Vì sao Đức Phanxicô nói đến các rủi ro của ly giáo?

337

Vì sao Đức Phanxicô nói đến các rủi ro của ly giáo?

fr.aleteia.org, Xavier Le Normand, 2019-09-11

Ngày 10 tháng 9, Đức Phanxicô khẳng định “luôn có sự lựa chọn ly giáo trong Giáo hội, luôn luôn”, nhưng ngài cầu nguyện để tránh các đứt đoạn như vậy. Ngài đề cập đến vấn đề nghiêm trọng này trong buổi họp báo trên máy bay khi từ Madagascar về Rôma sau chuyến đi đến Ấn Độ dương tuần vừa qua.

Các lời này của giáo hoàng là kết quả của một sự việc xảy ra 6 ngày trước đó trên chuyến bay đưa ngài đến Mozambic trong chuyến tông du thứ 31 của ngài. Trên máy bay, khi chào ngài, nhà báo Pháp Nicolas Senèze của báo La Croix tặng ngài quyển sách “Làm thế nào người Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng” (Comment l’Amérique veut changer de pape) được phát hành cùng ngày hôm đó. Theo nhà báo Pháp, một nhóm người công giáo Mỹ rất chống Đức Giáo hoàng, vì những lời chỉ trích về chủ nghĩa tự do kinh tế của ngài, nên nhân cơ hội có các vụ tai tiếng trong Giáo hội đã nhân gấp bội lên các tấn công chống lại ngài. Ngài đã dí dỏm vặn lại: “Đối với tôi, đó là vinh dự được người Mỹ tấn công”.

Vì muốn biết nhiều hơn, nhân cơ hội tháp tùng ngài trên chuyến bay các nhà báo Mỹ đã hỏi ngài thêm trong cuộc họp báo về vấn đề này. Họ cũng hỏi ngài nghĩ gì về các lời chỉ trích và các rủi ro nếu việc ly giáo bị đi xuống. Trong câu trả lời không chuẩn bị của mình, ngài khẳng định, “các chỉ trích luôn giúp đỡ” đặc biệt khi lời chỉ trích “trung thực và xây dựng.”

Ngài cũng không tránh câu hỏi về ly giáo, vì theo ngài, “luôn có ly giáo trong Giáo hội, luôn luôn. Chúa luôn để con người tự do lựa chọn. Còn tôi, tôi không sợ ly giáo. Tôi cầu nguyện để điều này không xảy ra vì sẽ đe dọa cho sức khỏe tâm linh của nhiều người.” Tóm lại, ngài khẳng định, ngài sẽ tiếp tục giảng dạy theo Tin Mừng, nhưng vẫn lắng nghe các lời chỉ trích vì một số người đang kích động mối đe dọa ly giáo.

Sự liên tục trong các giáo huấn của giáo hoàng

Theo ngài, có nguy cơ ly giáo khi giáo điều phải tuân theo ý thức hệ. Đối diện với nguy cơ có thể có trong một vài môi trường mà quyển sách của tác giả Nicolas Senèze nhắc đến, Đức Phanxicô trả lời cho những người xem ngài “quá cộng sản”, ngài nhấn mạnh: “Các vấn đề xã hội mà tôi nói, thì cũng giống như những gì Đức Gioan-Phaolô II đã nói.”

Và ngài không che giấu sự chống đối của mình trước chủ nghĩa kinh tế tự do. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (2013) ngài tố cáo một “nền kinh tế loại trừ” qua “thần tượng mới của tiền.” Ngài tố cáo một sự tiêu thụ quá độ và bác bỏ các lý thuyết “dòng chảy” theo đó sự tăng trưởng kinh tế cho phép có một sự công minh hơn. Cũng vậy, năm 2018 ngài phê chuẩn tài liệu Hệ thống kinh tế và tài chánh (Œconomicae et pecunariae questiones) tố cáo hệ thống kinh tế và tài chánh “đôi khi ích kỷ.”

So với các vị tiền nhiệm của mình, có thể Đức Phanxicô dùng chữ rõ ràng hơn nhưng ngài nối tiếp giáo huấn của các giáo hoàng. Năm 2009, trong Tông huấn Bác ái trong Chân lý (Caritas in veritate) Đức Bênêđictô XVI cũng đã tố cáo các “tác động xấu” của tài chánh đầu cơ trục lợi. Trong  quyển sách của mình, tác giả Nicolas Senèze nhắc đến triết gia người Mỹ Michael Novak đã bình luận về tông huấn Bác ái trong Chân lý “có nhiều bác ái và ít chân lý.” Như thế các chỉ trích chống quan điểm của các giáo hoàng về kinh tế không phải là chuyện mới.

Trước ngài, Đức Gioan-Phaolô II cũng trong đường hướng này. Trong Tông huấn Đệ bách chu niên” (Centesimus annus, 1991), ngài lấy làm tiếc “con người bị chiếm đoạt bởi mong muốn có thêm, vui hưởng hơn, tiêu thụ một cách quá độ và mất trật tự các nguồn tài nguyên của quả đất và của chính cuộc sống mình, thay vì tăng trưởng bản thân”. Cũng trong tông huấn này, Đức Gioan-Phaolô II trích dẫn Tông huấn Tân sự (Rerum novarum, Giáo hoàng Lêô XIII công bố năm 1891!) nói về đời sống của giới lao động nghèo, ngài chỉ trích hai hệ thống xã hội và kinh tế, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do”. Theo Đức Gioan-Phaolô II,  các đoạn chỉ trích trong tài liệu này “vẫn còn giữ giá trị cho đến ngày nay”.

Như thế Giáo hội không chờ giáo hoàng đầu tiên của mình đến từ lục địa châu Mỹ để tố cáo quyền lực vạn năng của tiền bạc và chịu đựng cơn thịnh nộ của quyền lực này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Một giáo hoàng đứng trước các lời chỉ trích

Vì sao Đức Phanxicô nói đến các rủi ro của ly giáo?

Ở Ấn Độ Dương, Đức Phanxicô đã gieo hạt giống của cuộc cách mạng thực sự