Bà Asia Bibi và cô Rebecca Bitrus, “hai người tử đạo” của Đức Phanxicô
Nicolas Senèze, Rôma, 2018-02-26
Ngày thứ bảy 24 tháng 2-2018, Đức Phanxicô tiếp gia đình bà Asia Bibi, tín hữu kitô người Pakistan bị lên án tử hình vị bị gán vào tội phạm thượng và tiếp cô Rebecca Bitrus, một phụ nữ trẻ người Nigeria, nạn nhân của nhóm khủng bố Boko Haram. Điện Coliseum trong dịp này được thắp sáng màu đỏ, màu của các vị tử đạo.
Đức Phanxicô nói với cô Eisham, con gái của bà Asia Bibi: “Cha thường nghĩ đến mẹ con và cha cầu nguyện cho mẹ con”. Đây là lần thứ nhì Đức Phanxicô gặp cô Eisham và cha của cô, ông Ashiq Masiq.
Cô Rebecca Bitrus là tín hữu kitô người Nigeria 28 tuổi, cô bị bắt cóc, bị nhóm khủng bố Boko Haram giam giữ trong vòng hai năm. Bị bứt ra khỏi chồng mình, cô bị buộc kết hôn với một trong những người hồi giáo nhốt cô, cô mang thai và sau đó trốn thoát được.
Điện Coliseum thắp sáng màu đỏ
Hiệp hội giáo hoàng Giúp Giáo hội đang gặp Khó khăn (Église en détresse, AED) đã đứng ra tổ chức cuộc gặp này, Hội cho biết, cuộc gặp kéo dài 40 phút và “Đức Phanxicô muốn đặc biệt cầu nguyện cho bà Asia Bibi và cho tất cả phụ nữ còn bị nhóm khủng bố Boko Haram bắt giữ.
Sau khi nghe lời chứng của họ, Đức Phanxicô khẳng định: “Lời chứng của Rebecca và của Asia Bibi tiêu biểu cho xã hội ngày nay, xã hội luôn sợ trong đau khổ. Đó là hai vị tử đạo”.
Buổi chiều, theo sáng kiến của Hiệp hội giáo hoàng Giúp Giáo hội đang gặp Khó khăn (AED), các nạn nhân đã làm chứng trước điện Coliseum, trong dịp này Điện đã thắp sáng màu đỏ, cũng như các tòa nhà biểu tượng ở hai thành phố Mossul (Irak) và ở Alep (Syria).
“Đức Phanxicô gọi bà Asia Bibi là người tử đạo”
Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin nhấn mạnh: “Hai thành phố Alep và Mossul là biểu tượng cho sự đau đớn khôn cùng gây ra do chủ nghĩa cuồng tín và các lợi ích địa chính trị”, Đức Hồng y lấy làm tiếc là “tự do tôn giáo thường xuyên bị đe dọa, cả cho tín hữu kitô và tín hữu các tôn giáo khác”.
Nhắc đến trường hợp của bà Asia Bibi, Đức Hồng y Parolin nói .”Đức Phanxicô xem bà Asia Bibi là người tử đạo và hy vọng trường hợp của bà sẽ sớm được giải quyết”. Ngài khẳng định, quyền tự do tôn giáo và quyền tuyên xưng đức tin phải được tôn trọng. Ngài cũng nhắc đến số phận của tín hữu kitô ở Irak: “Miền Trung Đông mà không có tín hữu kitô là phi lý: họ là thành phần nền tảng của vùng đất này”.
Trước Điện Coliseum được thắp sáng, cô Rebecca Bitrus kể câu chuyện thương tâm của mình khi cô ở trong bàn tay của quân khủng bố Boko Haram. Cô vừa khóc vừa kể: “Họ bắt tôi phải bỏ đạo kitô, họ tra tấn tôi. Họ vứt đứa con trai một tuổi của tôi xuống dòng sông. Họ hiếp tôi và bắt tôi lấy một ông chồng khác”. Một loạt bắt cóc các cô gái trẻ vừa xảy ra ở mièn bắc Nigeria.
Về phần mình, cô Eisham, con gái của bà Asia Bibi cho biết, cô bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh mẹ của cô bị mang một sợi dây ở cổ: “Họ muốn mẹ tôi lấy một người hồi giáo, mẹ tôi nói bà không từ bỏ đức tin và gia đình mình”.
Năm 2009, bà Asia Bibi bị kết án vào tội phạm thượng, bà bị bỏ tù, bị lên án tử hình sau một vụ gây gổ với một phụ nữ hồi giáo, vì bà đã uống nước trong cùng một ly, mà việc này dưới mắt các bà trong làng, họ cho là không trong sạch.
Tòa án tối cao Pakistan hoãn vụ kháng cáo của bà Asia Bibi vô thời hạn, vụ này cho thấy sự thiếu sót trong luật pháp Pakistan, một hệ thống thường bị công cụ hóa để giải quyết các vụ mâu thuẫn cá nhân, qua việc lan truyền các vụ kết tội giả mạo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô gặp người chồng của bà Asia Bibi trong một buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô năm 2015. Bà Asia Bibi là tín hữu kitô bị lên án tử hình vì bị cho là phạm thượng ở Pakistan.