Bạn có đức tin không? Không dễ để trả lời câu hỏi này
Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit chúa nhật 27 thường niên C, 6 tháng 10 tại nhà thờ Auxerrois, Paris.
Parisparis.catholique.fr, 2019-10-03
(Ha 1,2-3 và 2,2-4; Tv 94, 1-2,6-9; 2 Ti 1.6-8.13-14; Lc 17,5-10)
Anh chị em có đức tin không? Không dễ để trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, anh chị em sẽ nói, nếu tôi ở đây, là vì tôi có đức tin. Anh chị em tin vào Chúa Cha, tin vào Chúa Giêsu và tin rằng việc anh chị em đến nhà thờ này cho phép anh chị em nhận được Sự sống của Chúa Thánh Thần ban cho.
Nhưng câu hỏi tôi muốn hỏi anh chị em hôm nay là: “Có phải đức tin là tin vào Chúa không?” Chúng ta có thể đơn giản tin vào Chúa vì thật hợp lý khi nghĩ tất cả mọi sự tồn tại làm sao đến từ không không được, cần phải có một nguồn gốc, một khởi đầu, một trí thông minh mới có thể tạo ra một thế giới tuyệt vời này, với một sự phức tạp mở ra vô hạn, với việc tạo dựng nhân loại không thể tưởng tượng. Đối với điều này, không cần phải có đức tin. Để gia tăng niềm tin vào sự hiện hữu của Chúa, chúng ta chỉ cần tiếp tục khám phá những gì chung quanh mình, tái khám phá mà không cần phải suy nghĩ trước.
Đức tin, không phải là tin vào sự hiện hữu của Chúa. Đức tin là tin vào những gì Chúa nói.
Anh chị em đã nhận thấy trong Kinh Tin Kính, chúng ta không đọc “tôi tin vào Chúa” có nghĩa là tôi tin có sự hiện diện của Chúa, nhưng chúng ta đọc “tôi tin kính Đức Chúa Trời”. Nếu anh chị em nói: tôi tin bạn thân nhất của tôi, tôi tin vợ tôi, tôi tin vào chính trị gia này, điều đó có nghĩa là tôi tin tưởng ở họ và anh chị em có thể bỏ hết để theo họ. Và đó là đức tin.
Thật khác biệt khi tin vào một cái gì đó và tin vào một ai đó. Đó là khoảng cách tồn tại giữa một hành động thông minh cá nhân chỉ liên quan đến chúng ta và mối quan hệ dựa trên niềm tin. Để nhận biết Chúa và tin tưởng ở Ngài, thì chúng ta không nên bắt đầu bằng công việc tìm tòi, nhưng trước hết là thiết lập một mối quan hệ cá nhân với Ngài.
Đối với người tân tòng, linh mục không hỏi: anh chị em có tin vào Chúa không? Không, vị linh mục hỏi: “Anh chị em xin gì với Giáo hội của Chúa?” Và người tân tòng trả lời: “Con xin đức tin!”
Đó là ngày rửa tội, sau một thời gian dài chuẩn bị để đón nhận đức tin, người tân tòng được hỏi: “Anh chị em có tin vào Thiên Chúa là Cha, là Con và Chúa Thánh Thần không?”
Nói cách khác, bước đầu tiên để gặp Chúa là xin đức tin, sau đó phát triển công việc của lý trí để tìm Sự thật, hầu mang một ý nghĩa đến cho đời sống chúng ta. Và đó là những gì Thánh Âugutinô cao cả đã nói với chúng ta: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin hơn.”
Đức tin là món quà nhưng không của Chúa mà Thánh Phaolô nhắc chúng ta trong bài đọc thứ hai. Ngài xin ông Timôtê: “Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” (2 Tm 1,14) Và Thần Khí đến soi sáng trí thông minh chúng ta để lý trí của chúng ta có thể lớn lên trong đức tin.
Lời của Chúa Giêsu về sức mạnh của đức tin có thể làm chúng ta ngạc nhiên: một cây trồng dưới biển. Theo truyền thống do thái, biển tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ và cái chết, còn cây là gợi lên sự sống và sung mãn. Có nghĩa là đức tin cấy ghép sự sống ngay cả giữa cái chết.
Nhưng đức tin không phải được tạo ra trước hết để có một sự thỏa mãn cá nhân: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta” (2 Tm 1, 8) Đức tin làm cho chúng ta là chứng nhân, là người truyền giáo. Đức Phanxicô đã dành cho tháng 10-2019 là “tháng truyền giáo ngoại thường.”
Đức Phanxicô cũng đã nói với chúng ta trong tông thư Ánh sáng đức tin: “Ai mở lòng ra với tình yêu Thiên Chúa thì nghe tiếng Ngài và nhận ánh sáng của Ngài, họ không thể giữ ơn này riêng cho họ.”
Vậy xin anh chị em lên đường cho sứ vụ đức tin làm chuyển dời núi!
+Michel Aupetit, Tổng Giám mục giáo phận Paris.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Bài giảng trong Lễ Các Thánh của Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit