Tham ăn, một nét tự nhiên

580

Tham ăn, một nét tự nhiên

croire.la-croix.com, Claire Lesegretain, 2019-04-05

 

Tham ăn, một trong bảy mối tội đầu. Trao đổi với Sư huynh Jean, đan sĩ chính thống giáo ở vùng Skite Sainte-Foy (Lozère, nước Pháp) thú nhận khi mô tả tội này: “Không tham ăn mới là có tội!”. 

Sư huynh có ham ăn không?

Sư huynh Jean: Có, tôi ham ăn! Ở đan viện Saint-Sabas, trong vùng sa mạc Juđêa (Đất Thánh) nơi tôi đã ở nhiều năm, chúng tôi ăn chay mỗi thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Một ngày nọ, khi tôi xưng tội với cha thiêng liêng, tôi mơ thỏi sôcôla, cha Seraphim trả lời: “Không thăm ăn mới có tội!” Và ngài nói thêm: “Sôcôla không phải là tội, lệ thuộc vào nó mới tội, khi đó mình phải thoát ra!” Tham ăn là tự nhiên và có lợi, ngược với thói háu ăn, phàm ăn là không điều độ hay với chứng bệnh ăn vô độ.

Là đan sĩ, mình có thể vừa ham ăn vừa sống khổ hạnh không?

Ăn chay trong đan viện không phải chỉ đơn thuần ăn uống điều độ tuân theo các hình thức giữ chay bên ngoài. Đây không phải là ăn cho ốm bốt, theo chế độ kiêng khem y khoa, cũng không phải là kỹ thuật tâm lý để ổn định, nhưng là một xung lực tinh thần, quảng đại trong tự do tâm hồn của con người mình. Động lực thúc đẩy ăn chay trong chính thống giáo là cái nhìn của Chúa! Vì thế trước khi uống ly nước, tôi làm dấu: tôi thánh hóa ly nước này vì nước chảy từ suối đá, và trên đỉnh núi đá là điều kỳ diệu.

Và khi tôi cắn quả cà chua bọc trong lá húng quế, tôi tạ ơn vì cả hai được trồng trọt cẩn thận, được tưới từ nước suối đá! Đó là hương vị dịu ngọt mà tôi không thể chỉ ăn một trong hai, nếu không hương vị dịu ngọt sẽ biến mất. Một ngày nọ có nhà tỉ phú Hà Lan đến đây, ông làm giàu nhờ trồng rau ngoài đất, ông kinh ngạc khi nếm các quả cà chua của chúng tôi, ông nói: “Quả cà chua của tôi thì đẹp, quả cà chua của các thầy thì ngon”. Như thế ham ăn thì tốt, vì nó cần thiết để hiểu Tạo dựng là tốt.

Nhưng tham ăn bị xem như cám dỗ đầu tiên của ông Adong và bà Evà?

Ở vườn Địa Đàng, con rắn cám dỗ không phải là kẻ thù. Nó là một tư tưởng có thể xấu hoặc tốt theo ông Adong và bà Evà nghĩ. Bởi vì bà Evà (có nghĩa là phần nữ tính nơi con người) bị lời nói dối lôi cuốn, còn ông Adong (phần nam tính nơi con người) thì bị lôi cuốn bởi bà Evà, họ ăn trái bị Chúa cấm và họ trở thành u mờ trước mặt Chúa, Chúa không còn muốn thấy họ nữa. Tương tự như chúng ta không thể thấy gì qua ly thủy tinh bị dơ. Ông Adong và bà Evà để mình bị cám dỗ vì họ quên nhìn chính họ, họ không thánh hóa cho mỗi hành động của mình. Con quỷ cám dỗ bà Evà, bà Evà hình dung mình sẽ được như Chúa. Nhưng Chúa không đòi hỏi phải giống như Ngài, Chúa muốn mà mình phải là mình. Như ông Adong và bà Evà, khi mình tiếp nhận một tư tưởng tâm linh nhưng trong một cơ thể không tinh sạch, thì tư tưởng này không thực hiện được công việc của nó.

Sư huynh có thể nói một cách khác?

Cái đẹp là nó đẹp, dù công việc Chúa hay của quỷ; chính cái nhìn của mình khi nhìn cái đẹp mới làm thay đổi. Đó là ý nghĩa Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự trong sạch của cái nhìn – “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa” (Mt 5,8) – và chính vì vậy mà Chúa vào sa mạc, nơi Chúa nói với tâm hồn được thanh tẩy, sẵn sàng, cởi mở trong khi quỷ cám dỗ tâm hồn lo âu, băn khoăn, giao động. Điều mà câu chuyện này dạy trong sách Sáng Thế là: “Ngươi không được đụng đến cây cho biết điều Thiện và điều Ác nếu không xứng đáng nhận nó.” Ai ham muốn quyền lực của Chúa, nhận mà không xứng đáng thì sẽ rơi vào kiêu ngạo, tự đủ và chiếm đoạt.

Nếu Mẹ Maria nhận sứ điệp của thiên thần, là vì Mẹ sẵn sàng lãnh nhận Thần Khí, khác với bà Evà, bị thúc đẩy bởi tính kiêu ngạo. Maria, với tâm hồn trong sạch trở thành dạ của chính Đấng Tạo Hóa của mình. Thường sự hiểu biết về tội của ông Adong và bà Evà chỉ giới hạn trong hiểu biết về điều Thiện, điều Ác, nhưng nó có ý nghĩa rộng hơn, rằng sự hiểu biết thực sự được trao cho những người có tâm hồn và thể xác trong sạch. Mục đích của đời sống đan tu là chấp nhận mình được thanh tẩy thể xác và tâm hồn, đặc biệt là qua các sỉ nhục của đời sống. Bằng sự sỉ nhục, chúng ta nhìn lại xem mình có khiêm tốn không.

 Làm thế nào để “thanh tẩy thể xác”?

Bằng khổ hạnh! Phải làm trong kiên quyết và dịu dàng. Giống như người mẹ mang thai, bà cẩn thận để không nỗi giận, ăn uống lành mạnh để không tác động đến em bé trong bụng, thanh tẩy bản thân không có nghĩa là để mình thiếu thốn hay hụt hẫng, nhưng là chú ý đến tinh thần của mình. Cũng như chúng ta không chiến đấu với cái xấu bằng cách vạch nó ra, nhưng bằng cách đưa ra cái đẹp, chúng ta không thanh tẩy cơ thể bằng bạo lực với nó, nhưng hướng nó về ơn ban, về quà tặng.

Tôi thích so sánh điều này với cỏ dại: cách nhỗ cỏ dễ nhất là khi đất ẩm. Đúng vậy, để nhỗ cỏ trong tâm hồn thì phải làm với mồ hôi, nước mắt. Nếu một người không thật lòng ăn năn, nếu họ không có ước muốn hoán cải, thì các tư tưởng xấu sẽ trở lại và thường thường còn mạnh hơn trước.

Nhưng lưu ý, một số cỏ dại lại hữu ích! Cây ngấy ở ngay vườn rau thì nó sẽ làm khô đất, nhưng nếu nó ở rìa thì nó thành dây thép tự nhiên che chở cho vườn rau. Trên thực tế, không có cỏ tốt, cỏ xấu nhưng có cỏ mọc không đúng chỗ. Cũng vậy, không có tư tưởng tốt, tư tưởng xấu, chỉ có tư tưởng đến không đúng lúc. Sự thanh tẩy không phải là hoàn hảo, nhưng để mình là mình cho đến cùng, chấp nhận mình được trau dồi, tỉa gọt.

Các Phúc Âm thường dùng hình ảnh cắt tỉa này để nói đến cây cối sinh hoa quả nhiều hơn…

Cây cần phải được kích thích hoặc cắt tỉa. Cắt tỉa là chặt các nhánh dư thừa mọc cao để cây có có đủ chất dinh dưỡng. Các nhánh cao bơm nhựa và không sinh quả được gọi là nhánh “ham ăn!” Thêm nữa, cây không sinh trái phát triển chiều cao, ngạo nghễ, còn cây sinh trái thì thấp, khiêm nhường. Nếu tôi muốn là đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô, thì tôi phải ép mình, ăn chay, phải hy sinh một số tiện nghi. Cũng như tôi phải tỉa các nhánh “ham ăn” làm cạn sức, thì tôi cũng phải loại bỏ ra khỏi cơ thể những gì làm hao tổn tâm hồn: đam mê, phân tán, tính tham ăn…

Cũng lạ đời, trong vài tuần tới, sư huynh sẽ xuất bản một quyển công thức nấu ăn (1)…

Tôi là đan sĩ, tôi diễn tả đức tin của tôi qua nghệ thuật làm bếp. Quyển sách nấu ăn này đơn giản, dễ nấu, tôi thực hiện là để chia sẻ đam mê của mình, giúp độc giả hiểu và tôn trọng một vài luật lệ đòi hỏi. Làm bếp phải vui, một ơn, một nghệ thuật sống, một giây phút đơn sơ, giúp mình nối với thiên nhiên và kết tình bạn bè quanh bàn ăn. Làm bếp cũng như nghệ thuật, là chia sẻ, là hiến thân. Mẹ tôi có cách dạy nấu ăn rất vui, bà để tôi đoán công thức qua mùi thức ăn. Về sau tôi được cha Théologos, ở Núi Athos hướng dẫn. Rồi ở Saint-Sabas, tôi được giao nhiệm vụ làm bếp, linh mục Seraphim dạy cho tôi chế biến các món ăn. Với linh mục, tôi học các cử chỉ đẹp, sự đơn giản, sự thiêng liêng… Cha truyền cho tôi điều thiết yếu, phải biết: “Chúa Kitô sống ở đây và bây giờ và Ngài cần con người để được hữu hình.”

Marta An Nguyễn dịch

(1) Các công thức nấu ăn của đan viện, bài và hình của Sư huynh Jean, Nghệ thuật Thiêng liêng. (Les Recettes du monastère, textes et photos de Frère Jean, Art Sacré)

Xin đọc thêm: Linh mục Olivier Turbat: “Thuốc giải độc cho bệnh kiêu ngạo là buông bỏ trong tin tưởng ” 

Hà tiện, thiếu tin tưởng vào cuộc sống

Sư huynh Jean trong vườn rau thơm của thầy, đàng sau là đan viện Sainte-Foy do thầy phục hồi lại để đón khách đến tĩnh tâm trong thinh lặng. 

Trong căn bếp nhỏ của đan viện, sư huynh Jean nấu ăn với các công thức dơn giản nhưng ngon miệng. 

Sư huynh Jean và Sư huynh Joseph với hoa quả trong vườn. 

Từ đan viện nhìn ra là đồi núi thiên nhiên ngút ngàn.