Régis Voirol: “Sa mạc là ý thức mình xa Chúa”

197

Régis Voirol: “Sa mạc là ý thức mình xa Chúa”

Régis Voirol, bên trái, cận vệ Thụy Sĩ từ năm 2015 đến năm 2017 | © Grégory Roth

cath.ch, Grégory Roth, 2018-03-28

Làm cận vệ Thụy Sĩ trong hai năm, kinh nghiệm này đã làm  cho cuộc đời của anh Régis Voirol trở nên phong phú. Suốt mùa hè năm 2017, anh đã đi bộ từ Rôma về Thụy Sĩ, thời gian này giúp anh ý thức thời gian anh trải qua giai đoạn sa mạc thiêng liêng khi anh ở Rôma.

Không bao giờ anh Régis Voirol có thể quên hai năm phục vụ Đức Giáo hoàng ở Rôma. Các kỷ niệm tích tụ từ tháng 2 năm 2015 đến tháng 5 năm 2017 làm chất liệu cho anh viết một quyển sách. Nhất là trong lần có biến cố di dân năm 2015 mà anh đã sống rất gần. Và trong những chuyến đi phân phối thực phẩm cho người di dân ở vùng ngoại vi Rôma cùng với ban tuyên úy của giáo hoàng.

Anh Régis Voirol nhớ lại: “Chúng tôi đến một trung tâm của người di dân. Đây là một xưởng cũ, nơi có bốn trăm người tị nạn ở chất đống, họ không có nhân viên săn sóc. Tôi còn nhớ đứa bé đầu tiên khi tôi đến gần, tôi cho em bé miếng bánh, em vừa ăn vừa khóc”. Với anh cận vệ Thụy Sĩ 24 tuổi này, quá dễ cho anh để mô tả kinh nghiệm sống ở Rôma trong chỉ một câu: “Giai đoạn này sẽ là giai đoạn quan trọng cho suốt cả cuộc đời của tôi”. 

“Sa mạc của tôi ở Rôma”

Dù vậy khi chúng tôi nhắc đến sa mạc với anh, anh rất ngạc nhiên. Đây không phải là chuyến đi 40 ngày dưới ánh mặt trời chói chang từ Rôma về Renens, Thụy Sĩ mà anh nghĩ đến đầu tiên. Không. “Sa mạc của tôi, thời gian mùa chay của tôi là thời gian tôi sống ở Rôma”. Điều này anh ghi nhận trong chuyến đi “hành hương” khi anh từ Rôma về Thụy Sĩ.

“Gác thánh lễ trở thành một gánh nặng”

“Ở Rôma, giữ đức tin cho mạnh là một chuyện khá rắc rối! Có lẽ khuôn khổ sống đã làm cho quan hệ của tôi với Chúa bị thử thách. Chẳng hạn, khi được giao nhiệm vụ gác trong thánh lễ, khi đó là một việc bắt buộc”. Anh Régis Voirol cho biết, đó là bắt buộc, vì thường phải đứng tám giờ, không nhúc nhích: “Đến mức, gác thánh lễ trở thành một gánh nặng. Dù phải rất cố gắng, nhưng khi làm xong nhiệm vụ thì tôi lại cảm thấy rất hài lòng”. Một cảm giác khó hiểu cho thanh niên trẻ công giáo quen thuộc với các nơi thờ phượng mỗi chúa nhật.

Régis Voirol: “Sa mạc là khi tôi ý thức mình cắt đứt liên lạc với Chúa” | © R. Voirol / DR

Bị giam hãm trong khuôn khổ làm việc

Anh ghi nhận: “Ở Rôma, tôi gặp Giáo hội. Trên đường về, tôi gặp Chúa một cách riêng tư”. Trong khi đi bộ, anh có thì giờ triết lý, nghĩ đến quá khứ, nghĩ đến tương lai và ngắm “vẻ đẹp của tạo dựng”. Và cầu nguyện. Không phải là anh không thể cầu nguyện trong hai năm làm việc. Anh cho biết: “Ngược lại, có những ngày tôi ở một mình, nhưng tôi luôn ở trong tình trạng phải làm việc”.

“Ở Rôma, tôi gặp Giáo hội. Trên đường về, tôi gặp Chúa một cách riêng tư”

“Sa mạc là khi mình ý thức mình cắt đứt liên lạc với Chúa”. Đối với anh Régis, kinh nghiệm sa mạc là một kinh nghiệm tốt đẹp vì nó cho mình biết mình thiếu cái gì. Theo anh, điều tệ nhất là khi mình nghĩ mình gần Chúa mà không ý thức mình đã cắt đứt liên lạc với Ngài. Anh còn nghĩ: “Về phần tôi, đó là điều đã xảy ra ở Rôma. Nhưng nó cũng có thể bắt đầu từ ngày mai”.

Các việc làm tốt đẹp của canh gác

Với anh Régis, không có chuyện chê bai đời sống trong trại. Đời sống cận vệ Thụy Sĩ đã dạy cho anh nhiều điều, các chạm trán, các cố gắng thể chất, các sự kiện bất ngờ, tất cả là một phần của cuộc sống. Anh giải thích: “Thật hữu ích khi nhận ra mọi thứ không thể nào như dự định. Chúng ta thường hay nói, thánh không phải là người không bao giờ té, nhưng là người đứng dậy sau khi bị té”.

Régis Voirol: “Chúa ở đó, chính tôi là người phải làm những gì phải làm để mình ở trước mặt Ngài.” | © Grégory Roth

Đặt lại câu chuyện của anh trong bối cảnh thật của nó. “Mỗi cận vệ có một con đường khác nhau. Có người tìm được đức tin khi đến Rôma. Có người đến đó thì mất. Còn tôi, tôi đã có đức tin trước khi đến đây và tôi đã giữ được đức tin, nhưng khi đi về, đức tin của tôi được gọi để thay đổi”. Những thay đổi nào? “Chẳng hạn ý thức Chúa có nhiều cách thể hiện khác nhau: qua các cuộc gặp gỡ, qua thiên nhiên. Ngài ở đó, chính tôi là người phải làm những gì phải làm để mình ở trước mặt Ngài”.

Cái nhìn về người khác

Một chuyện tốt lành khác của canh gác: “Phải có một liều lượng kiên nhẫn khi mình đại diện cho ‘hình ảnh của giáo hoàng’. Cần phải có thì giờ để nhận định!” Trong khi làm việc, anh Régis Voirol thường chạm trán với những người muốn gặp giáo hoàng ngay lập tức. Kinh nghiệm của người canh gác giúp cho anh nhìn những người này không phải là “người điên”. Và nhận ra mọi cách đối xử đều có một hoàn cảnh riêng.

“Không quyết định các quyết định lớn một cách nhanh chóng”

Régis Voirol là người con thứ năm trong một gia đình có bảy người con, từ khi còn nhỏ anh đã phát triển niềm đam mê quan sát cách đối xử của con người. Bây giờ, năng khiếu quan sát sự phức tạp nơi tính chất con người đã dẫn anh đến Phân khoa Luật của trường Đại học Lausanne, dù anh chưa quyết định sẽ đi vào lãnh vực nào. Với kinh nghiệm canh gác và sa mạc, các kinh nghiệm này sẽ bổ túc thêm cho anh, nhưng có một điều anh Régis tin chắc: “Không quyết định các quyết định lớn một cách nhanh chóng, như đôi khi môi trường sống đòi hỏi chúng ta. Để chọn cho mình những ưu tiên cho đời mình, mà không bị các quy tắc của xã hội áp đặt”. 

Mùa hè năm 2017, anh Voirol đi từ Rôma về Lausanne, Thụy Sĩ | © R. Voirol /

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Vệ binh Thụy Sỹ không chỉ là một quân đội, mà là một trường học đức tin