Đức Phanxicô đến Marốc: Bàn tay đưa ra với hồi giáo và người di dân
lemonde.fr, 2019-03-28
Kể từ khi Đức Gioan-Phaolô II đến Marốc năm 1985, đây là lần đầu tiên một giáo hoàng đến vương quốc Marốc,nơi cộng đồng kitô hữu chỉ có 30 000 tín hữu.
Đức Phanxicô đến Marốc ngày thứ bảy 30 tháng 3 và chúa nhật 31 tháng 3, vùng đất hồi giáo ủng hộ đối thoại liên tôn, ngài có chuyến thăm ngắn để gặp các người di dân, kết hợp hai ưu tiên chính triều giáo hoàng của ngài.
Như thế Đức Phanxicô trở thành người chuyên đến các cộng đồng công giáo nhỏ nhất thế giới. Cộng đồng nhỏ chỉ có 30 000 tín hữu đang háo hức chờ Đức Phanxicô, cộng đồng này chủ yếu là người dân của các quốc gia châu Phi vùng cận sa mạc Sahara, họ là các sinh viên hay người di dân đang trên đường đến châu Âu.
Khoảng một phần ba trong số họ sẽ dự thánh lễ ngày chúa nhật 31-3 tại trung tâm thể thao, một sự kiện chưa từng có kể từ chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II năm 1985 đến một đất nước có 99 % là người hồi giáo phái sunnit.
“Hung hăng chiêu dụ”
Giống như chuyến đi đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất vào tháng 1-2019, hình ảnh Đức Phanxicô dâng thánh lễ, ngay ngày hôm sau khi ngài gặp đức vua và là “người lãnh đạo tín hữu” Mohammed VI và các chức sắc cao cấp tôn giáo, mang đến một hình ảnh cụ thể cho các lời kêu gọi liên tục của ngài về khoan dung tôn giáo.
Chuyến đi của nhà lãnh đạo công giáo của 1,3 tỷ giáo dân mang hy vọng đến cho thiểu số tín hữu kitô và người hồi giáo trở lại, những người yêu cầu chính quyền cho họ hưởng quyền tự do tôn giáo như đã được ghi trong Hiến pháp Marốc.
Ban Điều phối tín hữu kitô Marốc cho biết: “Chúng tôi mơ một nước Marốc tự do với nét tôn giáo đa dạng của nó. Chúng tôi mong chuyến đi lịch sử này là dịp để nước Marốc tiến đi cụ thể trong chiều hướng này.”
Theo Hiến pháp Marốc, “hồi giáo là quốc giáo, bảo đảm cho tất cả mọi người được tự do giữ đạo.” Ngược với các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất, bộ luật Hình sự Marốc không quy định án tử hình đối với những người bỏ đạo. Một chức sắc tôn giáo ở Rabat cho biết như trên, nhưng “ở Marốc phải làm trong kín đáo”.
Vấn đề vẫn rất tế nhị. Tháng 6 năm 2018, nhà hồi giáo Mustapha Ramid, bộ trưởng Nhà nước Marốc phụ trách nhân quyền cho rằng tự do lương tâm là “mối đe dọa” cho sự “kết hợp chặt chẽ” của Marốc.
Việc tự nguyện trở lại không phải là một tội ác, nhưng việc lôi kéo (làm lung lay đức tin của một người hồi giáo hay kéo người đó qua một đạo khác) có thể bị tù ba năm. Ông Chakib Benmoussa, đại sứ vương quốc Marốc ở Paris khẳng định: “Điều bị lên án là hung hăng chiêu dụ”.
Đối với ông, “chuyến đi của Đức Phanxicô là thời điểm mạnh mẽ để chống các trào lưu cuồng tín, chống sự thu mình vào căn tính của mình, chống nạn không khoan dung và cũng là một tương tác tích cực giữa các tôn giáo, các dân tộc và các nền văn minh”.
“Di dân an toàn”
Đức Phanxicô cũng cho biết ngài mong đến Marrakech vào tháng 12 năm 2018 trong dịp 150 nước thông qua Hiệp định thế giới về di dân của Liên Hiệp Quốc, nhưng ngài không đi được và cuối cùng ngài đã gởi một đại diện đến. Văn bản không bó buộc nhưng nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế cho một sự “di dân an toàn”, văn bản đã tạo các tranh luận dữ dội ở nhiều nước trước khi được phê chuẩn ở New York.
Theo dự trù Đức Phanxicô sẽ gặp các người di dân vào ngày thứ bảy ở Trung tâm Caritas địa phận và ngài sẽ đọc một bài diễn văn ở đây. Giáo hội công giáo địa phương đã dựng lên nhiều trung tâm tiếp nhận người di dân ở nhiều thành phố của Marốc, vì ở Marốc không có các cấu trúc khác.
Vấn đề người di dân là một vấn đề tế nhị ở Marốc, nơi tuyên bố chính sách tiếp nhận là “nhân đạo”. Nhưng Marốc thường bị các người bảo vệ nhân quyền lưu ý, họ chỉ trích các làn sóng bắt giữ mạnh mẽ nhằm loại bỏ các ứng viên phải lưu vong khỏi bờ Địa Trung Hải.
Trong một cuộc họp báo ngắn gần đây, Tổng Giám mục Santiago Angelo Martinez, giáo phận Tanger cho biết: “Tôi hy vọng chuyến đi của Đức Phanxicô mang lại tiến bộ cho vấn đề này”.
Đức Phanxicô đến Marốc sau 34 năm ngày Đức Gioan-Phaolô II đến Marốc mùa hè năm 1985, đánh dấu một cuộc gặp liên tôn giáo với 80 000 người trẻ ở sân vận động. Đức Gioan-Phaolô II được đức vua Hassan II mời, ông là quốc vương đầu tiên của một quốc gia Ả rập mời một giáo hoàng, đức vua Hassan II là thân sinh của đức vua hiện nay. Vào tháng 11 năm 1991 đức vua Hassan II được Đức Gioan-Phaolô II tiếp ở Vatican.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Chuyến đi Marốc: Đức Phanxicô sẽ nhận một cây arganier và một bức khắc
Chương trình chuyến đi Marốc của Đức Phanxicô
30 viên chức cao cấp và 75 nhà báo tháp tùng chuyến đi Marốc của Đức Phanxicô