Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (4/8)

407

Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (4/8)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Nắm vững “Tâm trạng thao thức”: Tìm kiếm Cô tịch

Thậm chí sau khi đã vượt qua được “tha hóa” của mình, chúng ta vẫn phải chịu đựng các dạng cô đơn khác, đặc biệt là “thao thức”. Thao thức có lẽ là dạng cô đơn chúng ta ít nhận ra và ít hiểu biết nhất về nó. Như đã thấy, cô đơn lộ ra trong chúng ta, chính xác là bởi chúng ta, những con người, được dựng nên cho một tình yêu vô tận và một hiệp nhất vô hạn, do đó số phận của chúng ta là phải đi trên cuộc đời hữu hạn này với tâm tư lúc nào cũng bất mãn, đấu tranh và dằn vặt. Đó cũng là dạng đặc biệt nguy hiểm của cô đơn, thường làm tê liệt sinh lực sáng tạo hoặc đẩy chúng ta đi đến những hành động rồ dại.

Vậy làm sao để nắm vững được tâm trạng thao thức một cách sáng tạo? Cũng như trường hợp của tất cả các dạng cô đơn khác, chúng ta không có một giải pháp tức thời nào. Giải pháp sáng tạo cho việc này tùy thuộc vào sự phát triển các kiểu thức sống cụ thể có thể kìm hãm mãnh lực hung hãn tiềm tàng của cô đơn và biến chúng thành sinh lực sáng tạo. Làm sao để thực hiện được điều này? Bằng chính việc đưa “thao thức” của chúng ta vào chiều hướng của cô tịch sáng tạo.

Để làm được điều này, trước hết đòi hỏi chúng ta phải nhận biết, ở đời này, chúng ta không thể nào không thao thức. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc chấp nhận chúng ta là người lữ hành đi trên mặt đất này, số phận chúng ta là phần nào thao thức và bất toàn, sống trong một thế giới mà nơi đó tất cả mọi bản giao hưởng đều còn dang dở. Điểm khởi đầu này đóng vai trò then chốt vì chỉ khi chúng ta chấp nhận sự thật hiện sinh này, chúng ta mới có thể dừng lại để không bị quyến dụ qua các giải pháp giả tạo. Bao lâu chúng ta vẫn không chấp nhận thao thức là một phần không thay đổi của kiếp hiện sinh, thì chúng ta vẫn còn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp nào đó qua việc mải miết điên cuồng tìm các loại kinh nghiệm khác nhau. Chúng ta sẽ chè chén, tiệc tùng, gặp gỡ mọi người cho đến khi kiệt sức, mà sẽ chẳng bao giờ làm dịu đi ngọn lửa trong tâm hồn chúng ta. Thật vậy, khi mải mê tìm kiếm một trải nghiệm nào đó, phần lớn kết quả lại phản tác dụng, không xoa dịu được nỗi thao thức mà ngược lại, còn làm ngọn lửa thổi bùng và thiêu rụi chúng ta mạnh mẽ hơn. Cố để xoa dịu thao thức bằng việc tăng thêm cường độ và mức độ các giao tiếp cũng chính là hành động thêm dầu vào lửa.

Tuy nhiên, ý thức chúng ta có thể không bao giờ thắng vượt được thao thức trong đời này không có nghĩa là từ bỏ mình để sống theo phái khắc kỷ hay sống trong tuyệt vọng. ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể thắng vượt được tâm trạng thao thức, thậm chí ngay cả trong tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, không như giải pháp cho sự tha hóa, những giải pháp cho thao thức không mang tính hướng ngoại.

Chính xác thì nó là một định hướng ngược lại, định hướng của sự cô tịch. Để đi đến nắm giữ sự thao thức cách sáng tạo, mỗi người chúng ta phải thực hiện một cuộc lữ hành nội tại, để gặp gỡ chính mình và để gặp gỡ tình yêu và sự phong phú vô tận của Thiên Chúa ở trong chính hiện hữu của chúng ta.

Chúng ta thực hiện việc đi vào nội tâm này như thế nào? Nó phụ thuộc vào bốn điều: từ bỏ những kỳ vọng cứu rỗi sai lầm, đi vào nội tâm, đấu tranh lâu dài, và có một tâm tình cầu nguyện.

Từ bỏ những kỳ vọng cứu rỗi sai lầm

Một nhà hiền triết đã nói: “Cuộc lữ hành dài nhất bắt đầu với chỉ một bước chân.” Cuộc lữ hành nội tâm đến với cô tịch bắt đầu với chỉ một nhận thức, cụ thể là, nhận ra rằng không có giải pháp trọn vẹn và cuối cùng cho tâm trạng cô đơn trong cuộc đời này. Chúng ta được định là sẽ được cứu rỗi trọn vẹn, và không phải cô đơn, chỉ khi vương quốc mà Chúa Giêsu rao giảng đến trong viên mãn. Trong lúc chờ đợi, chúng ta  phải bỏ hết các nỗ lực tìm kiếm viên mãn cầu toàn dựa vào những giải pháp giả tạo và cục bộ. Chúng ta phải đối diện với chính nỗi cô đơn của mình, chấp nhận nó, không chạy trốn nó, không tiếp tục để cho nó thúc đẩy làm đủ thứ việc hao mòn sức lực, và phải biết dừng lại, không xem những giải pháp cho nỗi cô đơn chỉ nằm bên ngoài. Chúng ta phải cố gắng hết sức để không còn hành động điên cuồng và biết nhìn vào nội tâm để tìm câu trả lời. Cuộc lữ hành nội tâm hướng đến cô tịch bắt đầu với bước đầu tiên này.

Bước đầu tiên này không dễ dàng. Nội tâm chúng ta, theo nhiều kiểu khác nhau giống như mảnh đất hoang khô cằn không giọt nước. Tâm hồn và trí tuệ chúng ta như cơn gió sa mạc, nóng rát và cuồn cuộn thổi không ngừng nghỉ, không thương xót, thúc đẩy chúng ta làm một việc gì đó. Như chúng ta đã thấy, nỗi đau của việc ngưng hành động, đi vào trong đơn độc và thinh lặng tựa như cảm nghiệm sống trong luyện ngục. 

Đi vào nội tâm

Một khi đã ngưng chạy trốn cô đơn, chúng ta phải thực hiện bước tiếp theo. Một mình, trong thinh lặng, với tất cả đau đớn đi kèm, chúng ta phải bắt đầu bước sâu vào nội tâm bỏng rát, khô cằn, không giọt nước trong hiện hữu của chính mình. Nếu thực hiện cách đúng đắn thì cuộc lữ hành đến tận cùng này sẽ làm cho chúng ta nối kết được với nước hằng sống mà Đức Kitô đã hứa ban. Nó sẽ làm cho chúng ta liên hệ với sự phong phú vô hạn của tình yêu vô tận. Hơn tất cả mọi thứ, điều này sẽ giúp xoa dịu ngọn lửa cô đơn trong lòng chúng ta. Không có một hành động hướng ngoại nào có thể cho chúng ta được điều đó, vì điều cần thiết để xoa dịu ngọn lửa thao thức đối với sự vô tận chính là mạch nguồn nội tại của chúng ta, nơi nhận lãnh nguồn nước vô tận.

Cụ thể là chúng ta phải làm gì? Ngắn gọn là, mỗi người chúng ta phải đi vào nội tâm sâu thẳm của mình. Đặc biệt những lúc cảm thấy thao thức hằn sâu nhất, phải dừng lại những hành động hướng ngoại và đi vào thinh lặng, thinh lặng đủ lâu cho đến khi cảm nhận thanh thản trong chính thinh lặng và tĩnh mịch. Một khi cảm thấy thanh thản trong thinh lặng tĩnh mịch, chúng ta sẽ bắt đầu lữ hành đến với cô tịch, đến gặp gỡ với vô tận trong tâm hồn sâu thẳm của mình. Tuy vậy, ngay khi chúng ta có hành vi hướng ngoại lại, chắc chắn (và hầu như lúc nào cũng rất nhanh chóng) chúng ta sẽ đánh mất một phần nào hoặc tất cả bình yên mà chúng ta đã cảm nghiệm được trong tĩnh mịch. Lúc đó chúng ta cần trở lại với thinh lặng. Chúng ta sẽ còn phải bắt đầu đi bắt đầu lại việc này rất nhiều lần! Nhưng nếu bền chí đến cùng, thao luyện này sẽ cho chúng ta một mức độ cô tịch đủ để truyền dẫn cách sáng tạo các sức mạnh thao thức trong mình, để rồi chúng ta có thể bình yên chung sống với thao thức đó.

Tuy nhiên phải phân biệt rõ ràng việc tìm kiếm cô tịch này với những kiểu trốn tránh không lành mạnh. Một tiêu chuẩn nhận thức có thể dùng để phân biệt tâm trạng cô tịch lành mạnh với một sự trốn tránh không lành mạnh, đó là tâm trạng cô tịch lành mạnh hướng đương sự đến một tình thấu cảm cao cả, biết quan tâm đến người khác, biết gắn kết mình với thế giới, trong khi sự trốn tránh không lành mạnh dẫn chúng ta tới việc xem mình là trung tâm, lãnh đạm và huyễn hoặc nhiều hơn.

Cũng vậy biến chuyển đi vào cô tịch được hoàn thành tốt nhất khi nó cũng là bước chuyển đi vào cầu nguyện trong sáng. Tuy nhiên nếu chưa được lý tưởng, thì nếu chúng ta thường xuyên làm cho các hành động hướng ngoại có một không gian nghỉ ngơi và chính mình cũng có tâm trạng bình an và tĩnh mịch, ở lại trong thinh lặng cho đến khi cảm thấy thoải mái, thì chỉ việc đó thôi cũng đã giúp chúng ta đương đầu với tâm trạng thao thức rất nhiều. Không kể đến những phương cách tôn giáo, thì một trong những cách tốt nhất để đương đầu với mệt mỏi căng thẳng tinh thần trong thời đại tốc độ này chính là việc dành một ít thì giờ mỗi ngày để ở trong thinh lặng hoàn toàn.

Tuy nhiên, chúng ta không thể thực hiện cuộc lữ hành này cách nhanh chóng. Để bước vào cô tịch đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và chú tâm. Tâm hồn chúng ta, thật sự là tất cả tâm hồn nhân loại, là mầu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể thâm nhập vào đó với lòng tôn kính. Chúng ta biết khi có tương quan với ai đó, chúng ta phải cẩn thận để không bao giờ xâm phạm tự do của họ. Phải luôn đứng trước họ với lòng kiên nhẫn, tôn trọng tự do nội tâm và thiên hướng của họ. Khi liên hệ với người khác, chúng ta nên khuyến khích, thách thức, và thậm chí nên nhẹ nhàng kích động họ đôi chút, nhưng không bao giờ đẩy họ quá mạnh. Chúng ta phải tôn trọng tâm hồn con người như một mầu nhiệm. Triết gia Pascal đã nói rất đúng, tâm hồn có những lý lẽ mà lý trí không thể biết được. Vì thế, khi liên hệ đến tâm hồn con người, chúng ta không được dùng những cách thức nặng nề, những từ nặng lời, và những kết luận định kiến. Phải để cho những nút rối nút vò, những căng thẳng và bứt rứt tự nó thoát ra từ từ. Chúng ta luôn luôn cần phải kiên nhẫn và tôn trọng thật nhiều.

Và đây chính là điểm then chốt cần nhớ khi cố gắng đi trên con đường lữ hành nội tâm hướng đến nơi chốn thâm sâu là tâm hồn chúng ta. Cũng như khi chúng ta thô bạo với người khác, công kích tâm hồn họ cách thiếu trách nhiệm, không tôn trọng và tôn kính đúng mực, thì chúng ta cũng có thể thô bạo và làm hại chính mình khi đi vào nội tâm mà thiếu lòng tôn trọng và kiên nhẫn cho đủ. Tâm hồn chúng ta, cũng như của người khác, là những gì mềm yếu và mỏng manh, là mầu nhiệm cần giữ trong tinh thần tôn kính. Nó cũng có những nút rối vò, những lý lẽ mà trí tuệ không phải lúc nào cũng hiểu được. Do đó, phải có đủ kiên nhẫn và tôn trọng để có lúc phải dừng lại cho những nút rối vò tự tháo ra theo thiên hướng nội tại của chính nó. Không dễ để làm được vậy, vì trong cuộc lữ hành nội tâm cũng như trong các chuyện khác, chúng ta lúc nào cũng muốn có kết quả thật nhanh. Chúng ta khó chờ thời điểm đúng lúc. Tuy vậy, cũng như đối với mọi trưởng thành nhân tính, không thể cưỡng bách kết quả. Chúng ta phải có đủ kiên nhẫn để tôn trọng nhịp hoạt động tự nhiên. Không có đường tắt để đi đến cô tịch.

Đấu tranh lâu dài

Biến chuyển từ thao thức đến cô tịch, hay cuộc lữ hành nội tâm, không bao giờ đạt được hoàn toàn, không bao giờ đạt được một lần là đủ cho mãi mãi. Cô tịch là một điều mà chúng ta sống để hướng tới nhưng không bao giờ nắm bắt trọn vẹn. Như Henri Nouwen đã nói, “Thế giới không chia thành hai loại người, cô đơn và cô tịch”.2 Đúng hơn, trong cuộc đời, chúng ta dao động giữa hai thái cực, dao động từng giờ, từng tuần, từng năm. Đôi khi chúng ta bình yên hơn trong cô tịch, đôi khi chúng ta thao thức hơn. Nhưng trong bản thân, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự khác nhau rõ rệt giữa cô đơn và cô tịch. Sự khác biệt đó là gì? Đó là khác biệt giữa việc sống trong tự do hơn là dưới tác động của xúc năng; thanh thản hơn là bồn chồn; kiên nhẫn hơn là nóng vội; hướng nội hơn là hướng ngoại mê cuồng; vị tha hơn là tham lam; tình bằng hữu chân thật hơn là bám víu chiếm hữu; và thấu cảm hơn là lãnh đạm.3

Chúng ta biết chúng ta đang đi vào sự cô tịch khi cảm nhận được mình ít bị tác động của xúc năng và ít bị điều khiển, ít thao thức và mê cuồng, ít tham lam và chiếm hữu hơn. Và có lẽ lần đầu tiên trong đời, chúng ta sẽ thật sự cảm thấy tự do. 

Cầu nguyện tâm tình

Để vỗ về thao thức của mình, chúng ta còn phải dựa vào cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện tâm tình.

Một định nghĩa cổ điển nói rằng cầu nguyện là “nâng tâm trí và tâm hồn lên với Chúa.” Định nghĩa đó thật tuyệt, nhưng thường thường vấn đề là ở chỗ chúng ta không làm được như vậy. Chúng ta nâng tâm trí lên với Chúa, còn tâm hồn thì không. Chúng ta cầu nguyện vì bổn phận hay để có một nhận thức thấu suốt hoặc tìm tĩnh lặng, nhưng không cầu nguyện để cảm nghiệm được thân tình, để quả tim được chạm đến, được xoa dịu.

Nhưng đó lại là chức năng chính của cầu nguyện, đưa chúng ta vào trong tình mật thiết có thể xoa dịu và làm an bình nội tâm, cũng như một cuộc làm tình chân thực, nó cũng có tác dụng an ủi tâm hồn. Nhưng để được như vậy, chúng ta cần một dạng cầu nguyện đặc biệt.

Trong Phúc âm thánh Gioan, lời đầu tiên Chúa Giêsu nói là một câu hỏi: “Các anh tìm gì?” Ngay từ đầu Phúc âm, Chúa Giêsu đưa ra câu hỏi, và cây trả lời chỉ xuất hiện ở cuối. Câu trả lời là gì? Điều tận cùng chúng ta tìm kiếm là gì?

Câu trả lời là câu nói duy nhất Chúa Giêsu đã nói với bà Maria Madalena vào rạng ngày Phục Sinh, khi bà đi tìm để xức dầu cho xác của Ngài. Vào buổi sáng ngày Chúa sống lại, Maria đến và tìm xem xác Người ở đâu. Bà đã gặp Ngài, nhưng lại không nhận ra mà nghĩ Ngài là người làm vườn. Chúa Giêsu chào bà và lặp lại câu hỏi mà Ngài đã nói lúc khởi đầu Tin mừng: “Bà tìm gì?” Rồi sau đó Ngài cho bà câu trả lời: “Maria!” Ngài yêu dấu gọi tên bà.

Cho tới cùng, đó là điều chúng ta đang tìm kiếm và cần nhất. Chúng ta cần được nghe tiếng Chúa, một tiếng tâm tình, nói với từng người, gọi tên từng người: “Tâm!” “Thảo!” “Lan!” “Dũng!”… Không có gì chữa lành nỗi thao thức chúng ta bằng tiếng nói của Thiên Chúa, vang lên trong sâu thẳm tâm hồn, gọi tên từng người, rồi nói: “Ta yêu mến con!”

Hai năm trước, tôi có đi dự một cuộc tĩnh tâm. Vị hướng dẫn là một người rất có kinh nghiệm, ông bắt đầu bài hướng dẫn đơn giản như sau: “Trong suốt tuần này, tất cả những gì tôi dự định làm là dạy cách bạn cầu nguyện sao cho các bạn có thể mở lòng mình ra theo cách để một lúc nào đó – có lẽ không phải hôm nay, nhưng một lúc nào đó – bạn sẽ nghe thấy Thiên Chúa nói với bạn, “Ta yêu mến con!” Vì trước khi điều này xảy ra, chẳng có gì là hoàn toàn đúng với bạn, nhưng sau khi có được điều này, tất cả mọi sự sẽ đúng với bạn.”

Căn bản những lời này là đơn giản, nhưng ý nghĩa lại không đơn giản. Chúng nói lên một sự thật sâu sắc và không bóp méo được. Cho đến khi chúng ta nghe được bằng cách nào đó, từ thâm sâu cốt lõi hiện hữu của mình, tiếng Thiên Chúa gọi tên chúng ta trong yêu dấu, thì lúc đó, chúng ta mới hết thao thức triền miên, hết chạy theo bất kỳ dạng cảm nghiệm nào với hy vọng nó mang đến bình an trọn vẹn cho mình. Đến tận cùng, chỉ có một điều có thể mang đến bình an toàn vẹn, chỉ có một điều có thể xoa dịu nỗi đau bất trị của thao thức: đó là tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa. Vòng tay yêu dấu của Thiên Chúa còn sâu đậm hơn cái ôm tính dục. Chỉ có độc nhất điều đó mới có thể xoa dịu nỗi thao thức của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch  

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (1/8)

Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (2/8)

Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (3/8)