Bốn bài học của Đức Mẹ Fatima cho các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc

422

Bốn bài học của Đức Mẹ Fatima cho các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-05-17

Giám mục Bernardito Auza, đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, New York đã nói về “các bài học phổ quát” của Mẹ Maria, đại sứ thường trực cho hòa bình trên thế giới.

Giám mục Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Chính trong vai trò ‘sứ giả hòa bình’ mà Mẹ Maria hiện ra ở Fatima để kêu gọi ba trẻ mục đồng Lucia, Giacinta và Phanxicô chuyển sứ mệnh hằng có của mình cho tất cả các Quốc gia”.

Qua chuyến đi của Đức Phanxicô ở Fatima, giám mục Auza được mời để nói về “lễ kỷ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra và sứ mệnh hằng có của Mẹ đối với hòa bình”. Theo Radio Vatican, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ đã nhắc lại bốn điểm mà ngài gọi là “các bài học phổ quát” cho tất cả các dân tộc qua các sự kiện ở Fatima.

Từ Fatima đến Liên Hiệp Quốc

Một trong các ký giả đi cùng chuyến bay với Đức Phanxicô trên đường về Rôma đã cho biết, Đức Phanxicô xem mình như “giám mục mặc áo trắng”, ngài nói: “Trắng như áo Đức Mẹ khi Mẹ hiện ra với ba trẻ, trắng như “áo trắng ngây thơ của các em bé sau khi được rửa tội, dấu hiệu của khát khao, của sự cần thiết, luôn luôn ngây thơ, bình an, không làm điều xấu cho người anh em, không gây chiến tranh…”, và đó là sứ điệp mà Đức Mẹ là người chuyển đi. Một nhãn qua mà Giám mục Auza cùng chia sẻ, “sứ mệnh hằng có của Đức Mẹ như sứ giả của hòa bình, cũng như Lucia, Giacinta và Phanxicô là các thành viên đặc biệt của “sứ mệnh thường trực bên cạnh tất cả các Quốc gia”, chữ dùng đặc biệt để nói lên nhiều sứ mệnh khác nhau của Liên Hiệp Quốc.

Theo Đức Phanxicô, “trong một thế giới có hơn năm mươi cuộc xung đột hoành hành, của chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh” thì sứ mệnh thường trực của Mẹ Maria đặc biệt quan trọng. Giám mục nhấn mạnh, đối với những người không tin vào các cuộc hiện ra, dù người công giáo cũng không bắt buộc phải tin như trong trường hợp Fatima, “các tiết lộ riêng”, các sự kiện liên hệ và qua ba trẻ mục đồng, chúng ta thấy các ngõ ngách của một “chương trình hoạch định đích thực cho hòa bình”, được thấy qua bốn điểm quan trọng, hay còn gọi là “các bài học phổ quát” phải rút tỉa.

Sự trở lại là điều kiện tiên khởi

Điều cấp bách đầu tiên là phải có một sự “trở lại đích thực”, để có được một sự “đoàn kết và tình huynh đệ”. Về vấn đề này, Đức Phanxicô nói đến một sự “trở lại phổ quát”, theo đó mọi cộng đồng quốc tế được gọi để đối diện với vấn đề thờ ngẫu tượng tiền bạc, vì vấn đề này có thể đưa đến việc các Quốc gia không còn để ý đến người nghèo. Không có sự trở lại này thì hòa bình luôn là chuyện ảo tưởng, Giám mục Auza ghi nhận.

Khơi dậy hòa bình trong tâm hồn

Bài học thứ nhì cần rút tỉa: khơi dậy hòa bình trong tâm hồn để làm thành một “dụng cụ mạnh hơn là vũ khí”. Đức Bênêđictô XVI đã từng nói, hòa bình luôn bắt đầu trong tâm hồn, một tâm hồn hòa bình có thể làm thay đổi tiến trình lịch sử. Giám mục Auza nhắc lại, “không có tâm hồn hòa bình thì rất khó để trở thành người xây dựng và người canh giữ hòa bình”.

Cầu nguyện, khí cụ của hòa bình

Bài học thứ ba cần rút tỉa: phải cầu nguyện thật nhiều. Giám mục Auza nhấn mạnh: “Cầu nguyện là khí cụ hòa bình có thể thay đổi thế giới, đó là khí cụ cần thiết biến đổi người cầu nguyện mà cũng làm biến đổi thế giới bên ngoài”.

Bao gồm tất cả mọi người

Bài học thứ tư cần rút tỉa: sự cần thiết phải bao gồm tất cả mọi người vào trong các cố gắng kiến tạo hòa bình. Và phải ghi nhận, để chuyển sứ điệp của mình, Mẹ Maria đã không nói với các nguyên thủ Quốc gia, các nhà ngoại giao hay các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng Mẹ nói với ba trẻ mục đồng. Một cách Mẹ nhắn nhủ “tất cả mọi người đều có một vai trò, dù những người này bị cho là người không đáng kể, không có khả năng hay quá trẻ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch