Không phân chia quyền hạn
Trong Giáo hội, tất cả các lãnh vực hành động và các lãnh vực tự do thường chỉ được cấp ban hoặc được khoan nhượng. Chúng có thể tùy tiện bị giám mục hay cha xứ loại bỏ trong trường hợp thay đổi chức vụ hoặc vì các lý do khác. Việc kiểm soát hành động cũng như việc từ bỏ quyền lực đều dựa trên cơ sở tự nguyện. Ngày nay, các giám mục sẵn sàng cải cách Giáo hội đều nói cần thiết phải tách quyền lực ra. Giáo sư nói thêm, các thành viên Giáo hội, các giáo dân khi đứng trước quyền lực hàng giáo sĩ, họ chỉ là các tác nhân thường, các đối tượng chứ không phải chủ thể có quyền, đứng trước thẩm quyền Giáo hội, hành động phải được hợp pháp hóa.
Giáo sư Bogner cho rằng Giáo hội có một trật tự pháp lý không hướng tới giá trị mà Giáo hội phải đặt lên hàng đầu: phẩm giá con người. Trong việc loan báo Tin Mừng và chăm sóc mục vụ, các thông điệp của Kinh Thánh đặt phẩm giá của đàn ông cũng như của phụ nữ ở trọng tâm Tin Mừng. Nhưng điều này lại không được thấy trong trật tự pháp lý của Giáo hội.
“Một quan điểm thần học nổi bật”
Giáo sư trích dẫn lời của Giám mục Heiner Wilmer, giám mục trẻ giáo phận Hildesheim. Theo Giám mục Wilmer thì việc trao truyền đức tin không đi một chiều như rót “cốc nước” cho người khác. “Đối tượng” đức tin không tồn tại một mình theo cách mà đức tin này được sống, một cách cá nhân và tập thể, và được truyền tải.
Chính vì vậy mà trong đức tin, hình thức và nội dung liên kết chặt chẽ với nhau, một bối cảnh pháp lý và trên hết là đạo đức, việc đặt vấn đề cho tính hợp pháp và thích đáng các cấu trúc và luật lệ hiện nay của Giáo hội là điều không thể thiếu. Giáo sư Bogner nêu bật: “Đây là một quan điểm thần học nổi bật”.
Thần học gia Daniel Bogner chủ trương cải cách sâu đậm trong Giáo hội | © Jacques Berset
Nếu Giáo hội thật sự nghiêm túc trong ý chí muốn kiểm tra các “nguyên nhân có tính hệ thống” của các vụ lạm dụng, thì Giáo hội phải xem xét lại vấn đề hiến pháp của mình, như giáo sư đã viết trong tạp chí trí thức Pháp “Esprit” tháng 6 năm 2019. Trong bài viết này, giáo sư Daniel Bogner đã đề cập đến tầm mức rộng lớn các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Giáo sư khẳng định, “thảm họa này là kết quả của một sự “thần thánh hóa” không đáng có đã xảy ra trong một quá trình lịch sử lâu dài, của thẩm quyền, của thể chế, của chức vụ: nó đã sản xuất ra một cơ chế thiêng liêng không được đụng đến, một chủ nghĩa giáo sĩ trị nghẹt thở, trở nên một loại thể chế không cho phép bất cứ một lời chỉ trích nào.”
Lạm dụng: các “nguyên nhân có tính cách hệ thống”
Về vấn đề lạm dụng tình dục và lạm dụng thiêng liêng, các vấn đề đã nhận chìm Giáo hội vào “vực sâu thẳm”, ngay cả các giám mục bây giờ cũng nói về các “nguyên nhân có tính cách hệ thống.” Sự kinh ngạc của các tiết lộ này không ở phía bên ngoài, nhưng “ở trọng tâm công giáo châu Âu, vốn được xem là khai sáng về mặt thiêng liêng và nhạy cảm với sự phát triển của xã hội”.
Giáo sư Bogner tự hỏi, làm thế nào mà Giáo hội lại đến mức “khoan nhượng” như thế với các vụ lạm dụng. Giáo sư cho rằng, nguyên do là “chủ nghĩa giáo sĩ trị” và “thần thánh hóa” chung quanh các sứ vụ và các cấu trúc cưu mang chúng. Giáo sư khẳng định, chính sự “thần thánh hóa” này qua bao nhiêu thế kỷ được tô phết như lớp hoen rỉ trên một vật thể, làm cho “khuôn mặt và hình thức bên ngoài của Giáo hội được giữ cho bất khả xâm phạm và là đối tượng để tôn kính”.
Một cuộc khủng hoảng không ngoại biên cũng không bên lề
Các vụ lạm dụng tình dục và lạm dụng thiêng liêng mở ra một cuộc khủng hoảng không ngoại biên cũng không bên lề. Giáo sư Bogner viết trong tạp chí “Esprit”: “Cơn khủng hoảng không phải chỉ liên quan đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cá nhân ‘bệnh hoạn’ và một vài giám mục vụng về đã không biết quản trị vấn đề. Cơn khủng hoảng cho thấy, đây là một ‘hệ thống’ cho phép nó làm và còn cho phép nó tiếp tục nếu Giáo hội không đi đến tận gốc rễ tội ác đã tiêu diệt trước những gì Giáo hội có thể nói với giáo dân”.
Giáo sư Daniel Bogner nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nhất quán giữa hình thức và nội dung | © Jacques Berset
Một thể chế không cho phép chỉ trích
Theo giáo sư, chính hình ảnh của Giáo hội là vấn đề chính, vì “đó là Lời Thánh trong lịch sử”, nghi thức phụng vụ mang một phần trách nhiệm trong việc này, vì nó “củng cố tính biểu tượng được cho phép qua sự thần thánh hóa các sứ vụ”.
Các giai đoạn thần thánh hóa đã phục vụ để thành lập một tổ chức không những không cho phép chỉ trích mà còn loại bất kỳ một nỗ lực kiểm soát nào. Đối với một số người, không thể nào có chuyện phân chia chủ quyền của một tổ chức mà quyền lực chỉ là “được giao, mình chỉ là người quản gia trung thành và chỉ phụ thuộc vào nguồn duy nhất, đó là quyền năng của Chúa Kitô”.
Phải theo trường phái của các tư tưởng gia tự do
Giáo sư Bogner nhấn mạnh: “Nhưng nếu Giáo hội thực sự muốn thay đổi, thì Giáo hội không những phải theo trường phái của các tư tưởng gia tự do (lương tâm) nhưng cũng phải theo các triết gia có đường lối tự do và trước hết là triết gia Pháp Montesquieu, nhà tư tưởng chủ trương phân chia quyền lực”. Giáo sư kết thúc với câu nói của Đức Phanxicô khi ngài nói về toàn cầu hóa: ‘Nền kinh tế này là nền kinh tế giết người’.”
Giáo sư Daniel Bogner vừa xuất bản quyển sách “Quý vị phá hủy Giáo hội chúng tôi… nhưng chúng tôi không để quý vị làm!” (Ihr macht uns die Kirche kaputt… doch wir lassen das nicht zu!, Herder Verlag, Freiburg, 2019)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch