Linh mục Fournier: “Trong nhà thờ đang cháy, tôi tìm lại được Chúa Giêsu và ban phép lành cho thánh đường”

1009

Linh mục Fournier: “Trong nhà thờ đang cháy, tôi tìm lại được Chúa Giêsu và ban phép lành cho thánh đường” 

famillechretienne.fr, Hugues Lefèvre, 2019-04-17

Linh mục Fournier trước Nhà thờ Đức Bà ngày hỏa hoạn 15 tháng 4 – 2019

Linh mục Jean Marc Fournier, tuyên úy Đội Cứu hỏa Paris đã cứu được Vương miện gai. Ngài cũng gìn giữ được một phần các bánh thánh của thánh đường. Báo Gia đình Công giáo gặp linh mục ở trụ sở Cứu hỏa Paris.

Cha ở đâu khi nghe tin nhà thờ cháy?

Đó là ngày thứ hai Tuần Thánh. Như thông lệ hàng năm, các tuyên úy quân đội quy tụ chung quanh giám mục của mình để vinh danh các cựu tuyên úy cao niên ở Khải Hoàn Môn. Sau đó thì đáng lẽ Giám mục Antoine de Romanet sẽ ăn tối với chúng tôi ở Trường Quân đội, và chúng tôi thấy một làn khói dày đặc trên thủ đô. Tôi bật điện thoại và nhận nhiều tin nhắn cho biết nhà thờ chính tòa đang cháy.

Lúc đó là mấy giờ?

Tôi không biết. Có thể khi đó là 19h30. Lúc đó, tướng chỉ huy chờ tôi ở sân trước nhà thờ. Một trung tá đưa tôi đến ban chỉ huy của các nhân vật quan trọng. Tôi chào Tổng thống Emmanuel Macron và vợ, Thủ tướng, Giám mục Aupetit và Đức ông quản nhiệm Chauvet. Chúng tôi nhanh chóng tập trung vào các chuyện ưu tiên: Các Thánh tích của Cuộc Khổ Nạn và Thánh Thể.

Khó khăn đầu tiên. Vương miện gai ở trong Hòm. Phải tìm chìa khóa và nhất là mật mã. Nhưng lúc đó chúng tôi không tìm ra ai có thể biết. Trong lúc tôi đi tìm thì một nhóm làm việc đang tìm cách cứu các tác phẩm như kế hoạch đã dự liệu.

Lúc đó mọi người có bị hoảng không?

Không hề. Không ai hoảng loạn! Không bao giờ! Đơn thuần có căng thẳng một chút vì chúng tôi biết chúng tôi đang chạy theo thời gian. Một loại stress tốt vì làm cho chúng tôi có các quyết định ngay lập tức. Và rồi người giữ phòng thánh cho tôi chìa khóa và mật mã của nhà thờ. Chúng tôi vội vã. Khi chúng tôi trở lại thì chúng tôi biết, trong khi chúng tôi đi tìm thì nhóm kia đã quyết định phá vỡ hòm thánh tích và lấy ra vòng vương miện giả. Khi đó các nhân viên cứu hỏa tìm được người quản lý có mật mã và đã mở được hòm, cứu được Vương miện gai. Mục đích đầu tiên đã được hoàn thành. 

Mục tiêu thứ nhì là gìn giữ Thánh Thể?

Chắc chắn. Tôi vào nhà thờ. Nóc tháp đã sập. Bất cứ lúc nào gian giữa của nhà thờ cũng có thể bị sập. Có hai tụ lửa cháy rực dưới đất. Một tụ lửa khác ở bàn thờ chính. Có các cơn mưa lửa từ mái rơi xuống. Bầu khí trong nhà thờ thì lại rất đặc biệt, không có khói, không nóng đặc biệt. Chúng tôi đi dọc theo các tường. Tôi hỏi người phụ tá chỉ huy xem có các di sản quý nào cần phải cứu. Ông nói có bức tranh Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu ở nhà nguyện thứ nhì. Tôi đi với người phụ tá đến nhà nguyện để lấy bức tranh này. Đó là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên chúng tôi cứu. Sau đó thì chúng tôi hợp lý hóa công việc để làm. 

Có nghĩa là?

Thay vì làm chấp nối, chúng tôi làm việc một cách hợp lý hơn: người phụ tá chỉ huy sáng suốt điều hành chúng tôi, tôi có chuyên môn kỹ thuật, mười mấy người khác di chuyển các tác phẩm. Một cách có hệ thống chúng tôi đi từ nhà nguyện này đến nhà nguyện khác. Trong mỗi nhà nguyện, chúng tôi dùng đèn xem và tôi lượng định xem tác phẩm nào phải được đem đi. Dần dần chúng tôi thu hồi các tác phẩm và đem đến vùng các người thợ của công trường với sự bảo vệ của cảnh sát. Đến nhà nguyện có hai mô hình lớn không thể đem ra, chúng tôi phủ lại để chống nước thấm vào. Chúng tôi tiếp tục đi một vòng, cất các phụ kiện ở bàn thờ, cất tượng Đức Mẹ Częstochowa, cất bức tranh các thánh tử đạo Đại Hàn, một bức tranh rất đẹp, rất lớn, chúng tôi phải bốn người mới khiêng nổi. Chúng tôi không thể làm nhiều hơn, cảnh sát giải thích cho chúng tôi quá nguy hiểm để tiếp tục.

Cha có cảm thấy tính mạng bị nguy hiểm không?

Như mỗi lần chúng tôi vào căn nhà đang cháy! Đây không phải là cảm tưởng mà là một thực tế!

Còn Thánh Thể, cha làm gì sau đó?

Đúng vậy, đã đến lúc phải đem Chúa Giêsu ra khỏi căn nhà đang cháy. Người giữ phòng thánh giải thích cho tôi có hai nơi để Mặt Nhật. Trước hết là ở bàn thờ các Kinh sĩ với hàng ngàn bánh thánh cần chuyển đi. Vấn đề là nó ở nơi các đà đang cháy. Và các giọt chì nóng chảy tiếp tục rơi. Hoàn toàn không thể đến đó được! Tôi buồn tiếc nhưng cuối cùng thì lại không hư. Có một nơi cất giữ thứ hai là ở bàn thờ Thánh Georges. Chúng tôi tìm được chìa khóa và tìm lại được Chúa Giêsu. Tôi dùng Mặt Nhật Thánh Thể để ban phép lành cho nhà thờ. Đây là hành động của đức tin. Tôi xin Chúa Giêsu chiến đấu chống ngọn lửa và gìn giữ nhà thờ Mẹ của Ngài, tôi tin Chúa Giêsu hiện diện thật nơi các bánh thánh này. Việc ban phép lành này trùng lúc với thời điểm lửa bắt đầu cháy ở tháp phía bắc. Cùng một lúc với sự tắt lửa! Chắc chắn là nhờ Chúa Quan phòng… Hai tòa tháp đã được cứu.

Tôi xin Chúa chiến đấu chống ngọn lửa – tôi tin Chúa hiện diện trong các bánh thánh này.

Cha đem được Mặt Nhật ra?

Không, tôi để ở phòng thánh, chỗ đó không bị lửa đe dọa, cũng như kho báu. Vương miện gai ở trong hòm thánh tích ở nhà nguyện Chevet được đưa đến công trường của các người thợ. 

Sau đó cha có đến các tháp không?

Có, một trung sĩ có mặt ở đó ngay từ đầu dẫn tôi đến tháp phía nam là tháp có thể đến được. Chúng tôi lên cao và thấy mái nhà không còn và nhà thờ đang cháy. 

Cha cảm nhận gì lúc đó?

Chúng ta vừa bước vào Tuần Thánh. Chúng ta bắt đầu Mùa Chay với Lễ Tro và tôi nhớ lại câu, “nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro”. Thân phận tro bụi dính với thân phận làm người chúng ta. Nhưng thêm nữa, nó lại cần thiết để Sống Lại. Tôi vừa quá buồn vì mất một di sản phi thường, cả một khu rừng gỗ của nhà thờ, nhưng cũng vừa vui trong niềm vui hy vọng Phục Sinh. Tôi biết nhà thờ sẽ được xây lại đẹp hơn, vững hơn và sống động hơn!

Cha muốn nói?

Đúng, vì rất nhiều tòa nhà là những bọc vỏ gần như chết. Có những di tích tôn giáo có nguy cơ biến thành ngôi mộ trắng. Trong lịch sử kitô giáo tây phương đã có các nhà thờ bị sụp đổ, bị cháy, bị tấn công. Và chuyện gì xảy ra? Mọi người xăng tay vén áo cùng xây dựng lại. Có một loại đời sống dính với các toà nhà đi theo cuộc sống hàng ngày của tín hữu kitô. Ngày nay đã có một loại bệnh xơ cứng ngăn không cho các tòa nhà này được sống. Trong khi các tòa nhà này lại phản ánh cuộc sống chúng ta. Với niềm vui và nỗi buồn. Cái chết và sự sống.

Cha là thành viên của Dòng Mộ Thánh (Saint Sépulcre)…

Đúng, chính vì vậy mà tôi nhanh chóng tập trung vào Vương miện gai. Tôi mang Vương miện gai mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi có một mối liên hệ chặt chẽ với Vương miện! Tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng khi cứu được. Nhân loại không thể mất một trong các gia sản quý báu nhất của nó.

Cha có cảm thấy tự hào?

Như mỗi lần mình làm một chuyện gì tốt. Biết bao nhiêu lần mình làm điều xấu mà mình không muốn làm, và gặp khó khăn khi làm điều tốt mà mình muốn làm, vì thế khi hợp tác làm chuyện tốt, thì chúng ta có niềm tự hào chính đáng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên, điều tốt này không đến từ chúng ta, chúng ta chỉ là những người tôi tớ vô dụng của ơn Chúa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Jean-Marc Fournier cứu Vương miện gai và Mặt nhật có Mình Thánh Chúa 

Đức ông Patrick Chauvet: “Con gà trên nóc tháp trong đó có ba thánh tích còn nguyên vẹn”