Polo Tonka: Đức tin và hy vọng của một người bị bệnh tâm thần phân liệt
lavie.fr, Alexia Vidot, 2018-05-09
Bị trầm cảm nặng khi 18 tuổi, chín năm sau anh mới biết mình bị bệnh tâm thần phân liệt. Từ đó, anh là nhà văn lấy bút hiệu Polo Tonka. Đức tin sáng ngời, giúp anh đối diện với các bóng tối của mình.
Các bệnh tâm hồn, dưới lớp đau vô hình là con đường thập giá đau đớn. Lần ngã đầu tiên trên con đường thập giá này là lúc tôi 18 tuổi. Tôi vừa rời thành phố Saumur nơi tôi sinh ra để lên Paris, với mục đích dứt khoát là vào trường Thánh Geneviève, Versailles, một trường nổi tiếng của các lớp chuẩn bị vào đại học, bốn trong số năm anh trai của tôi đã học ở đây. Trường là nơi chốn thiêng liêng của gia đình tôi, vậy mà tôi bị từ chối. Ngày hôm đó tôi có cảm nhận đời tôi coi như tiêu, chỉ rước toàn thất bại.
Tôi không để ý là tôi rơi vào tình trạng buồn sâu thẳm và không còn ý chí gì. Tôi còn nhớ tôi ở rịt trong căn phòng 12 mét vuông cư xá sinh viên của các cha Dòng Ladarô ở Paris, lặp đi lặp lại một ngàn câu hỏi hiện sinh mà tôi chỉ toàn thấy câu trả lời tiêu cực. Trong hố đen, tôi xem mình như sập bẫy, bị chết cứng trong đó, tôi bắt đầu nghe tiếng nói: “Mày là thằng ngu, thằng không tích sự, thằng xấu xí! Không ai thương mày! Tự tử đi!…” Được một người anh họ báo động cho cha mẹ tôi, cha mẹ khuyên tôi nên đi gặp bác sĩ tâm thần. Tôi trút hết tâm sự cho ông bác sĩ lạnh lùng này, nhưng tôi không nói cho ông biết các tiếng nói mà tôi vẫn nghĩ đó là nguồn gốc… Bản án: trầm cảm hung dữ. Kết quả: nhập viện khoa tâm thần lúc 19 tuổi, khởi đầu một loạt dài ở bệnh viện.
Nếu bác sĩ nện cho tôi ngay từ đầu là căn bệnh này là bệnh tâm thần phân liệt, và như thế là kinh niên và biết trước là không chữa lành thì tôi đã tự tử ngay. Vì tin có thể chữa lành và có thể có một đời sống bình thường nên tôi mới có sức mạnh đi theo tâm lý trị liệu, một cách chán ngắt, và tiếp tục hy vọng. May là bác sĩ chẩn bệnh sai nên tôi mới hy vọng như vậy! Vì thế sau này khi giáo sư Philippe Jeammet khoa tâm thần tuyên bố tôi bị “tâm thần phân liệt” thì tôi không nghe lọt tai, khi đó tôi đã 26 tuổi và tôi sẵn sàng. Có thể nói Chúa đã chuẩn bị để tôi đón nhận và chấp nhận với Ngài và trong Ngài thực tế khó khăn này.
Khi 18 tuổi, đang khi bị đau đớn không tả, đối với tôi, yêu Chúa và nghĩ rằng mình được Chúa yêu là chuyện không thể có được
Dù vậy sự “hợp tác” của chúng tôi chỉ mới bắt đầu một cách khó khăn… Khi 18 tuổi, đang khi bị đau đớn không tả, đối với tôi yêu Chúa và nghĩ rằng mình được Chúa yêu là chuyện không thể có được. Làm thế nào Đấng tự cho mình là Tình yêu lại để tôi chết dần chết mòn như vậy? Vì thế tôi vứt đức tin của tuổi thơ ấu qua một bên, nhưng tôi giữ lại điều tốt nhất: hy vọng đời sống sau cái chết. Trên thực tế, tôi chắc chắn, nếu một ngày cuộc hiện sinh của tôi trở nên không thể chịu đựng được nữa thì tôi sẽ tự tử, tôi sẽ được bên kia đón nhận. Tốt hơn vẫn là chọn Chúa khi mình còn sống, nhưng chọn lựa này, chúng ta sẽ được mời gọi để chọn khi chúng ta đối diện với một Chúa Cha đầy lòng thương xót và đầy ánh sáng.
Một bàn tay – có phải là bàn tay của Chúa? – luôn giữ tôi lại khi tôi muốn tự tử, vì tình yêu không điều kiện của cha mẹ tôi, những người Samaritanô nhân hậu luôn sẵn sàng vực tôi lên. Vì thế khi tôi 24 tuổi, lúc tôi thật sự muốn kết liễu đời mình, bỗng tôi sực nhớ và gọi cho một trong các chị dâu của tôi, người được giao nhiệm vụ cầu nguyện cho tôi. Lời thổ lộ này đã làm cho tôi rất xúc động, vì trong một lần đi xe lửa, tôi cảm nhận một xác quyết trong lòng, nói rằng Chúa yêu tôi. Do đó tôi chấp nhận lời mời của chị dâu đến gia đình chị ở vài ngày và sau đó tham dự một khóa canh tân đặc sủng được cộng đoàn Lời Sự Sống trong giáo xứ của chị tổ chức. Đối với tôi, khóa đó là khóa làm cho tôi hồi sinh, một hạnh phúc vì tôi không còn bị dằn vặt bởi cái chết, chỉ đơn giản nhìn họ sống đức tin của họ, nhìn vợ chồng con cái sống vui vẻ. Rồi chuông reo khóa đặc sủng. Tôi thường có khuynh hướng chạy trốn mọi tiếp xúc – khép mình tự kỷ là một trong các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt – thì bây giờ tôi lại ở trong một buổi gặp gỡ đủ màu sắc, sốt sắng, mọi người ca hát. Và thật là phép lạ, trong khi căn bệnh vẫn còn cháy trong lòng tôi, tôi bắt đầu ca ngợi Chúa, tôi lấy hết sức lực của buồng phổi để hát, tôi giang hai tay lên trời cầu nguyện. Nước mắt tôi chảy ra. Tôi như được rửa, được làm mới nội tâm. Ngay lúc đó tôi không phân tích được sự kiện này, nhưng với thời gian, tôi có thể khẳng định: chiều hôm đó, tôi thật sự đã gặp Chúa, bằng con người thật của tôi.
Ngay ngày đầu của đời sống mới, tôi hiểu tôi không ở một mình. Không có gì cũng không có ai có thể tách tôi ra khỏi Chúa, ra khỏi tình yêu của Ngài cũng như bình an của Ngài. Khi đó tôi cảm nhận ước mong được cầu nguyện, để lòng tôi được sống trong sự dịu ngọt của sự hiện diện của Chúa. Tôi không biết cầu nguyện như thế nào, tôi ấp úng như đứa con nít, tôi đi gặp người anh tu Dòng Camêlô. Anh dạy cho tôi hương nguyện theo truyền thống Dòng Kín. Và ngay lập tức, hương nguyện trở thành trục chính, trục căn bản cho đời sống của tôi. Các bạn ở trường làm bánh Lenôtre nơi tôi học làm bánh nhanh chóng nhận ra tôi ở trong trạng thái được ơn. Và từ đó, các triệu chứng trầm cảm biến mất! Khỏi trầm cảm, tôi nghĩ mình được lành và có thể đi tới đàng trước để có một đời sống tốt hơn. Sau một năm thuyên giảm, tôi quấy rầy bác sĩ tâm thần để ông rút bớt thuốc cho tôi. Tôi đứng vững được hai đến ba tháng không có các chất hóa học… cho đến ngày tôi bị tái phát dữ dội ở nhà cha mẹ tôi. Các khía cạnh hưng phấn-trầm cảm, rồi tâm thần phân liệt bùng ra. Đó là giờ của sự thật.
Từng giai đoạn, tôi phải từ bỏ ý định có được một đời sống “bình thường”. Chúa đã giúp tôi đi qua các chặng đường vỡ mộng kế tiếp nhau và với lời cầu nguyện mỗi ngày, Chúa xây dựng tôi trên đá.
Năm tháng trôi qua. Năm nay tôi 39 tuổi, tôi có thể nói mà không xấu hổ: tôi bị bệnh tâm thần phân liệt, có khuynh hướng lưỡng cực, lúc hưng phấn, lúc trầm cảm. Các cơ may được thuyên giảm của tôi lớn vì tôi ý thức căn bệnh của tôi nặng, ý thức cần phải chữa trị và tôi đủ sáng suốt để mổ xẻ căn bênh của mình, tìm được chữ để nói lên các rối loạn tăm tối trong óc của tôi. Có được một khoảng cách với chứng loạn tâm thần là một chuyện hiếm, vì một trong các phản ứng tự nhiên là tách rời thực tế. Điều này có nghĩa, tôi không thể điều hành đời sống hàng ngày của mình, từng giai đoạn, tôi phải từ bỏ ý định có được một đời sống “bình thường” có nghĩa là có công ăn việc làm, có vợ, có con. Chúa đã giúp tôi đi qua các chặng đường vỡ mộng kế tiếp nhau và với lời cầu nguyện mỗi ngày, Chúa xây dựng tôi trên đá. Chắc chắn ngày hôm nay tôi vẫn còn những cơn bão dữ dội, một phần vì các phản ứng phụ của thuốc. Nhưng bây giờ khó có chuyện gì làm cho tôi lung lay, vì neo của tôi bám sâu trong Chúa. Không phải vì tôi không còn đau, nhưng trong đau đớn tôi cảm thấy bình tâm hơn, với xác tín không lay chuyển là Chúa ở đó, Chúa khóc với tôi trong từng cơn đau của tôi. Và nếu tôi ở trong hố thẳm, thì tôi hiệp ý với Thánh Phaolô, “vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 10).
Dù cho đời sống của tôi càng ngày càng đau hơn, tôi có được may mắn vì tôi tồn tại, được Chúa yêu thương và được ngay khi ở trần gian, tôi đã là người được hưởng Nước Trời. Không có một bệnh nào, dù bệnh đau đớn nhất có thể giết sức sáng tạo phi thường bên trong của điều thiện. Hạnh phúc này dường như tôi không thể nào có được, vậy mà Chúa đã cho tôi nếm, tôi không phải chờ đến qua bên kia. Và nhất là điều này có được nhờ viết, chắc chắn tôi sẽ không viết được nếu tôi không bị bệnh. Và đây là điều tốt lành ngoài mong chờ, mà cuối cùng đối với tôi, lại đáng công! Tôi cảm nhận một lạc thú thật thú vị khi viết, vì tôi có thể tự do sáng tạo, nuôi dưỡng và tô điểm cho căn bệnh của tôi.
Từ lần xuất bản đầu tiên và thành công nhỏ cho quyển sách Đối thoại với chính mình. Một người bị bệnh tâm thần phân liệt làm chứng (nxb. Odile Jacob), năm 2013, tôi lượng định được đến mức như thế nào, viết lách đã giúp tôi hòa giải với thế giới mà tôi có phản xạ là bỏ trốn. Chẳng hạn, từ bốn đến năm lần một năm, tôi tham dự các buổi diễn thuyết – tôi sẽ đến đại học hè Sự sống (La Vie) tổ chức từ 1 đến 6 tháng 7 sắp tới! – và mỗi lần như vậy, tôi vui mừng biết quyển sách của tôi đã giúp được nhiều người bệnh tâm thần, nặng hoặc nhẹ. Bây giờ, tôi không còn xem bệnh tâm thần phân liệt như căn bệnh đày đọa, lên án hay bị xã hội ngăn cấm, nhưng như một phương tiện để làm điều tốt chung quanh tôi. Vì thế tôi mong tìm được nhà xuất bản nhận in quyển sách thứ nhì của tôi. Trong quyển tiểu thuyết này, tôi nhìn lại căn bệnh của mình với tinh thần hài hước, vì với lời cầu nguyện và với nụ cười, đó là một trong các khí cụ tốt nhất để thoát ra một cách chiến thắng cuộc chiến tối hậu này của tôi.
Các giai đoạn trong cuộc đời của Polo Tonka
1979 Sinh ở Saumur, con út của một gia đình có sáu người con.
1996 Đến Paris và rơi vào bệnh trầm cảm một cách dữ dội.
2003 Vào Trường làm bánh Lenôtre. Cũng năm này ông có kinh nghiệm thiêng liêng gặp Chúa trong một khóa Canh tân đặc sủng.
2005 Chẩn đoán bị bệnh tâm thần phân liệt.
2013 Phát hành sách Đối thoại với chính mình. Một người bị bệnh tâm thần phân liệt làm chứng (Dialogue avec moi-même. Un schizophrène témoigne, Odile Jacob).
Tìm hiểu chứng tâm thần phân liệt
“Nói lên cái đau đớn vô hình của thử thách không thể thổ lộ được”. Đó là vì sao tác giả Polo Tonka cầm ngòi bút, và ngòi bút của anh rất hay, để trút hết tâm sự trong quyển sách Đối thoại với chính mình. Một người bị bệnh tâm thần phân liệt làm chứng. Tác giả không giấu gì hết. Ngược lại anh mở lòng ra, không úp mở, nói các triệu chứng của bệnh tâm thần-xúc cảm: sự hiện diện của người khác giúp anh chiến đấu, các tiếng nói xâu xé anh, không có khả năng điều hành đời sống hàng ngày, các khó khăn xã hội… Từng trang, các thành kiến về bệnh tâm thần phân liệt bị rơi xuống và cuối cùng là sụp đổ với trang chót: “Xin quý vị đừng sợ chúng tôi, vì chúng tôi là nạn nhân của các chuyện khiếp sợ trong lòng mình và chứng rối loạn tâm thần đặt ra cho chúng tôi các luật lệ và trước hết làm cho chúng tôi thành những đúa con nít nhỏ bé, chứ không phải những kẻ tội phạm đồi bại hay hư hỏng”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch