Ba câu hỏi về mối dây liên hệ giữa Nữ hoàng Anh và Anh giáo

1732

Ba câu hỏi về mối dây liên hệ giữa Nữ hoàng Anh và Anh giáo 

Nữ hoàng Elisabeth đến tu viện Wrstminster cùng với Tổng Giám mục Cantorbery để khai mạc Thượng hội đồng khoáng đại Giáo hội Anh giáo năm 1995. . / Big Pictures/MaxPPP

la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2018-05-18

Vài tuần trước hôn lễ (ngày 19-5) với hoàng tử Harry, cháu của nữ hoàng Anh, nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle đã kín đáo rửa tội theo nghi thức Anh giáo để tuần phục theo Giáo hội Anh giáo. Một Giáo hội mà nữ hoàng luôn giữ vai trò tượng trưng.

  1. Đâu là chỗ đứng của nữ hoàng Anh trong Giáo hội Anh giáo?

Như tất cả các vị vua nước Anh từ thời Cải cách, nữ hoàng Elizabeth II là người “bảo vệ đức tin và nhà lãnh đạo tối cao của Anh giáo”. Chức vụ này được Đức Giáo hoàng Lêô X trao tặng cho vua Henry VIII, người cực lực bảo vệ công giáo chống các quan điểm của  Luther. Nhưng không vì vậy mà nhà vua không ly khai khỏi Rôma vì  Rôma từ chối tiêu hôn cho nhà vua với nữ hoàng Catherine d’Aragon: năm 1534 Quốc hội Anh trao cho nhà vua chức tước “lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh giáo” mà con gái nhà vua, công chúa Mary Ire vẫn giữ đạo công giáo, cô không theo Anh giáo. Năm 1558, nữ hoàng Elizabeth I nắm giữ chức vụ “lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh giáo” và từ đó chức vụ tối cao này luôn truyền lại cho các người thừa kế ngai vua nước Anh.

Từ đó, trong ngày lên ngôi, các vị vua hoặc nữ hoàng Anh long trọng tuyên bố “duy trì và gìn giữ một cách bất di bất dịch Giáo hội Anh giáo, tín điều, thờ phụng, kỷ luật và quản trị theo như luật nước Anh ấn định”. Vì thế năm 1953, nữ hoàng Elizabeth II thiết lập quyền uy của mình trên Giáo hội Anh giáo, là giáo phái duy nhất thuộc Liên hiệp Anh mà người đứng đầu là Tổng Giám mục Cantorbéry, người được nữ hoàng tấn phong.

Là nữ hoàng của nước Écosse, vua hoặc nữ hoàng nước Anh có nhiệm vụ “duy trì Giáo hội Écosse”. Nhưng Giáo hội này chỉ chấp nhận Chúa Kitô là “vua và là người đứng đầu” nên nữ hoàng không thể là “lãnh đạo tối cao”: vì thế khi nữ hoàng đến Balmoral, bà chỉ tham dự các buổi lễ như các “thành viên bình thường” của Giáo hội Écosse.

  1. Làm thế nào để giải thích vai trò này?

Một cách chính thức, nữ hoàng đề cử các tổng giám mục, giám mục, các vị quản nhiệm các nhà thờ chính tòa của Giáo hội nước Anh. Các linh mục, các thầy phó tế phải thề trung thành, họ không được từ chức mà không có sự đồng ý của nữ hoàng. Trên thực tế có một Hội đồng Đề cử, họ chọn trước các ứng viên sau đó họ đưa danh sách đề cử lên nữ hoàng.

Hiện nay uy quyền tối thượng của Anh giáo là Thượng hội đồng Giáo hội Anh giáo, do các tổng giám mục các giáo phận Cantorbéry và York đứng đầu. Từ những năm 1970, cứ mỗi năm năm, nữ hoàng có thông lệ khai mạc khóa họp đầu tiên sau khi bầu chọn các thành viên. Một cách tượng trưng, các quyết định của Thượng hội đồng phải được Quốc hội và nữ hoàng chứng thực. Về mặt phụng vụ và tín lý thì Thượng hội đồng hành động độc lập nhưng họ phải nhận sự đồng ý của nữ hoàng sau khi đã thông báo cho bộ trưởng nội vụ.

Cách xếp đặt này giải thích vì sao cho đến bây giờ, các người trong hoàng gia Anh bắt buộc phải theo Anh giáo. Vì thế năm 2001, huân tước Nicholas Windsor, con của công tước Kent, người thừa kế thứ 37 theo thứ trật hoàng gia đã phải từ chối quyền thừa kế của mình khi ông vào đạo công giáo.

Từ năm 2013, với sự bãi bỏ các Đính ước đã thiết lập từ năm 1701, thì các người trong hoàng gia Anh không bắt buộc phải lấy một người theo anh giáo. Nhưng bà Autumn Kelly khi sinh ra có đạo công giáo, năm 2008 bà phải theo anh giáo để kết hôn với ông Peter Phillips, cháu của nữ hoàng. 

  1. Đâu là đức tin của nữ hoàng Elizabeth?

Theo ông Christopher Lamb, tùy viên của tuần báo The Tablet ở Rôma thì “đối với nữ hoàng, đức tin rất quan trọng”. Bà hay đi lễ và bà rất thích các bài giảng ngắn. Ông Lamb cho biết: “Trên tất cả mọi sự, dầu thánh bà nhận ngày nhậm chức là trọng tâm của bà. Bà xem mình là người của hoàng gia dưới cái nhìn của Chúa, và xác tín vai trò nữ hoàng của mình là để phục vụ. Một phần lớn đức tin của bà đến từ suy nghĩ, bà được chọn để làm bổn phận của mình”. Một bổn phận gần như thiêng liêng đối với bà.

Bà chưa bao giờ bày tỏ ý kiến của mình về cách quản trị Giáo hội Anh giáo, nhưng bà không thoải mái mấy với ý tưởng có các phụ nữ giám mục, dù bà phải chấp nhận. Trong nhiều lần, bà đề cập đến đức tin của mình trong các lần lên đài truyền hình để chúc lễ Giáng Sinh, nhất là từ những năm 2000 trong bối cảnh thế tục hóa ngày càng lan rộng ở nước Anh. Năm 2015 bà tuyên bố: “Đối với tôi, Chúa Giêsu Kitô, Hoàng tử của hòa bình, mà chúng ta mừng ngày giáng sinh là một cảm hứng và là neo trong cuộc đời của tôi. Đài truyền hình The Crown vừa đây nhắc lại nhà rao giảng phúc âm người Mỹ Billy Graham đã giúp bà đào sâu đức tin, bà đã gặp ông nhiều lần.

Còn về phần hoàng tử Charles, ông gần với những người anh-công giáo, nhánh anh giáo theo phụng vụ truyền thống hơn và mang đậm nét công giáo hơn. Ông giải thích, ông đảm nhiệm vai trò người bảo vệ đức tin, dù đức tin của mình như thế nào, tất cả đều nằm trong một tổng thể chung.

Còn về phần các thế hệ trẻ hơn, nếu thế hệ này còn chính thức giữ anh giáo thì họ cũng chưa có dịp để thực sự nói lên đức tin của mình. Tuy không còn bị bắt buộc, nữ diễn viên Meghan Markle, người gốc tin lành, được nuôi dạy trong một trường công giáo nhưng chưa bao giờ rửa tội, cô đã kín đáo rửa tội và thêm sức ngày 6 tháng 3 vừa qua theo Giáo hội Anh giáo để làm hôn lễ theo anh giáo với hoàng tử Harry vào ngày thứ bảy 19 tháng 5 này. Cũng như công nương Kate Middleton, được rửa tội từ nhỏ, cô nhận phép thêm sức một thời gian ngắn trước khi làm hôn lễ với hoàng tử William.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Nữ Giám mục Anh giáo đầu tiên ở Luân Đôn 

Nữ giám mục Anh giáo đầu tiên ở Canada