Marốc, vùng đất tiếp nhận và quá cảnh của người di dân
la-croix.com, Rémy Pigaglio, Rabat, 2019-03-28
Nước Marốc trở thành tuyến đường chính để đến Âu châu, càng ngày Marốc càng tiếp đón nhiều người lao động và sinh viên từ vùng cận sa mạc Sahara đến. Ngày thứ bảy 30 tháng 3 Đức Phanxicô sẽ đến gặp người di dân ở trụ sở Caritas Maroc ở Rabat.
Ông Hannes Stegemann, giám đốc Caritas Maroc cho biết: “Trong mười năm, hồ sơ người di cư ở Marốc đã thay đổi đáng kể. Chúng tôi đi từ tị nạn kinh tế qua tị nạn xã hội, tị nạn nghèo khổ”. Ông ghi nhận càng ngày càng có các phụ nữ đơn thân, phụ nữ mang thai, các trẻ vị thành niên và theo tỷ lệ này thì càng ngày càng có ít đàn ông. Ông giải thích: “Đây là những người ở trong hoàn cảnh rất mong manh. Vì thế việc giúp đỡ của Caritas trở nên phức tạp và lâu dài hơn.”
Từ khi con đường băng qua Libya gần như đóng cửa, nước Marốc trở thành con đường quá cảnh chính của người di dân, chủ yếu họ từ vùng Phi châu cận sa mạc Sahara đến. khởi đi từ Marốc, họ hy vọng băng qua 14 cây số eo biển hẹp Gibraltar hay bứt rào chắn của các vùng cản Tây Ban Nha ở Ceuta và Melilla. Theo Tổ chức Tị nạn Quốc tế thì năm 2018 Tây Ban Nha trở thành nước chính để vào Á châu với con số 63 325 người di dân.
Làm thuận lợi việc hội nhập của người di dân
Ông Hannes Stegemann nói tiếp: “Từ năm 2016, Chương trình ‘Cầu Qantara’ của cơ quan Caritas có mục đích giúp người di dân hội nhập vào xã hội Marốc.” Năm 2018, Caritas lo cho 8 000 người tị nạn mới, ngoài những người đã được giúp từ trước. Từ 10 năm nay, có 45 000 được hưởng sự trợ giúp của Caritas. Khi người tị nạn đến các trung tâm Caritas, họ được hướng dẫn đến các cơ quan tùy theo hoàn cảnh: y tế, tâm lý, hướng dẫn trường học cho trẻ em, học tiếng Pháp, tiếng Ả rập Marốc…
Ngày thứ bảy 30 tháng 3, Đức Phanxicô sẽ viếng thăm trung tâm Caritas Maroc ở Rabat. Ngài sẽ gặp những người được cơ quan Caritas trợ giúp. Đức Tổng Giám mục Santiago Agrelo, giáo phận Tanger sẽ đón ngài, giám mục Agrelo là người đã đưa người di dân vào trọng tâm công việc của giáo phận, ngài chứng kiến thảm cảnh hàng ngày của người di dân mong đến được Âu châu.
Trấn áp gay gắt ở các biên giới
Dưới áp lực của các nước Âu châu và lo âu trong việc kiểm soát biên giới của mình, Marốc trấn áp gay gắt ở vùng biên giới phía Bắc để ngăn người tị nạn đến Âu châu một cách bất hợp pháp với bất cứ giá nào. Cách đây vài ngày, Hiệp hội Nhân quyền Marốc (AMDH) đã công bố một bản báo cáo mô tả tình trạng bạo lực chống người di dân và ghi nhận trong năm 2018 có 9 100 vụ bắt bớ ở Nador, 15 000 vụ ở Tanger. Tháng 9 vừa qua, Nhóm Chống kỳ thị, bảo vệ và đồng hành với người nước ngoài (Gadem) mô tả trong bản báo cáo “Giá phải trả và tổn thương” các vụ bắt giữ tùy tiện, cưỡng bức dọn đi, tịch thu tài sản trong mùa hè năm 2018.
Ông Mehdi Alioua, nhà xã hội học và thành viên của tổ chức Gadem phân tích: “Nước Marốc bị kẹt. Nếu Marốc không đóng biên giới thì sẽ bị tố cáo cho phép người di dân đi để lấy tiền của Âu châu. Nếu nước Marốc chặn biên giới thì sẽ bị tố cáo vi phạm Nhân quyền”.
Nhưng đồng thời, Marốc lại trở thành nước tiếp nhận, theo đuổi một chính sách đầy tham vọng đối với người di dân, mong muốn họ định cư tại quốc gia này. Từ năm 2014, có hai chiến dịch hợp pháp hóa giúp cho gần 50 000 người có giấy phép cư trú và thủ tục an ninh được nới lỏng.
Ông Mehdi Alioua, nhà sáng lập hiệp hội Phi châu vùng cận Sahara cho biết: “Ngày nay rất nhiều người Ivorian, Senegal hay Camerun định cư ở Marốc và tìm được việc làm. Tình trạng tại đây thường tốt hơn nước gốc của họ”. Rất nhiều sinh viên cũng bị thu hút bởi chế độ giáo dục tốt của Marốc, đa số là các sinh viên khối tiếng Pháp.
Sự hội nhập của người Phi châu vùng cận Sahara được tiến triển dần dần. Ông Mehdi Alioua nói thêm: “Nhà cầm quyền lắng nghe xã hội dân sự và chúng tôi làm việc với họ để người di dân được hưởng đầy đủ các quyền xã hội, trường học v.v..” Ông hy vọng chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ làm thuận lợi cho đối thoại giữa hai bờ Địa Trung Hải: “Thông điệp của Đức Giáo hoàng rất rõ ràng: phải có đối thoại giữa các nền văn minh. Và vấn đề di dân là chủ yếu trong của đối thoại này”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đức Phanxicô đến Marốc: Bàn tay đưa ra với hồi giáo và người di dân