Người phụ nữ lớn tuổi có làn da nhăn nheo

248

Người phụ nữ lớn tuổi có làn da nhăn nheo

Nói chuyện với Đức Phanxicô về các chuyến đi của ngài

Trích sách: Đi tông du với Đức Giáo hoàng, Andrea Tornielli (En voyage avec le pape, Robert Laffont)

Theo thông lệ, thường thường tháng 7 là tháng nghỉ hè. Nhưng mùa hè năm 2016 thì không, ngài vừa về từ Armenia và Ba Lan, cũng như ngài có vài buổi tiếp kiến ngoại thường như tiếp một nhóm người nghèo đi hành hương từ Pháp đến. Đối với Đức Phanxicô, nghỉ hè là nhịp làm việc chậm lại, có nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện, để đọc sách, để có các buổi gặp gỡ không chính thức. Trong các lần họp báo trên máy bay, trong lượt về của các chuyến quốc tế, ngài thường có các cuộc nói chuyện dài không rào đón với các ký giả đi theo ngài, khi đó ngài nói lên cảm nhận của mình, về các cuộc gặp gỡ đáng kể, các giây phút đặc biệt đánh động ngài trong chuyến đi. Như thế sẽ lý thú khi hỏi thẳng ngài một vài câu hỏi về các chuyến đi này.

Ngài tiếp chúng tôi ở Nhà Thánh Marta nơi ngài ở. Hành lang rộng có kê cái bàn trên đó có vài quyển sách, vài quà tặng, trong số quà có cây thánh giá bằng thủy tinh thổi có nạm vàng và đá quý. Trên tủ nhỏ gần cửa ra vào có tượng Thánh Giuse nằm ngủ bằng thạch cao, cùng với những vật ở gần bên ngài: lòng kính mến này đi theo Đức Bergoglio bao nhiêu năm tháng, ngài có thói quen để dưới tượng các miếng giấy nhỏ xin ơn hay các vấn đề ngài giao phó cho Thánh bổn mạng Giáo hội, người chăm sóc những năm đầu đời của Chúa Giêsu ở Nadarét. Nhưng cũng có một tượng Thánh Giuse khác, “riêng tư” hơn mà Đức Phanxicô để trên cái đế nhỏ trên bàn làm việc của mình, chiếc bàn lúc nào cũng đầy cả sách, hồ sơ, các tài liệu đủ loại. Người cận vệ Thụy Sĩ mặc đồng phục canh ở hành lang bây giờ cũng là người gác cửa, có thể do mùa hè nhân sự giảm bớt lại. Đức Phanxicô đi ra ngay. Phòng khách nhỏ ngài tiếp tôi không thay đổi, ngoài vài bức khảm treo trên tường, tác phẩm của linh mục Rupnik.

Tượng Thánh Giuse ở phòng của Đức Phanxicô

Trọng kính Đức Thánh Cha, cha có thích đi du lịch không?

Thẳng thắn mà nói là không. Tôi không bao giờ thích đi du lịch. Khi còn làm giám mục ở Buenos Aires, tôi chỉ đi Rôma khi nào bắt buộc, nếu tránh được thì tôi tránh. Tôi cảm thấy đau khổ khi xa giáo phận của mình, mà với giám mục như chúng tôi, giáo phận là “nhà” của mình. Thêm nữa tính của tôi thích quanh quẩn ở nhà. Đối với tôi, nghỉ hè là có thêm thì giờ để cầu nguyện, để đọc sách, nhưng để nghỉ ngơi, thì tôi không bao giờ thấy cần phải thay đổi không khí, thay đổi nơi ở. Dù đôi khi cũng cần thiết: chẳng hạn như khi chúng tôi đi linh thao Mùa Chay với giáo triều La Mã, và tất cả chúng tôi cùng đi một tuần ở Ariccia.

Vào đầu triều giáo hoàng của cha, cha có nghĩ mình phải đi nhiều không?

Ồ không, thật sự không! như tôi đã nói với ông, tôi không thích đi du lịch. Và tôi cũng không bao giờ hình dung là mình đi nhiều như vậy… 

Mới đầu bắt đầu như thế nào? Cái gì làm cha thay đổi ý kiến?

Chuyến đi đầu tiên của tôi là đến đảo Lampedusa, một chuyến đi trong nước Ý. Chuyến đi này không được dự trù trước, cũng không có khách mời chính thức. Tôi cảm thấy mình phải đi, tôi bị chấn động khi nghe tin người di dân bị chết chìm trên biển. Các trẻ em, các phụ nữ, các thanh thiếu niên… Một thảm kịch đau lòng. Tôi thấy hình ảnh cấp cứu những người sống sót, tôi thấy chứng tá về lòng quảng đại và sự tiếp đón của người dân đảo Lampedusa. Vì thế, nhờ các cộng sự của tôi, một chuyến đi chớp nhoáng đã được tổ chức. Quan trọng là phải đến đó. Tiếp đó là chuyến đi Ngày Thế giới Trẻ ở Rio de Janeiro. Lần này thì chuyến đi đã có trong lịch. Giáo hoàng luôn đi dự các Ngày Thế giới Trẻ. Năm 2005, Đức Gioan-Phaolô II đã dự trù đi Cologne, nhưng vài tháng trước đó, Chúa đã gọi ngài về, và đó là chuyến đi đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI, và đó cũng là chuyến đầu tiên ngài quay về quê hương mình sau khi được bầu chọn. Còn về phần tôi, chuyến đi Rio de Janeiro là phải đi, đó cũng là chuyến về Châu Mỹ La Tinh đầu tiên của tôi.

Dĩ nhiên các ngày JMJ là những ngày không thể thiếu giáo hoàng. Nhưng còn các chuyến đi khác?

Sau Rio, thì có một lời mời khác, rồi một lời mời khác nữa. Tôi chỉ biết trả lời “vâng”, rồi thì để cho… gió cuốn. Bây giờ thì tôi cảm thấy tôi phải đi những chuyến đi này, viếng thăm các Giáo hội, nâng đỡ các mầm hy vọng nơi có mầm.

Các chuyến đi quốc tế có cực nhọc cho cha về mặt thể chất không?

Mệt thì có, nhưng phải nói, cho đến bây giờ thì tôi chịu được. Có thể mệt về tâm lý hơn là thể chất. Tôi cần nhiều thì giờ hơn để đọc, để chuẩn bị. Một chuyến đi không phải chỉ tốn vài ngày khi ở nước ngoài, đến các nước mình thăm viếng. Nhưng phải chuẩn bị trước, phải coi tất cả các việc phải gởi đi trước.

Cha có thay đổi gì về lịch đã được ấn định cho các chuyến tông du không?

Không có gì nhiều. Chẳng hạn tôi tìm cách bỏ đi tất cả các bữa ăn tính cách giới thiệu. Đương nhiên các nhà cầm quyền hay các giám mục đều muốn vinh danh khách mời của họ. Tôi không có gì chống về việc ngồi bàn chung với họ. Trong Tin Mừng có rất nhiều câu chuyện, các chứng tá về các loại như thế này: phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu là ở tiệc cưới. Vào nhà và chia sẻ bữa ăn với người dân, đối với Chúa Giêsu, đây là dấu chỉ của sự quan tâm và lòng thương xót, một cử chỉ đã làm xáo trộn thói quen xã hội thời đó, như lần  ngài đến nhà ông Giakêu người thu thuế. Sau khi sống lại, để thuyết phục các môn đệ mình không phải là ma, Chúa ăn cơm với họ. Nhưng lịch chuyến đi gần như lúc nào cũng đầy cả các cuộc hẹn, tôi thích ăn nhanh. Một chút gạo, một chút rau là đủ. Chung chung tôi ăn với những người đi cùng, giới hạn nhất, thân mật nhất. Có sứ thần tòa thánh nước sở tại và người phụ trách chuyến đi: trước là ông Alberto Gasbarri, bây giờ là Đức ông Mauricio Rueda Beltz. Cũng có ông chỉ huy trưởng an ninh Domenico Giani và hai hiến binh khác, hai cận vệ Thụy Sĩ và hai người quay phim riêng của tôi mà tôi rất tin tưởng: hai người cha gia đình, họ biết làm những gì cần phải làm.

Trái với các vị tiền nhiệm của cha, cha không đi với hai thư ký đặc biệt của cha, Fabián Pedacchio Leániz và Yoannis Lahzi Gaid?

Vì tôi không cần họ khi ra nước ngoài. Các người quay phim, các người lo nghi lễ và đoàn tùy tùng, thế là đủ. Tôi rất bằng lòng cách làm việc của hai thư ký đặc biệt của tôi, họ tổ chức công việc thành thạo, họ làm việc ở văn phòng của họ buổi sáng và họ đến làm việc với tôi buổi chiều.

Tôi xin trở lại chuyện mệt mỏi về thể chất, vì tôi nói – theo kinh nghiệm – các ký giả đi theo cha trong các chuyến đi này, họ cũng cảm thấy mệt…

Trong lúc này tôi bị sưng phổi một chút, tôi nghĩ là do mệt mỏi của chuyến đi Armenia. Khi về lại Vatican, bình thường ngày đầu tiên khá mệt, tôi cần lấy lại sức. Nhưng tôi luôn mang trong lòng mình các khuôn mặt, các chứng từ, các hình ảnh, các kinh nghiệm… Một sự phong phú không thể tả, làm cho tôi luôn nói: thật đáng công. 

Và đâu là các kinh nghiệm đẹp nhất?

Chắc chắn là việc tiếp xúc với giáo dân. Chẳng hạn, nếu ai hỏi tôi kỷ niệm đẹp nhất trong chuyến đi Armenia tháng 6 năm 2016, tôi sẽ kể câu chuyện khi cuối lễ ở thành phố Gyumri, có thể tôi đọc tên thành phố không đúng. Đó là thánh lễ đầu tiên ở đây, sau thánh lễ tôi đưa Đức Thượng phụ công giáo Karekin II và giám mục công giáo Armenia Raphael Minassian lên xe giáo hoàng đi một vòng. Chúng tôi đi một vòng quảng trường chào giáo dân. Đến cuối vòng, tôi thấy một bà lớn tuổi nhỏ nhắn đứng trong góc, da nhăn nheo khô héo dưới ánh mặt trời. Bà ở đó, bà chào và cười, khoe hai răng vàng như người ta vẫn bịt răng vàng ngày xưa. Bà ở đó, khiêm nhường, bà chào. Sau khi xuống xe, tôi đến chào bà và ôm bà. Tôi có nhân viên thông dịch bên cạnh, bà nói với tôi: “Tôi từ Georgia đến”. Ngày hôm sau là ngày cuối chuyến đi, tôi đến Erevan. Tôi đang chào đám đông, rất đông, có vẻ như người ta chưa bao giờ thấy đám đông ra đường nhiều như vậy. Và thình lình tôi thấy trước mặt tôi là bà lớn tuổi khiêm nhường ngày hôm qua: bà ngày hôm qua tôi hôn ở Gyumri! Trước hết là ba đi xe buýt tám tiếng để đến Gyumri, sau đó bà đi 300 cây số để đến Erevan để gặp giáo hoàng thêm một lần nữa. Và như thế đối với tôi, thật là đội ơn. Xét cho cùng, đó là lý do cho các chuyến đi của tôi. Thánh Gioan-Phaolô II cũng trả lời như vậy với những người không đồng ý các chuyến đi của ngài, họ nói giáo dân có thể đến Rôma gặp ngài. Ngài chỉ đơn giản trả lời: “Người nghèo không đi được”.

Cha cảm nhận gì khi thấy lòng nhiệt thành của giáo dân đứng chờ hàng giờ để thấy xe cha đi ngang qua ngoài đường?

Trước hết, tôi ở trong số những người biết, như chúng ta đọc trong Tin Mừng, sau khi hô “Hosanna!” thì họ cũng có thể hô “Đóng đinh nó đi!”. Và tôi không quên câu của Albino Luciani (Đức Gioan-Phaolô I) khi còn là hồng y, ngài nói với các em giúp lễ vỗ tay ca ngợi ngài: “Các con có hình dung có giây phút nào con lừa nhỏ bé Chúa Giêsu cỡi lúc ngài huy hoàng đi vào thành Giêrusalem nghĩ những tiếng hoan hô này là dành cho nó không?” Giáo hoàng phải ý thức mình “đang mang” Chúa Giêsu, đang làm chứng cho Chúa Giêsu cho sự gần gũi, sự dịu dàng của Chúa Giêsu cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là những người đau khổ. Chính vì thế, thỉnh thoảng tôi xin những người hô to “Hoan hô Giáo hoàng!” thì họ nên hô “Vạn tuế Chúa Giêsu!” có những câu rất đẹp về tình phụ tử ở một trong các đối thoại của chân phước giáo hoàng Phaolô VI với triết gia Jean Guitton. Ngài thổ lộ với triết gia người Pháp: “Tôi nghĩ trong tất cả phẩm cách của một giáo hoàng, có một phẩm cách đang mong muốn nhất, đó là tình phụ tử. Tình phụ tử là một cảm nhận xâm chiếm tâm trí, đi theo chúng tôi từng giờ từng phút, không giảm đi nhưng lại tăng thêm khi số con của mình nhiều thêm. Đó là một cảm nhận không mệt mỏi, bình an, ngược lại với mọi mệt mỏi khác. Không một lúc nào tôi thấy mệt mỏi khi đứng dậy để ban phép lành. Không, tôi không bao giờ mệt khi ban phép lành hay tha thứ”. Đức Phaolô VI đã nói như trên sau chuyến đi Ấn Độ về, còn tôi, các lời nói này giải thích vì sao các giáo hoàng bây giờ phải lên đường. 

Cha có các kỷ niệm khác không thể xóa mờ trong các chuyến đi của cha không?

Sự nhiệt thành của các bạn trẻ ở Rio de Janeiro, họ ném đủ mọi thứ lên xe giáo hoàng. Và cũng ở Rio, có một em bé len lỏi leo được lên bục để hôn tôi. Tôi còn nhớ người dân đến đền thánh Madhu, miền bắc Sri Lanka, ở đó không những tôi được các tín hữu kitô mà còn cả các tín hữu hồi giáo, hinđu giáo đón tiếp: đó là nơi khách hành hương đến như người trong một gia đình. Hay lần đến Phi Luật Tân. Tôi còn như thấy trước mặt tôi, các người cha nâng con mình lên để tôi ban phép lành, như thử họ muốn nói: “Đây là gia tài của con, tương lai của con, tình thương của con, với con của con, con phải làm việc và phải hy sinh”. Cũng có rất nhiều trẻ em khuyết tật, các cha mẹ không giấu con mình, họ mang đến cho tôi để tôi ban phép lành, qua việc này, họ muốn nói: “Đây là con của con, cháu như vậy, nhưng là con của con”. Những hành vi xuất phát tự tấm lòng. Tôi còn nhớ tất cả giáo dân đón tôi ở Tacloban, Phi Luật Tân. Hôm đó trời mưa tầm tả. Tôi dâng thánh lễ tưởng niệm hàng ngàn người bị thiệt mạng vì cơn bảo Hải Yến, thời tiết rất xấu, chuyến đi xém bị hủy. Nhưng tôi không thể không đến đó: tôi quá chấn động khi nghe tin cơn bảo đã tàn phá vùng này vào tháng 11 – 2013. Mưa xối xả, tôi phải choàng áo mưa màu vàng ngoài áo lễ để làm lễ hôm đó, thánh lễ được cử hành trên một cái bục nhỏ bị gió thổi thật mạnh. Sau thánh lễ, một nhân viên trong ban nghi lễ nói với tôi, họ ngạc nhiên và được cảm hóa khi thấy dù trời mưa, các người giúp lễ cũng không đánh mất nụ cười của mình. cũng nụ cười đó trên khuôn mặt của những người trẻ, của các cha mẹ. Một niềm vui đích thực dù phải đau khổ vì mất nhà, có khi còn mất cả người thân.

Với em Nathan de Brito ở Rio de Janeiro, Ba Tây JMJ tháng 7 năm 2013

Thánh lễ tại Tacloban, Phi Luật Tân, tháng 1-2015

Bài giảng này là một trong các bài giảng rất cảm động. Vì sao cha hay giảng tự phát?

Ở Tacloban, tôi nói với hết cả tấm lòng. Trong một vài cuộc gặp gỡ, một vài tình huống mình không thể nào để mình dửng dưng. Và đây là giây phút rất cảm động. Tôi cảm thấy như mình bị sụp đổ, tôi gần như không còn giọng. Dù bài diễn văn đã được soạn sẵn cho chuyến đi, tôi không thể không nói tự phát, không thể không nhìn thẳng vào mắt những người đang ở trước mặt tôi. Tất cả những người ở đây họ không còn gì, tất cả các gia đình này bị tai họa ập xuống. Sau khi nhìn họ và nghe họ, lời nói tự phát lên. Dĩ nhiên tôi nói dễ hơn bằng tiếng Tây Ban Nha, hay tiếng Ý: tôi bắt đầu nói khá hơn dù từ vựng tiếng Ý vẫn còn rất hạn chế với tôi. Cũng có một cuộc gặp khác cũng rất cảm động ở Manila, tại trường đại học Thánh Tôma khi một em bé gái vừa khóc vừa hỏi tôi, vì sao trẻ con đau khổ nhiều như thế: nghèo khổ, bạo lực, lợi dụng, khai thác. Em đã thấy tất cả những chuyện này. Có những giây phút mà mình không thể nào trả lời, chỉ biết ôm họ vào lòng và khóc với họ. Loại văn hóa loại trừ mà chúng ta chìm trong đó, loại võ ốc dửng dưng mà chúng ta núp trong đó làm cho chúng ta quen với bất công, chúng ta không còn khóc được. Chúng ta phải xin ơn nước mắt, ơn khóc cho những bất công, những tội lỗi. Bởi vì nước mắt sẽ làm cho chúng ta hiểu các chiều kích mới của thực tế. Thêm nữa, có những giây phút tôi thích thinh lặng và cầu nguyện như lần đứng trước bức tường phân chia Giêrusalem, khi tưởng niệm các nạn nhân vụ diệt chủng người Armenia. Lại còn vấn đề ngôn ngữ: ở Tacloban, tôi nói tiếng Tây Ban Nha và Đức ông Mark Miles dịch ra tiếng Anh. Tôi rất khổ khi tiếp xúc với giáo dân mà đọc bài giảng bằng tiếng Anh trong thánh lễ cuối cùng ở Manila, thánh lễ dâng kính Thánh Nino trước hàng triệu người. Trong khi ở Mỹ, nói trước Quốc hội, tôi có cảm tưởng mình thành công, nói được những gì mình muốn nói và người nghe hiểu.

Với em Glyzelle Palomar ở Phi Luật Tân, tháng 1-2015

Đâu là chỗ của các cử chỉ trong giao tiếp của cha?

Rất lớn. Tôi không thể nói mà không có cử chỉ đi kèm. Đối với tôi, đọc thôi thì chưa đủ, tôi cần phải làm một cái gì. Chẳng hạn ở Kenya vào tháng 11 năm 2015, khi cùng với các bạn trẻ ở sân vận động Kasarani: tôi phải nói về việc chống tinh thần bộ tộc, chống các xung đột xuất phát từ tinh thần thuộc về các bộ tôc khác nhau. Tôi nói theo cảm hứng, tinh thần bộ tộc được chiến đấu bằng lỗ tai, hỏi người anh em mình vì sao cư xử như vậy và phải biết lắng nghe. Chúng ta chiến đấu nó với tấm lòng, với đối thoại và với bàn tay mở ra với đối thoại. Sau đó tôi xin một vài bạn trẻ đến gần tôi và xin những người có mặt ở đó – tôi nghĩ cũng gần 70 000 người – xin họ đứng dậy cầm tay nhau, như dấu hiệu để chống tinh thần bộ tộc: chúng ta là một quốc gia và tâm hồn chúng ta phải như bàn tay chúng ta, biết nắm lấy nhau. Ngay cả các nhà cầm quyền có mặt, kể cả Tổng thống Uhuru Kenyatta cũng nắm tay. Tôi nghĩ tôi cũng có trao đổi tốt khi ở Mêhicô, khi gặp các bạn trẻ và các gia đình, cũng như khi ở Phi Luật Tân, khi tôi nói về lòng kính mến cá nhân tôi với Thánh Giuse nằm ngủ và mối nguy của nạn thực dân ý thức hệ. Về vấn đề các cử chỉ: đó là giây phút đẹp khi tôi mời giáo sĩ ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi cùng lên xe giáo hoàng với tôi, khi tôi chào người dân ở khu vực người hồi giáo tụ họp ở sân vận động nhỏ. Ở Armenia là một cử chỉ nhỏ khi xuống máy bay với Đức Thượng phụ bên cạnh, như hai anh em. Đôi khi các cử chỉ nhỏ nói còn nhiều hơn một bài diễn văn. 

 Cùng với giáo sĩ hồi giáo ở Cộng hòa Trung Phi, tháng 11 năm 2015

Trong số các cử chỉ có tính cách biểu tượng có việc mở Cửa Thánh trong Năm Thánh Lòng thương xót ở Bangui trước, thay vì mở ở Rôma…

Cộng hòa Trung Phi là một nước bị lãng quên, lại rất nghèo dù đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đến đó, mở đầu tiên cánh Cửa Thánh, đó là để trọng tâm kitô giáo ở đây, nơi người dân đau khổ. Bangui đã đánh động tôi rất nhiều. Ở đây tôi cũng có dịp nói lên tình bằng hữu với người hồi giáo, họ đón nhận tôi trong nguyện đường của họ. Và rồi chúng tôi cũng mang một chút hòa bình đến cho thành phố này, hai bên ký thỏa hiệp ngưng chiến trong dịp này. Nhưng điều làm tôi xúc động nhất là cảnh nghèo của họ. Chỉ có một bệnh viện nhi đồng duy nhất, nhưng cả bình dưỡng khí cũng không có. Thật là cảm động khi viếng thăm và ôm các em bé bị bệnh trong tay. Bây giờ nhờ ơn Chúa, đã có một vài ân nhân hứa giúp để mang một chút hy vọng đến cho người bệnh.

Một khía cạnh khác cũng làm cho tôi xúc động ở Bangui, cũng như ở các thành phố nghèo khác tôi đi thăm, đó là chứng từ của các nhà truyền giáo. Những người để cả đời họ để yêu thương, để giúp đỡ anh em mình, những người được đốt cháy bởi tình yêu, bởi lòng quan tâm. Ai sẵn sàng mất mạng sống mình để ở gần người anh em, những người đau khổ, những người bị đói, những người bệnh, những người bị bách hại. Đó là sự cao cả của Giáo hội. Các nhà truyền giáo là hạt mầm, là hạt giống, là hy vọng! Vào cuối thánh lễ ở Bangui, tôi chào một nữ tu người Ý, xơ Maria Concetta Esu. Tôi hỏi xơ bao nhiêu tuổi. Xơ trả lời: “81 tuổi”. Tôi nhỏ hơn hai tuổi. Xơ ở Phi châu khi xơ mới 23 tuổi. Xơ ở đó với một em bé gái mà xơ xem như cháu mình. Em bé đi bằng xuồng từ Công-gô đến. Xơ vừa là y tá vừa là cô mụ, hàng ngàn em bé được sinh ra trong bàn tay của xơ. Trọn một cuộc đời cho sự sống, và sự sống của người khác. Dù tuổi đã cao, dù có thế nào, xơ cũng muốn ở lại Phi châu. Và có rất nhiều người khác như xơ. Có các nam nữ tu sĩ, các linh mục đốt cháy đời mình để loan báo Tin Mừng, loan báo Chúa Giêsu. Tôi rất vui khi gặp họ, những người này giúp đỡ tôi rất nhiều.

 Mở Cửa Thánh ở Cộng hòa Trung Phi, tháng 11 – 2015

Sau chuyến đi, làm sao cha nhớ lại tất cả những người cha đã gặp?

Tôi mang họ trong lòng, tôi cầu nguyện cho họ, tôi cầu nguyện cho những hoàn cảnh đau khổ, những hoàn cảnh khó khăn mà họ gặp phải. Tôi cầu nguyện để làm giảm bớt các bất bình đẳng mà tôi đã gặp.

Cha đã đi gần như khắp thế giới, nhưng gần như chưa có nước nào trong Liên Hiệp Âu Châu. Vì sao?

Chỉ có nước duy nhất trong Liên Hiệp Âu Châu mà tôi đi thăm là Hy Lạp, trong chuyến đi chỉ dài năm giờ để đến đảo Lesbos gặp và an ủi người tị nạn với các anh em tôi, Thượng phụ Báctôlômêô của Constantinoble và Thượng phụ Ieronymos của Athena. Một cuộc hành hương để thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi những người chạy trốn chiến tranh, trốn bách hại, trốn nạn đói, trốn sự khốn cùng. Trong trường hợp như vậy, theo lời đề nghị của một trong các cộng tác viên của tôi, chuyến đi phải kết thúc bằng một hành vi nhỏ, nhưng đáng kể: chúng tôi đem về Rôma ba gia đình của một trại tị nạn.

Rồi tôi cũng có đến Nghị viện Âu châu và Hội đồng Âu châu ở Strasbourg, nhưng đây là chuyến đi đến một cơ quan chứ không phải đi thăm một nước. Tuy nhiên tôi cũng có đi thăm vài nước Âu châu nhưng không thuộc về Liên Hiệp Âu Châu: Albania, Bosnie-Herzégovine. Tôi dành ưu tiên cho những nơi mà tôi có thể giúp đỡ chút ít, khuyến khích những người làm việc cho hòa bình và cho sự hợp nhất dù phải gặp khó khăn và xung đột. Những nước có khó khăn trầm trọng. Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi không quan tâm đến Âu châu: tôi khuyến khích khi tôi có thể, để Âu châu tìm lại nguồn gốc xác thực nhất của mình, và đem các giá trị của mình ra áp dụng. Tôi tin chắc, không phải các văn phòng hay các cơ quan tài chánh cao cấp sẽ cứu vãn chúng ta ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay, sẽ giải quyết được vấn đề di dân, và đây là thách thức lớn nhất của Âu châu kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt đến nay.

Trong các chuyện mới mẻ của các chuyến tông du, tôi hình dung có chuyện mới về thủ tục an ninh, chúng ta chưa nói đến chuyện này.

Tôi hết lòng biết ơn các hiến binh và các cận vệ Thụy Sĩ đã thích ứng theo phong cách của tôi. Tôi không thể nào đi xe chắn đạn hay xe giáo hoàng bịt bùng kiếng chắn đạn được. Tôi rất hiểu các đòi hỏi của thủ tục an ninh và tôi hết lòng cám ơn tất cả những ai tận tình chăm sóc tôi, không nề hà mệt mỏi trong những chuyến đi này. Nhưng một giám mục là một mục tử, mình không thể để quá nhiều rào chắn giữa mục tử và giáo dân. Vì thế ngay từ đầu triều giáo hoàng, tôi đã cho biết, tôi không thể đi thăm giáo dân mà không tiếp xúc được với họ. Có những lo lắng trong chuyến đi đầu tiên đến Rio de Janeiro, tôi đi mà không biết bao nhiêu lần tôi ở bờ biển Copacabana trong xe giáo hoàng để chào họ, nói chuyện với họ, ôm họ trong tay. Chỉ có một sự cố trong những ngày này. Nhưng phải tin tưởng và dựa lên người khác. Tôi ý thức các hiểm nguy có thể xảy ra. Nhưng tôi phải nói – có thể hoàn toàn do vô thức – tôi không sợ cho chính bản thân mình. Nhưng tôi luôn lo cho an ninh những người đi theo tôi và nhất là những người tôi gặp. Tôi sợ nhất là hiểm nguy cụ thể cho những người tham dự thánh lễ hay trong một cuộc gặp gỡ. Chắc chắn là có nguy cơ của một hành vi không cân nhắc nào đó của một người điên. Nhưng tôi nghĩ, mình luôn có Chúa.

Trước và sau mỗi chuyến đi, cha đều đến đền thờ Đức Bà Cả cầu nguyện. Vì sao?

Vì, để nói về chuyện này, an toàn đích thực phải xin Đức Mẹ. Phải giao trong bàn tay Mẹ, ẩn núp dưới áo của Mẹ. Ở nhà thờ Đức Bà Cả có tượng Đức Mẹ cầu bàu cho người La Mã, một hình ảnh được người La Mã tôn kính. Tôi là giám mục giáo phận Rôma, như thế mỗi lần tôi đi, tôi phải xin Đức Mẹ Maria yêu quý của người Rôma giúp đỡ tôi. Khi về, trước khi vào Vatican, tôi đến cám ơn Mẹ đã giúp tôi, tôi luôn để một bó hoa dưới chân Mẹ hoặc một vật liên hệ đến chuyến đi. Mình cảm thấy an toàn hơn và tất cả nỗi sợ sẽ biến mất khi có Mẹ cầm tay mình.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Trong hành lang của các chuyến tông du