Vui mừng và hân hoan: Mười điều răn thánh thiện cho tất cả mọi người

1057

Vui mừng và hân hoan: Mười điều răn thánh thiện cho tất cả mọi người

fr.aleteia.org, Paul de Dinechin, 2018-04-09

Tông huấn thứ ba của Đức Phanxicô được viết theo phong cách nói chuyện, nói lên sự thánh thiện là ở tầm tay của mọi người. Và như thường lệ ngài có những câu đánh động mà ngài là người nắm bí quyết. Các lời hay ý đẹp trong tông huấn.

“Tất cả được gọi để nên thánh”, con sẽ làm được

Chúng ta luôn nghĩ thánh thiện là dành cho những người làm những việc không liên can gì đến đời sống hàng ngày như các linh mục, các nam nữ tu sĩ. Đời sống hàng ngày của họ là cầu nguyện. Nhưng Đức Phanxicô không nghĩ như vậy, ngài giải thích: “Chúng ta tất cả đều được gọi để nên thánh”, qua chứng tá cá nhân của mình trong đời sống hàng ngày. Ngài nhấn mạnh, nếu mình lập gia đình thì mình phải yêu thương người phối ngẫu và chăm sóc họ.

“Các thánh ở ngay cửa bên cạnh”, con sẽ cám ơn họ

Vì thế Đức Phanxicô mời gọi chúng ta quan sát một “núi chứng nhân” chung quanh mình, họ là “dân kiên nhẫn của Chúa”. Chẳng hạn như các cha mẹ yêu thương giáo dục con cái mình. Ngài giải thích.”Trong số họ, có thể là có chính mẹ ruột mình, bà nội, bà ngoại hay những người rất thân thuộc”. “Các thánh ở ngay cửa bên cạnh”, đó là chữ ngài dùng, các thánh này không nhất thiết phải được Giáo hội chính thức công nhận. Nhưng họ khuyến khích chúng ta không ngừng lại, ngược lại họ khuyên chúng ta tiếp tục lên đường, hướng về mục đích sống của mọi người đã được rửa tội: nên thánh. 

“Đừng sợ khi ngắm mục đích cao hơn”, con nhắc lui nhắc tới điều này

Theo Đức Phanxicô, sự thánh thiện này “không cất đi cuộc sống, không cất đi niềm vui”. Ngược lại, đó là điều mà Chúa đã nghĩ ra khi Ngài tạo dựng nên chúng ta. Vì thế chúng ta đừng sợ khi “ngắm một mục đích cao hơn”, thay vì chỉ ngắm chuyện tầm thường, giả tạo, và nhất là để mình được Chúa yêu thương, được Thần Khí hướng dẫn. Đức Phanxicô giải thích, thánh thiện không phải là làm cho mình “bớt người”, bởi vì đây là sự gặp gỡ của tính yếu đuối loài người với sức mạnh của ân sủng. Đức Phanxicô nhắc lại câu nói của nhà văn Pháp Léon Bloy: “Chỉ có một chuyện buồn, là không được là các thánh”.

Ở trong “đội quân của những người được tha thứ”, con sẽ học hỏi

Theo Đức Phanxicô, tất cả chúng ta phải biết, “chúng ta ở trong đội quân của những người được tha thứ”. Có nghĩa là “chúng ta đã được hưởng ơn của Chúa”. Vì thế Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải nhân hậu với nhau, “như người cha nhân hậu”. Đức Phanxicô xác nhận, phương cách mà chúng ta dùng để hiểu người khác và để tha thứ thì cũng là phương cách sẽ áp dụng cho chúng ta để chúng ta được tha thứ.

“Sức mạnh nội tâm”, con xin ơn

Theo Đức Phanxicô, có một chuyện thiết yếu: phải kiên nghị đặt trọng tâm vào Chúa Kitô. Ngài giải thích, Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ chúng ta, khi chúng ta biết được điều này thì sẽ giúp chúng ta có được sức mạnh nội tâm. Nhờ sức mạnh nội tâm, người công giáo có thể chịu đựng mọi nghịch lý và mọi thăng trầm của cuộc sống. Vì thế, các tấn công, các bất trung hay các lỗi lầm của người khác không làm cho tín hữu nao núng. Đó là nguồn bình an mà chúng ta có thể thấy nơi các thánh.

“Từng chi tiết nhỏ”, con để ý

Đức Phanxicô nhấn mạnh, Chúa Giêsu xin các môn đệ của mình chú ý đến các chi tiết. Thậm chí cả đến các chi tiết rất nhỏ. Chẳng hạn thiếu rượu trong tiệc cưới. Chẳng hạn con chiên đi lạc. Chẳng hạn chuẩn bị dầu trong trường hợp vị hôn phu đến trễ. Danh sách Đức Phanxicô kê ra thì dài. Tất cả đều là các chi tiết nhỏ của tình thương và phải biết gìn giữ nó. Theo Đức Phanxicô, việc chú tâm đến các chi tiết “tạo một nơi chốn cởi mở và để phúc âm hóa”, một “nơi chốn cho sự hiện diện của Đấng Sống Lại”.

“Dám có tinh thần tông đồ”, con sẽ dám

Với Đức Phanxicô, thánh thiện “cho đến cùng thế giới” được thể hiện qua việc dám làm tông đồ, mời gọi tín hữu kitô rao giảng Tin Mừng. Đức Phanxicô giải thích, Chúa kêu gọi chúng ta ra khơi, thả lưới ở biển sâu. Điều này có nghĩa Ngài mời gọi chúng ta dâng hiến đời mình cho công việc của Ngài. Vì thế phải có tinh thần dũng cảm làm tông đồ “loan báo Tin Mừng cho người khác và không biến đời sống kitô của mình thành viện bảo tàng kỷ niệm”. 

“Tài năng của phụ nữ”, con tôn trọng

Theo Đức Phanxicô, “tài năng phụ nữ được thể hiện qua các phong cách thánh thiện của nữ giới”, đó là điều thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Chúa trong thế giới này. Ngài nhấn mạnh: “Dù ở thời mà phụ nữ bị gạt ra bên lề thì Thần Khí cũng đã thúc đẩy các nữ thánh, sự tỏa rạng của họ tạo nên các đường lối thiêng liêng sinh động mới và các cải cách quan trọng trong Giáo hội. Sau khi nên tên các nữ thánh được Giáo hội công nhận, Đức Phanxicô còn nhắc đến các “phụ nữ không nổi tiếng, các phụ nữ bị lãng quên, mà mỗi người theo cách của mình đã nâng đỡ và làm biến đổi gia đình, cộng đoàn qua chứng từ mạnh mẽ của họ”.

Xin đọc: “Bakhita”, quyển sách về “sức mạnh của phụ nữ hôm qua và hôm nay” của Véronique Olmi

“Các ảo tưởng về tâm linh kết thúc trong sự xa cách với tinh thần tươi mát của Tin Mừng”, con tránh xa 

Đối với Đức Phanxicô, có hai lỗi sai trái liên quan đến người bảo thủ và người tiến bộ: tách chia ra các đòi hỏi của Tin Mừng về quan hệ cá nhân với Chúa, và cũng nghi ngờ về khả năng cam kết xã hội của giới thời thượng. Để tránh lỗi lầm thứ nhất, phải biết cách đọc thần học mà không dập tắt lời cầu nguyện thánh thiện hay lòng mộ đạo. Nhưng bên cạnh đó, minh triết kitô không được tách ra khỏi lòng thương xót với người anh em. “Cả việc bảo vệ người vô tội ngay cả khi chưa được sinh ra cũng phải rõ ràng, kiên nghị và nhiệt tình”. “Và đời sống của những người nghèo đã được sinh ra cũng là đời sống thiêng liêng”. 

“Các vũ khí để chống lại ác quỷ”, con sẽ sử dụng

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Tôi không tin sự thánh thiện mà không có cầu nguyện”. Ngài giải thích: “Đối với cuộc chiến thiêng liêng, chúng ta có các “vũ khí cực mạnh” của Chúa ban cho. Một cái bẫy cần phải tránh, đó là sự “thoái hóa thiêng liêng”. Đây thật sự là sự mù quáng mà mọi thứ tưởng như hợp pháp: lừa dối, vu khống, ích kỷ, các hình thức tinh tế của thói tự quy. Nhưng với “đức tin”, các tín hữu có thể đánh bại Thần Dữ. Niềm tin này được thể hiện qua lời cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, dự Thánh Lễ, dự giờ chầu, nhận phép hòa giải, làm các việc từ thiện, có đời sống cộng đồng và dấn thân trên con đường truyền giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc:Trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, Đức Phanxicô nói chuyện như một người cha thiêng liêng