Người biệt phái là ai?

1749

Người biệt phái là ai?

 

la-croix.com, Mélinée Le Priol, 2019-05-13

Sau cuộc họp ở Rôma về Chúa Giêsu và người biệt phái ngày thứ năm 9 tháng 5-2019, Đức Phanxicô xin nhóm người do thái này giới thiệu cách “thích ứng hơn” trong việc giảng dạy và các bài giảng của người công giáo về vấn đề này.

Thường thường người biệt phái (pharisêu) bị cho là người “đạo đức giả” nhưng một số người do thái xem họ là tổ tiên thiêng liêng của mình. 

Đức Phanxicô đã nói gì?

Viện Kinh Thánh Giáo hoàng đã tổ chức một buổi hội thảo từ ngày 7 đến 9 tháng 5 tại Rôma về đề tài “Chúa Giêsu và người biệt phái” với sự tham dự của các giáo sư và học giả tín hữu kitô và do thái, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Viện.

Sau 3 ngày hội thảo nói về lịch sử của nhóm do thái biệt phái, trình bày phim ảnh và các tài liệu giáo lý, 400 người tham dự đã hội kiến với Đức Phanxicô ngày 9 tháng 5.

Đặc biệt mọi người mong chờ bài nói chuyện của ngài, một số giáo sĩ cảm thấy bối rối khi thấy ngài thường trích Tân Ước một cách “thô thiển” hoặc “không nhạy” khi nói Chúa Giêsu tố cáo sự quá cứng nhắc của người biệt phái về Luật Do Thái và chống đối họ về thông điệp yêu thương. Tháng 10 – 2018 vừa qua, trong bài giảng lễ buổi sáng, Đức Phanxicô còn cho rằng người biệt phái là người “vô tri vô giác” và họ “đã bỏ lỡ cuộc sống của mình”.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh trong bài diễn văn của ngài: “Chữ ‘pharisêu’ thường có nghĩa ‘đạo đức giả’ hay ‘tự phụ’. Tuy nhiên đối với nhiều người do thái, người biệt phái là người sáng lập do thái giáo phái rabbini và như thế là tổ tiên thiêng liêng của họ. Lịch sử chú giải thường đưa ra hình ảnh tiêu cực về người biệt phái, ngay cả không có cơ sở cụ thể trong các câu chuyện kể trong Tin Mừng”.

Cuối cùng Đức Phanxicô khuyến khích nghiên cứu lịch sử về nhóm người do thái này và xin họ giới thiệu “một cách thích ứng trong giảng dạy và trong các bài giảng”.

Chúng ta biết gì về người biệt phái?

Nếu chúng ta ít có tài liệu lịch sử về nhóm biệt phái, về tầm quan trọng và sự đa dạng của các trường phái, thì chúng ta biết đây là một phong trào canh tân thiêng liêng của Israel đã được thiết lập ngay từ thế kỷ thứ nhất, đặc biệt ở Giêrusalem.

Linh mục Dòng Tên Marc Rastoin, giáo sư ở Viện Kinh Thánh Giáo hoàng tham dự trong buổi hội thảo này giải thích: “Trái ngược với hình ảnh của nhóm người cực kỳ theo luật, đây là phong trào cải cách tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống tôn giáo và giảm thiểu sự nghiêm khắc của luật”.

Có mặt trong các câu chuyện kể của triết gia Flavius Josèphe, người biệt phái là nhân vật chính được nhắc đến nhiều trong Tân Ước, nhất là trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu và thường bị cho là người chống đối Chúa Giêsu.

Linh mục Rastoin tin rằng: “Đó là một cấu trúc tu từ và văn học. Trên thực tế, người biệt phái có nhiều điểm chung với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa: họ nói với mọi người, họ tin vào sự sống lại của người chết… Nhưng chiến lược của họ thì khác, thường được truyền qua nghi thức của sự tinh tuyền.”

Người do thái ngày nay có thực sự là người thừa kế của họ không?

Sau khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy vào năm 70 sau công nguyên, các giáo sĩ tái tổ chức lại đạo do thái ít đề cập đến nhóm tôn giáo này. Linh mục Rastoin giải thích: “Sự im lặng của truyền thống đầu tiên phái rabbini này về người biệt phái vẫn còn là một bí ẩn, nhưng một số người cho rằng các giáo sĩ muốn phá vỡ các nhãn dán và các chia rẽ”.

Tuy nhiên kể từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5, các giáo sĩ bắt đầu thừa nhận thuật ngữ này một cách tích cực, cho rằng người biệt phái có thể là tổ tiên của họ.

Về phía tín hữu kitô, vào thời đó đã có khuynh hướng đồng hóa người do thái là người biệt phái. Kết quả là khuôn mẫu tiêu cực – biệt phái “phản bội” và “đạo đức giả” – đã thúc đẩy tín hữu kitô bài do thái trong nhiều thế kỷ. 

Kitô giáo có còn bài do thái giáo không?

Trả lời cho hãng tin AFP, giáo sĩ David Rosen, giám đốc các vấn đề liên tôn của Ủy ban Do Thái Mỹ (AJC) cho rằng việc đề cập riêng rẽ từ biệt phái “không biến ai đó thành người chống do thái”.

Buổi hội thảo tổ chức tại Rôma phù hợp với đường hướng của Tuyên ngôn Trong thời đại chúng ta (Nostra aetate) của Công đồng Vatican II, sau khi ban hành tuyên ngôn này năm 1965, đã khởi đầu một mối quan hệ mới giữa người công giáo và người do thái.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô được nhắc nhở về các nhận xét của ngài về người biệt phái

Các học giả do thái và kitô giáo thảo luận về “Chúa Giêsu và người biệt phái”

 Đức Phanxicô và một giáo sĩ trong cuộc gặp ngày 9 tháng 5 với các học giả tại Vatican