Đức Giám mục Đức Heiner Wilmer nói chỉ có một tân thần học mới có thể cứu Giáo hội

767

Đức Giám mục Đức Heiner Wilmer nói chỉ có một tân thần học mới có thể cứu Giáo hội

 

international.la-croix.com, Christa Pongratz-Lippitt, Vienna, 2019-06-25

Đức Giám mục Heiner Wilmer của giáo phận Hildesheim cho rằng sự lạm quyền của giáo sĩ đang hủy hoại đạo công giáo.

Một trong các giám mục Đức được phong gần đây nhất nhíu mày khi nói đến một “thần học mới” là câu trả lời khẩn cấp cho các tiết lộ lạm dụng quyền lực của các giáo sĩ.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây của nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, Giám mục Wilmer cảnh báo: “Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn ý thức, rằng  cuộc khủng hoảng niềm tin đang xâm lấn vào Giáo hội với một sức mạnh không lay chuyển.”

Giám mục Wilmer, 58 tuổi, chịu chức linh mục đã 32 năm, dù chỉ mới điều khiển giáo phận Hildesheim miền bắc nước Đức từ tháng 9 vừa qua, nhưng đây không phải là lần đầu tiên ngài thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình.

Trước khi là giám mục, Wilmer là bề trên tổng quyền dòng truyền giáo, và giảng dạy được biết dưới tên “Dòng Thánh Tâm” (Dehoniens), đã thổ lộ với báo Kưlner Stadt Anzeiger ba tháng sau khi nhận chức vụ mới: “Lạm dụng quyền lực ở trong ADN của Giáo hội”.

Trong lần phỏng vấn được báo Süddeutsche Zeitung đăng ngày 12 tháng 6, ngài thừa nhận: “Tôi đã đưa ra lời chỉ trích, nhưng không có nhiều người thấy sự nguy hiểm”. Ngài tuyên bố: “Lời tuyên bố của tôi vào tháng 12 vừa qua đã chạm đến dây thần kinh, chắc chắn đau đớn hơn tôi hình dung. Nhưng tôi giữ vững điều này”.

Lạm dụng quyền lực lâu đời như các Tin Mừng, phải được giải quyết về mặt thần học

Ngài cho biết, Giáo hội đã quên lạm dụng quyền lực cũng xưa như các Tin Mừng, ngài đưa ra các trích dẫn trong Tân Ước, kể cả đoạn các môn đệ tranh nhau ai sẽ là người đứng đầu trong số họ.

Giám mục Wilmer ghi nhận, cho đến bây giờ phản ứng của Giáo hội đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng chỉ ở trong việc áp dụng kỷ luật và giáo luật, cải thiện việc phòng ngừa và liên lạc, hợp tác với cơ quan tư pháp và nhà nước: “Tất cả những chuyện này là đúng và tốt, nhưng chúng ta chưa giải quyết vấn đề một cách cơ bản”.

Theo ngài, điều này đòi hỏi Giáo hội phải tự hỏi cuộc khủng hoảng quyền lực có ý nghĩa gì đối với “cách chúng ta nói về Thiên Chúa và cách chúng ta rao giảng Tin Mừng”.

Ngài xác nhận, việc che giấu các vụ lạm dụng tình dục là hậu quả của sự tôn trọng quá mức tính thánh thiện của Giáo hội. Vì bạo lực tình dục được xem như một cái gì đó làm mất đi sự thánh thiện của Giáo hội, nên nó phải được che đậy: “Chúng ta phải đi xuống từ đó và thấy tính cách tội lỗi của Giáo hội, nhưng phải giải quyết vấn đề về mặt thần học”.

Giáo hội phải chuyển từ đạo đức hóa sang giải phóng con người

Giám mục Wilmer, người theo học ở Giáo hoàng Học viện Gregorian, sau đó ngài lấy tiến sĩ thần học ở Đại học Fribourg cho rằng, một hình ảnh quá mức của Giáo hội là một trong các lý do đã dẫn đến mức độ hung bạo cực kỳ về tình dục mà bây giờ mới được đưa ra ánh sáng: “Chúng ta đã quá quan tâm đến việc đánh bóng hình ảnh Giáo hội và đã thất bại khi không nhìn thấy con người. Tôi thấy điều này thật khủng khiếp!”

Ngài lấy làm tiếc trong thế kỷ vừa qua, Giáo hội đã “trượt” trong cách rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người thấy một thể chế chỉ tập trung vào đạo đức tình dục.

Ngài tuyên bố: “Chúng ta cho phép Giáo hội xuống cấp thành một thể chế đạo đức tập trung vào những gì có thể hoặc không có thể xảy ra dưới các tấm ga trải giường”, đồng thời ngài nhấn mạnh điều răn thứ sáu không phải là điều răn duy nhất.

Giám mục Wilmer nói, thông điệp của Chúa Giêsu Kitô “trước hết không phải là một thông điệp luân lý”, nhưng nhằm để giải phóng và cứu chuộc con người.

Trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu không nói: “Nếu các con tự hòa hợp với nhau, các con sẽ là ánh sáng thế gian” hoặc “nếu các con giữ các quy tắc tình dục, các con sẽ là muối của quả đất”. Ngài dùng thể chỉ định, Ngài không dùng thể điều kiện hay mệnh lệnh, Ngài nói: “Chính anh em là muối và ánh sáng”. Giám mục nhấn mạnh, Chúa Giêsu có một cảm nhận tuyệt vời về nét đẹp: “Chúa nhìn thấy nét đẹp tuyệt vời nơi người tàn tật và làm cho ông cảm nhận được vẻ đẹp này, và ông đã ngẩng đầu lên.”

Từ sự sống còn đơn thuần đến khơi dậy niềm đam mê với Tin Mừng

Giám mục Wilmer cho rằng điều quan trọng là Giáo hội phải trở thành một cộng đoàn nâng giáo dân lên. Điều có tính cách quyết định đối với giám mục Wilmer là Tin Mừng phải được loan báo làm sao để mọi người yêu mến: “Chúng ta phải làm cho than hồng dưới đống tro tàn bừng cháy lại, bắt đầu bằng khát khao an toàn và bình an của mọi người. Chúng ta phải mang đến khả năng phát triển, và không gian đủ để phát triển.” Ngài cảnh báo những người chỉ quan tâm đến sự sống còn của Giáo hội là những người “đã thua cuộc.”

Ngài cũng hy vọng về tiến trình thượng hội đồng mà hội đồng giám mục quốc gia đã bắt đầu. Ngài nói thêm việc đưa giáo dân vào các cuộc thảo luận về quyền lực giáo sĩ, đạo đức tình dục trong Giáo hội và lối sống của các linh mục sẽ không dễ dàng. Nhưng ngài tin chắc việc này sẽ thành công. 

Can đảm lắng nghe và thay đổi

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nhiều can đảm về phía các giám mục để có thể “kề vai sát cánh” với giáo dân, thảo luận với họ về các vấn đề như chịu chức các linh mục, bậc sống độc thân và chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội.

Giám mục Wilmer cho biết ngài “nhiệt tình” cam kết sống độc thân. Nhưng ngài cho biết: “Phải làm để nó được rọi sáng hơn.” Theo ngài, cách tốt nhất là tự nguyện, chứ không phải bắt buộc như trường hợp hiện nay.

Đồng thời giám mục cũng cho biết, điều quan trọng là phụ nữ phải được đưa vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội và được trao trách nhiệm cao hơn: “Chúng ta không thể đơn thuần nói, phong chức cho phụ nữ là giải quyết hết tất cả mọi sự.”

Trong phần kết luận, ngài cảnh báo nếu Giáo hội không tìm ra cách để áp dụng các cải cách này thì Giáo hội sẽ sống bên lề.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch