Bảo vệ trẻ vị thành niên, lời chứng từ Á châu:“Cây cầu làm sự khác biệt”

151

Bảo vệ trẻ vị thành niên, lời chứng từ Á châu:“Cây cầu làm sự khác biệt”

 

Cầu Beipanjiang, Trung quốc

 

“Xin quý vị chứng tỏ cho thấy quý vị có lo lắng!”

 

 

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2019-02-22

 

“Cây cầu làm sự khác biệt” là lời chứng e dè và nên thơ của một cuộc đời tan vỡ vì các lạm dụng tình dục trên trẻ em, nhưng rồi một ngày trên chiếc cầu này đã mở ra một hy vọng mới. Nó nhắc đến tiếng khóc của các nạn nhân tuyệt vọng không thể nói với ai về bí mật này.

Lời chứng này đã được thâu trước ở Á châu và được nghe vào buổi chiều thứ sáu 22 tháng 2, 2019 trong cuộc họp thượng đỉnh các giám mục về bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội.

Trong các buổi họp sáng chiều cũng như trước cuộc gặp gỡ ngày 20 tháng 2, lời của các nạn nhân đến từ các châu lục đã được lắng nghe: lắng nghe để có thể hành động một cách hiệu quả trong việc phòng ngừa và chữa lành cho các nạn nhân. 

 Cây cầu làm sự khác biệt

Một cậu bé trai đến trong một thế giới hoàn toàn mới;

Đó là cả một thách thức,

Như bật cứ một em bé sơ sinh nào.

Ai có thể nghĩ thế giới này lại sẽ mang đến những chuyện ngạc nhiên và nguy hiểm không thể tưởng tượng được.

Để được đào tạo tốt trong môi trường công giáo,

Cậu bé rời môi trường hạnh phúc và lành mạnh.

Vì một lý do chính đáng,

Vì thế cậu buồn bã nói lời từ giã gia đình,

Với những người cậu biết:

Cha mẹ, anh chị em, tình yêu, bảo vệ, ân cần, tất cả.

Và chỉ mới năm tuổi, cậu bé đến một thế giới xa lạ,

Đầy ngây thơ và sợ hãi,

Cậu vào trong những khoảng không gian mới.

Cậu nhớ nhà, vì thế cậu tìm nơi bạn bè, nơi người chăm sóc tình gia đình.

Phủ phàng thay cho sự thay thế này,

Vì các ham muốn của họ thì lạ lùng,

Với cậu bé còn mới lớn.

Sự ngây thơ của cậu đã bị bứng đi,

Thêm nữa, thêm nữa,

Cậu bị bỏ rơi, phải tự xoay xở một mình.

Trong thế giới người lớn, cậu không thấy hy vọng,

Và trở thành một ốc đảo.

Cậu bị tách rời,

Qua nhiều năm.

Nhưng cậu không có ai để nói,

vì sợ không được thương và sợ xấu hổ.

Khi cậu học thêm về “các giá trị kitô”,

Cậu rút lui khỏi thế giới này,

Trong an toàn nhưng vẫn âm thầm ẩn giấu trong lòng;

Bởi vì bí mật là ngõ thoát duy nhất.

Cậu thường đặt câu hỏi:

Thế giới này là gì?

Nó không có ý nghĩa, nó không cho hy vọng.

Một ngày nọ, từ trên chiếc cầu cao,

cậu chiêm ngắm và cậu tự hỏi:

“Làm thế nào sự tuột dốc này sẽ thay đổi,

Nó có thay đổi thứ trật mọi sự không?”

Cậu không bao giờ có câu trả lời.

Nhưng ai biết,

Cái gì đã đi qua?

Ai sẽ hỏi cậu?

Ai sẽ lãnh trách nhiệm,

Cho đời sống coi như đã mất này?

Không có một chuyện nào trong đời của cậu

Mà còn nguyên.

Tất cả đã dính chàm.

Chúa có ở đó không?

Bởi vì Ngài là người duy nhất biết mọi sự.

Chính chiếc cầu anh chiêm ngắm, đã chỉ cho anh con đường,

Một con đường khác,

Ai sẽ thực hiện, khi nào,

Một cách kỳ lạ, anh nghe quả tim mình bừng lên, xao xuyến,

Một tiếng nói mời gọi anh thay đổi.

Anh lên đường,

Để thực hiện những gì tiếng nói đó nói với anh.

Một chuyến đi tha thứ,

Một chuyến đi giải hòa,

Một chuyến đi để chấp nhận đời sống này,

Một đời sống đầy tổn thương, đầy buồn phiền và tuyệt vọng.

Từ chiếc cầu này, một con đường mới

Dài lâu và khó khăn.

Nó đụng đến cốt lõi của cuộc sống.

Nhưng, đã có một con đường, một con đường khác.

Một con đường chữa lành và chữa lành thì cần thời gian.

Điều này xoa dịu trái tim sắt đá của anh.

Và biến đổi cuộc đời anh.

Làm vỡ cái kén anh đã từng sống trong đó,

Để anh có thể đi đứng tự do

Và nói với thế giới: “Có một con đường”.

Và đó là câu chuyện đời anh.

Nhưng bây giờ ai sẽ chịu trách nhiệm

Cho các cuộc đời đã gãy đổ?

Có một con đường!

Có một khả thể!

Có một hy vọng!

Có sự sống!

Quý vị hãy đem về những ai đã bị lạc mất!

Hãy chứng tỏ cho thấy quý vị có lo lắng!

Bởi vì tất cả những gì quý vị sẽ làm

Sẽ cứu rất nhiều tiếng khóc âm thầm

Chờ một ngày được cứu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: “Nếu tôi làm chứng là vì tôi muốn các người khác có thể thoát ra”