“Nếu tôi làm chứng là vì tôi muốn các người khác có thể thoát ra”
vaticannews.va, Hélène Destombes, 2019-02-21
Cuộc họp “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” khai mạc ngày thứ năm 21 tháng 2 tại Vatican. Trong cuộc họp này các người tham dự sẽ nghe các nạn nhân nói lên lời chứng của họ. Một phụ nữ bị một linh mục lạm dụng khi còn nhỏ nói chứng của mình. Nữ ký giả Hélène Destombes thực hiện cuộc phỏng vấn.
Lắng nghe các nạn nhân, nhận định được mức độ đau đớn của họ là một trong các vấn đề hàng đầu của cuộc họp chưa từng có này. Cuộc họp gồm các chủ tịch của Hội đồng Giám mục trên thế giới và các bề trên dòng. Các người tham dự sẽ nghe lời chứng của các nạn nhân qua video đến từ các châu lục khác nhau.
Chúng tôi phỏng vấn một phụ nữ Pháp năm nay bà 70 tuổi. Bà là nạn nhân của lạm dụng tình dục khi mới 4 hoặc 5 tuổi. Sau nhiều năm kìm nén, thinh lặng và đau khổ, bây giờ với sự giúp đỡ của người thân và tâm lý gia, bà kể cho chúng tôi những gì bà đã phải chịu đựng và mang đến cho chúng tôi một thông điệp hy vọng.
Câu chuyện của tôi cũng liên hệ đến chị tôi. Chúng tôi bị một linh mục tấn công tình dục trong những năm 1950. Ông bị kết án 20 năm tù với tình tiết gia trọng và đã chết trong tù. Các ký ức của tôi… Tôi còn rất nhỏ. Tôi không biết chính xác, và trong một thời gian dài tôi không ý thức những gì đã xảy ra. Chị tôi ý thức nhiều hơn tôi, chị hơn tôi bốn tuổi. Nhưng tôi, điều này trong trở lại trong ký ức của tôi, nhưng tôi biết là tôi không khỏe. Tôi là người mong manh, tôi không cảm thấy người mình khỏe, về mặt tâm thức, tôi lúc nào cũng lo lắng. Có một cái gì đánh dấu trọn cả cuộc đời. Tôi bị di chứng… thật khó để nói lên hết tất cả chuyện này. Tôi nhận ra tôi không thích ai đụng đến tôi, đụng đến thân thể tôi. Và như thế cũng rất lâu, tôi không hiểu tại sao. Khi có ai đụng đến tôi, tôi nói “tôi không muốn đụng đến tôi”. Đó là phản ứng thể lý. Tôi nghĩ thân thể tôi đã bị đụng đến rất nhiều. Sau đó là sự tin tưởng và nghi ngờ. Tôi, tôi nghi ngờ và nghi ngờ rất nhiều, đến mức tác động đến cả nội tâm.
Tác động một cách sâu đậm. Đâu là các hệ thống phòng thủ để có thể sống còn với tổn thương này?
Tôi nghĩ, tôi để cho chứng mất trí nhớ này có một chỗ đúng và rồi tôi trốn nó. Tôi chọn một nghề giúp tôi gần trẻ em, tôi là cô giáo trường tiểu học. Bây giờ tôi nghĩ tôi đã trốn người lớn. Rồi tôi vào nhà dòng nhưng tôi không ở lại. Tôi may mắn gặp những người biết tôi không được khỏe và đã gợi ý để tôi đi gặp tâm lý gia. Cuối cùng tôi đi tâm lý gia bốn năm và các phòng thủ vẫn luôn còn đó. Tôi không thể nói nó vô dụng nhưng nó không đến trong tâm thức tôi. Sau đó tôi rời nhà tu, tôi theo các khóa học. Một mùa hè, tôi có khóa học về thân thể. Tôi mơ thấy ông ở bục giảng trong nhà thờ, trong giấc mơ, ông xin tôi và chị tôi tha thứ. Tôi mơ như vậy. Bỗng chốc, tôi bắt đầu được đánh thức. Nhưng tôi đã 35 tuổi.
Hậu quả của chấn thương này trên đời sống của bà như thế nào? Và cuộc sống phụ nữ của bà?
Tôi không lập gia đình. Tôi không thể, tôi nghĩ tôi không thể vượt qua giai đoạn này… Đây là một trong những chuyện khó khăn nhất.
Là không thể lập gia đình, không thể xây dựng một gia đình?
Đúng, để xây dựng một gia đình. Một cách nào đó, tôi bị tổn thương trong da thịt của mình. Nhưng tôi đã tự nhủ, bây giờ mình phải sống với nó. Mình bị tai nạn, người ta cưa chân mình, mình có bệnh, mình phải sống với nó. Mình làm với những gì mình có thể và mình phải sống với nó. Nếu tôi làm chứng là tôi muốn các người khác có thể thoát ra. Đúng, có thể thoát ra được. Bởi vì từ nhiều năm nay, tôi đã gặp một vài nạn nhân, họ ở trong tình trạng rất nặng. Chúng tôi đã bị chạm đến một cách rất sâu đậm.
Các nạn nhân thường làm chứng về sự cô lập của mình, một sự im lặng giam cầm trong đau đớn. Làm sao có thể giải thích sự không thể nói lên tấn thảm kịch này, để có thể thoát ra được nỗi đau này?
Tôi còn nhớ khi đi trị liệu, một tâm lý gia đã nói với tôi: “Bà ở trong phòng chiếu phim. Bà làm cuốn phim và chính bà xem nó”. Và cuốn phim này tôi đặt tên là “Xấu hổ”. Và tôi nghĩ, đó là mẫu số chung của những người bị lạm dụng. Trong vô thức nó đã in những chuyện này như vậy. Như thế bà có thể hiểu nó nặng đến như thế nào.
Khi mình là một đứa bé bị tu sĩ lạm dụng, làm thế nào để giữ đức tin?
Đức tin đối với tôi lại là một chuyện khác, đó là quan hệ giữa tôi với Chúa. Tôi không bao giờ giận chống Chúa. Tôi không bao giờ trách cứ Ngài chuyện gì. Với tôi, Ngài là tình yêu. Có thể điều đó đã cứu tôi. Và vì thế đức tin vượt lên trên tất cả những chuyện này. Tôn giáo lại là một chuyện khác, Giáo hội là chuyện khác. tôi rất giận Giáo hội, đúng, tôi rất giận. Trong cuộc sống tôi có thể tìm được các nhóm giáo dân giúp tôi sống đời sống đức tin, ngược lại với thể chế Giáo hội thì thật là khó, nhưng tôi ở trong Giáo hội. Tôi là Giáo hội.
Có thể nào chúng ta nói về chữa lành khi đứng trước tầm mức chấn thương lớn lao như thế này không? Bà có thấy mình được xoa dịu, chữa lành theo một cách nào đó không?
Tôi cảm thấy được xoa dịu. Tôi may mắn gặp được một nhà trị liệu… mà tôi chọn được. Tôi được xoa dịu, đôi khi tôi còn tức giận. Tôi nghĩ từ vài năm nay tôi đã có thể nói được nhiều hơn, ngay cả làm chứng vì nó giúp tôi, nó mang lại ý nghĩa cho tôi. Sự việc mình có thể giúp đỡ, nói để giúp người khác thoát ra đối với tôi mang một ý nghĩa rất lớn. Và cũng để cố gắng sống theo Tin Mừng, như tôi có thể, với chính con người của mình.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: “Quý vị đã trở thành những người giết tâm hồn”
Họp thượng đỉnh về lạm dụng tình dục, nước mắt của Hồng y Tagle
Họp thượng đỉnh về lạm dụng tình dục: “Dân Chúa đang nhìn chúng ta”