“Không dễ, không dễ…”

228

“Không dễ, không dễ…”

 Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả quyển sách “Chính trị và Xã hội”, một quyển sách trao đổi giữa nhà xã hội học Dominique Wolton và Đức Phanxicô về nhiều chủ đề như văn hóa, chính trị, xã hội, truyền thống, truyền thông, Âu châu… Một cuộc trao đổi thật súc tích. Xin quý vị khám phá ở đây tâm tình của hai người bạn lớn tuổi, hai người tuy mới gặp nhưng như cố tri và nhất là không thiếu phần lãng mạn, tâm tình của nhà xã hội học khi đi ở mãnh đất với chiều dày lịch sử mấy ngàn năm, trong thinh lặng sáng sớm sương mờ của Vatican, thấm từng ngày lịch sử đi qua, với con người chỉ gặp trong buổi gặp gỡ ngắn ngũi hai giờ mỗi lần trong mười hai lần gặp gỡ, nhưng biết mình đang đứng trước một nhân vật vĩ đại của lịch sử, lòng không khỏi bồi hồi. 

Xin trân trọng giới thiệu, 

Marta An Nguyễn  

Dẫn nhập  

“Không dễ, không dễ…” 

Trích sách “Chính trị và Xã hội“, Dominique Wolton và Đức Phanxicô, Nxb. L’Observatoira, 2017

Dự án

Có những định mệnh riêng bắt gặp với Lịch sử. Đó là trường hợp của Đức Phanxicô, người đến từ Châu Mỹ La Tinh mang một căn tính khác đến cho Giáo hội công giáo. Nhân cách, đường đi, các hành động của ngài chất vấn cho một thời kỳ bị kinh tế thống trị, nhưng cũng là một thời kỳ đi tìm ý nghĩa, sự xác thực và thường là sự đi tìm các giá trị thiêng liêng. Chính trong sự gặp gỡ này, gặp gỡ giữa một người và một lịch sử là trọng tâm các trao đổi của chúng tôi, giữa một người của Giáo hội và một nhà trí thức Pháp, thế tục, chuyên gia về truyền thông, làm việc từ nhiều năm nay về toàn cầu hóa, về văn hóa đa dạng và về tính khác biệt.

Tại sao có một cuộc đối thoại? Vì nó cho phép mở ra với người khác, một lập luận và với sự có mặt của người đọc. Đối thoại mang đến cho nó ý nghĩa của truyền thông giữa con người, vượt lên hiệu năng và các giới hạn của kỹ thuật.

Góc chọn cho quyển sách này dựa trên một trong các vấn đề hiện nay của Giáo hội: đâu là bản chất của Giáo hội trong sự dấn thân xã hội và chính trị của mình? Đâu là sự khác biệt của một tác nhân chính trị? Mỗi khi câu hỏi được đặt ra đều thấy câu trả lời qua Tin Mừng, qua các bài của Tổ phụ Giáo hội, qua các thông điệp, tất cả đều nhấn mạnh đến một cam kết dấn thân cao độ, một hành động cho người nghèo, cho những người bị trị, cho những người ở ngoài lề… Các nhân vật này đã đứng lên trong bao nhiêu thế kỷ để chống lại các bất công, các bất bình đẳng, họ thường có một mối dây liên hệ trực tiếp giữa thông điệp chính trị và thông điệp thiêng liêng. Tranh luận, và các mâu thuẫn, về thần học giải phóng là một trong các vấn đề lớn gần đây. Làm thế nào để suy nghĩ và phân biệt chiều kích thiêng liêng của hoạt động chính trị của Giáo hội? Đến đâu thì Giáo hội có thể đi tới và không đi tới? Ý tưởng là làm sao làm thuận lợi cho một suy tư về những gì kết hợp và những gì phân chia tâm linh và hoạt động chính trị. Suy tư tự đặt cho mình, nhất là ở thời buổi chúng ta, thời buổi chúng ta thấy có sự trở về trong việc đi tìm một đời sống tâm linh, khi mà cùng một lúc, với sự toàn cầu hóa về thông tin, các bất bình đẳng càng thấy rõ hơn, kéo theo đó là một sự khẩn cấp phải dấn thân, nhưng đôi khi chúng ta lại đơn giản hóa các lập luận và thường chỉ muốn giảm thiểu vào khía cạnh chính trị. Nhân danh “hiện đại”, làm sao tránh cho sự dấn thân cao độ của Giáo hội xuống chỉ còn là một tác nhân chính trị thế giới, anh em họ hàng của tổ chức Liên Hiệp Quốc? Các tu sĩ Dòng Tên qua lịch sử của họ và qua lịch sử của Châu Mỹ La Tinh là những ví dụ nổi bật của cuộc tranh luận này, của sự cần thiết và của khó khăn để giữ một tách biệt giữa hai lôgic này.

Gặp gỡ

Người ta không làm chủ được cuộc gặp gỡ, nó tự áp đặt. Ở đây là tự do, tin tưởng, đầy hài hước, không hình thức. Một mối thiện cảm hỗ tương. Giáo hoàng lắng nghe, tập trung, khiêm tốn, ở trong lòng Lịch sử, không ảo tưởng về con người. Nơi ngài, tôi thấy ngài ở ngoài mọi khuôn khổ của thể chế, nhưng điều này không nói lên hết được mọi khả năng lắng nghe, mọi tự do và tinh thần sẵn sàng của ngài. Rất, rất hiếm khi ngài có lời nói mơ hồ.

Đôi khi tôi cảm thấy chóng mặt khi nghĩ đến trách nhiệm đè nặng trên vai ngài. Làm sao ngài có thể chọn lựa, suy nghĩ giữa bao nhiêu nghịch cảnh, bao nhiêu yêu cầu mà phải lắng nghe, hành động không những cho Giáo hội mà cho vô số các việc khác của thế giới? Làm sao ngài làm được? Đúng, ngài làm được, có thể, và thật sự, ngài là giáo hoàng đầu tiên của thời toàn cầu hóa, giữa Châu Mỹ La Tinh và Âu châu. Vừa nhân bản, vừa khiêm tốn và cùng một lúc rất dứt khoát, hai chân đặt trong lịch sử. Vai trò của ngài không dính gì đến các nhà lãnh đạo chính trị lớn của thế giới, nhưng dù vậy, ngài thường xuyên phải đương đầu với nó.

Có lẽ câu ‘dữ dội’ nhất mà ngài nói một cách tự nhiên trong các lần trao đổi là câu: “Không có gì làm tôi hãi sợ.” Cũng vậy, có một câu khác ngài nói một cách nhẹ nhàng giữa cánh cửa hé một buổi chiều khi tiễn tôi ra cửa, tôi sẽ không bao giờ quên câu này, vì nó vừa tượng trưng cho tính nhân bản của ngài, vừa tượng trưng cho triều giáo hoàng của ngài: “Không dễ, không dễ…” Còn nói gì thêm với một tấm lòng khiêm tốn, đơn độc, sáng suốt và thông minh như vậy?

Khó khăn của cuộc trao đổi là tìm mức độ khả thể cho cuộc đối thoại này, cùng một lúc có quá nhiều khác biệt giữa chúng tôi, và cùng một lúc cả hai đều quyết tâm tìm hiểu, “bẻ gãy các bức tường” và chấp nhận các ‘không thể thổ lộ’ được. “Không dễ” để làm cho một người đã diễn tả rất nhiều và rất tốt, lại diễn tả một cách đơn giản đến tột cùng, một người đã đọc không biết bao nhiêu bài diễn văn tôn giáo, đã trả lời mọi sự và gần như đã nói lên tất cả, “không dễ” để làm cho người này nói… Tránh lặp lại những gì đã được biết trong các lời nói của ngài, tách từ vựng tôn giáo ra khỏi từ vựng chung. Tìm sự thật, chấp nhận sự không thổ lộ, điều không tránh được khi nó xảy đến. Chúng tôi ở tầm mức lịch sử, chính trị, con người hơn là ở tầm mức thiêng liêng.

Mặt khác, cuộc đối thoại giữa tu sĩ và người thế tục có thể tiếp tục vô tận, nó vừa phong phú ở các điểm hội tụ, cũng như ở các điểm khác biệt. Tôi không nhấn mạnh cũng không phê phán, tôi thuần túy chỉ là nhà khoa học, người thiện tâm muốn đối thoại với một trong các nhân vật trí thức và tu sĩ phi thường nhất thế giới. Sự tự do này, mà tôi luôn cảm thấy trong suốt các buổi trao đổi, cũng là sự tự do sâu đậm của ngài. Nó không theo quy ước cũng không theo hình thức. Vả lại, chỉ cần thấy những gì ngài đã sống, đã nói, đã phản ứng ở Argentina và ở Châu Mỹ La Tinh là đủ rõ. Khác biệt tận căn với Âu châu.

Theo kinh nghiệm, tôi dùng cùng một phương pháp, nhưng không hề hay biết, với phương pháp khi tôi đối thoại với triết gia Raymond Aron (1981), với hồng y Jean-Marie Lustiger (1987) và với Chủ tịch Cộng đồng Âu châu Jacques Delors (1994). Triết lý, tôn giáo, chính trị. Ba chiều kích cùng có mặt ở đây. Chắc chắn, vị trí thể hiện rõ nhất tư thế của người đi tìm, một phát ngôn viên cho công dân toàn cầu này, vô hình, nhưng cần thiết cho một suy tư về lịch sử và về thế giới. Nói chuyện, đối thoại để giảm các khoảng cách không vượt qua được và giúp hiểu nhau thêm một chút. Nghịch lý thay, chính trên một triết lý chung của truyền thông mà chúng tôi lại thường gặp nhau ở đó. Đặt ưu tiên con người trên kỹ thuật. Chấp nhận chuyện không nói ra, làm thuận lợi cho đối thoại, bớt kỹ thuật hóa truyền thông để tìm lại các giá trị nhân bản. Chấp nhận rằng, truyền thông ít nhất cũng là phương tiện để thương thuyết, một sự sống chung, cũng như chia sẻ. Truyền thông cũng là một sinh hoạt chính trị của ngoại giao. 

Các chủ đề lớn

Các buổi nói chuyện của chúng tôi gồm mười hai buổi gặp gỡ trải dài từ tháng 2 năm 2016 đến tháng 2 năm 2017. Đúng là không phù với thói quen của Vatican. Thêm nữa chẳng có gì quyết định trước. Thường thường các chủ đề đi ra ngoài khuôn khổ chặt chẽ của quyển sách và không phải mọi thứ đều có trong văn bản trực tiếp, điều này phần lớn giải thích tông giọng, bầu khí và tự do của các cuộc trao đổi của chúng tôi. Lẽ tất nhiên Đức Giáo hoàng đọc bản thảo và chúng tôi dễ dàng đồng ý với nhau.

Các chủ đề đề cập đến là các vấn đề chính trị, văn hóa, tôn giáo đang xảy ra trên thế giới và sự hung bạo của nó: hòa bình và chiến tranh; Giáo hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và đứng trước nét đa dạng văn hóa; các tôn giáo và chính trị; chủ nghĩa chính thống và thế tục; Âu châu là vùng đất của sự sống chung về mặt văn hóa; các tương quan giữa truyền thống và hiện đại; đối thoại liên tôn giáo; tình trạng của cá nhân, gia đình, các phong tục tập quán và xã hội; các quan điểm phổ quát; vai trò của tín hữu kitô trong thế giới thế tục được đánh dấu bằng sự quay trở lại với các tôn giáo; sự không nói ra và điểm đặc biệt của ngôn từ tôn giáo.

Các chủ đề này gom lại trong tám chương. Ở mỗi chương tôi bổ túc thêm các trích đoạn của mười sáu bài diễn văn lớn của Đức Phanxicô, kể từ ngày ngài được bầu chọn, 13 tháng 3 – 2013. Các bài diễn văn này đã được ngài đọc trên toàn thế giới minh họa cho phần đối thoại của chúng tôi. Chúng được gom lại từng hai bài trong mỗi chương.

Mặt khác, ở đây chúng tôi không đưa vào các mâu thuẫn chính trị và thể chế hiện đã có trong Giáo hội. Vì đã có những người khác có nhiều khả năng hơn tôi về vấn đề này, và thông tin thì đã có nhiều, ngoài ra tôi cũng không quan tâm đến các vấn đề này, tôi chỉ muốn biết chỗ đứng của Giáo hội trong thế giới và trong chính trị, khởi đi từ kinh nghiệm và phân tích của giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và giáo hoàng không phải là người Âu châu đầu tiên của Giáo hội công giáo.

Một giả thuyết về ngài? Về mặt xã hội, ngài hơi có nét Phan Sinh; về mặt trí tuệ, ngài hơi có nét Đa Minh, về mặt chính trị, ngài hơi có nét Dòng Tên… Và dù sao thì ngài rất nhân bản. Có thể sẽ phải cần thêm nhiều chuyện khác để hiểu tính cách của ngài…

Những chuyện nho nhỏ không nói ra…

Nơi Đức Thánh Cha, mọi thứ đều xuất phát từ tôn giáo và đức tin, kể cả khi đề cập đến các vấn đề liên quan trực tiếp đến chính trị. Lòng thương xót đóng vai trò thiết yếu, cũng như chiều sâu của một lịch sử và một cánh chung học mà nguồn gốc có từ hơn bốn ngàn năm nay. Các tài liệu tham khảo của tôi có tính nhân chủng học hơn, dù đương nhiên không thể loại các chiều kích thiêng liêng ra khỏi hành động của con người. Cái nhìn về thế giới thường giống nhau, nhưng không giống trong phối cảnh. Tính hợp lý và lôgic không phải lúc nào cũng khớp với nhau. Sự thông cảm tuyệt vời là cố gắng để hiểu và chấp nhận các khác biệt. Với ví dụ là sự bí ẩn của thế giới đương đại, hữu hình, tương tác, nơi mà sự tiến bộ và tốc độ thông tin chưa bao giờ tạo nên nhiều hiểu lầm như thế, và cả những chuyện không nói ra. Một thách thức: suy nghĩ về tính khác biệt trong thế giới mở này, tránh độc quyền của một diễn đàn duy nhất, tôn giáo hay chính trị, để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

“Đón nhận, tháp tùng, phân định, hội nhập”. Đó là bốn khái niệm chủ yếu của Tông huấn Amoris laetitia (Tông huấn Niềm vui Yêu thương, tháng 3 – 2016) đã có một tác động chung. Nhất là khi nghĩ lại các vấn đề thiết yếu của thế giới ngày hôm nay như công ăn việc làm, giáo dục, các quan hệ khoa học-kỹ thuật-xã hội, toàn cầu hóa, nét văn hóa khác biệt và đa dạng, truyền thông và dư luận, truyền thông chính trị, đô thị. Bao nhiêu là chủ đề, trong đó công việc của Giáo hội, thậm chí kể cả các thông điệp có thể giúp đào sâu thêm các suy tư khác.

Không phải dễ để thực hiện các buổi phỏng vấn này. Đức Giáo hoàng không phải lúc nào cũng trả lời các câu hỏi đặt ra cho ngài, dù sao không trong nghĩa mà chúng ta đã quen thuộc với lý tính hiện đại. Chúng ta nhanh chóng đi trở lại với các tài liệu tham khảo có từ nhiều thế kỷ, hoặc với ẩn dụ, hoặc với Phúc Âm… “Quyền bản gốc tác phẩm” (droit de suite) cổ điển không phải lúc nào cũng có. Chúng ta đang ở trong các khoảng không gian biểu tượng khác nhau. Ngắn gọn, tôi gọi đó là những chuyện “nho nhỏ không nói ra”, nhưng nó lại làm cho cuộc gặp gỡ này thêm thích thú. Thêm nữa lại có đối tác thứ ba, đó là người đọc mà không ai biết họ sẽ cảm nhận những chuyện này như thế nào. Ngắn gọn, một đối thoại không có “lý tính cổ điển” như trong các trao đổi trí thức và chính trị bình thường. Nhưng như vậy lại tốt hơn vì nó tạo ra nhiều ngạc nhiên. Đúng là chúng tôi ở trong một nhân sinh quan của một truyền thông tôn trọng sự khác biệt.

Quan tâm của Giáo hội thật sự không bao giờ hiện đại. Nó không bao giờ ở trong thì hiện tại, dù nó dấn thân vào thế giới này, trong rất nhiều chiến trận. Và rõ ràng thái độ này làm cho thế giới phải quan tâm đến tầm nhìn này, dù nó có làm khó chịu hay bắt phải suy nghĩ. Không lo lắng đến hiện đại, đó là vâng lời các giá trị và thang bậc của thời không trùng với thời chúng ta, thời chúng ta bị thống trị bởi tốc độ, bởi cấp kỳ, bởi toàn cầu hóa. Trong quá khứ, thường có sự chòng chéo giữa chính trị và tôn giáo, thiêng liêng và thế tục; các kết quả thường không rõ ràng… Ngày nay, thiêng liêng không còn bao phủ thế tục, ít nhất là trong kitô giáo, và sự cách biệt với hiện đại dưới mọi hình thức của nó trên thực tế lại là một chuyện tốt, với sự khó khăn liên tục để biết làm cách nào để duy trì cả hai. Hiện đại, trong vòng bốn thế kỷ, đã thắng truyền thống và trở thành một ý thức hệ. Nâng lại giá trị của truyền thống chắc chắn đó là một phương tiện để cứu khỏi sự thống trị của hiện đại. Giáo hội công giáo, và thực sự là với tất cả các nguồn khác – tôn giáo, nghệ thuật, khoa học – đều có thể giúp vào chuyện này. Dù sao, tất cả chiều kích này buộc phải đối thoại, khoan dung và hiểu biết lẫn nhau. Hiện đại đã chống với một truyền thống thống trị từ nhiều thế kỷ nay, bây giờ truyền thống, đến lượt nó, có thể sinh hoa kết trái bởi các lôgic khác hơn là của mình. Tất cả ngoại trừ đường đi một chiều, con đường luôn bị đe dọa, và sự vật thể hóa của thế giới, như trường phái Francfort đã tiên đoán trong những năm 1920.

Công việc của quyển sách này kéo dài hai năm rưỡi. Đã tạo ra cho tôi một vài biến đổi, một lòng tôn trọng sâu xa, một lòng khiêm tốn thật sự khi đứng trước người với vô số trách nhiệm của họ như vậy.

Đồng thời đây cũng là cuộc gặp gỡ của một tự do đích thực, giúp cho nhiều chuyện có thể nói lên. Những khoảng khắc được ngưng trong thời gian. Luôn có sự hiện diện của sự toàn cầu hóa va chạm mạnh vào trong tất cả mọi thang bậc, mọi giá trị, và phải suy nghĩ làm sao để tránh các cuộc chiến tranh mới. Với tầm quan trọng ngày càng lớn của truyền thông và không-truyền thông. Nói tóm lại, “thông tin không phải là truyền thông” và “truyền thông là thương thuyết để cùng sống chung tốt hơn”, các khái niệm thiết thân trong các nghiên cứu của tôi để cố gắng mang lại sự sống chung hòa bình của các tầm nhìn về thế giới khác nhau, đôi khi đối kháng nhau. Một tinh thần lạc quan nào đó có thể có khi chúng ta thấy một vài điểm gặp nhau giữa các bài diễn văn thế tục và tôn giáo trong các thách thức của toàn cầu hóa. Nói cách khác, tất cả phải làm để tránh hận thù người khác. Ngày nay, kitô giáo trong  mục đích hoàn vũ của mình, quan tâm đến việc duy trì đối thoại, với những chữ thiết yếu “tôn trọng”, “phẩm cách”, “nhận biết”, “tin tưởng” và đó cũng là trọng tâm của mô hình dân chủ…

Paris, tháng 7 – 2017

Marta An Nguyễn dịch

Trích sách “Chính trị và Xã hội“, Dominique Wolton và Đức Phanxicô, Nxb. L’Observatoira, 2017