Andrew Greeley – An nghỉ ngàn thu

189

Andrew Greeley – An nghỉ ngàn thu

Ronald Rolheiser, 2013-06-09

Vào cuối thập niên 1960, khi còn là một chủng sinh trẻ, tôi rất say mê các bài viết của linh mục Andrew Greeley ở Chicago, cha viết rất nhiều sách về linh hướng đại chúng. Tôi thấy cách tiếp cận của cha làm tươi mới con người đến kỳ lạ, vì, ít nhất theo ý tôi, cha đã thương thảo với những cuộc đấu tranh thiêng liêng triền miên của chúng ta theo một cách vừa hiện thực vừa đầy hy vọng hơn hầu hết các tác phẩm tôn giáo tôi từng biết cho đến lúc đó. Cha là chiếc bánh thiêng liêng tôi cần, khi đi tĩnh tâm để khấn trọn, tôi đem theo hai quyển sách của cha. Cha đã giúp tôi nhận định để có một quyết định.

Tuần trước, cha qua đời ở tuổi 85, sau một thời gian bệnh nặng vì bị té vào năm 2008. Có lẽ, kỳ vĩ là từ đúng nhất để mô tả các thành quả của cha, vừa cả hai lãnh vực viết lách và giảng dạy. Cha đã viết hơn 120 quyển sách, nhiều quyển mang tính học thuật, và vô số bài báo cũng như tiểu luận cho các báo thế tục cũng như tôn giáo. Trong toàn bộ tác phẩm, có lẽ cha nổi tiếng nhất trong thể loại tiểu thuyết, với số phát hành mà hầu hết các văn sĩ phải ganh tỵ. Vì công trình đồ sộ và được nhiều người biết đến, nên hay có những châm biếm trong lãnh vực học thuật cũng như tôn giáo, kiểu: “Chưa có suy nghĩ nào của Andrew Greeley mà chưa được xuất bản!” Tôi ở cả hai lãnh vực này nên có thể cam đoan ganh tỵ không phải là chuyện lạ gì trong đó. Người ta không ưa Greeley, hơn bất cứ lý do nào khác, có lẽ là do cha đã làm được rất nhiều việc, chứ không phải vì khối lượng tác phẩm đồ sộ để lại như nhiều người trong số chúng ta nghĩ.

Nhưng cũng có những lý do khác khiến cha bị chỉ trích, một trong những lý do đó là nét đặc biệt và phần khác là do cá tính của cha. Người bảo thủ thì cho rằng bất kính và quá tự do. Buồn cười thay, người tự do lại không thích cha vì cho rằng cha quá sùng đạo, quá bảo thủ. Và rồi còn do cá tính của cha. Cha không dung thứ cho những ai ngu ngốc chỉ trích cha một cách dễ dàng. Chỉ trích Andrew Greeley là dấn thân vào một cuộc chiến. Không ai có thể núp trong bụi rậm an toàn để chọc phá cha được. Cha lôi họ ra và thách thức một cuộc chiến công khai với họ. Đó không phải là cách để sống dễ dãi với tất cả mọi người.

Vì tôi lúc nào cũng là một trong những người ủng hộ cha, nên tôi không bao giờ đương đầu với cha. Khi các tiểu thuyết của cha chung chung bị chỉ trích “hời hợt và tồi” và  “có hại cho đức tin Công giáo,” tôi đã đứng về phía cha, lên tiếng bảo vệ như sau: “Không ai bỏ giáo hội vì đọc tiểu thuyết của Andrew Greeley, nhưng có nhiều người ở lại với giáo hội nhờ đọc tiểu thuyết của cha.”  Greeley thấy câu này trên một bài báo của tôi, cha viết thư cho tôi, muốn tôi cho phép cha đăng câu này trên trang bìa các tiểu thuyết sắp tới của cha, và cha thường làm như vậy.

Lập luận bảo vệ của tôi: Những than phiền thường thấy nhất là: “tồi và sặc mùi tính dục.” Ngược lại thì đúng hơn. Với tư cách là tác phẩm văn học, các tiểu thuyết của cha còn bị thử thách hơn, vì quá sùng đạo và thường là những biện giáo cho Công giáo không được kín đáo lắm. Bất cứ ai đọc cho đúng tiểu thuyết của cha cũng thấy đây là một người sốt sắng sâu sắc, quá yêu mến giáo hội mình, và không tinh vi đủ khi bảo vệ giáo hội. Hơn nữa, cha luôn luôn xem tính dục như một điều gì thiêng liêng. Các chỉ trích không chấp nhận như thế nhưng đặc nét của cha khi viết về tính dục rất gần với tinh thần của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và quyển Thần học về Thân xác của ngài. Ngoài ra, sức mạnh của các tiểu thuyết của cha nằm ở việc kể chuyện. Không một ai, kể cả chính cha Greeley, lại lẫn lộn văn phong của cha với văn phong của Toni Morrison hay John Steinbeck, cha là một người kể chuyện tuyệt vời, và hầu hết tiểu thuyết của cha đều kể rất hay.

Tôi không thể tự nhận mình là bạn của cha được, dù thỉnh thoảng có trao đổi thư từ, nhưng chúng tôi chỉ gặp nhau đúng một lần. Khoảng một năm trước tai nạn định mệnh của cha, khi cha còn giảng dạy tiết mùa đông ở Arizona, tôi đến Tucson để diễn thuyết, cha mời tôi ăn tối tại nhà hàng Mexico yêu thích của cha. Chúng tôi nói chuyện về thần học và văn học, nhưng gần như cha chỉ chia sẻ về lòng mến mộ dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ là cộng đoàn của tôi, và hồng y Francis George ở Chicago của cha, cũng thuộc Dòng chúng tôi. Cha cũng nói về đội bóng chày Chicago Bulls, đội cha ngưỡng mộ. Tôi mời cha đến thăm trường chúng tôi, nhưng cha từ chối, cha nói đến tuổi này cha cố tránh đi máy bay hết sức có thể. Tôi rời nhà hàng, lòng cảm kích vì đã có dịp gặp một con người phi thường, và là người mà tôi nợ một món nợ ân nghĩa quá lớn.

Nhà nhân chủng học Mircea Elieade đã bình luận “không cộng đồng nào được làm hỏng cái chết của mình.” Một lời cảnh báo đúng. Một nhân vật Công giáo lớn đã qua đời, và chúng ta, bạn bè cũng như người phê phán cha, cần phải nhận ra những gì cha đã đem lại cho chúng ta. Như các nhà biện giáo kitô giáo trước cha là Tolkien, Lewis, và Chesterton, cha cũng đã gắng cố để đem lại cho niềm hy vọng bên trong chúng ta một lý lẽ để dựa vào, và cha đã thành công trong việc này, thành công tuyệt vời.

J.B. Thái Hòa dịch