Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (2/3)

83

Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (2/3)

Phần 2: Đức Phanxicô nói về tình hình tài chánh của Vatican

vaticannews.va/fr, Alessandro Guarasci và Andrea Tornielli 2019-11-26

 Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Tokyo về Rôma ngày 26 tháng 11-2019

Trên chuyến bay đưa Đức Phanxicô từ Tokyo về Rôma sau chuyến tông du lần thứ 32, ngài đã nói về tình hình của một số nước trên thế giới, nhất là tại Hồng Kông và Bô-li-vi-a. Ngài cũng lên án việc dùng và sở hữu vũ khí hạt nhân, ngài yêu cầu ghi nhận tính cách vô nhân đạo của nó vào sách Giáo lý công giáo. Về vấn đề tài chánh đang xảy ra tại Vatican, Đức Phanxicô nói ngài “rất mừng vì đây là lần đầu ở Vatican, cái nắp được bung ra từ nội bộ, chứ không phải từ bên ngoài”.

Trên chuyến bay từ Tokyo về Rôma

Đức Phanxicô ngỏ lời với các nhà báo: “Trước hết, tôi xin cám ơn công việc của các anh chị em, với một chuyến đi bận rộn và với một thể loại thay đổi: ở Thái Lan là một chuyện và ở Nhật là một chuyện khác. Chúng ta không thể đánh giá mọi thứ theo cùng một tiêu chuẩn, các thực tế phải được đánh giá theo theo cùng một thể loại. Nước Nhật và Thái Lan là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy chúng ta đã làm việc gấp đôi, tôi xin cám ơn về điều này, và cám ơn những ngày quá bận rộn của anh chị em, tôi cảm thấy gần anh chị em trong công việc này”. 

Nữ ký giả Cristiana Caricato, Đài truyền hình TV 2000

Độc giả đọc trên các báo, Tòa Thánh bỏ ra hàng trăm triệu âu kim để mua một bất động sản tại trung tâm thủ đô Luân Đôn và có chút không thống nhất trong việc dùng tiền này của Vatican nhất là khi quỹ Đồng tiền Thánh Phêrô có liên hệ vào. Cha có biết các giao dịch tài chánh này không và nhất là theo cha, việc dùng Đồng tiền Thánh Phêrô có đúng không? Cha thường nói không nên kiếm tiền bằng tiền, cha đã tố cáo việc dùng tiền không không thận trọng này, nhưng chúng tôi thấy các hoạt động này liên quan đến Tòa Thánh và điều này gây tai tiếng. Làm thế nào để cha nhìn được toàn bộ vụ này?

“Xin cám ơn. Trước hết việc quản lý tốt là chuyện bình thường: tiền của Đồng tiền Thánh Phêrô đến, tôi phải làm gì, tôi cất vào hộc tủ ư? Không, đó không phải là quản trị tốt! Tôi cố gắng đầu tư, và khi tôi cần cho, khi có nhu cầu, trong một năm chúng tôi thu hồi lại, số vốn này không mất giá. Đó là quản lý tốt. Quản lý bỏ tiền trong hộc tủ là không tốt. Nhưng phải tìm cách quản lý tốt, đầu tư tốt: điều đó có rõ ràng không? Ngay cả đầu tư như người ta vẫn thường gọi ở đây là ‘đầu tư phụ nữ góa’: để ở đây một ít trứng, chỗ kia một ít trứng. Nếu có một cái trứng bể thì cũng còn mấy cái khác và mình không cháy túi. Và luôn có khía cạnh an toàn và khía cạnh đạo đức: nếu chúng ta đầu tư quỹ Đồng tiền Thánh Phêrô vào kỹ nghệ vũ khí thì Quỹ ở đây không phải Quỹ ở đó. Nếu chúng ta đầu tư mà không đụng vào vốn trong nhiều năm thì điều này cũng không đúng. Quỹ Đồng tiền Thánh Phêrô phải được dùng trong một năm, một năm rưỡi cho đến khi việc quyên góp mới trên thế giới gởi về. Và đó là quản lý tốt: về mặt an toàn… và ngay cả, đúng, mình có thể mua bất động sản, cho thuê và bán lại, nhưng trong an toàn, với tất cả bảo đảm cho Quỹ. Điều đã xảy ra là một vụ bê bối tai tiếng: họ đã làm những điều không sạch sẽ. Nhưng khiếu nại không đến từ bên ngoài. Cải cách này về hệ thống kinh tế mà Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu thực hiện và chính ông Tổng Thanh tra nội bộ đã nói: ở đây có một chuyện xấu, ở đây có một chuyện tiến hành không đúng. Ông đến gặp tôi và tôi nói: Ông có chắc không? Ông trả lời: Chắc. Ông cho tôi xem và hỏi tôi, bây giờ tôi phải làm gì? Tôi trả lời: Vatican có tòa án, ông đến đó và nạp đơn khiếu nại với Chưởng lý của Tòa. Tôi mừng vì chúng tôi thấy quản trị của Vatican bây giờ có các nguồn lực để làm sáng tỏ các chuyện xấu xảy ra bên trong nội bộ như trường hợp này, đây không phải là trường hợp của bất động sản ở Luân Đôn vì hồ sơ này chưa rõ – nhưng cũng có những trường hợp tham nhũng. Ông Chưởng lý đã nghiên cứu hồ sơ, mở các cuộc tham vấn và ghi nhận có sự mất cân đối trong ngân sách. Sau đó ông xin phép tôi có các vụ khám xét: giả định có tham nhũng và ông nói với tôi, phải khám xét văn phòng này, văn phòng kia và thêm văn phòng khác nữa. Tôi ký giấy cho phép. Việc khám xét đã thực hiện ở năm văn phòng và bây giờ – dù có giả định vô tội – nhưng đã có các vốn liếng đã không quản lý tốt và cũng có tham nhũng. Tôi nghĩ trong không đầy một tháng nữa sẽ hỏi cung năm người bị đình chỉ vì đã có dấu hiệu tham nhũng bắt đầu. Cha có thể nói cho tôi biết năm người này có tham nhũng không? Không, vì giả định vô tội là một đảm bảo, một quyền của con người. Nhưng có tham nhũng, bà thấy đó. Với các vụ khám xét, chúng ta sẽ thấy họ có tội hay không. Đây là một chuyện xấu, nó không đẹp gì và đã xảy ra ở Vatican. Nhưng điều này đã được làm rõ bởi các cơ chế nội bộ đã bắt đầu hoạt động và Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu lên đưa ra. Tôi cám ơn Chúa vì điều này. Tôi sẽ không cám ơn Chúa vì tham nhũng, nhưng tôi cám ơn Ngài vì hệ thống kiểm soát của Vatican hoạt động tốt”.

Ký giả Philip Pullella, hãng tin Reuters 

Từ vài tuần này đã có lo ngại về những gì đã xảy ra trong hệ thống tài chánh của Vatican và theo một số người, có chiến tranh nội bộ về việc ai sẽ kiểm soát tài chánh. Đa số các thành viên của Hội đồng Quản trị Quyền Thông tin Tài chánh (AIF, Autorité Information Financière) đã từ chức. Nhóm Egmont, nhóm tập hợp các cơ quan tài chánh này đã đình chỉ Vatican ra khỏi các liên lạc an toàn sau vụ khám xét ngày 1 tháng 10. Giám đốc của AIF đã bị đình chỉ và như cha nói, chưa có Tổng Thanh tra mới. Cha sẽ làm gì hay nói gì để đảm bảo với cộng đồng tài chánh quốc tế và với giáo dân được kêu gọi đóng góp cho Đồng tiền Thánh Phêrô mà Vatican sẽ không một lần nữa bị cho là một phần tử bị ruồng bỏ, và người ta không thể tin cậy, rằng các cải cách sẽ tiếp tục và sẽ không trở lại với thói quen cũ? 

“Vatican đã có các tiến bộ trong việc quản trị: chẳng hạn Ngân hàng Vatican IOR bây giờ được tất cả các ngân hàng chấp nhận và có thể làm việc như các ngân hàng Ý, điều mà cách đây một năm chưa làm được. Các tiến bộ đã được thực hiện. Còn về nhóm Egmont là một nhóm quốc tế không chính thức mà AIF là thành viên và kiểm soát quốc tế không tùy thuộc nhóm Egmont, nhóm này là nhóm tư nhân dù nó có tầm quan trọng của nó. Monyeval sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra dự trù vào các tháng đầu năm tới, họ sẽ làm. Ông giám đốc AIF bị đình chỉ vì có các nghi ngờ quản trị xấu, ông đã phải yêu cầu nhóm Egmont thu hồi tài liệu đã bị lấy, và điều này công lý không thể làm. Đứng trước việc này, tôi đã phải tham khảo một thẩm phán Ý ở cấp cao: tôi phải làm gì? Công lý có chủ quyền tối thượng khi đứng trước cáo buộc tham nhũng trong đất nước mình, không ai có thể can thiệp, không ai có thể giao tài liệu cho nhóm Egmont, cần phải nghiên cứu các tài liệu nêu bật những gì xem là quản trị xấu theo nghĩa của một sự kiểm soát không đúng: đó là AIF dường như không kiểm soát được tội ác của người khác. Nhiệm vụ của AIF là kiểm soát. Tôi hy vọng nó sẽ được chứng minh, nếu đây không phải là trường hợp, cho đến bây giờ vẫn còn là thời điểm giả định vô tội. Nhưng bây giờ, thẩm phán có chủ quyền và phải nghiên cứu làm thế nào mà các sự việc đã xảy ra. Hợp đồng của ông giám đốc AIF hết hạn vào ngày 19 tháng 11. Cách đây mấy ngày tôi có gọi điện thoại cho ông ấy nhưng ông chưa sẵn sàng. Ông sẽ trả lời tôi sau. Và tôi đã thông báo ông sẽ ra đi ngày 19. Tôi đã tìm được người kế vị ông, một thẩm phán có trình độ pháp lý và kinh tế cao, ở tầm quốc gia và quốc tế. Khi tôi trở về, ông sẽ nhậm chức giám đốc AIF. Cũng nghịch lý, cơ quan giám sát có chủ quyền với Nhà nước. Điều này không dễ hiểu. Điều đã tạo một chút hoang mang là nhóm Egmont, một nhóm tư nhân: đã giúp nhiều nhưng không phải là nhóm có thẩm quyền kiểm soát như nhóm Moneyval. Nhóm Moneyval sẽ nghiên cứu các con số, nghiên cứu các thủ tục, nghiên cứu làm thế nào mà chưởng lý tòa án có thể hành động và cách mà quan tòa và các thẩm phán sẽ quyết định vụ án. Tôi biết trong những ngày này, cuộc thẩm vấn một số người trong năm người bị đình chỉ sẽ bắt đầu. Điều này không phải dễ, nhưng chúng tôi không được ngây thơ cũng không được làm nô lệ. Có người nói với tôi, với câu chuyện này, chúng ta đã đụng đến nhóm Egmont, mọi người sợ hãi và đã bị một chút khủng bố tâm lý. Chúng ta hãy để khía cạnh này qua một bên. Chúng ta sẽ đi đến đàng trước với luật pháp, với Moneyval, với tân giám đốc AIF. Và giám đốc bị đình chỉ: có thể ông vô tội. Tôi mong được như vậy, vì đây là điều tốt, một người vô tội và không phạm tội, tôi hy vọng. Nhưng có một chút ồn ào chung quanh nhóm này, vì họ không muốn người khác truy cập các tài liệu thuộc về nhóm.

Đây là lần đầu tiên nắp được mở từ bên trong chứ không từ bên ngoài. Từ bên ngoài thì đã nhiều lần. Người ta đã nói về chúng tôi nhiều lần và chúng tôi thật sự xấu hổ… Nhưng Đức Bênêđictô XVI đã khôn ngoan, ngài đã đưa ra một quá trình đã trưởng thành và bây giờ có các tổ chức. Ông Tổng Thanh tra đã có can đảm nạp đơn khiếu nại năm người. Và công việc tiến hành… Tôi thật sự không muốn tấn công nhóm Egmont vì họ làm rất nhiều điều tốt, họ giúp đỡ nhưng trong trường hợp này là chủ quyền Nhà nước, là công lý, là quyền tối thượng so với quyền hành pháp. Không phải dễ để hiểu nhưng tôi xin ông hiểu cho.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(còn tiếp)

Xin đọc phần 1: Hạt nhân, địa chính trị, tài chánh Vatican: Đức Phanxicô trả lời các nhà báo (1/3)