Trích sách “Chính trị và Xã hội“, Dominique Wolton và Đức Phanxicô, Nxb. L’Observatoira, 2017. Chương 8
Tháng tám 2016. Gặp lại trong cùng một ngày hai lần… thời gian như ngừng trôi. Tất cả đều có thể, nhưng khoảng cách luôn ở đó. Làm thế nào để giáo hoàng không bị đè bẹp bởi rất nhiều trách vụ, sinh hoạt, đó là không nói đến các báo cáo nội bộ liên tục, liên hệ đến một thể chế vừa rất nhân bản, vừa vĩnh cửu? Tôi ráng để nói trực tiếp với chính ngài, ít nhất là một lần. Nhưng sự ngại ngùng và tôn trọng đời sống riêng thật quá đáng công để phải kềm lại trong thời buổi con người ta mê diễn tả và mê nhìn trộm. Thế nào là một định mệnh rất gần với Âu châu và cùng một lúcđậm nét lịch sử Argentina, một trong các biểu tượng kỳ diệu của “Tân Thế Giới”, cuối cùng lại khác nhau như thế? Ở đây không một dàn cảnh, đơn giản là phản hồi của một vài sự kiện và một vài quan hệ. Làm sao có sự sống chung giữa câu chuyện bình thường, dù cho được đánh dấu sâu đậm bởi sự nhập cư, và cuộc gặp gỡ với Chúa? Có thể nói gì trong một đối thoại bị giới hạn bởi thời gian với một nhà trí thức Paris? Sự im lặng, thường xuyên xuất hiện trong các buổi nói chuyện của chúng tôi có đủ không? Từ lâu, ngài đã xem chính trị, loại chính trị vĩ đại xứng tầm với Phúc Âm và Lịch sử như ngài thường hay nói chính trị với chữ hoa đứng đầu, còn tôi thì cho rằng, gần như ngài “lên thuyền” trên con tàu chính trị vĩ đại này. Với phần phẫn nộ của ngài. Và cùng một lúc, tất cả những điều này có thể hiểu theo nghĩa rộng của đức tin, nói lên cho thấy nó thuộc về một lôgic đối thoại khác lôgic đối thoại như chúng ta thường có. Không quên nói đến sự đa dạng của bối cảnh trong đó chúng tôi trao đổi, qua nhiều độc giả ở các châu lục khác nhau…
Tháng 10 và tháng 12 năm 2016. Tháng 10 ở Rôma là tháng êm dịu, mọi sự trở nên yên tỉnh hơn. Tháng 12, khí hậu nhắc tôi nhớ đến bầu khí chuyến đi đầu tiên hồi tháng 2-2016. Người La Mã ở đây yên lặng trong thành phố của họ. Mọi thứ đều yên ắng hơn ở Paris. Mọi thứ dậm chân tại chỗ, kinh nghiệm này, cuộc gặp với Đức Thánh Cha mà chúng ta hình dung ngài luôn nhân ái, có tinh thần cởi mở, có một quyết tâm vô biên và không phải không thật sự phẫn nộ khi đứng trước thế giới này. Đúng, ngài hạnh phúc, nhưng ngài không dễ bị lừa, ngài sống trong đức tin, một đức tin ngài không nói ra trong cuộc trao đổi của chúng tôi, và tôi thật sự không đủ khả năng để đề cập. Hai lần gặp cuối cùng để kết thúc cuộc đối thoại, trả lời một số điểm, không phải để kết luận nhưng tìm những điểm còn bỏ dở. Chúng tôi sẽ gặp lại nhau vào tháng 1 và 2 năm 2017 để thảo luận về bản thảo.
Vatican luôn như vậy, bao la và rất nhỏ, đứng trước thời gian và Lịch sử, yên lặng và gần như thinh lặng so với Quảng trường Thánh Phêrô bên cạnh luôn ồn ào. Những người đàn ông ở đây khi nào cũng đi trong khoảng không gian nhỏ bé, âm thầm, họ không nhiều. Họ băng qua sân, đi vào đi ra các tòa nhà, gần như không nói gì với nhau… Còn tôi thì chưa hình dung rõ, các cuộc gặp này sẽ như thế nào, xác thực, đúng đắn, trung thực, tự nhiên, tôn kính. Một đối thoại nhân bản, bị ngưng nhiều tháng trong năm. Có phải sự mong manh và cao cả của Con người rồi cuối cùng cũng là điều cốt tủy của Giáo hội không? Và cuối cùng là của hầu hết các tôn giáo? Và cuối cùng cũng là của tất cả hệ thống phổ quát của thế tục không?
Tháng 1, tháng 2 – 2017. Mùa đông trở về. Trời se se lạnh. Rôma gió và ẩm. Cây cối và đất đá có một giao lưu khác, giao lưu với ánh sáng huyền ảo. Có ít người trước Quảng trường Thánh Phêrô. Mưa trên thềm nhà thờ làm thay đổi bầu khí, như du khách và khách hành hương với áo mưa, khác áo ngày thường. Tôi sốt ruột mong gặp giáo hoàng để biết các nhận xét của ngài về bản thảo. Ngài cám ơn tôi phải đi thêm một lần nữa để nói chuyện thêm. Ngài đến với bản thảo dưới cánh tay, như một đồng nghiệp, một giáo sư. Chúng tôi ngồi chung quanh cái bàn thấp, không thoải mái mấy và chúng tôi bỏ nhiều thì giờ để xem tất cả các trang, để đưa ra ý kiến về các trang viết của chúng tôi. Chúng tôi đồng ý với hầu hết các điểm ngài đưa ra. Ngài không kiểm duyệt gì, đơn giản chỉ làm sao để được sát ý nhất những gì chúng tôi đã trao đổi. Chúng tôi cười nhiều quanh một số câu. Bỏ một vài đoạn trong đó nhiều người có thể bị nhận ra. Ngài hài lòng và thanh thản. Và tôi cũng vậy! Tất cả từ buổi gặp gỡ đầu cho đến hôm nay đã diễn ra trong thiện cảm, thỏa thuận, một ân sủng đặc biệt. Tôi không có chữ để nói và tôi cũng không muốn đi tìm thêm. Tuy nhiên công việc cũng nhiều trong hơn hai năm, trung thực, nhân bản và tự do. Một cuộc gặp gỡ thật sự đặc biệt. Chúng tôi nói đến chuyện xuất bản nhiều thứ tiếng, tựa đề, lịch trình. Ngài nói với tôi: “Ông là tác giả duy nhất vì ông làm mọi chuyện…” Hài hước, luôn hài hước. Ngài khen tôi đã có thể hiểu được các suy nghĩ của ngài, nắm được tính cách của ngài và thành công trong các cuộc gặp gỡ này. Ngài hạnh phúc và tôi thì quá xúc động, cùng một lúc về cuộc gặp gỡ, về bầu khí và về kết quả. Một quyển sách đơn giản, dễ đọc, giáo hoàng thoải mái nói về mối quan hệ của mình với Lịch sử, chính trị, xã hội, con người. Tôi đã cảm thấy luyến tiếc khi đi bộ trên Quảng trường Thánh Phêrô. Đêm xuống, chỉ còn một vài người hiếm hoi đi bộ. Sự im lặng này đưa tôi về với im lặng của tôi. Thời gian vẫn trôi qua.
Dominique Wolton: Đâu là sự kiện cá nhân hay tập thể đánh dấu nhất trong đời của cha?
Đức Phanxicô: Sự kiện cá nhân là một chuyện, sự kiện tập thể là một chuyện khác.
Dominique Wolton: Vâng. Sự kiện cá nhân và trong thế giới.
Đức Phanxicô: Có một chuyện khi tôi còn nhỏ đã làm cho tôi đau khổ rất nhiều. Đó là hận thù và chiến tranh. Hận thù người khác. Khi tôi ý thức được về sự hận thù của người này đối với người kia, tôi rất đau khổ. Trên bình diện thế giới, thì đó là hận thù và chiến tranh. Nhưng niềm vui mà tôi cảm nhận được ngày Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt… tôi kể cho ông nghe chưa?
Dominique Wolton: Dạ thưa rồi.
Đức Phanxicô: Ông biết đó, mẹ tôi và bà hàng xóm hay có thói quen bắt ghế lên nói chuyện qua bức tường… Ngày hôm đó, tôi còn nhớ như ngày hôm qua, bà hàng xóm gọi mẹ tôi, khi đó tôi đang ở trong sân: “Chiến tranh chấm dứt rồi, chiến tranh chấm dứt rồi!” Và tôi cảm nhận một niềm vui, một niềm vui thật sự… Tôi sinh năm 1936 và chiến tranh chấm dứt năm 1945, khi đó tôi không biết đó là sự kiện quan trọng nhất, nhưng đó là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Khi có hận thù là tôi đau khổ. Kể cả hận thù chính mình, vì mình là kẻ có tội, nhiều lần tôi cũng cảm thấy mình hận thù người khác.
Dominique Wolton: Đối với các linh mục bị giết chết hay các tín hữu Đông phương, hay với linh mục Hamel ở Pháp vào mùa hè năm 2016?
Đức Phanxicô: Đau đớn.
Dominique Wolton: Điều gì làm cha xúc động nhất trong cuộc sống?
Đức Phanxicô: Các cử chỉ trìu mến, sự thông hiểu, tha thứ luôn làm cho tôi cảm thấy khỏe… Nhưng không phải chỉ trong phạm vi tôn giáo. Khắp nơi. Khi còn nhỏ, khi tôi thấy mọi người gây nhau, tôi đau khổ. Ngược lại, sự dịu dàng… Sự dịu dàng là một cái gì mang lại bình an cho tôi rất nhiều.
Dominique Wolton: Điều gì làm cho cha nổi giận nhất?
Đức Phanxicô: Bất công. những người ích kỷ. Và cả chính tôi, khi tôi vướng vào trong tình trạng này.
Và bất công, luôn luôn. Khi tôi bất công với ai, tôi phải bỏ thì giờ ra cầu nguyện rất nhiều để tôi tin mình được Chúa tha thứ, rồi sau đó tôi xin người kia tha thứ và làm một cái gì để chuộc lỗi bất công này. Nhưng có những bất công mà chúng ta không thể nào sửa chữa được trong cuộc đời. Và những chuyện này thì thật khủng khiếp.
Dominique Wolton: Khuyết điểm lớn nhất của cha?
Đức Phanxicô: Tôi không biết phải nói như thế nào, nhưng… là một chút khác với những gì người khác nghĩ về tôi. Tôi có khuynh hướng thích chuyện dễ dàng và lười biếng. Người ta nghĩ tôi ngược lại.
Dominique Wolton: Và đức tính? Đức tính chủ yếu của cha?
Đức Phanxicô: Đức tính… đơn giản là tôi thích nghe người khác. Vì tôi thấy mỗi đời sống đều khác nhau. Và mọi người có con đường của mình. Lắng nghe. Không phải nói lung tung, nói để phán xét nhưng để mở ra với các lối sống hay các cách thành công khác nhau… Cũng phải có kiên nhẫn để lắng nghe vì các người lớn tuổi thường lặp đi lặp lại cùng một chuyện. Kiên nhẫn là chuyện tự nhiên của tôi.
Dominique Wolton: Nhưng cha nói khiếm khuyết của cha là lười biếng?
Đức Phanxicô: Một khuynh hướng tự nhiên.
Dominique Wolton: Khi nào cha thấy mình lười biếng trong đời?
Đức Phanxicô: Tôi không biết, nhưng…
Dominique Wolton: Theo tôi thì không bao giờ (cười).
Đức Phanxicô: … từ khi còn trẻ con, chắc chắn, từ khi còn rất nhỏ: tôi học tối thiểu nhất có thể để đi thi hay làm bài kiểm tra ở trường…
Dominique Wolton: Dạ đúng, như tất cả mọi trẻ em. Nhưng còn bây giờ? Đâu là khiếm khuyết của cha bây giờ?
Đức Phanxicô: Nhưng bây giờ thì có quá nhiều!
Dominique Wolton: Dạ, tôi biết, nhưng đó là để xưng với cha giải tội. Nhưng chỉ một khiếm khuyết thôi.
Đức Phanxicô: Nhưng khuynh hướng đó là một phần trong tính cách của tôi, và tôi phải chiến đấu để chống lại nó.
Dominique Wolton: Nhưng tính đó là chung của người Châu Mỹ La Tinh…
Đức Phanxicô: Đúng, có thể như vậy. Tôi không bao giờ nghĩ như vậy, nhưng có thể lắm. Nhưng tôi không thể nào nói, họ móc mắt tôi!
Dominique Wolton: Chúng tôi người Âu châu luôn nhanh nhẹn và hay lo âu bồn chồn. Tôi biết một ít Châu Mỹ La Tinh, điều luôn làm cho tôi có ấn tượng là niềm vui của người dân ở đó. Ngay cả ở Argentina, họ có một phong cách sống thanh thản. Ở Âu châu không có sự thanh thản này. Hai cuộc thế chiến nằm ở phần sâu thẳm, rồi năm mươi năm chạm trán Đông-Tây. Một người Âu châu là một người bồn chồn lo lắng. Còn cha, người Latinô của cha luôn giữ trạng thái “vô tư”, dù dĩ nhiên người dân biết thế nào là bạo lực chiến tranh, nhất là nội chiến nhưng họ không nếm qua cú sốc khủng khiếp của hai cuộc xung đột thế giới. Cha đã mang niềm vui “vô tư” này vào triều giáo hoàng của mình mà cha không biết. Đức Gioan-Phaolô II thì nghiêm, Đức Bênêđictô XVI cũng vậy, nhưng người latinô của cha, cha “nhẹ” hơn và “không lo lắng” hơn. Mặt khác điều này lại thấy rõ, một số người công giáo theo chủ nghĩa truyền thống thì lại không thích… Cha cười dễ dàng, cha không ở trong hệ biến hóa tâm lý Âu châu. Tôi nghĩ cả triệu người đều thấy sự khác biệt này.
Đức Phanxicô: Tôi không nghĩ chuyện này chỉ duy nhất tôi có hay từ các dân tộc Châu Mỹ La Tinh. Nó cũng liên hệ đến các Giáo hội trẻ hơn. Các Giáo hội trẻ có một phong thái tự do hơn. Chẳng hạn ở Phi châu, nơi có sự hội nhập văn hóa về phụng vụ, chẳng hạn họ nhảy múa trong thánh lễ và họ không nghĩ là thánh lễ sẽ ngắn hơn ba giờ! Các Giáo hội trẻ là như vậy. Ở Âu châu, các Giáo hội xưa hơn. Kitô giáo ở đây có từ 2000 năm. Tôi không nói kitô giáo già, đúng, có già nhưng già theo nghĩa tốt. Tôi có một ví dụ để ông hiểu điều tôi muốn nói. Rượu ngon lâu năm thì thành rượu ngon hơn. Nhưng rượu dở để lâu năm thì thành giấm. Âu châu là rượu ngon. Rượu này thành aneja, như người ta gọi trong tiếng Tây Ban Nha là rượu hạng nhất. Nhưng có thể vì vậy mà nó lấy đi một ít hồn nhiên và tươi mát.
Dominique Wolton: Tôi thích khi cha nói với các tân giám mục ngày 16 tháng 9 năm 2016: “Thế giới mệt mỏi vì những người nói dối bị bùa mê thuốc chú, xin cho phép cha nói, các linh mục, giám mục sống theo mốt.” Và cha cũng nói đến chủ thuyết “mù tình cảm”. Cha có những công thức thật lạ lùng. Có thể sau khi nói thì cha có ít bạn hơn và nhiều kẻ thù hơn, nhưng các công thức của cha thì thật đáng kể. Từ đâu mà cha có tài năng diễn tả một cách rõ ràng, đơn giản để mọi người hiểu cha với những chữ rất đúng này? Và khi nào cũng vậy? Hay từ khi bắt đầu cha có tuổi?
Đức Phanxicô: Tôi luôn nói như vậy. Tôi không biết tại sao… nó không nằm trong các chuyện tôi học…
Dominique Wolton: Từ khi nào cha đã là như vậy sao? Ngay cả khi còn trẻ?
Đức Phanxicô: Đó là lối sống của tôi… Đó là gia đình. Chúng tôi ở trong một gia đình lớn và các ngày chúa nhật chúng tôi có bữa ăn chung với các ông bà nội ngoại, chúng tôi ba mươi sáu, bốn chục người và chúng tôi nói rất nhiều! Có thể đến từ đó, tôi không biết.
Dominique Wolton: Điểm lợi là bất cứ đâu trên thế giới, mọi người đều hiểu cha. Ngắn gọn, rõ ràng. Ngay cả Đức Gioan-Phaolô II cũng rắc rối hơn.
Đức Phanxicô: Đó là một triết gia, một giáo sư đại học. Nhưng ngài cũng có một cái gì rất hay, ngài là cha tuyên úy của sinh viên, ngài có sự đơn giản này.
Dominique Wolton: Nhưng để có được một sự đơn giản như vậy, có nhất thiết phải có nhiều đau khổ cá nhân không?
Đức Phanxicô: Có, tôi đau rất nhiều. Năm 20-21 tuổi, tôi xém chết. Bác sĩ mổ tôi từ đây đến đây, lấy một phần lá phổi. Lúc đó tôi đau khủng khiếp. Và rồi có những đau “bình thường” như mọi người. Không có gì là khác thường.
Dominique Wolton: Bình thường, trên khía cạnh lịch sử, các giáo hoàng không nói nhiều, họ nói một cách chính thức. Cha, cha nói rất nhiều. Cha rất truyền thông hóa, rất được giáo dân yêu mến. Câu hỏi của tôi là: có một bất trắc nào cách biệt giữa những gì cha nói riêng tư và những lời chính thức không? Hay cha cố ý làm như vậy để tạo một cách truyền thông khác, trực tiếp hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ của thể chế không?
Đức Phanxicô: Tôi nghĩ cẩn thận là cần thiết. Không phải loại cẩn thận “lạnh”, nhưng cẩn thận giúp mình hiểu mình có thể nói cái gì và mình có thể đi đến đâu. Các phản ứng thì khi nào cũng có, tôi cũng có những sai lầm. Tôi cũng đã lầm hai hoặc ba lần trong cách nói của mình.
Dominique Wolton: Từ khi cha là giáo hoàng?
Đức Phanxicô: Đúng, đúng, từ khi là giáo hoàng. Hai hoặc ba lần, tôi đã có những sai lầm.
Dominique Wolton: Trên máy bay thật nguy hiểm. Các ký giả ở đó, ngay trước mặt. Họ tìm tất cả những gì bị cấm. Họ thích vậy. Nhưng đồng thời cha cũng rất can đảm khi trả lời họ. Chắc chắn là phải có một giới hạn vì sau đó ảnh hưởng đến uy tín của cha. Các ký giả, họ bắt đầu bằng vồ mồi, sau đó họ vứt. Vì thế, đối với giáo hoàng cũng như đối với tổng thống Cộng hòa, ai cũng có thể bị nguy hiểm. Họ yêu cha vì cha rất thẳng, nhưng sau đó thì họ nói “thôi đủ rồi”. Vấn đề là: khi nào?
Đức Phanxicô: Một vài chuyện tôi không thể nói ra. Vì tôi biết như thế sẽ thiếu cẩn thận hay thiếu giáo dục. Hoặc thiếu kín đáo mà tôi phải giữ. Nhưng những gì tôi có thể nói thì tôi nói. Và một số lời gây tai tiếng, và đúng như vậy.
Dominique Wolton: Cha có nghĩ đây là phong cách trực tiếp và nhân bản, cha chỉ làm dễ dàng thêm cho các hồ sơ phải không?
Đức Phanxicô: Tôi nghĩ đây là một phong cách mục vu. Tôi không tìm cách để nói như một giáo sư nhưng như một mục tử.
Dominique Wolton: Câu trả lời hay. Khi người ta nghe cha nói, người ta thấy cha, người ta nhận thấy cha có tự do rất lớn, một sự phản kháng thật sự: cha đang giận. Tôi, tôi thấy cha là người đang giận. Mà đang giận thì không đúng theo chuẩn. Làm sao cha vừa có được tự do này, vừa có được đầu óc phê phán, với tất cả chuyện gò bó của các thể chế mà cha đã trải qua. Làm sao cha có thể dung hòa các nghịch lý này?
Đức Phanxicô: Nhưng cũng có nhiều lúc tôi không dung hòa được.
Dominique Wolton: Cha có hạnh phúc?
Đức Phanxicô: Có, tôi hạnh phúc. Tôi hạnh phúc. Không phải hạnh phúc vì là giáo hoàng, nhưng Chúa đã cho tôi là giáo hoàng, tôi cầu nguyện để không làm điều bậy bạ… Mà tôi cũng có làm!
Dominique Wolton (cười): Cha cẩn thận, đừng làm quá nhiều bậy bạ! Chuyện lớn nhất làm cho cha hạnh phúc khi cha là giáo hoàng là chuyện gì?
Đức Phanxicô: Là được gặp nhiều người.
Dominique Wolton: Lúc nào cũng vậy!
Đức Phanxicô: Khi tôi ở ngoài quảng trường.
Dominique Wolton: Nói cách khác khi cha ra khỏi “tù” (cười). Cha là một trong rất hiếm nhân vật có một trách nhiệm mang tính biểu tượng quá quan trọng. Khi giáo hoàng nói một cái gì, đó là cho toàn thế giới. Có khi nào cha cảm thấy lỗi lầm khi đứng trước vai trò biểu tượng to lớn của cha không?
Đức Phanxicô: Tôi không bao giờ cảm thấy mình lo lắng, nhưng khi tôi ở trên máy bay với các ký giả, tôi có cảm tưởng như vào hang cọp. Và thế là tôi bắt đầu cầu nguyện, tôi cố gắng để được chính xác. Có rất nhiều áp lực và cũng có một vài cú trượt.
Dominique Wolton: Kệ, cũng không nặng lắm.
Đức Phanxicô: Nhưng lo lắng thì không.
Dominique Wolton: Các sự kiện trong đời sống của cha thì nhiều, người ta có thể đoán các mâu thuẫn với các thể chế, các “dòng”. Khi cha được gởi đi Đức để làm luận án hoặc phải ở mấy năm ở Cordoba …
Đức Phanxicô: Tôi không biết tôi đã kể chưa, nhưng khi còn là sinh viên, một linh mục lớn tuổi Dòng Tên đã khuyên tôi: “Con nghe đây, nếu con muốn đi tới đàng trước, con suy nghĩ thật rõ ràng và nói thật tối tăm”. Nhưng tôi, tôi cố gắng nói một cách rõ ràng.
Dominique Wolto: Như thế cha phải gặp nhiều khó khăn…
Đức Phanxicô: Đúng rồi! Nhưng tôi ghét đạo đức giả. Nếu tôi không thể nào nói chuyện gì thì tôi không nói. Tôi không làm chuyện đạo đức giả. Đạo đức giả là chuyện làm tôi phản kháng.
Dominique Wolton: Từ lâu?
Đức Phanxicô: Đó là trong bản chất của tôi. Và đó là chữ tôi dùng nhiều nhất để chửi nhiều nhất khi tôi còn trẻ: “Đạo đức giả!” “Đạo đức giả” là cách nói tế nhị, nhưng chữ “đạo đức giả” có nhiều đồng nghĩa đều nói cùng một chuyện. Khi người ta trẻ, người ta không nói kiểu kinh điển. Người ta dùng những chữ đồng nghĩa mà tôi không thể nào nhắc lại ở đây (cười).
Dominique Wolton: Chiều 13 tháng 3 năm 2013, chiều cha được bầu chọn, khi lần đầu tiên xuất hiện ở bao lơn Quảng trường Thánh Phêrô, cha nói: “Xin chào anh chị em, chào buổi chiều!” Thật đơn giản! Và không phải câu chào truyền thống.
Đức Phanxicô: Diễn tiến ngày hôm đó hoàn toàn tự nhiên. Bởi vì tôi không nghĩ đến. Buổi trưa, tôi còn không nghĩ đến khả thể này, rồi bỗng nhiên… pfft! Tất cả đến một cách thật bình thản, một bình thản tôi vẫn còn giữ đến bây giờ. Tôi không nghĩ mình sẽ nói gì. Tôi thấy đông người trước mặt… tôi hơi sợ. “Chào buổi chiều”, đó là lời nói khi người ta chào một cách lịch sự.
Dominique Wolton: Đúng, nhưng hoàn toàn bất thường. Vì đó là bình đẳng, bình đẳng giữa cha và giáo dân.
Đức Phanxicô: Đúng, nhưng “chào buổi chiều” là lời chào bình thường. Tôi không thấy mình sẽ nói gì khác hơn lúc đó.
Dominique Wolton: Vì sao Thánh Mát-thêu lại quan trọng nhiều như thế trong đời của cha?
Đức Phanxicô: Vì tôi nghe tiếng gọi của tôi, ơn gọi của tôi vào một ngày 21 tháng 9, ngày lễ Thánh Mát-thêu. Đó là một kinh nghiệm sâu đậm mà tôi đã kể nhiều lần. Và rồi Thánh Mát-thêu, bài giảng của Thánh Bède Bậc Đáng Kính. Khi tôi ở Rôma, tôi trọ ở nhà Phaolô-VI, đường Scrofa. Vì tôi ở không xa nhà thờ Thánh Lui-Người Pháp nơi có bức tranh Thánh Mát-thêu Trở lại của danh họa Caravage.
Dominique Wolton: Cha nói với tôi: “Phải đọc Phúc Âm với tâm hồn cởi mở, không thành kiến, không định kiến”. Cha có thể nói rõ hơn?
Đức Phanxicô: Điều này có nghĩa Phúc Âm là một sức mạnh, đó là Lời Chúa. Và trong Lời Chúa, trong Phúc Âm có Chúa. Và đó là Công đồng Vatican II nói. Chính Chúa gọi mình. Nếu tôi đọc Phúc Âm với định kiến hay thành kiến thì tôi không vào với Phúc Âm, tôi tự bảo vệ mình chống lại lời này. Đây không phải đọc như đọc văn chương. Tôi có thể đọc Phúc Âm như đọc văn chương, tôi có thể đọc Phúc Âm một cách khoa học, có nghĩa là phân tích “chữ này trong tiếng Hy Lạp muốn nói điều này, điều kia”. Nhưng tôi có thể đọc Phúc Âm như một tín hữu kitô với tâm hồn cởi mở và không định kiến.
Nhưng tôi cũng muốn nói với ông, tôi muốn thêm hai chuyện.
Chuyện thứ nhất: Ông hỏi tôi: “Chúa ở đâu ở Auschwitz?”, và tôi đã nói với ông, tôi không thấy Chúa, tôi chỉ thấy công việc của con người không có Chúa. Đó là điều tôi nói hôm đó. Lúc đó tôi chỉ thấy có vậy: đó là điều con người có thể làm mà không có Chúa. Từ đó tôi suy nghĩ, có một chuyện mà tôi không thấy lúc đó, nhưng sau khi suy nghĩ, tôi có thể nói, dù câu trả lời không phải là câu tự phát: đó là Chúa ở nơi các kitô bị giết chết, bị đánh đập. Chúa luôn thể hiện trong thịt da. Đó, là chuyện đầu tiên, nhưng là suy nghĩ về sau.
Chuyện khác, tôi nghĩ là tôi đã nói, nhưng tôi không chắc. Làm thế nào Chúa truyền thông? Lạ kỳ, vì Chúa là bậc thầy truyền thông. Thiên Chúa đã hạ mình xuống để truyền thông. Ngài truyền thông bằng cách vạch một con đường với dân của Ngài. Với dân Israel, với dân nô lệ ở Ai Cập. Nhưng luôn hạ mình. Thiên Chúa hạ mình trong Chúa Kitô. Đó là điều các nhà thần học gọi là “hạ cố” (synkatabasis) như các Tổ phụ đầu tiên đã nói. Nhưng thật lạ lùng. Thiên Chúa truyền thông bằng cách hạ mình. Và vì thế mỗi truyền thông của con người đều phải hạ mình để được là một truyền thông đích thực, vì con người là hình ảnh của Chúa. Đặt mình ở tầm mức của người khác. Hạ mình không phải vì người khác thấp hơn tôi, nhưng vì khiêm tốn, vì mong muốn được như thế…
Nên – tôi nghĩ tôi đã nói rồi -, cha mẹ khi họ muốn nói chuyện với con cái, họ bắt chước giọng trẻ con, họ không nói đúng, họ nói ngôn ngữ trẻ con – “bi bô bi ba”. Họ hạ mình xuống. Tôi nghĩ như thế, tôi đã nói, nhưng nếu tôi chưa nói, thì đây là chuyện quan trọng. Đó là nguyên tắc: nếu tôi không đi ra khỏi chính mình để ‘hạ mình’ đến với người khác, thì không thể có truyền thông được! Truyền thông, để nói một cách cầu kỳ hơn, đó là hành vi khiêm tốn. Người ta không thể truyền thông nếu không khiêm tốn. Sẽ rất thú vị khi phân tích các bài diễn văn của các nhà độc tài vĩ đại để tìm dấu vết của khiêm tốn. Ngôn ngữ của các nhà độc tài này thì… tôi không biết nói như thế nào trong tiếng Pháp hay tiếng Ý. Nhưng trong tiếng Tây Ban Nha chúng tôi nói: “Tôi, tôi, tôi, với tôi và cho tôi” (Yo, me, mi, conmigo y para mi). Trong các bài diễn văn của họ, các nhà độc tài vĩ đại này truyền thông với xác quyết họ nghĩ họ là thần thánh.
Thật là lý thú để nhìn ngôn ngữ của tự đủ, của tự thần thánh hóa. Ngược lại, ngôn ngữ khiêm tốn cùng tháp tùng với người khác, luôn là ngôn ngữ hạ mình xuống.
Dominique Wolton: Đúng, chữ hạ mình luôn là chữ nói lên thứ trật, các tương quan từ cao xuống thấp. Cha, cha dùng trong một chiều kích nhân bản hơn. Hạ mình, là đến với người khác. Với lòng khiêm tốn. Đó là một khái niệm hiếm hoi. Ngược lại trong cái nhìn dân chủ, người ta nói đến bình đẳng và tôi không biết đến đâu thì bình đẳng gồm cả hạ mình.
Đức Phanxicô: Tôi nghĩ, để bình đẳng, mình phải đặt mình ở mức độ với người khác. Và trên nguyên tắc, tôi phải hạ mình ở ngang mức độ người khác, dù người khác ở bậc cao hơn tôi. Nhưng đó luôn là hành vi “đi vào nhà người khác”. Chính tôi phải vào đó. Tôi phải làm bước trước. Như lời mở đầu, tôi phải nói với người khác, đến với cách nhìn sự việc của tôi, lối suy nghĩ của tôi.
Dominique Wolton: Bình đẳng thật sự chính là khả năng có thể “hạ mình” để đến với người khác. Và, người ta có thể nói, có một bình đẳng hình thức và một bình đẳng thật sự.
Đức Phanxicô: Đúng, một cách hình thức, mọi người đều bình đẳng. Nhưng trong đời sống hàng ngày… Đó là cách hành động hướng về phục vụ. Đó là hành động theo tinh thần kitô giáo. Truyền thông kitô giáo là phục vụ. Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng, Ta không đến để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ.
Dominique Wolton: Ngày nay, ở thế giới toàn cầu hóa, với ý thức hệ “dân chủ”, ý tưởng hạ mình để đến với người khác không tồn tại. Người ta cho rằng bình đẳng giải quyết được tất cả vấn đề. Nhưng không đúng. Còn cha, khi cha nói “truyền thông là hạ mình”, cha đưa đến một chiều kích chuẩn tắc khác, một chiều kích không tồn tại hiện nay trong văn hóa dân chủ. Quả thật cha đã vượt lên bình đẳng, cha cho rằng bình đẳng là chưa đủ. Nếu người ta muốn thực sự muốn nói chuyện với người khác thì phải đi tìm nơi người đó ở và trong phần lớn trường hợp thì phải hạ mình. Khi nói, “tôi hạ mình”, cha thật sự đi đến với người khác. Những gì cha nói, đó là truyền thông, đó là một chuyển động, “hướng về”, và không được sợ mình phải hạ mình.
Đức Phanxicô: Chính hai chuyện này mà tôi muốn nhấn mạnh.
Dominique Wolton: Còn tôi, tôi quên một câu hỏi. Nó tầm thường nhưng lại quan trọng. Đâu là vai trò của các phụ nữ trong đời cha?
Đức Phanxicô: Cá nhân tôi, tôi cám ơn Chúa đã gởi các phụ nữ đích thực đến trong đời tôi. Hai bà nội, ngoại rất khác nhau, nhưng cả hai đích thực là phụ nữ. Họ là các bà mẹ, họ làm việc, họ can đảm, họ hy sinh hết thì giờ cho các cháu… Nhưng luôn với chiều kích phụ nữ… Tôi còn nhớ rõ. Tôi hay nói chuyện với bà nội Rose, khi mẹ tôi đi sinh, mỗi buổi sáng bà đem tôi về nhà bà. Nhưng tôi còn bà ngoại Maria. Tôi còn nhớ ngày nhạc sĩ Prokofiev qua đời. Tôi đang ở với bà và với cả ông ngoại nữa, nhờ ơn Chúa, tôi có cả bốn ông bà nội ngoại rất lâu trong đời. Người đầu tiên qua đời khi tôi 16 tuổi. Một ơn phước. Và nhạc sĩ Prokofiev qua đời, và tôi rất mê nhạc. Trong năm, chúng tôi thường ở ba, bốn ngày trong nhà của ông bà nội, ngoại với người này người kia, với các em tôi… Khi nghỉ hè thì ba đứa chúng tôi đến nhà ông bà nội, hai đứa đến nhà ông bà ngoại và cứ thế luân phiên. Như thế cha mẹ tôi được yên. Họ có hai tháng không có trẻ con, họ chỉ gặp chúng tôi vào ngày chúa nhật hoặc ở sân vận động khi chúng tôi cùng đi chung với nhau. Cái ngày mà Prokofiev chết, khi đó tôi 16 tuổi. Tôi không nhớ rõ chính xác ngày. Tôi bắt đầu nói về âm nhạc, lúc đó tôi 15, 16 tuổi. Tôi mơ tôi sẽ là nhạc trưởng… tất cả những chuyện trẻ con mới lớn mơ. Bà ngoại kiên nhẫn nghe tôi, bà nói: “Nhưng muốn làm nhạc trưởng thì phải học, muốn học thì phải cố gắng, mình không có kết quả một cách dễ dàng đâu”. Một cách rất tự nhiên, bà dạy cho tôi thế nào là việc làm, là vai trò của làm việc, của cố gắng.
Tôi thật có phước có được hai bà nội ngoại như thế. Rồi tôi còn mẹ tôi. Mẹ tôi… Tôi thấy mẹ rất đau khi sinh lần cuối – mẹ sinh năm lần -, lần cuối mẹ bị nhiễm trùng, trong vòng một năm mẹ không thể đi được. Tôi thấy mẹ đau. Và tôi thấy mẹ làm đủ mọi cách để không phí phạm gì. Cha tôi có một công việc làm tốt, ông làm kế toán, nhưng lương của ông vừa đủ sống đến cuối tháng. Và tôi thấy mẹ, cách mẹ đương đầu với các vấn đề, hết vấn đề này đến vấn đề khác… Và còn một hình ảnh này rất đẹp: mỗi ngày thứ bảy, gia đình bên mẹ tôi rất thích opera, họ nghe đài phát thanh quốc gia Argentina phát chương trình opera lúc 2 giờ chiều. Mẹ tôi biết rất nhiều opera vì thân phụ mẹ tôi là thợ mộc, ông vừa làm vừa hát opera. Và mẹ tôi cho chúng tôi nghe bốn vở oepra lớn nhất…
Dominique Wolton: Các opera Ý?
Đức Phanxicô: Đúng, oepra Ý, cũng có một vài opera Pháp nữa. Tôi nhớ có một lần mẹ tôi nói cho tôi biết về Mignon và cả Manon. Mẹ kể câu chuyện opera, khi đến những đoạn hay, mẹ nói với chúng tôi: “Nghe đoạn này con, rất hay”. Tất cả là nghệ thuật. Đó là một phụ nữ, một người mẹ. Rồi tôi có các em gái… Rất quan trọng cho một người đàn ông có được các em gái. Rồi còn các cô bạn tuổi vị thành niên, những “cô gái hứa hôn nhỏ bé”… Được luôn tiếp xúc với các phụ nữ làm cho đời sống của tôi được phong phú. Tôi cũng học được, dù khi đã lớn, rằng phụ nữ nhìn sự việc một cách khác hơn các ông. Bởi vì đứng trước một quyết định cần phải cân nhắc, đứng trước một vấn đề, quan trọng là phải nghe cả hai phía.
Dominique Wolton: Làm thế nào để tăng thêm chỗ cho phụ nữ trong Giáo hội, để làm phong phú thêm đối thoại giữa đàn ông, đàn bà?
Đức Phanxicô: Vấn đề này rất quan trọng. Với việc cải cách Giáo triều, sẽ có nhiều phụ nữ nắm các chức vụ có quyết định, chứ không phải chỉ là cố vấn. Bởi vì chúng ta không cần một linh mục để điều khiển ngành giáo dục… Ở Giáo triều đã có một phó giám đốc ở Văn phòng báo chí Tòa Thánh…
Dominique Wolton: Tôi biết cha muốn nói ai, nhưng vẫn còn chưa đồng đều. Đúng là đàn ông, đàn bà nhìn thực tế không cùng một cách. Trên quan điểm cá nhân, cha có gặp phụ nữ nào tác động đến cha, sau các phụ nữ ở tuổi thơ ấu và vị thành niên không?
Đức Phanxicô: Có một phụ nữ dạy cho tôi suy nghĩ về thực tế chính trị. Bà là người cộng sản.
Dominique Wolton: Bà còn sống không?
Đức Phanxicô: Không… Trong thời chế độ độc tài, bà bị “pfftt…”, bị giết. Bà bị bắt cùng một nhóm với hai nữ tu người Pháp, họ ở chung với nhau. Bà là hóa học gia, trưởng ban nơi tôi làm việc ở phòng thí nghiệm brô-ma. Bà là người cộng sản Paraguay, thuộc đảng có tên Febrerista ở đó. Tôi còn nhớ bà cho tôi đọc án tử hình của những người Rosenberg! Bà cho tôi biết những gì đàng sau bản án này. Bà cho tôi sách, tất cả đều là sách cộng sản, nhưng bà dạy cho tôi cách suy nghĩ chính trị. Tôi học ở bà rất nhiều.
Dominique Wolton: Vụ Rosenberg thật là khủng khiếp.
Đức Phanxicô: Họ thật sự có tội không? Tôi còn nhớ bà kể cho tôi nghe: “Anh biết, khi người ta cho phép tử tội nói lời từ giã trước khi lên ghế điện, họ cầm tay nhau, họ ôm ghì nhau với cặp còng không?” Vô nhân đạo. Như thế bà làm cho tôi hiểu cái lôgic vô nhân đạo của loại chính trị này. Tôi nợ người phụ nữ này rất nhiều. Đến mức, khi vụ bách hại bắt đầu, bà nói tôi tới nhà bà – khi đó tôi đã là linh mục nhưng chưa làm giám tỉnh. Bà điện thoại cho tôi để nói: “Jorge, mẹ chồng tôi bệnh nặng (bà giữ đạo công giáo sốt sắng). Vì sao cha không đến xức dầu cho bà?” Bà là người cộng sản. “Được, tôi sẽ đến”. Tôi biết mẹ chồng của bà. “Cha đến với xe pick-up hay xe vận tải nhẹ, như thế vào trong khu phố của tôi sẽ dễ hơn”. Tôi hiểu bà muốn tôi dọn một cái gì đó. Và đúng vậy. Chúng tôi mang sách của bà đi, bà sợ cảnh sát đến nhà và thấy sách cộng sản. Bà sợ bị bắt. Tôi gặp bà thường xuyên và tôi thấy bà rất tôn trọng chọn lựa xã hội của tôi. Tôi nợ người phụ nữ này rất nhiều, vì đó là người dạy tôi suy nghĩ. Tôi gặp lại các con của bà…
Dominique Wolton: Tên riêng của bà?
Đức Phanxicô: Esther Balestrino De Careaga.
Dominique Wolton: Esther là một tên trong Cựu Ước.
Đức Phanxicô: Đúng, bà có ba người con. Một cô sống ở Thụy Điển, hai cô khác sống ở Argentina nhưng họ đến Asunción, Paraguay để gặp tôi khi tôi đến đó. Họ nhắc lại cho tôi, mẹ họ đã thương tôi như thế nào. Người phụ nữ này thật sự đã dạy cho tôi thế nào là suy nghĩ.
Dominique Wolton: Bây giờ, với trách nhiệm của cha, cha có có được các quan hệ bằng hữu với phụ nữ không?
Đức Phanxicô: Không, thật sự là bằng hữu, bạn bè, tôi sẽ nói không, nhưng có các quan hệ tốt thì có. Hai cô bạn khác đã chết khi tôi còn ở Buenos Aires, họ là những người có nhân cách, họ đã chết. Nhưng đúng, có những phụ nữ mà với họ tôi có quan hệ tốt, tôi thảo luận với họ…
Dominique Wolton: Cha có nghĩ cha sẽ thành công trong việc cải cách để cho phụ nữ có thêm chỗ trong Giáo hội không?
Đức Phanxicô: Có, có, tôi nghĩ là có. Bởi vì chẳng có nạn ghét phụ nữ nhiều như thế đâu. Đó không phải là vấn đề, có nhiều vấn đề khác.
Dominique Wolton: Đúng hơn là vấn đề khác biệt, thiếu thói quen không? Và cả rụt rè nữa? Rụt rè của đàn ông đối với phụ nữ? Nhất là khi họ là linh mục? Đến một lúc… không cứ là ghét phụ nữ, nhưng trở thành không trao đổi được.
Đức Phanxicô: Đúng. Khi họ thấy đến mức độ nào phụ nữ có thể làm tốt hơn, thì khi đó không có vấn đề. Đó không phải là chuyện sẽ tạo ra vấn đề, sẽ là một chuyện khác…
Dominique Wolton: Vậy thì chuyện gì sẽ là vấn đề?
Đức Phanxicô: Vấn đề quyền lực. Chúng tôi sẽ làm việc trên vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ, bây giờ, ở đây, trong số những người có thiện tâm, thì không có vấn đề. Nhưng sẽ là khó.
Dominique Wolton: Cải cách Giáo triều khó đấy. Cha nghĩ cha sẽ thành công không?
Đức Phanxicô: Có chứ… tôi đã nghe một hồng y lớn tuổi nói: “Bạn đừng nản chí, vì con đường cải cách Giáo triều rất khó. Và Giáo triều thì không thể cải cách được, nó phải bị loại bỏ thôi!” (cười). Dĩ nhiên đó là câu nói đùa!
Dominique Wolton: Nhưng đó cũng là một hình ảnh. Đôi khi, phải tận căn. Nhưng khó.
Đức Phanxicô: Nhưng hồng y nói như thế để cười. Không thể có như thế được, Giáo triều rất cần thiết. Và có rất nhiều người đáng trọng, rất nhiều! Có một vài người là thánh, những người của Chúa! Ông biết, người ta thường nói, một cái cây đổ xuống gây tiếng động hơn là một cánh rừng đang mọc.
Dominique Wolton: Rất hay. Có một ngày nọ, tôi thấy hồng y Tauran.
Đức Phanxicô: Hồng y giáo phận Bordeaux, nước Pháp.
Dominique Wolton: Đúng. Ngài nhanh nhẹn, thông minh.
Đức Phanxicô: Tôi xem ngài như một người bạn.
Dominique Wolton: Ngài cũng rất mến cha. Hồng y Tauran ở tâm điểm của truyền thông chính trị của Giáo hội từ nửa thế kỷ nay.
Đức Phanxicô: Ngài, ngài biết tìm các con đường. Đó là người của truyền thông. Ngài biết truyền thông. Ngài đối thoại với tất cả mọi người. Tôi thấy ngài thảo luận với các phật tử, người hồi giáo, với tất cả mọi người. Ngài nói. Khi ngài không đồng ý, ngài nói ra. Và ngài biết minh triết của đối thoại.
Dominique Wolton: Tôi đồng ý.
Chúng ta trở lại vấn đề đối thoại liên tôn. Cha muốn nói thêm một cái gì về sự cứng nhắc, tôi nghĩ vậy…
Đức Phanxicô: Đàng sau mỗi nghiêm nhặt, là không có khả năng truyền thông. Và tôi luôn thấy… Lấy ví dụ các linh mục cứng nhắc, họ sợ trao đổi, lấy ví dụ các chính trị gia nghiêm nhặt… Đó là một hình thức chính thống. Khi tôi gặp một người nghiêm nhặt, nhất là khi họ trẻ, tôi nghĩ ngay, người này bệnh. Nguy hiểm là họ đi tìm an toàn. Về chuyện này, tôi kể cho ông nghe một giai thoại. Năm 1972, khi tôi là linh mục phụ trách nhà tập, tôi tháp tùng một hoặc hai năm các ứng viên muốn tìm hiểu Dòng Tên. Họ học ở đại học, ngày thứ bảy, chúa nhật họ đến với chúng tôi. Ở nhà tập, họ chơi thể thao, thảo luận với người hướng dẫn thiêng liêng, nhưng họ không có quan hệ trực tiếp với tôi, họ cũng không nhìn tôi, tôi không phải là người quan trọng. Họ qua các buổi phỏng vấn, họ làm các thử nghiệm khá gay như thử nghiệm Rorschach với một nhóm, trong đó có một bác sĩ tâm thần, ông là người công giáo, sốt sắng, ông cũng đã học ở đó, tôi tháp tùng các thanh niên trẻ này làm thử nghiệm. Tôi còn nhớ một anh trong số họ, anh hơi cứng nhắc, nhưng anh có khả năng trí tuệ rất cao, tôi thấy anh rất giỏi. Cũng có những người khác ít xuất sắc hơn, tôi tự hỏi không biết họ có đậu không. Tôi nghĩ họ sẽ bị từ chối vì họ có những khó khăn, nhưng cuối cùng họ lại được nhận vị họ có khả năng lớn lên, khả năng thành công. Còn thử nghiệm của sinh viên đầu tiên, ban giám khảo trả lời không ngay lập tức. “Nhưng tại sao, anh ấy rất thông minh, nhiều đức tính. – Anh có một vấn đề, người ta giải thích cho tôi, anh hơi trịnh trọng, hơi giả tạo về một vài chuyện, hơi cứng nhắc. – Và vì sao anh như vậy? Vì anh không tự tin”.
Người ta thấy những người này có một cái gì vô thức, họ “bệnh về mặt tâm lý”. Họ không biết chuyện này, họ cảm nhận. Vì thế họ đi tìm những cấu trúc mạnh giúp họ chống đỡ với cuộc đời. Họ vào quân đội, vào cảnh sát, vào Giáo hội. Họ làm tốt công việc của mình, nhưng một khi trong vô thức, họ cảm thấy an toàn thì khi đó bệnh phát ra. Và lúc đó các vấn đề phát sinh. Và tôi hỏi “Nhưng thưa bác sĩ, làm sao giải thích chuyện này? Tôi không hiểu rõ”. Và bà trả lời cho tôi: “Cha không bao giờ tự hỏi vì sao có những cảnh sát đi tra tấn? Các thanh niên trẻ này khi họ đến, họ là những con người dũng cảm, người tốt nhưng họ bệnh. Và khi họ thấy họ tự tin ở chính mình, thì khi đó bệnh của họ phát ra”.
Tôi, tôi sợ những người cứng nhắc. Tôi thích một người trẻ mất trật tự, với những vấn đề bình thường, họ bực tức… vì tất cả những mâu thuẫn này giúp họ lớn lên. Chúng ta đã nói về các khác biệt giữa người Argentina và người Pháp… Người Argentina rất gắn bó với khoa phân tâm, đúng vậy. Ở Buenos Aires có một khu phố rất lịch sự, khu phố có tên là Làng Freud. Đó là khu phố của tất cả các nhà phân tâm học.
Dominique Wolton: Nhưng như thế là cả một tai ương. Không nên bao giờ đặt nhiều nhà phân tâm ở chung với nhau, vì sau đó, họ trở nên kiêu căng. Dù sao khoa phân tâm là một trong các cách mạng trí tuệ và văn hóa lớn nhất của thế kỷ 20!
Đức Phanxicô: Nhưng không phải tất cả họ đều giống nhau. Có một vài người như vậy. Nhưng tôi biết họ rất nhân bản, rất cởi mở với nhân văn và đối thoại với các người ở các ngành khác, với y khoa…
Dominique Wolton: Đúng, dĩ nhiên! Khi họ là bác sĩ, họ thường là những người giỏi nhất vì họ biết nghệ thuật săn sóc là như thế nào. Tôi biết điều này từ rất lâu, qua môi trường thân cận nhất của tôi. Nhưng khi đó là những người trí thức, thì ngược lại…
Đức Phanxicô: Nhưng khi họ trao đổi với khoa học… tôi biết một bà, bà rất có năng khiếu, một phụ nữ có nhân cách, trên dưới năm mươi. Bà làm việc ở Buenos Aires, một năm ba đi dạy ở nước ngoài ba lần, một tuần ở Tây Ban Nha, một tuần ở Đức. Rất hay, vì bà tìm được một cách để làm phong phú thêm cho nghệ thuật phân tâm với trị liệu vi lượng đồng cân và nhiều khoa ngành khác.
Nhưng với những người mà tôi biết, họ đã giúp tôi rất nhiều, trong một giai đoạn của cuộc sống khi tôi cần tham vấn. Tôi có tham vấn với một bà phân tâm người do thái. Trong vòng sáu tháng, tôi đến văn phòng bà mỗi tuần một lần để làm sáng tỏ một vài chuyện. Bà rất giỏi, rất chuyên nghiệp như một bác sĩ và nhà phân tâm, nhưng bà luôn giữ quan điểm của bà. Một ngày nọ, khi bà sắp chết, bà gọi tôi. Không phải để nhận các bí tích vì bà là người do thái nhưng để có một cuộc nói chuyện thiêng liêng. Một người rất tốt. Trong vòng sáu tháng, bà đã giúp đỡ tôi rất nhiều, lúc đó tôi 42 tuổi.
Dominique Wolton: Chúng ta tất cả đều cần một đối thoại kiểu này, với một bác sĩ tâm thần hay với một nhà phân tâm, để có một khoảng cách khi mình đau khổ. Nếu nghề này được thực hành tốt thì cũng giống như làm linh mục. Sự so sánh với linh mục là có đó, mặt khác một bác sĩ tâm thần giỏi thường là người ôm vào mình nỗi đau của người khác. Bác sĩ tâm thần chữa lành người khác, họ đau với cái đau của người khác, chính xác giống những gì linh mục làm. Gần gũi về mặt tâm hệ…
Đức Phanxicô: Tháp tùng là một tiến trình khó khăn.
Dominique Wolton: Cha có nhớ Argentina không?
Đức Phanxicô: Không, không. Đó là chuyện lạ kỳ. Tôi đến đây với chiếc va-li nhỏ, với vé máy bay khứ hồi, bởi vì theo tôi, tôi không có một cơ may nào, và tôi cũng chẳng nghĩ đến, có ba hoặc bốn tên “nổi bật”… theo những người đánh cược (bookmaker) ở Luân Đôn thì tôi đứng hạng 42 hay 46. Họ nói chẳng qua tôi chỉ là người đệm, người làm tăng hoặc làm giảm cho người chính (kingmaker), người “làm phiếu cho người khác”.
Dominique Wolton: A, cha nói tiếng anh? (Ah, you speak English?)
Đức Phanxicô: Chút chút… Những người đánh cược nói ông Bergoglio này mang một cái nhìn khác của Châu Mỹ La Tinh đến, để chọn một giáo hoàng tương lai, để nói “người này thì tốt hơn người kia…” Khi sự việc thay đổi giờ này qua giờ khác, tôi cảm thấy trong lòng rất bình an. Bình an này tôi vẫn giữ được cho đến giờ này. Bình an này, tôi nghĩ là ơn của Chúa. Tôi nghĩ chính vì vậy mà tôi không nhớ Argentina.
Dominique Wolton: Vì sao khi nào cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho cha?
Đức Phanxicô: Vì tôi cần… Tôi cần lời cầu nguyện. Vì tôi cảm thấy mình được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của giáo dân. Thật sự như vậy.
Marta An Nguyễn dịch
Trích sách “Chính trị và Xã hội“, Dominique Wolton và Đức Phanxicô, Nxb. L’Observatoira, 2017. Chương 8
Xin đọc: “Không dễ, không dễ…”
Sự khác biệt, niềm vui và thời gian
“Lòng thương xót là chuyến đi từ quả tim đến bàn tay”