Niềm vui tin tưởng

217

Niềm vui tin tưởng

Các niềm vui của xơ Emmanuelle

Bài phỏng vấn của thầy phó tế Bertrand Révillion, Giám đốc điều hành tạp chí Panorama

Bertrand Révillion: Đức tin là gì?

Xơ Emmanuelle: Đó không phải là kết cùng của lý lẽ, của đầu óc. Đó là cuộc cá độ! Khi còn trẻ, xơ tin có thể tìm sự hiện hữu của Chúa trong triết học, trong các sách vở học. Xơ tìm một nền tảng vững chắc. Nhưng xơ không bao giờ thấy trọn vẹn, bởi vì Chúa không ở cuối đường của lý lẽ hay của một phương trình. Và rồi, xơ đọc triết gia Blaise Pascal, và giống như ông, xơ quyết định cá độ có một Thiên Chúa yêu thương mình. Chọn lựa về mặt đầu óc đã làm, chỉ còn chuyện quan trọng nhất: làm một cách cụ thể cho thấy Chúa hiện diện. Hơn bất cứ quyển sách nào, hơn bất cứ bài học nào, chính khu phố nghèo nàn đã nuôi dưỡng đức tin của xơ, chính người nghèo đã làm cho xơ thấy cuộc cá độ có Chúa của xơ có lý đến như thế nào! 

Chính qua tha nhân mà mình tìm thấy Chúa?

Từ khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, từ ngày Noel đầu tiên của nhân loại, xơ tin chắc, đối với mỗi người, mỗi anh em chúng ta là hình ảnh của Chúa. Nơi khu phố ổ chuột, đàng sau cái nghèo nàn dơ bẩn, xơ tin là xơ đã thấy Chúa trong suốt, đàng sau một vài khuôn mặt.

Một buổi chiều mùa đông, xơ đang ở trong căn lều của xơ. Trời rất lạnh. Xơ đắp một cái mền trên vai và cầu nguyện. Bỗng xơ nghe một tiếng hát rất lạ, rất hay xuất phát từ căn lều bên cạnh. Xơ mở nhẹ cánh cửa và xơ thấy bà Fauzeya và chồng đang ngồi dưới đất. Ông biết đọc một chút và ông đang đánh vần một vài câu trong quyển Thánh Kinh. Fauzeya hát từng câu theo điệu ngâm chầm chậm và rất hay. Khuôn mặt họ sáng lên theo ánh lửa lò sưởi họ đốt. Có thể nói giống như một bức tranh của Rembrandt hay của George de La Tour. Giống như ánh sáng ngày lễ Noel, một giây phút ân sủng, một tiếng thì thầm của vĩnh cửu trong đời sống sôi động của thế gian. Trong bài hát và trong lời cầu nguyện của Fauzeya, xơ tin chắc là Chúa không bỏ họ và Chúa thương họ. Đêm hôm đó, đôi mắt của Fauzeya đã nói với xơ rất nhiều điều về Chúa hơn bao nhiêu là bài vở triết lý và thần học. Sau đó, xơ khép cánh cửa và ngồi cầu nguyện lại.

Và câu nói của Pascal trở lại trong trí xơ: «Chúa không phải là Chúa của các nhà triết gia và các nhà thần học. Chúa là Chúa của Áp-ra-ham, của I-xa-ác, của Gia-Cóp trong trí xơ», có nghĩa là một Thiên Chúa thể hiện cho loài người. Và rồi xơ suy nghĩ đến lời của Chúa Giêsu: «Lạy Cha, con xin cám ơn cha đã giấu điều này cho những nhà thông thái, bác học mà vén mở cho những người nghèo và những người nhỏ bé.» Cuối cùng, xơ thầm thì cầu nguyện: «Lạy Chúa, nhờ ơn của Fauzeya, xin cho con cầu nguyện với một quả tim khó nghèo» … Và, từ buổi chiều đó, cứ mỗi lần xơ bị cơn nghi ngờ dày vò, xơ nghĩ đến Fauzeya. 

Sau một cuộc đời như cuộc đời của xơ, xơ nghĩ mình có biết Chúa hơn không?

Xơ không nghĩ bức màn che có thể vén lên ở trần thế này. «Chúa, thì chưa bao giờ ai thấy». Như vậy, kinh nghiệm của trọn một đời sống cũng không cho phép mình biết Chúa là ai.

Mỗi người là một hình ảnh của Chúa…

Hơn nữa chúng ta có thể học để biết cái gì ngăn con người đến gần Chúa và vứt bỏ các cục đá làm vướng con đường này. Hồi còn trẻ, xơ muốn được làm thánh như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu! Xơ còn nghĩ chỉ sau hai năm ở nhà tập, là xơ sẽ mang vòng hoa trên đầu. Khó tin lắm! Bây giờ, ở tuổi xơ, xơ vẫn còn thấy xơ có nhiều khiếm khuyết, cái hạt kiêu ngạo cứng ngắt, cái huênh hoang vẫn còn đó, còn núp đó, còn sống mạnh mẽ trong xơ. Xơ chưa bao giờ trị nó tận gốc được. Ở Ai-Cập, vì những người đi bươi rác, xơ chiến đấu chống các trở ngại khổng lồ và khi nào xơ cũng thắng. Nhưng cuộc chiến chống với chính mình, khi nào xơ cũng thua! Và nó thường làm cho xơ nổi giận.

Bây giờ, nhờ có tuổi, xơ mới nói được giống như Pascal: «Từ bỏ hoàn toàn và nhẹ nhàng.» Điều đó có nghĩa là xơ bắt đầu chấp nhận, xơ, một nữ tu thấp hèn, không thể nào vén mở cái màn để thấy Chúa, nó vẫn che giấu xơ, nhưng nó lại có mặt một cách huyền diệu cho đến hơi thở cuối cùng của xơ. Có nghĩa là xơ từ bỏ không còn muốn càng ngày càng nên thánh. Bởi vì mình vẫn còn kiêu ngạo khi không chịu chấp nhận thân phận con người không toàn vẹn của mình. Chúng ta phải trau dồi cái gì có thể trau dồi được, nhưng phải chấp nhận các khiếm khuyết, các sơ sót, các bất toàn. Phải có can đảm đến trước mặt Chúa một cách nghèo hèn, buông bỏ mình hoàn toàn… Nhận biết mình khốn cùng, nhưng là những người khốn cùng được yêu thương. Một đêm Noel, khi thánh Phanxicô không còn gì hết, ông hỏi Chúa ông có thể cho Chúa cái gì. Và thánh Phanxicô nghe câu trả lời: «Phanxicô, con cho ta tội lỗi của con.»  

Người ta có tiến bộ trên con đường thiêng liêng không?

Để mô tả đời sống thiêng liêng, thánh Jean Climaque dùng hình ảnh của một cái thang có nhiều bậc. Và bây giờ, xơ xác tín cái thang này, không phải dùng để đi lên mà đi xuống! Đi xuống cái đơn giản nhất, cái trần trụi nhất. Đừng tìm để có hoặc để biết, đừng tìm «nắm» hết, nhưng ngược lại buông bỏ, buông bỏ thêm nữa và luôn luôn buông bỏ các «giàu có», các xác thực, các chuyện phù phiếm, các tham vọng, các giận dữ… Phải nghèo hèn, cuối cùng, phải đích thật nghèo hèn. Hãy nhìn vào Chúa Kitô: cuộc sống của Chúa, từ khi sinh ra trong nghèo hèn đến ngày Thứ Sáu thương khó, một nghèo hèn trọn vẹn… Xơ tin ngày sống lại của chúng ta tùy vào khả năng nghèo đi của chúng ta, chấp nhận cái trần trụi của chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm:

Niềm vui sống

Niềm vui tuổi già 

Niềm vui của những người nghèo

Phản kháng khi chạm đến đau khổ