Didier Grandjean, cựu cận vệ Thụy Sĩ muốn làm linh mục
Với 500 năm tuổi, sứ mệnh của đội cận vệ Thụy Sĩ là bảo đảm an ninh cho Giáo hoàng. Được đào tạo về cận chiến, bắn súng và bảo vệ cá nhân, sau khi làm việc ở Rôma, nhiều cận vệ Thụy Sĩ phục vụ trong ngành cảnh sát, canh gác biên phòng hoặc quân đội. Nhưng không phải tất cả: cựu cận vệ Thụy Sĩ Didier Grandjean, 34 tuổi muốn đi tu! Didier Grandjean bây giờ là chủng sinh.
vaticannews.va, Romano Pelosi, Vatican, 2024-08-06
Didier Grandjean nói đùa, anh mặc lại đồng phục nhưng đồng phục bây giờ không sặc sỡ bằng! Mùa hè này chủng sinh Didier ở giáo phận Fribourg, Thụy Sĩ về lại Vatican để làm một số việc trong Đội cận vệ huy hoàng này.
Anh học ngành làm vườn, anh vào Đội cận vệ từ năm 2011 đến năm 2019, bây giờ anh vào chủng viện.
Phỏng vấn chủng sinh Didier Grandjean
Cận vệ Thụy Sĩ: con đường đi đến ơn gọi
Môi trường gia đình và thành phố Fribourg anh ở thấm đậm kitô giáo. Thành phố Fribourg là nơi có trụ sở của một trong bốn khoa thần học Công giáo Thụy Sĩ (Lucerne, Chur, Lugano) đôi khi được gọi là “Rôma của Thụy Sĩ”.
Nhân dịp kỷ niệm 500 năm thành lập Đội cận vệ Thụy Sĩ năm 2006, anh Grandjean nhận được tờ quảng cáo sinh hoạt của Đội cận vệ: “Tôi luôn giữ tờ quảng cáo này ở tủ đầu giường vì nó luôn ở trong ký ức của tôi. Ký ức này này đồng hành với tôi trong suốt hành trình, chưa bao giờ tôi rời bỏ nó. Buổi họp thông tin này là yếu tố thúc đẩy tôi vào đội cận vệ.”
Anh học xong khóa tuyển quân của đội cận vệ Thụy Sĩ, tiêu chuẩn để được nhận vào quân đội lâu đời nhất thế giới, nhưng trên hết động lực phục vụ Giáo hoàng và Giáo hội của anh vẫn là tôn giáo.
Tiếp xúc với khách hành hương là động lực xúc tác cho đức tin
Năm 2011, anh vào Đội Cận vệ khi anh 21 tuổi, anh khám phá thế giới Vatican, sự hòa nhập này đã giúp anh phát triển đức tin. Công việc đa diện của Đội, đặc biệt ở các nơi kiểm soát ra vào như ở cổng Thánh Annà hoặc Dinh Tông tòa là những nơi tiếp xúc với khách hành hương từ khắp thế giới đổ về: “Trong thời gian phục vụ, việc tiếp xúc với khách hành hương đã làm tôi suy nghĩ về đức tin sâu đậm của họ, họ thể hiện một cách rõ ràng. Mặt khác, cô đơn và cô lập là đặc điểm chung của tất cả các cơ quan an ninh trên thế giới lại nổi bật: có những lúc chúng tôi chỉ có một mình trong các vị trí phục vụ ở Vatican. Tôi đã tận dụng những giây phút này để cầu nguyện, tĩnh tâm và suy ngẫm.”
Didier Grandjean trong bộ đồng phục Grand Gala: “Phục vụ trong Đội Cận vệ và với tư cách là linh mục phải thấm nhuần đức khiêm nhường”
Đáp trả ơn gọi
Cầu nguyện, suy niệm, suy tư gắn liền với những cuộc gặp đầy ấn tượng chung quanh vòm Đền thờ Thánh Phêrô đã mài giũa ơn gọi của Didier và đưa anh đến con đường làm linh mục. Một khám phá từ từ, anh giải thích: “Thuật ngữ ‘ơn gọi’ xuất phát từ chữ la-tinh ‘vocare’ có nghĩa là gọi. Đó là cuộc gọi, một cái gì đó tôi cảm thấy trong nội tâm. Với tôi, lời kêu gọi này phát triển từ từ, không phải là một tỉnh thức đột ngột. Điều này khác nhau ở mỗi người, nhưng với tôi đó là tiến trình tôi dần dần nhận ra Chúa đang gọi tôi làm một cái gì khác.”
Trên thực tế, ý tưởng làm linh mục đã nảy sinh trước khi anh vào Đội, nhưng khi đó anh còn quá trẻ. Anh cần thời gian để nhận ra bước quan trọng của ơn gọi: nhận ra tiếng gọi, chấp nhận và cuối cùng dấn thân. Anh giải thích: “Với tôi, làm cận vệ là con đường để được công nhận và trưởng thành, cả về mặt nhân bản lẫn tinh thần. Tôi cần thời gian để trưởng thành về mặt nhân bản, để nhận ra tiếng gọi, chấp nhận và dấn thân.”
“Đi, đó là con đường của con”
Sau khi quyết định vào chủng viện, anh được gia đình, bạn bè ủng hộ rất mạnh. Anh xúc động kể: “Là một ân sủng lớn lao khi tôi được mọi người ủng hộ, không ai ngăn cản tôi đi con đường này.” Điều làm anh xúc động mạnh là anh còn kịp thông báo tin này cho cha của anh, ông qua đời năm 2018: “Tôi rất xúc động vì cha tôi khuyến khích tôi rất nhiều, bà tôi cũng vậy. Tôi rất gần với bà, bà tôi qua đời một năm sau. Tôi biết bây giờ từ thiên đàng, họ đang theo dõi tôi. Tôi vẫn còn nhớ lời cha tôi dặn: ‘Con đi đi, đó là con đường của con’.”
Dù có một số người e ngại, nhưng chủ yếu tích cực đã mang lại cho anh tự tin và sức mạnh để đi trên con đường này. Anh làm chứng: “Tôi có cảm giác Chúa đang kêu gọi tôi làm một việc khác, theo một cách khác để tiếp tục phục vụ Ngài.”
Didier Grandjean chào Đức Phanxicô
Một thế giới thu nhỏ bao quanh sức sống của sự vĩnh hằng
Trong Vatican, Đội cận vệ bảo đảm an ninh cho Giáo hoàng. Hơi thở vĩnh cửu này tạo nên những khoảnh khắc đặc biệt, những khoảnh khắc quyết định trong đời của một cận vệ, định hình cho cuộc đời tương lai của họ. Với anh Didier cũng vậy: “Trong thời gian tôi phục vụ, thời điểm mang tính bước ngoặt cho tôi, đó là mật nghị năm 2013. Thật xúc động khi thấy sự kiện này quan trọng như thế nào về mặt lịch sử và tinh thần. Những điều phi thường đã xảy ra. Chúng tôi ở đó để phục vụ và đồng hành trong tiến trình này và thật ấn tượng khi thấy sự vĩ đại và bản chất siêu nhiên của Giáo hội vượt lên những điểm yếu của con người. Điều này đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi và làm tôi xúc động. Việc được gần với hai Giáo hoàng, Giáo hoàng Bênêđíctô XVI và giáo hoàng Phanxicô mang một ý nghĩa rất lớn với tôi. Thật là ấn tượng khi thấy họ dấn thân phục vụ Giáo hội, họ không tiếc công tiếc sức, luôn sẵn sàng phục vụ. Họ mang lại cho tôi mong muốn và sức mạnh để đến lượt tôi, tôi phục vụ.”
Ý thức phục vụ
Chúng ta có thể thiết lập mối liên hệ giữa việc phục vụ trong Đội cận vệ Thụy Sĩ cà cuộc sống của một chủng sinh không?
Trước hết, nhận thức việc phục vụ là điều quan trọng, dù trong Đội cận vệ, trong chủng viện hay với tư cách là linh mục. Phục vụ là trọng tâm. Đó là thông điệp mang tính quyết định.” Nhưng theo anh Didier, không nên bỏ qua một yếu tố quyết định khác của Đội, đó là tình bạn thân thiết.
Anh đã phát triển tình bạn này trong suốt 8 năm làm việc trong Đội. Là linh mục tương lai, có được nhiều bạn là một kho báu, vì cô độc là thách thức rất lớn cho các linh mục.
Cuối cùng, ý thức phục vụ, dấn thân cho người khác không phải là tất cả. Anh giải thích: “Còn có kỷ luật. Kỷ luật không chỉ đóng vai trò trong bối cảnh quân sự của một cận vệ, mà còn trong đời sống cầu nguyện của một linh mục. Một linh mục đọc các Giờ Kinh Phụng vụ, và đôi khi lời cầu nguyện như một cuộc chiến. Thật không dễ dàng để dành thì giờ cầu nguyện mỗi ngày.
Anh Didier Grandjean tại văn phòng của Đài phát thanh Vatican.
Tầm quan trọng của kỷ luật
Cuộc sống của một cận vệ đòi hỏi phải có một kỷ luật liên tục: áo quần sạch sẽ, cạo râu mỗi ngày, đồng phục hoàn hảo, thái độ thân thiện. Nhưng bản chất thực sự của kỷ luật là vị tha phục vụ, đi đôi giữa đồng phục và áo chùng.
Để kết luận, anh muốn nhắc lại khẩu hiệu của Giáo hoàng: Servus servorum Dei, tôi tớ của các tôi tớ Chúa. Và đúng vậy, phục vụ như một linh mục cũng là tiếp tục phục vụ trong tư cách cận vệ Thụy Sĩ.
Anh kết luận: “Trong Đội Cận vệ, chúng tôi phục vụ Giáo hoàng, Giáo hội và giáo dân. Chúng tôi thường nói chúng tôi là tôi tớ của các tôi tớ Chúa. Chính xác đó là điều quan trọng: chúng tôi phải khiêm tốn phục vụ hết mình.”
Didier Grandjean đã cho đời mình một món quà: hôm qua là người cận vệ, hôm nay là linh mục tương lai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch