Ngành du lịch và nạn nghèo đói, một cuộc gặp gỡ vị tất có thể

149

Nhóm Từng Bước Một, 30-12-2014

Từ một tuần nay chúng tôi đến Á châu và Cao Miên. Chúng tôi rời thành phố La Pincoya với tất cả thói quen chúng tôi có ở Argentina. Lần này thì trong những điều kiện khá đặc biệt, cha mẹ chúng tôi đi gặp chúng tôi vào dịp lễ Giáng Sinh! Một tuần lễ gặp nhau và nghỉ ngơi trước khi chúng tôi đến một cộng đoàn mới trong hai ngày sắp tới.

Được linh mục Bruno Cosme thuộc tổ chức Sứ Mạng Truyền giáo của Paris (MEP) đón tiếp, chúng tôi rơi vào một thế giới hoàn toàn mới. Chúng tôi đi ra khỏi nhịp sống trong khuôn khổ của cộng đoàn ở Chí Lợi, bây giờ chúng tôi bị thúc đẩy và mở ra với các chân trời khác, đó cũng là mục đích của chuyến đi vòng quanh thế giới của chúng tôi, vì thế chúng tôi rất phấn chấn, vì ở đây tất cả mọi sự đều khác, đều lạ. Mỗi ngày là một chuỗi khám phá khác nhau, vừa ngạc nhiên vui vẻ nhưng cũng vừa choáng váng!

Cách đây ba ngày chúng tôi đến thăm ngôi làng nổi Kampong Phluk, ngôi làng đánh cá nhỏ ở một trong những làng trên giòng sông nổi Biển Hồ (Tonlé Sap), một hồ lớn nhất Đông Nam Á. Những căn nhà sàn truyền thống bằng gỗ, đóng cọc cao hơn 5 mét, lôi cuốn du khách thích tìm nét lạ và thích chụp những tấm hình đẹp. Người dân Kampong Phluk gần như tất cả đều là ngư dân đánh cá trên hồ, họ sống đơn sơ mộc mạc, lợi lộc từ khách du lịch chỉ có một thiểu số rất ít biết nói tiếng Anh hưởng. Chúng tôi tản bộ trên con đường chính của làng, con đường náo nhiệt nhất, nơi có kê cả chục cái bàn để làm đám cưới. Trời đẹp, bầu khí lễ hội, ngôi làng duyên dáng nhưng chúng tôi không thật sự thấy thoải mái.

Ở Nam Mỹ chúng tôi cũng đã gặp những trường hợp nghèo khổ tương tự, thậm chí rất khổ cực, cũng với những em bé vui vẻ tươi cười, cũng đi chân đất, cũng dơ bẩn chơi ngoài đường bên cạnh đống rác. Nhưng lần này thật sự tôi không thấy thoải mái chút nào. Tôi có cảm tưởng như tôi không thể nào bắt chuyện được với người dân ở đây, nói chuyện với họ hay trao đổi ánh mắt nhìn với họ, như thử có một màn chắn vô hình ngăn họ với tôi. Đi bộ trên con đường này tôi có cảm tưởng như đi trong sở thú, nhìn nhưng không gặp, nhìn chòng chọc vào nhau nhưng không trao đổi với nhau được gì.

Chắc chắn chúng tôi không phải là người Cao Miên và cũng không ai trong chúng tôi nói được tiếng Miên, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng tôi, những du khách, đương nhiên là được liệt kê vào loại này. Mà du khách thì trước hết là túi tiền!

Mà cũng đúng, em bé hay người lớn nào để ý đến chúng tôi hay nói chuyện với chúng tôi thì y như rằng họ khó khăn để giấu hy vọng duy nhất của họ nơi chúng tôi là xin được mấy đồng: giữa các cây nhang gần tượng Phật, hộp cúng cho người nghèo và mua tập vở cho học sinh…

Khi biết lương công nhật của họ chỉ 4 ơrô mỗi ngày thì làm sao mà buồn họ được. Họ cũng có lý khi muốn có tiền từ những chiếc túi đầy ắp… đôla này! Từ mười lăm năm nay càng ngày càng có nhiều du khách Nhật hay Âu châu đến thăm họ hay đúng hơn nhìn họ trong phong cảnh ngoạn mục này. Du khách đến vài giờ với Iphone, với máy chụp hình rồi lẳng lặng ra đi. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng lẳng lặng ra đi với đầy ắp hình ảnh lạ trong máy.

Chúng tôi không còn là những “sứ giả truyền giáo” được tôn trọng, được đón tiếp nồng nhiệt, được mời uống nước và được người dân đến thổ lộ vấn đề của họ. Chúng tôi không còn hòa được trong đám đông để có thể che giấu một vài dấu hiệu giàu có.

Đó cả là một thử thách bất ngờ trên những gì chúng tôi chờ đợi ở châu lục này, vượt quá hình ảnh mà người ta có thể thấy ngay lập tức, hình ảnh của những du khách Âu châu giàu có; bước qua hàng rào ngôn ngữ và văn hóa ngăn cách người Cao Miên với chúng tôi để có thể có một cuộc gặp gỡ đích thực, tôn trọng nhau. Dù vậy chúng tôi thấy cuộc gặp gỡ này là điểm có thể thực hiện được, nhưng qua một cách khác trước. Người Cao Miên không bồng bột như người Chí Lợi nhưng không phải là họ kém vui khi gặp chúng tôi. Họ không diễn tả xúc cảm nhiều ra mặt nhưng họ mang nét kính trọng sâu đậm (người ta không quấy rầy người đối diện với tâm trạng riêng của mình, dù vui hay buồn). Họ không biểu tỏ xúc cảm nhưng không kém trìu mến: họ thích khoanh tay và nghiêng người trước mặt bạn. Tất cả những dấu hiệu này chúng tôi khám phá dần dần. Đó là suối nguồn của ngạc nhiên và kỳ thú. Chúng tôi phải có óc hiếu kỳ để hiểu và khám phá dân tộc này nhiều hơn, để vượt qua các cảm nhận đầu tiên.

Và điều này sẽ bắt đầu vào tuần sau khi chúng tôi gặp cộng đoàn các nữ tu thuộc Dòng Mục tử Nhân hậu làm việc giúp đỡ các cô gái mãi dâm ở vùng biển phía Nam thành phố: Vũng Thơm (Kompong Som).

Geoffroy

Marta An Nguyễn dịch