Mười quyển sách hay nhất đến với tôi năm 2019

400

Mười quyển sách hay nhất đến với tôi năm 2019

Ronald Rolheiser, 2019-12-30

Có một châm ngôn la-tinh cho rằng, về khiếu thưởng thức thì không có tranh luận, de gustibus non est disputandum. Tôi dùng câu này để mở đầu cho danh sách mười quyển sách mà tôi thích nhất trong năm qua, vì chắc chắn, sở thích là một cái gì hơi chủ quan. Tôi chọn những quyển sách này đặc biệt vì chúng sâu đậm đối với tôi. Có thể chúng cũng như vậy với các bạn. Vậy là đã đủ. Về sở thích thì không có gì để bàn cải.

Và đây là mười quyển sách đã tác động đến tôi nhiều nhất trong năm qua.

  1. Bernardo Olivera, Có thể đến tận đâu? Các vị tử đạo của Atlas (How Far to Follow? The Martyrs of Atlas). Quyển sách kể câu chuyện đấu tranh nội tâm của các tu sĩ Dòng Trappist đã tử đạo ở Algeria năm 1996, các vị đã bị những kẻ cực đoan hồi giáo giết. Giống như cuốn phim, Các vị thần và con người (Des dieux et des hommes), quyển sách tập trung vào cuộc chiến đấu sâu đậm mà các tu sĩ này đã chịu lúc phải quyết định rời tu viện hay ở lại đối diện với việc tử đạo.
  2. Donald Senior, Raymond E. Brown và canh tân Kinh Thánh công giáo (Raymond E. Brown and the Catholic Biblical Renewal). Đây là tài liệu nghiên cứu kỹ lưỡng và viết rất hay, là tiểu sử của học giả Kinh Thánh nổi tiếng, Raymond E. Brown, người nổi bật về sự uyên bác, tinh thần môn đệ và chức thánh của mình. Quyển sách là câu chuyện về trí tuệ của Brown hơn là biên niên đời sống của cha, thú vị qua việc chia sẻ câu chuyện trí tuệ và nêu bật các đấu tranh thần học và giáo hội đặc biệt ở thế hệ của cha Brown. Đối với nhiều người trong chúng ta, đây là một ám ảnh quen thuộc.
  3. Rachel Held Evans, Năm vừa qua khi đọc các bài phê bình sách, tôi khám phá các tác phẩm của Rachel Held Evans. Tôi xin nêu ra đây các tác phẩm đã tác động sâu đậm đến tôi: Tìm kiếm ngày chúa nhật, Yêu thương, Rời bỏ, và Tìm kiếm Nhà thờ; Cảm hứng, Giết những kẻ khổng lồ, Đi trên nước, và Yêu thương Kinh Thánh lại; và Một năm của phụ nữ trong Kinh Thánh (Searching for Sunday, Loving, Leaving, and Finding Church; Inspired, Slaying Giants, Walking on Water, and Loving the Bible Again; and A Year of Biblical Womanhood).

Tác giả Rachel lớn lên trong nôi tin lành với một đức tin sâu đậm và vững chắc, nhưng đến tuổi trưởng thành, bà có những thách thức riêng, đặc biệt của một người can đảm và trung thực. Các quyển sách này cho thấy tác giả đấu tranh với ngôn ngữ mẹ đẻ tôn giáo của mình, bị sa ngã trong đức tin và cách đặc biệt bà tìm lại được con đường trở lại của mình. Câu chuyện của bà nói lên cuộc chiến đấu của hàng triệu người. Đó là bài học vô giá, cho dù quyển sách không phân biệt tiếng mẹ đẻ tôn giáo của mình. Tác giả là nhà văn có năng khiếu đặc biệt, nhưng thật đáng tiếc, bà qua đời ở tuổi 37. Chúng ta mất đi một tiếng nói tôn giáo cần thiết, nhưng những gì bà để lại có thể giúp cho nhiều người trong chúng ta sàng lọc lại các đấu tranh tôn giáo của mình.

  1. Jean Bosco Rutagengwa, Tình yêu thắng thế, câu chuyện của một cặp vợ chồng về đức tin và sự sống còn trong vụ diệt chủng ở Rwanda, (Love Prevails, One Couple’s Story of Faith and Survival in the Rwandan Genocide).

Có người đã nói, nếu có ngày nào đó bạn muốn hiểu thảm kich Thế chiến Thứ hai, bạn có thể đọc hàng ngàn quyển sách về chủ đề này hoặc xem hàng trăm giờ phim về nó – và cũng có thể bạn chỉ cần đọc Nhật ký Anne Frank. Đây là quyển “nhật ký” viết từ bên trong cuộc diệt chủng kinh hoàng ở Rwanda.

  1. Robert Ellsberg, Tin Mừng sống động, đọc câu chuyện về Chúa trong đời sống các thánh (A Living Gospel, Reading God’s Story in Holy Lives). Đời sống các thánh là Tin Mừng sống của chúng ta và tác giả Robert Ellsberg là người viết sách các thánh hàng đầu trong tiếng Anh. Quyển sách tuyệt vời này vừa dạy chúng ta về đời sống các thánh vừa giải thích vì sao đời sống các thánh lại quan trọng như vậy.
  2. Margaret Renkl, Di cư muộn, câu chuyện tự nhiên của tình yêu và mất mát (Late Migrations, A Natural History of Love and Loss). Đây là quyển sách độc đáo, một thi pháp về tình yêu, thiên nhiên, tôn kính, đời sống gia đình, cái chết và khả năng phục hồi của con người. Đây là một tuyệt tác của nghệ thuật.
  3. Richard Rohr, Chúa Kitô hoàn vũ, (The Universal Christ). Quyển sách này thách thức chúng ta, và với một nền thần học vững chắc, sẽ thách thức thần học chính thống trong quan niệm phổ biến của nó về cả ý định và phạm trù nhập thể. Một quyển sách quan trọng.
  4. Ruth Burrows, Đứng trước Thiên Chúa Hằng sống (Before the Living God). Đây là quyển tự truyện của Ruth Burrows. Quyển này tôi đọc lần đầu tiên cách đây 32 năm. Khi đó tôi đã rất xúc động và 32 năm sau tôi vẫn còn xúc động. Trong câu chuyện của bà, chúng ta sẽ hiểu hơn về chính câu chuyện của mình và chuyển động của Chúa trong đời sống của mình.
  5. David Brooks, Ngọn núi thứ hai, Cuộc đi tìm đời sống đạo đức (The Second Mountain, The Quest for a Moral Life). Quyển sách Ngọn núi thứ hai tương ứng với những gì mà các nhà văn thiêng liêng như Richard Rohr gọi là nửa sau của đời sống (The Second-Half of Life). Dựa trên chính kinh nghiệm của mình và pha trộn một cách sáng tạo các quan điểm thế tục và tôn giáo, tác giả giới thiệu một cái nhìn đầy thách thức về ý nghĩa thế nào là trưởng thành, đi từ đứa bé đói khát đến người lớn trưởng thành trong ân phúc. Một quyển sách tuyệt vời.
  6. Mary Jo Leddy, Vì sao chúng ta ở đây, một suy niệm ở Canada (Why Are We Here, A Meditation on Canada). Đây là quyển sách của một người Canada, và không phải là quyển sách không quan trọng. Bà Mary Jo Leddy, nhà sáng lập và giám đốc Nhà Romero cho người Tị nạn ở Toronto, tiếng nói của bà luôn mang tính ngôn sứ. Trong quyển sách này, bà cho rằng mỗi quốc gia có “tội nguyên thủy của mình”, một lỗi nguyên thủy trong nguồn gốc của mình mà bây giờ lấm vết của nó vẫn còn trong hiện tại. Theo bà, đó là cách chúng ta đối xử với người dân bản địa khi hình thành một quốc gia. Nước Canada không phải là nước duy nhất có “tội nguyên thủy.” Nước nào cũng có tội nguyên thủy của mình. Và mọi người nên đọc quyển sách này.

Marta An Nguyễn dịch