Đức Phanxicô được nhắc nhở về các nhận xét của ngài về người biệt phái

371

Đức Phanxicô được nhắc nhở về các nhận xét của ngài về người biệt phái

ledevoir.com, Catherine Marciano, 2019-05-13

Đức Phanxicô ở Bức tường Than khóc phía tây, nơi linh thiêng nhất của đạo do thái ngày 26 tháng 5 năm 2014, cùng với giáo sĩ Shmuel Rabinovich © Kobi Gideon/GPO/FLASH90

Là nghệ nhân của việc xích lại gần với người do thái, Đức Phanxicô sẽ phải cẩn thận hơn khi ngài tiếp tục nói “người biệt phái là đạo đức giả”, các học giả của cả hai tôn giáo, kitô giáo và do thái giáo cho rằng đây là cách nói tiêu cực đã nuôi dưỡng tinh thần bài do thái của đạo công giáo từ bao nhiêu thế kỷ nay.

Các mối quan hệ của người công giáo và do thái bắt đầu lại nhờ tuyên ngôn “Trong thời đại chúng ta” (Nostra Aetate) của Công đồng Vatican II năm 1965 đã ủng hộ sự tôn trọng do thái giáo. Trong nhiều thế kỷ, nguồn gốc do thái của Chúa Giêsu đã bị lu mờ và người do thái bị xem như một dân tộc giết Chúa. Nửa thế kỷ sau, các học giả do thái và kitô giáo đã có buổi hội thảo ba ngày ở Rôma trong bầu khí thân tình để chia sẻ nghiên cứu quan trọng của họ về “Chúa Giêsu và người biệt phái (pharisêu)”.

Chủ đề của họ không có gì là chuyện giai thoại của các giáo sĩ do thái, bị xáo trộn do các câu trích dẫn không uyển chuyển của giáo hoàng rút từ Tân Ước, Chúa Giêsu coi các thành viên của nhóm tôn giáo và chính trị nhỏ này là những người đạo đức giả, tố cáo sự cứng nhắc bất di dịch của họ đối với luật do thái và việc họ phản đối thông điệp yêu thương.

Trong một bài giảng thánh lễ vào tháng 10, Đức Phanxicô mô tả người biệt phái như sau: “Họ đã bỏ mất cuộc sống của mình. Có thể nói họ là những người vô tri vô giác. Họ cứng nhắc […] Họ không để ý đến ai. Điều quan trọng đối với họ là luật.” Nhưng trên thực tế có ít yếu tố lịch sử ghi trong nhóm này để nhân cách hóa tất cả người do thái như vậy.

Hình ảnh người biệt phái phản trắc chống lại Chúa Giêsu đã trở thành một phần của văn hóa phương Tây, nó hiện diện trong từ điển, trong các văn bản học thuật, phim ảnh, và thậm chí ngày nay vẫn còn trong một số bài giảng tin lành và công giáo.

Bà Amy-Jill Levine, giáo sư người Mỹ giảng dạy Tân Ước và các nghiên cứu do thái nói đùa: “Sẽ là một sáng kiến tốt nếu mỗi người do thái tham dự mỗi thánh lễ trên thế giới để sửa các thành kiến này, nhưng chúng tôi không có đủ người!”

Vì thế 400 học giả và tu sĩ được Vatican tiếp vào ngày thứ năm 9 tháng 5 cho rằng giáo hoàng phải làm gương. Cơ quan tổ chức buổi hội thảo là Giáo hoàng Học viện Thánh Kinh, một cơ quan được thành lập từ 110 năm nay và do các tu sĩ Dòng Tên điều hành đã nhắm đúng vào hồng tâm khi chuyển đề nghị của họ để truyền cảm hứng cho bài phát biểu của giáo hoàng.

Đức Giáo hoàng đã đưa ra trong bài diễn văn rất được mong đợi của ngài: “Chữ ‘biệt phái’ thường có nghĩa là ‘người đạo đức giả’ hoặc người ‘tự phụ’. Tuy nhiên đối với nhiều người do thái, người biệt phái là những người sáng lập đạo do thái trường phái rabbini và vì thế là tổ tiên thiêng liêng của họ”.

Ngài đồng ý: “Lịch sử chú giải đã cổ động các hình ảnh tiêu cực của người biệt phái ngay cả khi không có cơ sở cụ thể trong các tường thuật Tin Mừng và cái nhìn này đã được các tín hữu kitô gán chung cho người do thái”.

Ngài nói thêm: “Trong thế giới chúng ta, không may các khuôn mẫu tiêu cực như vậy lại trở nên rất phổ biến. Một trong các khuôn mẫu lâu đời nhất và gây tổn hại nhất lại chính là “biệt phái”. Đức Giáo hoàng khuyến khích nên có các nghiên cứu lịch sử về nhóm do thái này để “đấu tranh chống nạn bài do thái”. Nó cũng phải được trình bày “một cách thích ứng trong việc giảng dạy và trong các bài giảng“công giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm:Các học giả do thái và kitô giáo thảo luận về “Chúa Giêsu và người biệt phái”

Đức Phanxicô và một giáo sĩ trong cuộc gặp ngày 9 tháng 5 với các học giả tại Vatican