Nữ tu Marie-Louise bảo vệ trẻ em ở Thái Lan
vaticannews.va, Marie Duhamel, Bangkok, 2019-11-22
Nữ tu Marie-Louise, nữ tu Marie-Agnès và 37 trẻ em Karen hát trong thánh lễ cho giới trẻ ở nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời Bangkok, 22-11-2019
Nữ phóng viên Marie Duhamel của Vatican News đã có buổi phỏng vấn nữ tu Marie-Louise, thư ký Hội Dòng Chị em Thánh Phaolô thành Chartres ở Thái Lan. Nữ tu điều khiển hai trường học gần nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Bangkok.
Đức Phanxicô, người nhiệt tình bảo vệ người di dân, khi mới đến Thái Lan, ngài bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ hành động “có trách nhiệm và có tầm nhìn xa” để giải quyết các vấn đề dẫn đến cuộc di dân bi thảm của các ông, các phụ nữ này, để họ được ra đi “một cách an toàn, có trật tự và có quy định”. Thái Lan là đất nước có biên giới chung với các nước Miến Điện, Lào, Campuchia. Trong những năm vừa qua Thái Lan đã đón hàng triệu người di cư, đặc biệt là khi Bangkok có chính sách thị thực hộ chiếu rất phóng khoáng. Tuy nhiên Thái Lan không tham gia trong Công ước về tình trạng người tị nạn, vì thế những người này không có quyền bảo vệ pháp lý, họ bị loại ra ngoài các dịch vụ chung (trường học, y tế..v.v.) nhưng nhất là đặt họ ở trong một tình trạng nguy hiểm. Đức Phanxicô mong muốn mọi nơi đều có “cơ chế hiệu quả được đưa ra” để bảo vệ phẩm giá cũng như quyền của người di dân và người tị nạn.
Ở Thái Lan, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đã và vẫn là một tai ương mặc dù đã có nhiều tiến bộ. Sáng thứ năm 21 tháng 11, khi gặp các nhà cầm quyền Đức Phanxicô đã ghi nhận họ cũng đã có các cố gắng trong lãnh vực này, cũng như các cơ quan đã làm việc không mệt mỏi. 30 năm sau Công ước về quyền trẻ em và trẻ vị thành niên, Đức Phanxicô kêu gọi phải “quyết tâm làm việc liên tục và nhanh chóng trước nhu cầu bảo vệ trẻ em, cho sự phát triển về mặt xã hội và trí tuệ của các em, đưa các em đến trường cũng như sự tăng trưởng về mặt thể lý, tâm lý và thiêng liêng” vì trong một tầm mức lớn, “tương lai của dân tộc chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta đảm bảo cho con em mình một tương lai có phẩm giá”.
Trong thánh lễ đầu tiên sáng thứ năm ở Sân vận động Quốc gia tại Bangkok, Đức Phanxicô đã xin các thành viên của Giáo hội trở thành nhà truyền giáo, nhất là truyền giáo bên cạnh “các trẻ em này, các phụ nữ bị khai thác trong thị trường mại dâm, trong nạn buôn người, phẩm giá đã bị biến dạng, họ không còn đúng là con người của họ.”
Nữ tu Marie-Louise là thư ký của Hội Dòng Chị em Thánh Phaolô thành Chartres ở Thái Lan. Trong cộng đoàn của sơ, nhiều nữ tu làm việc trong mạng lưới “Talitha Kum” để giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Nữ tu Marie-Louise đảm trách hai trường trung học gần nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời.
Phỏng vấn nữ tu Marie-Louise
Vấn đề này thật khủng khiếp và rất trầm trọng vì Thái Lan là bước khởi đầu, nước quá cảnh và là mục tiêu của nạn buôn người; nhất là ở Á châu, cũng như nước Phi Luật Tân cũng gặp một vấn đề như vậy.
Cái gì có thể làm thay đổi?
Đó là chính quyền vì Thủ tướng là một quân nhân, ông rất cứng rắn trong việc chống nạn buôn người. Vì thế chính sách và hình phạt rất nghiêm khắc.
Cả cho những người đi khai thác cũng như những người lợi dụng trẻ em, những người đưa các em vào mạng lưới…
Đúng, đúng như vậy.
Sơ nói cũng có tăng cường kiểm soát ở biên giới?
Đúng, vì Thái Lan là một đất nước mở, rất nhiều người đến và đi. Rất nhiều người không có hộ chiếu vì thế cần phải kiểm soát ở biên giới rất nghiêm nhặt. Các cha mẹ có con và không thể bắt chúng làm việc phải gởi các con đến trường nào có thể nhận chúng.
Sơ nói có một loại kiểm tra dân số qua việc ghi tên trẻ em vào trường?
Đúng, đúng như vậy.
Có phải bây giờ những người không có con buộc phải đăng ký để có thể làm việc ở Thái Lan?
Đúng, đối với kỹ nghệ hay công ty nào muốn trả tiền cho những người này, họ phải đăng ký theo đúng luật lệ. Có một loại thẻ chứng minh nhân dân hay hộ chiếu để làm việc.
Sơ có trường công, trường tư cho các nam nữ học sinh, sơ có làm việc trên các vấn đề này với trẻ em, cha mẹ và các thầy cô giáo không?
Đối với chúng tôi, chúng tôi làm việc trên lãnh vực bảo vệ, phòng ngừa. Chúng tôi cho cha mẹ thông tin, như thế vấn đề thật sự rất gần gũi với chúng tôi, phải chú ý đến trẻ em khi các em ở nhà, các em đã dùng thì giờ như thế nào trên điện thoại, trên internet… Cha mẹ phải trông chừng các em.
Chuyện gì xảy ra trên internet?
Như bà biết đó, bây giờ có rất nhiều ứng dụng lôi cuốn trẻ em, chúng chụp hình cơ thể mình và đăng trên internet để kiếm tiền. Trẻ em nghĩ rằng điều này không sao, người ta không đụng đến cơ thể mình… Nhưng vấn đề nghiêm trọng, vì các hình này lan truyền khắp nơi, cũng như các hình khiêu dâm.
Như thế sơ nói các em tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm?
Đúng.
Các trường học ở đây, tại trung tâm Bangkok được bảo vệ tốt hơn… Nhưng khi các em ra khỏi trường, các em có bị nguy hiểm không?
Có, tôi nghĩ là có.
Sơ làm gì cho các em để hướng dẫn các em tự bảo vệ mình?
Chúng tôi khuyên các em không ăn uống bất cứ gì của người các em không quen biết mời… và ngay cả những người quen biết, phải cẩn thận. Và cả trong môi trường chung quanh. Ví dụ khi đi dự tiệc với bạn bè, phải chú ý đến những gì mình uống.
Bởi vì họ có thể dụ dỗ dùng ma túy và lợi dụng tình dục, hoặc họ có thể bắt cóc?
Cả hai, vì vấn đề này đã có ở Thái Lan, ở Bangkok.
Tôi thấy có nhiều pa-nô ngoài đường nói “không nói chuyện với người lạ”, “cẩn thận các hình ảnh”…
Đúng, vì chúng tôi ở trong khu vực du lịch, có nhiều người nước ngoài, nhiều khách du lịch, họ đặt câu hỏi với trẻ em và chụp hình với các em. Và sau đó chúng tôi không biết họ làm gì với các hình này, vì thế chúng tôi phải nói với các em không chụp hình với người nước ngoài, với khách du lịch.
Sơ nói tất cả là công việc phòng ngừa, cảnh báo, sơ cũng nói với tôi các nam giáo sư không được đụng đến học sinh, việc nhận thức này có hiệu quả không?
Có, họ rất ý thức về vấn đề này, bởi vì việc này không ở xa các em và chuyện này có thể xảy ra.
Chúng ta ở đây là trung tâm Bangkok. Các vùng nghèo hơn có phức tạp, khó khăn và nguy kịch hơn không?
Có, vì đôi khi cha mẹ gởi con còn nhỏ về thành phố làm việc, có khi họ gởi về cả Bangkok. Và họ không biết chuyện gì xảy ra cho con cái họ. Trẻ em gởi tiền về cho cha mẹ, và cha mẹ nghĩ chúng làm việc đàng hoàng, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy… Đôi khi các em bán thân, các em làm điếm vì gia đình các em rất nghèo. Vấn đề này vẫn còn vì đối với nhiều người, nhất là ở nông thôn, có một khoảng cách giáo dục và…
… và không được thông tin?
Đúng như vậy. Có rất nhiều khoảng cách, chính vì vậy chúng tôi đang cố gắng mở trường ở các bang nghèo nhất, nhất là ở miền núi.
Mạng “Talitha Kum” đã thành lập được 10 năm. Các sơ làm những việc gì ở trung tâm “Talitha Kum” cho các nạn nhân này?
“Talitha Kum” là mạng của các nữ tu của tất cả các dòng. Cùng nhau chúng tôi làm việc chung để phòng ngừa, để thông tin, để làm cho các bạn trẻ ý thức.
Như thế là không nhất thiết ở trong các trường công giáo, có thể ở trong tất cả các trường học?
Ở các trường công cũng vậy.
Các sơ có giúp các em đã rơi vào bẫy làm điếm không? Sơ đã nói với tôi, đặc sủng của các nữ tu Dòng Chúa Nhân Lành là giúp các nạn nhân của nạn buôn người, nhất là các nạn nhân làm điếm. Sơ nói sơ có mở một trường ở Chiang Mai?
Đúng vậy… Và đã hơn hai mươi năm. Nhóm đầu tiên là các cô gái, chúng tôi chuộc lại từ cảnh sát vì đó là các em bị bán làm điếm hay trong nạn buôn người. Và cảnh sát xin chúng tôi nhận các em này. Nhóm đầu tiên có khoảng ba mươi em. Do đó chúng tôi mở một trường để bảo vệ các em. Và chúng tôi cũng gom các em ở chung quanh vùng núi, vì có vấn đề như tôi đã nói với bà, đó là cách biệt trong giáo dục: khi các em học xong tiểu học, các em không tiếp tục lên trung học được. Bây giờ ở trường này có 400 học sinh, 400 nữ sinh.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: “Nếu chúng ta áp dụng sứ điệp của Đức Phanxicô thì nước Thái Lan sẽ thay đổi”
Đức Phanxicô được cộng đoàn người dân tộc thiểu số Karen đón tiếp nồng hậu, người Karen chỉ có khoảng 250.000 người ở Thái Lan. Ca đoàn hát mừng Đức Phanxicô.