Andrea Tornielli, Giám đốc ban Biên tập Truyền thông Vatican: “Chúng ta chắc chắn cần phải thoát ra khỏi văn hóa che giấu”

88

Andrea Tornielli, Giám đốc ban Biên tập Truyền thông Vatican: “Chúng ta chắc chắn cần phải thoát ra khỏi văn hóa che giấu”

lemonde.fr, Gaetan Supertino, 2023-04-02

Nhà báo Andrea Tornielli trong buổi giới thiệu quyển sách Chúa Kitô, Giáo hội và Thế giới của Đức Karol Wojtyla (Cristo, la Chiesa et il mondo, nxb. Vatican) ở Palazzo Pio, Rôma ngày 26 tháng 9 năm 2019. GRZEGORZ GALAZKA/SIPA / GRZEGORZ GALAZKA/SIPA

Cựu nhà báo tại “La Stampa”, ông Andrea Tornielli bây giờ là người trách nhiệm biên tập các phương tiện truyền thông khác nhau của Vatican. Trong một phỏng vấn với báo “Le Monde”, ông giải thích hoạt động của một cỗ máy truyền thông không giống ai, ông chia sẻ giữa quan tâm về thông tin và lòng trung thành với Giáo hội.

Sau mười lăm năm làm cho nhật báo Il Giornale của Ý và sau hơn một thập kỷ làm cho báo La Stampa, ông Andrea Tornielli đã dành phần lớn sự nghiệp của ông để đưa tin về Vatican. Ông là người công giáo sùng đạo, kể từ tháng 12 năm 2018, ông là giám đốc biên tập Truyền thông Giáo hội, vì thế bây giờ ông hoàn toàn thuộc về một tổ chức mà ông đã quan sát và bình luận trong suốt cuộc đời làm báo của ông. Ông vừa xuất bản quyển sách Cuộc đời Chúa Giêsu.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Monde, ông giải thích hoạt động của bộ máy truyền thông to lớn của Vatican, mà mọi người biết qua các cơ quan như Radio-Vatican, báo L’Osservatore Romano hoặc trang Vatican News.

Năm 2015, Đức Phanxicô quyết định cải cách hoạt động của các phương tiện truyền thông Vatican. Xin ông mô tả các cải cách này cho chúng tôi biết được không?

Andrea Tornielli. Cuộc cải cách đã tập hợp và sắp xếp hợp lý chín thực thể khác nhau và hoàn toàn riêng biệt. Các kênh phân phối vẫn giữ nguyên, với nội dung riêng, nhưng phạm vi nội dung đã tăng lên (cũng như các ngôn ngữ chúng tôi dùng hàng ngày) và hiện nay chúng tôi cùng dốc sức làm.

Tờ báo L’Osservatore Romano, Radio-Vatican, kênh Vatican Media hay trang Vatican News không nhất thiết phải có những mối liên hệ rất trôi chảy giữa họ. Mọi người làm việc riêng của mình. Vì thế chúng tôi tập hợp tất cả những điều này lại với nhau ở một nơi (trong khuôn viên lịch sử của Đài phát thanh Vatican, Cung Piô X), ở một trung tâm duy nhất, với mức lương chung và đào tạo chung. Tất cả đều dưới sự hướng dẫn của bộ truyền thông, bộ trưởng là ông Paolo Ruffini, một giáo dân có kinh nghiệm báo chí lâu năm.

Tổng cộng chúng tôi có khoảng 240 nhà báo đến từ 69 quốc gia khác nhau, làm việc với 51 ngôn ngữ khác nhau cho nhật báo, đài phát thanh và ba mươi bảy kênh ngôn ngữ của trang Vatican News. Chúng tôi quy tụ các nhà báo theo từng ngôn ngữ, để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc trôi chảy, nhưng cũng để thành những cơ quan đa phương tiện. Như thế một nhà báo nói tiếng Pháp phải có khả năng viết cho phần tiếng Pháp của Tin tức Vatican, hay làm phỏng vấn cho Radio-Vatican chẳng hạn.

Ngoài ra, với cùng một thông điệp của Đức Phanxicô, chúng tôi sẽ có thể diễn giải theo những cách khác nhau tùy thuộc vào công chúng mà thông điệp này gởi đến. Mỗi phân bộ sẽ giải quyết theo cách mà theo họ sẽ phù hợp nhất với bối cảnh của quốc gia địa phương. Chúng tôi có thể bị trách thiếu hợp nhất, thiếu nhất quán, nhưng theo tôi, tôi nghĩ điều này lại tạo ra những cách diễn giải rất phong phú.

Một trong những mong muốn của giáo hoàng là đưa phụ nữ vào  các phương tiện truyền thông của Vatican. Ông đã làm được?

Tháng 12 năm 2018 khi tôi nhận công việc thì đã có rất nhiều nữ ký giả rất có năng lực ở Vatican. Và tôi phải thừa nhận, khi có dịp tuyển các nhà báo, tôi và các cộng sự của tôi luôn cố gắng tìm người phù hợp nhất, có năng lực nhất để tuyển, bất kể họ là nam hay nữ.

Tuy nhiên, trong ba năm qua, phụ nữ đã trở thành những người phụ trách trong ban biên tập tiếng Ý của Radio-Vatican Vatican News (nhiều nhất trong số các phương tiện truyền thông của Vatican), ban biên tập tiếng Anh và ban biên tập tiếng Trung Quốc, và một phụ nữ chịu trách nhiệm về mạng xã hội. Chúng tôi cũng đã tuyển hai nữ biên tập viên tiếng Anh để thay thế cho hai nam nhà báo nghỉ hưu. Tôi nghĩ chúng tôi đang đi đúng hướng.

Dù vậy tháng 3 năm 2019, ban biên tập Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới (Donne Chiesa Mondo), của phụ trương báo L’Osservatore Romano và bà Lucetta Scaraffia, người đồng sáng lập trang này đã từ chức, tố cáo “bầu khí thiếu tin tưởng” với phụ nữ của tờ báo…

 

Tôi tôn trọng quyết định này. Với tư cách là giám đốc biên tập cơ quan truyền thông Vatican, tôi chưa bao giờ cảm thấy có một “bầu khí thiếu tin tưởng” nào, càng ít hơn trong ban biên tập của phụ trương Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới, vốn luôn được hưởng quyền tự lập. Ngược lại, tôi tin với ban biên tập mới của bà Rita Pinci (người kế nhiệm bà Lucetta Scaraffia), một nhà báo xuất sắc và được chuẩn bị kỹ lưỡng, là một phần của phong trào nữ quyền, phụ trương đã đạt được uy tín và có số lượng phát hành cao, tiếp tục con đường của bà Lucetta Scaraffia đã bắt đầu.

Chủ đề lớn của Giáo hội là vấn đề bạo lực tình dục. Ở Pháp, ủy ban Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) được giao nhiệm vụ để định lượng mức độ của tình trạng lạm dụng, với quyền tự do hành động và điều tra chưa từng có, với một phương pháp lấy từ khoa học xã hội (lịch sử, xã hội học, v.v.). Tuy nhiên, Ủy ban đã là chủ đề của nhiều lời chỉ trích trong Giáo hội. Làm thế nào để ông đề cập đến vấn đề này?

Dĩ nhiên chúng tôi đã có những bài viết về kết quả của Ủy ban Sauvé. Tôi biết các kết quả này gây tranh luận, nhất là phương pháp thống kê. Nhưng Ủy ban đã làm việc minh bạch trong phương pháp của họ, họ giải thích rằng họ dựa trên các dự đoán chứ không chỉ dựa trên lời khai. Một số người khẳng định thực tế đã bị biến đổi, phóng đại hoặc dù sao nó cũng không phản ánh thực tế. Tất nhiên, luôn có rủi ro. Nhưng điều quan trọng nhất là phải đi về đàng trước.

Ngày nay, trong tất cả các nước trên thế giới, chúng ta có các quy trình điều tra đang tiến hành về các chủ đề này, các quy trình này ít nhiều sẽ đi xa, sẽ được thực hiện ít nhiều nhanh chóng. Khó khăn nhất sẽ là thay đổi não trạng, giáo dục con người, trong và ngoài Giáo hội và mọi nơi trên hành tinh. Công việc này sẽ mất thời gian nhưng nó phải được thực hiện. Mỗi trường hợp bạo lực tình dục mới là một vết thương cho toàn thể Giáo hội.

Báo cáo Sauvé cũng đưa ra văn hóa cấm nói trong Giáo hội… Với tư cách nhà báo, ông nghĩ gì về điều này?

Trong quá khứ, đã có một văn hóa che đậy rất mạnh trong Giáo hội. Dứt khoát chúng ta phải thoát ra khỏi văn hóa này. Tôi nghĩ chúng ta đang sửa chữa nó, và Giáo hội ngày nay không giống Giáo hội cách đây ba mươi hay bốn mươi năm.

Trên khắp thế giới, chắc chắn ở các mức độ khác nhau, các giáo phận đang thực hiện các biện pháp để phá vỡ lệnh cấm nói này, phải tiến hành điều tra, phải đưa ra tòa mỗi khi có lời khai của các nạn nhân. Hai giáo hoàng gần đây đã cố gắng hết sức để đi vào con đường này, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm và công việc vẫn đang tiếp diễn.

Về phần tôi, loại phản ứng tùy thuộc vào các tình huống tôi biết. Nếu tôi trực tiếp phát hiện ra một trường hợp, chẳng hạn với người trong nhóm của tôi, luật buộc tôi phải thông báo cho hệ thống tư pháp và cấp bậc của tôi. Nhưng để có thể loan tin trên phương tiện truyền thông của chúng tôi, chúng tôi đòi hỏi phải có thông tin chính thức từ Giáo hội, ở Rôma, hay của giám mục của giáo phận liên hệ hoặc của hội đồng giám mục của đất nước liên hệ. Là phương tiện truyền thông của Vatican, đây là con đường để đi. Trước khi chuyển thông tin do người khác tiết lộ, chúng tôi phải chờ xác nhận của thể chế.

Ông giải thích thế nào về sự chậm trễ của chính quyền Vatican (và giới truyền thông Vatican) trong việc xử lý vụ linh mục Dòng Tên Marko Ivan Rupnik người Slovenia bị cáo buộc đã nhiều lần tấn công tình dục?

Tôi trả lời về những gì tôi chịu trách nhiệm, đó là nói về các phương tiện truyền thông Vatican: chúng tôi đã đăng các bài về vụ Rupnik ngay khi có các nguồn chính thức và đáng tin cậy, nghĩa là lúc Dòng Tên công bố lịch trình các sự kiện đó mở ra và các quyết định được đưa ra.

Ông nói vai trò của ông là “giúp để hiểu sự phức tạp của một chủ đề”. Điều này mang ý nghĩa gì, chẳng hạn trong chủ đề “Thượng hội đồng hiệp hành”, một tiến trình khổng lồ đang diễn ra nhằm mục đích thu thập ý kiến của các tín hữu trên khắp thế giới về tình trạng Giáo hội, ngay cả những ý kiến khác biệt nhất?

Chủ đề này có vẻ rất kỹ thuật đối với công chúng, trong khi trên thực tế, chúng ta đang kết nối lại với một trong những truyền thống lâu đời nhất của kitô giáo – trong lãnh vực này, truyền thống chính thống giáo đã duy trì tốt hơn chúng ta. Ý tưởng đơn thuần là xin tất cả các giáo phận trên thế giới thành lập các nhóm tín hữu, giáo sĩ hoặc giáo dân gặp nhau để suy nghĩ về tương lai của Giáo hội, chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ những khó khăn có thể xảy ra.

 

“Chúng tôi cố gắng chuyển tiếp tất cả các quan điểm”

 

Chắc chắn, bây giờ các giám mục sẽ tổng hợp và rút ra bài học từ đó, nhưng không phải mọi người đều có thể làm được. Dù sao chúng ta đang đi ra khỏi bối cảnh đã có từ lâu trong lịch sử, mỗi lần Giáo hội gặp khó khăn thì Giáo hội phải được Rôma trực tiếp quản lý. Vì thế trên các phương tiện truyền thông của chúng tôi, chúng tôi cố gắng trình bày cách thế nào quá trình này đã tái ghi lại trong lịch sử kitô giáo.

Tất nhiên, trong tiến trình đồng nghị này, có những bất đồng. Một số thực hiện công việc bao gồm đầy đủ giáo dân, một số khác thì ít hơn. Chúng tôi cố gắng loan tin tất cả các quan điểm về từng chủ đề, đồng thời mỗi lần chúng tôi đều nhắc lại quan điểm của Vatican. Chẳng hạn, trong ban tiếng Đức của chúng tôi, có nhiều bài viết về Con đường thượng hội đồng Đức, với tất cả các lập trường khác nhau đã được trình bày ở đó.

Mong muốn đưa ra tất cả các quan điểm có mở rộng chỉ trích nhắm vào giáo hoàng không? Những điều này đã nhân lên rất nhiều trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Đức Bênêđictô XVI qua đời…

Tất cả các giáo hoàng luôn là đối tượng của nhiều chỉ trích, kể cả bên trong Giáo hội. Chúng ta nhớ các phản ứng sau khi Đức Phaolô VI công bố thông điệp Sự sống Con người, Humanae Vitae năm 1968 (lên án biện pháp tránh thai bằng hóa chất). Sự khác biệt lớn ngày nay là từ các mạng xã hội. Các mạng khuếch đại các cuộc tranh cãi và tạo ấn tượng sai lầm rằng có nhiều người chỉ trích.

Về phần chúng tôi, tôi tin rằng sứ mệnh của chúng tôi là chia sẻ thông điệp của Đức Thánh Cha và đón nhận mọi tiếng nói của Giáo hội. Nhưng tất nhiên chúng ta không thể đặt tất cả các ý kiến trên cùng một mức độ.

Bên cạnh đó, tôi không nghĩ công việc của chúng tôi là châm ngòi cho tranh cãi. Ví dụ, vào tháng 1, chúng tôi đã phỏng vấn tổng giám mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI, tác giả quyển sách phê bình Đức Phanxicô, nhưng chúng tôi chỉ hỏi ngài về những giây phút cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI, chứ không hỏi về những lời chỉ trích ngài cáo buộc. Theo quan điểm của tôi, sự hiệp nhất của Giáo hội là quan trọng. Có nhiều cách khác nhau để chỉ trích. Và giáo hoàng thích cách thẳng thắn, trực tiếp, không thông qua các phương tiện truyền thông. Tôi tôn trọng điều đó.

Một chủ đề khác cũng nằm trong đặc quyền của ông: mạng xã hội. Ở Pháp, chúng tôi thấy sự xuất hiện của những nhân vật công giáo ngày càng nổi tiếng như nữ tu Albertine hay linh mục  Jasseron có mặt trên Instagram và cả trên TikTok. Vatican nắm giữ các phương tiện truyền thông mới này như thế nào?

Theo tôi, mạng xã hội không còn chỉ là công cụ trợ giúp cho truyền thông, mà là một phương tiện truyền thông mới. Chúng tôi cố gắng dùng chúng tốt nhất có thể. Chúng tôi có mặt trên Twitter, Facebook Instagram.

 

“Các phương tiện truyền thông mới rất cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng”

 

Chúng tôi có một nhóm đặc biệt làm việc trên các mạng xã hội: tương đương một người cho mỗi ban ngôn ngữ – với một số quốc gia ít có hay không được quyền truy cập vào mạng xã hội, trong trường hợp này, chúng tôi dùng các phương tiện truyền thống.

Gần đây, chúng tôi cũng đã tuyển bốn nhân viên để làm các podcast về nhiều chủ đề: từ các từ khóa của triều Đức Phanxicô (“Chìa khóa Thánh Phêrô”) đến tác phẩm của Đức Bênêđictô XVI (“Mục tử Bênêđictô”), hoặc lịch sử của những người nhập cư (“Tôi không phải là người tị nạn”), một podcast bằng tiếng Latinh (“Anima latina”), v.v. Chúng tôi cũng phát triển radio web.

Những phương tiện truyền thông mới này rất cần thiết cho việc truyền giáo và duy trì mối liên hệ với các tín hữu, giúp họ tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm ở khắp nơi trên thế giới. Hôm nay, nếu bạn đang ở Hoa Kỳ và muốn nghe các chương trình tiếng Armenia của chúng tôi, bạn có thể nghe được. Các phương tiện này giúp chúng tôi đến với các khán giả trẻ hơn, những người đang quay lưng lại với các phương tiện truyền thống. Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn học hỏi. Đây không phải là một quá trình chuyển đổi đơn giản, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang đi đúng hướng.

Giáo hoàng có mối quan hệ với các phương tiện truyền thông (mới) như thế nào?

Rõ ràng ngài thích báo viết, báo giấy hơn, cho các bài đọc cũng như cho giao tiếp của ngài. Nhưng ngài hiểu tầm quan trọng của mạng xã hội và khuyến khích chúng tôi đầu tư theo đường hướng này. Ngài cũng có tài khoản Twitter của riêng ngài, ngài dùng tài khoản này qua các nhóm của ngài để chia sẻ lời của ngài cho phù hợp và vào đúng lúc.

Ngài có ứng dụng gì trên điện thoại thông minh của ngài không?

Tôi nghĩ không chắc ngài có điện thoại thông minh! Ngài để cho các cộng sự viên của ngài làm. Khi ngài muốn gọi cho ai, ngài thích dùng điện thoại bàn hơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tiếng nói của giáo hoàng, tiếng kêu trong sa mạc