Trong lần đưa di hài Cha Piô về Rôma ngày 3 tháng 2-2016
Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Người ta chen nhau đến hàng loạt chung quanh Cha Piô. Đa số giáo dân đến với ngài là các ông, các bà muốn trở lại sau một thời gian lang thang lầm đường lạc lối và cha hướng dẫn họ về với Chúa. Các phương pháp làm cho giáo dân trở lại của cha gây ra nhiều tranh luận: Cha Piô có cách đối xử thô bạo, đôi khi rất hung dữ, làm cho giáo dân lạc hướng. Nhưng trong cách đối xử này có những lý do rất sâu đậm. Khi giáo dân cho cha biết, sự thô bạo của cha có thể làm cho họ bối rối và có thể làm xa các linh hồn, cha trả lời: “Tôi, tôi đối xử với các tâm hồn theo những gì Chúa chỉ cho tôi”. Và những linh hồn mà Chúa chỉ cho cha, các linh hồn này cần những “chấn động” mà không có các chấn động này, họ sẽ không xa sự dữ. Chúng ta biết có một vài bệnh có thể chữa bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật. Người ta cần đến phẫu thuật khi không chữa được bằng thuốc. Tôi nghĩ Cha Piô có thể xem như nhà “giải phẫu của tâm hồn”. Khi cha buộc phải làm cho một linh hồn chấn động, thì linh hồn này có thể bị bối rối và phật ý lúc đó; nhưng nếu linh hồn này chân thành muốn được cứu thì cuối cùng họ sẽ trở về với Cha Piô. Như thế, theo cha, cách này là một chiến thuật, chứ không phải là đổ cơn giận.
Trong vòng một tháng rưỡi sau khi cha qua đời, tôi đến cầu nguyện trên mộ cha. Nhân dịp này, tôi muốn gặp cha Pellegrino Funicelli, người đã ở bên cạnh Cha Piô trong những giây phút cuối. Tôi hỏi cha Funicelli về sự thô bạo của Cha Piô. Cha nói với tôi, cha đã từng chứng kiến các vụ cãi lộn này. Có một lần là với một phụ nữ trước cửa tu viện. Nhưng một khi cánh cửa đã đóng và khi Cha Piô đã vào bên trong, thì cha bình thản và yên bình như chẳng có gì xảy ra. Tôi nhận xét, một cơn giận đích thực thì sẽ không nguội nhanh như vậy.
Cũng có những lý do khác cho sự thô bạo này. Cha Piô nhận thức rất rõ các giới hạn của tạo vật khi đứng trước mặt Chúa, cha không chịu đựng được khi thấy sự tôn sùng, cuồng tín mà cha là nạn nhân, nên cha phản ứng một cách hung bạo đối với các thái độ này. Phải biết là dưới lớp võ sù sì này là một tâm hồn rất dịu dàng và rất nhạy cảm; có thể cha tìm cách tự bảo vệ mình để không phản lại bản chất của mình. Như thế các khác biệt về cách đối xử của cha phải được xem xét rất cẩn thận.
Được gọi trong giấc ngủ
Một kỹ sư trẻ ở Bologne từ lâu không còn giữ đạo, một ngày nọ anh nằm mơ thấy Cha Thánh Piô. Cha chăm chăm nhìn anh rất lâu, trước khi biến mất, cha nói với anh: “Khá khen cho con, con đã chịu đựng được cái nhìn của cha!”
Anh kỹ sư không biết Cha Piô là ai vì anh chưa bao giờ thấy, cũng chưa bao giờ nghe nói về cha. Dù vậy, giấc mơ này làm anh hiếu kỳ, anh muốn biết cha là ai.
Một ngày nọ, anh nghe nhắc đến tên cha. Khi đó anh cảm thấy bối rối, vừa rất mong biết cha, vừa bất ngờ thấy lương tâm mình thức tỉnh. Anh muốn đi ra khỏi tình trạng này nhưng thấy mình chưa đủ mạnh lúc đó. Vì thế anh ngủ yên trong tính trơ ì của mình, và tám năm trôi qua…
Phải có một tai họa để thức anh ra khỏi tình trạng đờ đẫn này: một trận động đất xảy ra ở Bologne. Anh kỹ sư quyết định đi xe lửa đến San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô; nhưng sau khi đi vài cây số thì anh cảm thấy choáng váng, anh phải về nhà. Bù lại cho chuyến đi không thành, anh viết thư cho Cha Piô. Cha Piô trả lời cho anh qua một cha bạn, cha này viết thư khuyên anh nên kiên nhẫn, cầu nguyện, làm việc thiện trong khi chờ đợi thời gian thuận tiện.
Một thời gian sau, sau khi hỏi thăm tin tức qua một vài giáo dân của Cha Piô, anh lên đường đi San Giovanni Rotondo. Khi anh thấy Cha Piô ở tu viện, cha có cùng thái độ khi cha hiện ra trong giấc mơ cách đây tám năm. Anh quỳ gối xuống, vừa khóc vừa bập bẹ: “Thưa cha, danh thánh thiện của cha con đã biết từ tám năm nay”. Cha Piô trả lời: “Cái đó có giúp con không? Con đã phản ứng theo sở thích của con! Con hãy thay đổi cuộc sống, con của cha!” Lần này, anh kỹ sư nghe lời cha ngay. Anh xưng tội rồi trở về Bologne, anh thay đổi, anh kể những gì đã xảy ra với anh cho cha mẹ và bạn bè của anh biết.
Con chiên đi lạc trở về
Giáo sư Felice Checcacci ở thành phố Genova nước Ý là văn sĩ và là nhà soạn nhạc nổi tiếng, ông thật sự đúng là con chiên đi lạc… Và đúng vậy, từ bốn mươi năm nay ông sống ở Á châu, ông không còn giữ “căn cước” kitô hữu của mình, ông quay qua các tín ngưỡng khác, thậm chí còn cho kitô giáo là một nhánh của ấn giáo, phật giáo.
Về lại Ý, ông có dịp đọc tác phẩm của nhà văn Alberto Del Fante về Cha Piô: “Từ hoài nghi đến đức tin” (Dal dubbio alla fede), sau đó ông đọc tác phẩm “Để cho lịch sử” (Per la Storia) cũng cùng tác giả. Hai quyển sách này đã lay động ông đến tận cùng. Một ngày nọ, ông nằm mơ thấy Cha Piô đến nói với ông: “Đến gặp cha!” nhưng ông không để ý đến. Dù vậy, hai, ba tháng sau Cha Piô lại xuất hiện trong giấc mơ và nói với ông: “Cha chờ con đã lâu nhưng con không đến”. Dù cha có nhắc nhủ, nhưng ông cũng không để ý.
Một thời gian sau, trong một đêm mất ngủ, giáo sư Checcacci thấy cha đi vào phòng, đến gần ông và nói: “Nếu con không đến được thì con viết cho cha!” Giáo sư Checcacci không chút nghi ngờ về sự hiện diện thật sự của Cha Piô: ông thấy cha, ông nghe cha nói và ông kinh ngạc. Ông nhảy ra khỏi giường để đến gần cha và nói với cha, nhưng cha đã biến mất.
Sáng hôm sau, ông viết thư cho Cha Piô và xin cha cho ông được bình an tâm trí. Hai ngày hôm sau, khi ông ở một mình vào buổi chiều, ông cảm thấy toàn thân rúng động và cùng lúc ông nghe một tiếng nói bên trong nói với ông: “Đức tin là không bàn cải: hoặc con nhắm mắt chấp nhận, hoặc con từ chối. Không có con đường trung gian: con phải quyết định!”
Bỗng nhiên như có một ánh sáng rọi vào tâm hồn, ông tìm lại được đức tin, ông sống thanh thản và ông trở thành một chứng nhân trung thực.
Người nông dân ăn chay
Ông Andréa Bacile là một nông dân sống ở San Martinô, Pensilis. Ông không bao giờ đặt chân tới nhà thờ và cũng không chịu các phép bí tích. Ông tự nhận mình là người vô thần, không cần đến tôn giáo. Ông có vợ con, ông chăm sóc và thương yêu gia đình. Nhưng không phải lúc nào ông cũng đồng ý với vợ. Một ngày nọ, ông gây vợ dữ dội. Ông đi ngủ mà lòng vẫn còn tức tối. Ông chưa tắt đèn, bỗng ông thấy Cha Piô đứng trước mặt ông. Vì đã nhìn thấy hình của cha, nên ông biết ngay đó là cha. Không giao động, ông nói với cha: “Xin cha giải tội cho con”. Nhưng cha trả lời: “Không!” và biến mất.
Ngày hôm sau, ông Bacile làm hòa với vợ, và bụng đói, ông lên đường đi San Giovanni Rotondo.
Ông phải mất ba ngày mới đến được tu viện, người mệt lã và bụng đói meo. Nhưng ông muốn xưng tội ngay. Cha giải tội cho ông, dù chưa bao giờ nghe nói về ông, cha nói: “Bây giờ con đi ăn được rồi!”
Sự nghiêm khắc được biện minh
Một phụ nữ người Anh đến San Giovanni Rotondo để xưng tội với Cha Piô, ngồi trong tòa giải tội cha thấy bà, cha đóng sầm cửa thật mạnh và nói với bà: “Với bà, tôi không có thì giờ”. Chúng ta hình dung được sự kinh hoàng của bà này và những người chung quanh khi họ chứng kiến cảnh này: “Vì sao Cha Piô lại đối xử với bà này như vậy?…” Một vài tín hữu nhắc cho cha biết, bà này ở xa đến để xin xưng tội với cha, nhưng cha coi như không nghe.
Cứ như thế trong vòng hai mươi ngày: người phụ nữ Anh đến, Cha Piô lại đuổi. Cuối cùng cha quyết định giải tội cho bà. Vì bà than phiền phải chờ lâu mới được xưng tội, cha nói: “Tội nghiệp cho con mù quáng, thay vì con phải tự trách mình vì sao cha nghiêm khắc như vậy, tự hỏi mình làm thế nào mà lòng thương xót Chúa có thể tiếp nhận mình sau bao nhiêu năm phạm sự thánh như vậy. Con có biết những gì con làm là khủng khiếp ghê lắm không? Ai phạm sự thánh thì người đó tự lên án phạt mình, nếu không có ơn đặc biệt do những tâm hồn ở rất gần với Chúa xin thì người đó không thể được cứu. Để giữ thể diện, con đã đi rước lễ trong nhiều năm trời, bên cạnh mẹ con, chồng con, trong khi con ở trong tình trạng phạm tội trọng?” Sự bộc lộ đau nhói sắc bén của Cha Piô đã đánh động đến tận tâm can bà, bà ăn năn các tội trong quá khứ của mình, bà xưng tội và được Cha Piô ban phép giải tội. Từ đó bà thay đổi cuộc sống hoàn toàn, sốt sắng sống đạo để chuộc tội mình.
Tội ác đã không xảy ra…
Người đàn ông đến gặp Cha Piô ngày hôm đó là týp người có thể phạm tội ác một cách lạnh lùng, dứt khoát mà không gì có thể ngăn bàn tay họ lại. Người này muốn bỏ vợ nhưng bỏ làm sao để tội ác của mình ẩn giấu đàng sau lý do sùng đạo.
Vì thế, với lý do đi gặp Cha Piô, ông kéo vợ đi theo, định giết bà một cách thật quỷ quái. Khi đến San Giovanni Rotondo, ông đến nhà thờ các cha Capuxinô và vào phòng thánh. Cha Piô ở đó và đang nói chuyện với một vài người. Khi thấy người đàn ông, cha rời mấy người cha đang nói chuyện ngay lập tức, cha đi về phía ông và hung bạo đẩy ông ra khỏi cửa, cha hét vào mặt ông: “Đi! Đi! Cút đi! Mày có biết là cấm không được để bàn tay dính máu không? Cút đi!”
Người đàn ông khốn khổ hốt hoảng, điên lên vì giận, ông chạy ra khỏi nhà thờ dưới sự bàng hoàng của mọi người. Tuy nhiên lời nói và cử chỉ đầy quyền uy của Cha Piô đã đánh động ông đến mức ông không thể ngủ được tối hôm đó. Sáng hôm sau, ông trở thành một con người khác.
Ông đến tu viện, Cha Piô tiếp ông, lần này cha rất dịu dàng với ông, giải tội và xá tội cho ông. Và để cho trọn cuộc viếng thăm, trước khi ông ra đi, cha nói: “Con luôn muốn có con phải không?” Quái dị, Cha Piô còn biết chuyện này nữa à? Ông chỉ biết trả lời là “có”. Khi đó cha nói thêm: “Như vậy con đừng xúc phạm đến Chúa nữa và con sẽ có con”.
Đúng vậy, một năm sau ông đến gặp Cha Piô để mừng lễ rửa tội đứa con trai của mình và để củng cố cho sự trở lại của ông.
Marta An Nguyễn dịch