Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (3/3)

77

Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (3/3)

Phần 3: Đức Phanxicô nói về tình hình của một số nước trên thế giới, nhất là tại Hồng Kông và Bôlivia và về vấn đề khai thác con người.

vaticannews.va/fr, Alessandro Guarasci và Andrea Tornielli 2019-11-26 

Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Tokyo về Rôma ngày 26 tháng 11-2019

Trên chuyến bay đưa Đức Phanxicô từ Tokyo về Rôma sau chuyến tông du lần thứ 32, ngài đã nói về tình hình của một số nước trên thế giới, nhất là tại Hồng Kông và Bô-li-vi-a. Ngài cũng lên án việc dùng và sở hữu vũ khí hạt nhân, ngài yêu cầu ghi nhận tính cách vô nhân đạo của nó vào sách Giáo lý công giáo. Về vấn đề tài chánh đang xảy ra tại Vatican, Đức Phanxicô nói ngài “rất mừng vì đây là lần đầu ở Vatican, cái nắp được bung ra từ nội bộ, chứ không phải từ bên ngoài”.

Trên chuyến bay từ Tokyo về Rôma

Đức Phanxicô ngỏ lời với các nhà báo: “Trước hết, tôi xin cám ơn công việc của các anh chị em, với một chuyến đi bận rộn và với một thể loại thay đổi: ở Thái Lan là một chuyện và ở Nhật là một chuyện khác. Chúng ta không thể đánh giá mọi thứ theo cùng một tiêu chuẩn, các thực tế phải được đánh giá theo theo cùng một thể loại. nước Nhật và Thái Lan là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy chúng ta đã làm việc gấp đôi, tôi xin cám ơn về điều này, và cám ơn những ngày quá bận rộn của anh chị em, tôi cảm thấy gần anh chị em trong công việc này”.

Roland Juchem, CIC (Trung tâm Thông tin Công giáo, Centrum Informationis Catholicum)

Trên chuyến bay từ Bangkok đến Tokyo, cha đã gởi một điện tín cho bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) ở Hồng Kông. Cha nghĩ gì về tình hình Hồng Kông hiện nay với các vụ biểu tình và bầu cử hội đồng tỉnh? Khi nào thì chúng tôi có thể đi theo cha đến Bắc Kinh?

“Các điện tín được gởi đến tất cả các Quốc gia, đó là lời chào tự động và cũng là một cách lịch sự xin bay qua trên không phận của họ. Điều này không có nghĩa là chống hay hỗ trợ. Đây là điều máy móc mà tất cả các phi cơ đều làm. Về mặt kỹ thuật, khi vào không phận hãng hàng không báo cho biết là họ đi vào và chúng tôi lịch sự làm. Nó không có ý nghĩa gì trong câu hỏi của ông. Còn về điều khác ông nói với tôi, khi chúng ta nghĩ đến thì không những chỉ có tình trạng ở Hồng Kông, ở Chilê, ở Pháp một năm với Áo Vàng. Rồi còn Nicaragua và các nước khác ở Châu Mỹ La Tinh đều có vấn đề như vậy và một số nước ở châu Âu cũng bị. Đây là tình trạng chung. Tòa Thánh sẽ làm gì được với các tình trạng này? Tòa Thánh kêu gọi đối thoại, hòa bình, nhưng không phải chỉ có Hồng Kông, còn các tình trạng khác mà lúc này tôi không thể nào đánh giá được. Tôi tôn trọng hòa bình và tôi xin hòa bình cho tất cả các nước có vấn đề, ngay cả Tây Ban Nha. Cần phải tương đối hóa và kêu gọi hòa bình để các vấn đề này có thể được giải quyết. Và cuối cùng: tôi muốn đến Bắc Kinh, tôi yêu thương đất nước Trung quốc.”

Nữ ký giả Valentina Alazraki, Televisa

Châu Mỹ La Tinh đang cháy. Sau Venezuela và Chilê, chúng ta đã thấy các hình ảnh mà chúng ta nghĩ sẽ không còn thấy sau chế độ độc tài Pinochet. Chúng ta đã thấy tình trạng ở Bôlivia, ở Nicaragua và các nước khác: các bạo loạn, bạo lực ngoài đường,  người chết, người bị thương, thậm chí cả nhà thờ cũng bị đốt cháy, bị xúc phạm. Xin cha cho biết phân tích của cha về những gì đang xảy ra ở các đất nước này? Giáo hội, và cá nhân cha là giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh, cha có làm gì không?

Có người nói với tôi: một phân tích phải được làm. Tình trạng hiện nay ở Châu Mỹ La Tinh giống với tình trạng của những năm từ 1974 đến 1980 ở Chi-lê, Argentina, Uruguay, Ba Tây, Paraguay với Strössner và tôi nghĩ Bôlivia cũng vậy…  Vào thời điểm đó có chiến dịch Condor… Một tình huống trong ngọn lửa nhưng tôi không biết hai vấn đề có giống nhau không. Tôi thật sự không thể làm phân tích ngay bây giờ. Đúng là có những tuyên bố không phải là tuyên bố của hòa bình. Tình hình xảy ra ở Chilê làm tôi sợ, vì Chilê đang thoát ra khỏi vấn đề lạm dụng đã tạo bao nhiêu đau khổ, và bây giờ một vấn đề kiểu này mà chúng ta không hiểu rõ. Nhưng như bà nói, Chilê đang ở trong ngọn lửa và chúng ta phải tìm cách đối thoại và phân tích. Không phải lúc nào tôi cũng có đủ tài liệu phân tích về tình trạng của Châu Mỹ La Tinh. Cũng có những chính phủ yếu, rất yếu không mang lại trật tự và hòa bình và đó là lý do vì sao chúng ta đang ở trong tình trạng này.

Nữ ký giả Valentina Alazraki, Televisa

Tổng thống Bôlivia Evo Morales đã xin cha hòa giải chẳng hạn. Những trường hợp cụ thể…

Đúng, những trường hợp cụ thể. Nước Venezuela đã xin trung gian hòa giải và Tòa Thánh luôn sẵn sàng giúp đỡ. Có một mối quan hệ tốt và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Nước Bôlivia đã làm một cái gì đó như vậy. Họ xin Liên Hiệp Quốc gởi các đại diện đến, gồm một vài nước châu Âu. Tôi không biết nước Chilê có xin trung gian hòa giải quốc tế không. Nước Ba Tây, chắc chắn là không, nhưng cũng có vấn đề.  Hơi lạ một chút, nhưng tôi không muốn nói thêm một chữ nào nữa vì thực sự tôi không đù khả năng. Tôi không nghiên cứu nhiều và thành thực mà nói, tôi không hiểu rõ mấy.

Nhân câu hỏi của bà, để nói thêm vì bà không nói nhiều về Thái Lan, một đất nước khác nước Nhật, một văn hóa siêu việt, một văn hóa của cái đẹp, và khác với cái đẹp của Nhật: một văn hóa, rất nhiều nghèo khổ và rất nhiều phong phú tinh thần. Nhưng cũng có vấn đề làm chúng ta đau lòng, làm chúng ta nghĩ đến Grecia và những người khác (trong quyển sách của nữ ký giả Valentina Alazraki và ông Luigi Ginami). Bà là chuyên gia trong các vấn đề khai thác con người, bà đã nghiên cứu kỹ và quyển sách của bà giúp ích rất nhiều. Và ở Thái Lan, một vài nơi ở đây thật khó cho vấn đề này. Nhưng cũng có miền Nam Thái Lan, miền Bắc xinh đẹp của Thái Lan mà tôi không đến thăm được, ở đó có các bộ lạc với một nền văn hóa khác. Tôi có tiếp hơn hai mươi người ở vùng này, các tín hữu kitô đầu tiên, những người rửa tội đầu tiên, họ đến Rôma, họ có một văn hóa khác, văn hóa bộ tộc. Ở Bangkok chúng ta cũng đã thấy, đây là một thành phố rất mạnh, rất hiện đại nhưng có các phong phú cũng như các vấn đề khác với nước Nhật.

Về vấn đề khai thác con người, tôi muốn cám ơn quyển sách của bà, cũng như quyển sách “xanh” của bà Franca Giansoldati: hai phụ nữ đi trên máy bay này, mỗi người viết viết một quyển sách đề cập đến các vấn đề hiện nay, vấn đề môi sinh, vấn đề hủy hoại đất mẹ và môi trường, vấn đề khai thác con người như bà đã đề cập đến. Chúng tôi thấy phụ nữ làm việc còn hơn các ông và họ có khả năng. Tôi xin cám ơn cả hai về sự đóng góp này. Và tôi cũng không quên chiếc áo của Rocio (chiếc áo của một phụ nữ Mêhicô bị ám sát mà nữ ký giả Valentina Alzraki đã tặng Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn trên video được thực hiện cách đây mấy tháng).

Và tôi xin cám ơn bà đã đặt các câu hỏi trực tiếp, và như thế là tốt. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Và chúc các bạn ăn ngon miệng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc phần 1 và 2.

Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (1/3)

Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (2/3)