Emmanuel Gobilliard: “Linh mục phải xử lý tính dục của mình qua sự quân bình chung của cuộc sống”

1427

Emmanuel Gobilliard: “Linh mục phải xử lý tính dục của mình qua sự quân bình chung của cuộc sống”

croire.la-croix.com, Marguerite de Baudoüin, 2018-05-06

Đứng trước các vụ tai tiếng lặp đi lặp lại, Giáo hội bị bủa vây bởi vấn đề tình cảm và tình dục. Với quyển sách “Yêu, những gì bạn muốn làm hãy làm!” (nxb. Albin Michel), qua đó bà Thérèse Hargot, nhà tính dục học và Giám mục Emmanuel Gobilliard, giám mục phụ tá giáo phận Lyon đề cập một cách không cấm kỵ vấn đề tính dục của các tu sĩ độc thân thánh hiến.

Trong quyển sách của cha, cha phân biệt rõ giữa “tính dục” và “quan hệ tình dục”: có phải cha muốn nói đến tình dục của những người không có quan hệ tình dục?

Chắc chắn rồi! Các tâm lý gia và các nhà tính dục học đều đồng ý với nhau về điểm này: tính dục chạm đến toàn diện con người chúng ta: về mặt tâm lý, thể xác và cả tâm hồn. Tôi giao tiếp với người khác theo cách của một sinh vật có “giới tính”, nó xác định căn tính sâu xa của tôi. Còn chữ “tình dục”, đó là cách diễn tả chiều kích “giới tính” qua khả năng sinh dục. Nhưng giới tính có thể diễn tả một cách khác và có thể có quân bình mà không có quan hệ tình dục. 

Các linh mục chọn cuộc sống độc thân nhưng không phải là không có ước muốn yêu thương hay bị thu hút tình dục…

Đúng vậy, không phải vì tôi là linh mục mà tôi không bao giờ bị thu hút bởi một phụ nữ.

Như mọi người, tôi cũng có một cơ thể, một tính nhạy cảm, tôi muốn được yêu và tôi cảm nhận có các ước muốn tình dục. Và điều này là hoàn toàn bình thường. Có một sự khác biệt tốt đẹp và cơ bản giữa đàn ông và đàn bà ở đây và phải tiếp nhận một cách tích cực các cảm nhận này – dù đôi khi hơi lúng túng –  trước khi phản ứng theo ơn gọi của người khác, ơn gọi của tôi và những gì tôi muốn sống một cách sâu đậm. Và với các xung năng tình dục cũng như với các ước muốn khác: tôi phải suy nghĩ, tôi phải xử lý đời sống tình dục của tôi, sống với nó qua sự quân bình chung của cuộc sống.

Nói như thế thì đời sống độc thân có vẻ dễ sống! Có thể nào mình sống một đời mà không có quan hệ tình dục không?

Độc thân là một cuộc chiến đấu và phải thấy đây là dấu hiệu của sự trưởng thành. Quan hệ tình dục hoàn thiện ước muốn được yêu thương của chúng ta, như thế đời sống của một linh mục là một sự nghèo nàn, một vết thương. Khi một linh mục cho tôi biết, họ sống sự thiếu thốn này một cách tuyệt đối tích cực, thì tôi nghi họ bị mất thăng bằng gì đây. Vấn đề là nếu tôi từ chối nó, tôi có biến vết thương này thành phẫn nộ không, hay tôi làm như Thánh Phêrô trong Phúc Âm, tôi nhận biết vết thương của mình, và tìm cho nó một phúc lộc sinh sôi nảy nở phi thường.

Làm thế nào một linh mục phản ứng đúng trước xung năng hay trước sự cuốn hút của tình dục?

Vấn đề đặt ra cho các linh mục cũng như đặt ra cho các đôi cặp. Không phải vì tôi lập gia đình mà tôi không bị người khác cuốn hút, mà tôi phải thỏa mãn mọi xung năng tình dục của người kia, mà tôi không có những giai đoạn tiết dục của mình… Như nhà tính dục học Thérèse Hargot nhấn mạnh, trước hết là phải biết xung năng tình dục không có nguồn gốc từ tình dục. Nó đến từ nhu cầu yêu và được yêu, từ một tổn thương sâu đậm. Về mặt tâm lý, trước hết tôi phải hiểu tính dục của tôi với các xung năng của nó, để tôi không bị nó ràng buộc. Tôi có thể tìm một cách khác để hiểu mình, để yêu và được yêu.

Xin đọc: Tính dục: Lần đầu tiên một giám mục nói về vấn đề tính dục không cấm kỵ 

Đôi khi phải cần cắt liên lạc với người khác để tự bảo vệ mình không?

Tuyệt đối không! Ý nghĩa sâu đậm của tính dục là ở trong quan hệ với người khác: bị lôi cuốn bởi người khác vì sự khác biệt của họ, vì họ bổ túc cho tôi, vì họ thương tôi, vì họ đón nhận tình yêu của tôi. Đàng sau việc thu mình lại là vấn đề thủ dâm: đó là cách tốt nhất để thỏa mãn ngắn hạn cho xung năng tình dục, nhưng về trung hạn và dài hạn thì nó lại làm cho mình vào trong vòng xoáy của lệ thuộc và buồn bã. Như thử mục đích của tính dục bị lật ngược hoặc mình xem đó như một hoạt động của cơ thể. Phải đi ra khỏi cái kén này, một loại thu vào chính mình… như thế chỉ tạo thêm khó khăn và khốn khổ.

Có các nhóm sinh hoạt dành cho các linh mục ở trong hoàn cảnh bế tắc không?

Khi tình trạng trở nên khó gánh vác, thì trước tiên là phải nói ra. Có những nhóm chuyên biệt trong các vấn đề này, nhưng theo tôi, nhóm tốt nhất là nhóm được thành lập trước khi có vấn đề. Linh mục nào muốn từ bỏ sứ vụ vì đã vướng vào lưới tình thì họ sẽ đi tìm lời khuyên ở những người sẽ khuyến khích họ đi trên con đường này. Ngược lại, nếu họ ở trong nhóm Đức Bà, là nhóm đủ vững mạnh để giải quyết vấn đề hoặc nhóm đời sống giữa các linh mục, và nếu họ nói với người hướng dẫn thiêng liêng của mình trước… thì họ có thể đối diện được với vấn đề.

Xin đọc: Giáo hội và giới tính, trao đổi giữa một giám mục và một nhà giới tính học 

Những lời khuyên nào nên khuyên họ?

Khi họ bị nguội lạnh thì phải tìm lại quan hệ yêu thương nền tảng với Chúa Kitô, với Giáo hội, phải làm sao đưa sứ vụ của mình về lại trọng tâm, thậm chí thay đổi cách làm để tìm lại một chút niềm vui trong sứ vụ của mình.

Nhưng sứ vụ, lòng quảng đại và thậm chí cả đời sống thiêng liêng cũng không đủ sao?

Đó là các yếu tố tạo thăng bằng, nhưng không phải là không có các chiều kích khác. Một linh mục phải có trong thời khóa biểu của mình các sinh hoạt giải trí, giao tiếp với người khác: sinh hoạt thể thao, đi dạo, đi bộ, uống cốc bia với bạn bè… Riêng phần tôi, tôi là giám đốc một ban kịch nghệ. Quan trọng là đến những nơi mà mình được xem là người bình thường vì mình phải được người khác xem là một người như mọi người. Khi người khác xem chức thánh của mình có một quyền năng ngoại khổ thì mình có nguy cơ tưởng đó là thật.

Làm thế nào có thể thấy sự mất quân bình trong đời sống độc thân?

Các khó khăn của tình trạng độc thân trong đời sống thánh hiến có thể thúc đẩy một vài linh mục tìm cách bù trừ cho đời sống tình dục của mình: tiêu thụ sản phẩm khiêu dâm, thủ dâm… nhưng họ cũng có thể phát triển tác phong của những người độc thân lâu năm: lo lắng thái quá cho lối sống của mình (về giấc ngủ, thức ăn, uống rượu) và thu mình trong các sinh hoạt giải trí hơi cá nhân như xem truyền hình. Thành công trong mục vụ cũng là hình thức bù trừ, các trang mạng xã hội, thói tự mê hay thủ dâm. Có một vài người lại chú mục vào một chuyên ngành của sứ vụ của mình, như phụng tự, biến nó thành một ám ảnh.

Xin đọc: Linh mục tu sĩ MichaelDavide Semeraro: “Phải để các linh mục nói về đời sống tình cảm của mình”

Làm thế nào Giáo hội ngày nay chuẩn bị cho các chủng sinh sống đời sống độc thân?

Vấn đề đời sống tình cảm và tình dục dần dần được đưa vào các chủng viện. Một chương trình đào tạo mới không phải chỉ chú trọng về khía cạnh trí tuệ, nhưng là phát triển toàn diện con người sẽ được tiến hành trong hai hoặc ba năm nữa. Tuy nhiên các bề trên chủng viện đã không chờ sự đào tạo này để mời các chuyên gia đến nói chuyện. Cá nhân tôi, khi tôi gặp các chủng sinh và một cách chung chung với các bạn trẻ, tôi đề cập rõ ràng đến khái niệm xung năng tình dục. Tôi đặt các chữ trên một thực tế để họ có thể dâng tặng đời sống mình một cách tốt hơn và chọn lựa một cách tự do hơn.

Cuối cùng là trường hợp của linh mục hồi tục Gréa đã làm giao động Giáo hội. Khi từ bỏ sứ vụ để về lập gia đình, linh mục đã nêu lên “đời sống tình cảm và tình dục khốn khổ của một số lớn linh mục”. Chúng ta trả lời vấn đề này như thế nào? 

Tôi biết có nhiều linh mục gặp các khó khăn này, nhưng tôi cũng biết có nhiều linh mục khác sống rất tốt đời sống độc thân của mình. Đa số là sống tích cực. Chúng ta cẩn thận đừng khái quát hóa. Ở Pháp có 47 % các cặp ly dị và chỉ có từ 3 đến 4 % linh mục rời sứ vụ. Đa số họ không dứt sứ vụ để đi lập gia đình hay có đời sống tình dục che giấu!

Xin đọc: Muốn lập gia đình, linh mục David Gréa viết cho giáo dân của mình

Như thế hôn nhân cho các linh mục không phải là câu trả lời cho việc khủng hoảng ơn gọi?

Phải biết là cơn khủng hoảng ơn gọi lớn nhất là ở các tín hữu kitô có thể lập gia đình: ở Giáo hội công giáo Đông phương, ở Giáo hội tin lành…

Khi tôi còn ở Puy-en-Velay, trong vòng hai năm họ không có mục sư trong khi cộng đoàn địa phương rất cần. Ngày nay Giáo hội công giáo La Mã là Giáo hội có nhiều ơn gọi nhất. Ước muốn trọn vẹn dâng hiến trong đời sống độc thân đã đặc biệt tác động mạnh trên các người trẻ.

Marta An Nguyễn dịch