Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (2/6)

434

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (2/6)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

 Tình trạng hiện nay

Tất cả những điều nói trên bỏ chúng ta lại ở đâu? Rất nhiều dữ kiện như vậy vừa phong phú vừa gây hoang mang. Ngày nay bước vào một hiệu sách tâm linh, độc giả bị tràn ngập bởi vô số loại và chọn lựa. Cũng vậy, quá nhiều tiếng nói luân lý và tôn giáo dồn dập xâm chiếm chúng ta mỗi ngày. Những tiếng nói này mời gọi chúng ta hướng đến tất cả hình thức giữ đạo, dù mới hay cũ… Tham dự khóa học Kinh Thánh. – Dự buổi cầu nguyện. – Cam kết làm việc cho một nhóm vì công bằng xã hội. – Gia nhập hội bảo vệ nữ quyền. – Gia nhập hội các ông – đăng ký gia nhập nhóm Hứa Giữ Lời (Promise Keepers). – Theo nhóm cầu nguyện này. – Thử kiểu suy niệm khác. – Đối diện với đam mê quá độ qua chương trình 12 bước. – Phát triển cao nhất tiềm năng của bạn thông qua các bước này. -Tìm hiểu những gì tôn giáo Đông phương mang lại cho bạn. – Làm một phân tích tiềm năng nội lực tâm lý. – Dự khóa thăng tiến hôn nhân. –Tái hồi khí đan điền. – Đồng thuận với con sói trong bạn. – Dự khóa linh thao I-Nhã –Tham gia nhóm Tái sinh lại. –Dâng hiến cuộc sống cho Chúa Giêsu. – Nối kết nhiều hơn với thiên nhiên. Ngày nay, chúng ta nghe rất nhiều tiếng gọi tâm linh.

Ví dụ nếu bạn chỉ xếp loại các trường phái suy tư chính và các phong trào chủ chốt trong đời sống thiêng liêng ở phương Tây ngày nay, bạn sẽ có một danh sách trải rộng đều, mỗi một trong số đó, về căn bản là một linh đạo. Trong mỗi cái, bạn thấy một ý niệm nào đó về Thiên Chúa, đôi khi tiềm ẩn hơn là hiển hiện, và trong mỗi cái, bạn có một lối đi nhất định thể hiện rõ tinh thần của trường phái. Cũng trong mỗi trường hợp, tập trung mạnh vào một điều sẽ định dạng cách hiểu những điều khác. Và vì vậy nếu bạn bước vào hiệu sách chuyên về tâm linh ngày nay, bạn sẽ tìm thấy các thể loại sách vô cùng phong phú, mỗi loại mời bạn định dạng tình thần môn đệ của mình theo tính nhạy cảm riêng. Nên bạn sẽ tìm thấy những cuốn sách, các linh đạo tâm linh đặt trọng tâm trên đó. 

Vật lý tạo dựng, thiên nhiên (tạo dựng-trọng tâm các nhà thần học, một phần của Thời đại mới, một phần của Khoa học chủ nghĩa); Uy quyền Đức Giêsu và lời Chúa (các nhóm Đặc Sủng, các nhóm Thánh Linh, các nhóm Phúc âm, nhóm Hứa Giữ Lời Promise Keepers); phụ nữ và dân tộc bị áp bức (nữ quyền, thần học giải phóng, các nhóm công bằng xã hội); đàn ông và cuộc đấu tranh của họ (tâm linh nam tính); bất công trên thế giới và trật tự mới của Thiên Chúa (nhóm công bằng xã hội); suy niệm và cầu nguyện riêng (các nhóm cầu nguyện và suy niệm); các thói nghiện của chúng ta và phương cách giải thoát (chương trình mười hai bước, loại sách về hệ thống, gia đình bất ổn); linh hồn và các thiên thần và ác thần của nó (các đồ đệ của Jung, của James Hillman, một phần của phong trào Thời đại mới); huyền thoại, tưởng tượng tích cực, khôi phục các quy trình lễ nghi nhân chủng học (nữ quyền, tâm linh nam tính, phong trào Thời đại mới, phái Hillman); đi theo sự hoàn hảo và liên kết sáng tạo với tính ưu việt nội tại cao nhất của chúng ta (bậc thầy của tư duy tích cực, một phần của chủ nghĩa Khoa học, Shirley MacLaine). Đồng thời, bạn sẽ tìm thấy một loạt sách về tôn giáo Đông phương, đau khổ là con đường tái tạo tâm linh mới, phúc lành là con đường trưởng thành và tái sinh tinh thần, và nhiều kiểu thức nhân cách, trắc nghiệm nhân cách và các nguyên mẫu.

Đây chỉ là những thành phần nổi bật của cả khối, và với sự phong phú và rất nhiều dữ kiện hoang mang này, mỗi người chúng ta phải phân loại những gì là thiết yếu cho chính mình.

Sắp xếp – tìm kiếm Chân giá trị và Cân bằng

Trong số tất cả các tiếng gọi này, cái nào là đúng? Trong số tất cả các viễn tượng và học thuyết này, cái nào có chân giá trị tinh thần thực sự và cái nào chỉ là chuyện vớ vẩn nhất thời chóng qua? Cái gì hữu ích, cái gì tai hại? Cụ thể hơn, đối với người Kitô hữu chúng ta, cái gì nên là một phần cho tinh thần môn đệ Kitô và cái gì nhân danh Chúa Kitô chúng ta phải phớt lờ hoặc bác bỏ?

Theo cách cổ điển, trong tinh thần Kitô, chúng ta phải phân biệt, điều này rất hữu ích, khi chúng ta đi tìm một thứ trật và thăng bằng trong tất cả các điều này. Thần học Kitô giáo đã luôn luôn dạy rằng có một thứ trật của sự thật, rằng không phải tất cả các sự thật đều có tầm mức quan trọng giống nhau, và rằng chúng ta phải phân biệt được giữa sự thật nào là thiết yếu và sự thật nào là thứ yếu.

Sự thật thiết yếu là những gì cần thiết cho mọi người, mọi người phải tuân theo và không khoan nhượng cho bất cứ ai. Những điều này không thể bị bác bỏ hoặc đóng khung dựa theo nền tảng khí chất, thị hiếu, tình thế, hay thiếu hụt thời gian thực hiện. Trong trường hợp sự thật thiết yếu, chẳng hạn như mười điều răn, nó không phải là vấn đề lựa chọn cá nhân (“Tôi cảm thấy thích làm hay không thích làm”). Chúng không nhân nhượng và là mệnh lệnh chung.

Mặt khác, so với sự thật chân chính, sự thật thứ yếu là sự thật mà tầm quan trọng của nó chỉ phụ vào sự thật thiết yếu. Với nhiều lý do, sự thật thứ yếu có thể bị loại bỏ hoặc đóng khung. Vì vậy, lấy ví dụ chuyện Đức Mẹ Đồng Trinh Diễm Phúc Maria hiện ra ở một đền thánh nào đó là có thật. Tuy nhiên, dù nó thật, thì sự thật đó không cách nào có cùng tầm quan trọng như sự thật trọng tâm là Thiên Chúa nhập thể trong Đức Kitô. Sự thật về chuyện Đức Mẹ hiện ra thì thần học cổ điển gọi là sự thật phụ. Sự thật mà nếu truyền giảng thì không buộc mọi người phải tuân theo, nhưng là một điều bạn có thể chọn (tùy theo tính khí, thị hiếu, xuất thân, văn hóa, hay thời gian) để tin hay không. Không giống như sự thật về việc nhập thể hay mười điều răn, ở đây có một sự khoan nhượng, không phải về việc nó có thật hay không, mà về liệu nó có là điều chúng ta nên dự phần vào hay không.

Trên cơ sở phân biệt đó, giữa giá trị lâu dài và nhất thời, chúng ta có thể tự hỏi: Trong tất cả các dữ kiện phong phú hiện nay về linh đạo, cái gì là thiết yếu? Các sự thật nào cao cả hơn? Cái gì là mệnh lệnh phổ quát đối với tinh thần môn đệ Kitô? Cái gì là không khoan nhượng trong đời sống tâm linh?

Nguyễn Kim Long dịch

Xin đọc thêm:  Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (1/6)