“Allô? Bà khỏe không? Tôi xin bà: Hãy đứng vững”

177

“Allô? Bà khỏe không? Tôi xin bà: Hãy đứng vững”

Emma Bonino

Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité

Chúng ta là thế giới này, là những trẻ em

Người ta nói với các em, Đức Giáo hoàng sắp đến (Đức Phanxicô gặp 7000 học sinh  ở Vatican ngày 11 – 5 – 2015 nhân ngày “Kiến tạo hòa bình” ) 

Chúng ta là những người tạo một ngày sáng sủa hơn, vì thế chúng ta hãy bắt đầu cho đi.

Các bạn trẻ vừa nhón gót để thấy ngài cho rõ, vừa hát to hơn để mọi người đều nghe. 

Có một chọn lựa mà chúng ta đang chọn, đó là cứu chính cuộc đời mình.

Các bạn trẻ đang hát bài Chúng ta là thế giới (We are the world) của Michael Jackson và Lionel Richi viết vào đầu những năm 1980 để gây quỹ cho Phi châu.

Họ đang ở Hội trường Phaolô VI  ở Vatican. 

Đúng vậy, chúng ta sẽ tạo nên một ngày tốt đẹp hơn, chỉ có bạn và tôi thôi.

Đức Phanxicô đi vào và mọi người hò hét.

Chúng ta là thế giới này, là những trẻ em.

Ngài đi dọc hành lang, ngài chào, ngài ôm, ngài hôn, ngài cười.

Chúng ta là những người tạo một ngày sáng sủa hơn, vì thế chúng ta hãy bắt đầu cho đi.

Lời bài hát:

“Chúng ta là thế giới này, là những trẻ em. Chúng ta là những người chuẩn bị cho một ngày sáng sủa hơn, vì thế chúng ta hãy bắt đầu cho đi. Có một chọn lựa chúng ta đang chọn, đó là cứu chính cuộc đời mình. Đúng vậy, chúng ta sẽ tạo nên một ngày tốt đẹp hơn, chỉ có bạn và tôi thôi”.

Vào cuối hành làng, Đức Phanxicô ngừng lại. Một phụ nữ chào ngài. Bà đội khăn quấn trên đầu để kín đáo che bệnh. Ngài bắt tay bà mười mấy giây; bà cúi xuống rồi ngẩng đầu lên nhiều lần trong sự cung kính. Chỉ khi Đức Phanxicô đi xa, bà mới hoàn hồn, như thử bà vừa qua một cơn khó thở, ấy vậy mà bà là người chiến đấu gan dạ trên chính trường Ý và Âu châu. Tôi chưa bao giờ thấy Emma Bonino xúc động đến như vậy.

Căn bệnh

Chỉ mới cách đây bốn tháng, với lời tuyên bố trực tiếp như người ta từng quen thuộc với tính của bà, bà cho biết: “Tôi bị ung bướu ở phổi bên trái. Đây là loại ung bướu tại chỗ, chưa có triệu chứng gì nhưng tôi phải chữa hóa trị lâu dài và phức tạp và tôi đã bắt đầu, thời gian có thể kéo dài sáu tháng”. Và sau đó bà nói với những người cũng bị bệnh ung bướu như mình: “Chúng ta phải cố gắng là những con người sống tự do cho đến cùng; tôi, tôi không phải là căn bệnh ung bướu, và quý vị, quý vị cũng không phải là căn bệnh của quý vị. Chúng ta phải lên tiếng, chúng ta là những người phải đối diện với một thách thức áp đặt trên chúng ta”.

Và mười ngày trước ngày gặp các bạn trẻ khắp nơi về Vatican để gặp Đức Phanxicô, Đức Phanxicô đã cầm điện thoại lên để gọi bà. Bà quá ngạc nhiên, bà hứa ngay với ngài: “Trọng kính Đức Thánh Cha, tôi được mời đến Vatican để dự ngày kiến tạo hòa bình, tôi cố gắng hết sức để đi, để có thể chào cha dù chào từ đàng xa”.

Chính bà tiết lộ trong một buổi nói chuyện trực tiếp trên đài Radio Radicale về cuộc điện thoại này. Bà tuyên bố: “Tôi đã xin ngài cho phép tôi tiết lộ cuộc gọi này, chắc chắn tôi sẽ dè dặt nhưng không phải là bí mật. Và ngài đã cho phép tôi”. Bà bắt đầu kể câu chuyện của mình, phần câu chuyện đời tư là phần khó kể nhất, bà phải chiến đấu với chính mình, đây là một cố gắng vượt quá sức của bà. Ngược lại, các vấn đề xã hội thì bà đề cập dễ hơn. Bà không quen, bản chất bà không quen nói về mình. Như thế, dù ít, những lời bà nói có giá trị của một lời thú nhận công khai.

Cuộc gọi

“Tôi nhận cuộc gọi bất ngờ của Đức Phanxicô, cuộc gọi này đã làm cho tôi rất phấn khỏi. Ngài hỏi thăm sức khỏe của tôi, chúng tôi nói chuyện về sức khỏe một chút, ngài khuyến khích tôi đứng vững, điều mà tôi cố hết sức để làm. Sau đó chúng tôi nói chuyện về người di dân, về nạn nghèo khổ, và về vùng Địa Trung Hải và tôi nói với ngài, chúng tôi phải đưa các người trẻ đi thăm một trong các bảo tàng viện về người di dân ở Ý, vì chúng tôi có các viện bảo tàng này, và các bạn trẻ sẽ tìm thấy cùng các gương mặt, cùng các cặp mắt, cùng các hy vọng và ngay cả cùng các quyết tâm.

Rồi chúng tôi nói đến Phi châu và phụ nữ. Rồi tôi nói với ngài, đôi khi chúng ta đón nhận người di dân, sau đó chúng ta bỏ họ vào nhà tù và nhà tù đầy cả người. Một cuộc gọi tình cảm, giữa một “yêu cầu” ban đầu và một “yêu cầu” cuối cùng. Ngài lại khuyên tôi phải đứng vững. Tôi trả lời ngài: Trọng kính Đức Thánh Cha, cỏ xấu  không bao giờ chết, và mẹ con nói con không phải là cỏ xấu, chỉ là cỏ dai sức. Dĩ nhiên Đức Giáo hoàng không chỉ an ủi tôi mà còn khuyến khích tôi.

Chắc chắn giai đoạn này không phải là giai đoạn dễ dàng đối với tôi, nhưng cử chỉ của ngài là dấu hiệu của một lòng quan tâm phi thường mà tôi, tôi rất, rất, rất biết ơn”.

Vài tháng sau, báo Corriere della Sera đăng một cuộc nói chuyện với Đức Bergoglio, qua đó ngài cho biết bà Emma Bonino là “người am tường Phi châu nhất. Người đã phục vụ tốt nhất cho nước Ý vì biết nhiều về Phi châu. Người ta nói với tôi: đó là những người thực sự nghĩ một cách khác. Đúng vậy, và với lòng kiên nhẫn! Mình phải nhìn vào họ, vào những gì họ làm”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: 7000 trẻ em của “Nhà máy xây dựng hòa bình” sẽ gặp Đức giáo hoàng ngày thứ hai, 11 tháng 5-2015

Các cuộc gọi của Đức Phanxicô

“Allô? Cha xin các con khoan về hưu”

“Allô, Stefano? Và mình xưng hô anh em với nhau được không?”

 

Hình: ngày 11 tháng 5 – 2015, Đức Phanxicô gặp 7000 học sinh  ở Vatican nhân ngày “Kiến tạo hòa bình”