Đức Phanxicô: Không có Mẹ Maria, Giáo hội là một viện mồ côi

745

Đức Phanxicô: Không có Mẹ Maria, Giáo hội là một viện mồ côi

Aleteia, Elisabeth de Beaudoin, 12-11-2014

Ngày 25 tháng 10-2014, Đức Phanxicô đã tiếp 7 500 thành viên Phong trào Tông đồ Schoenstatt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Phong trào. Trả lời cho các câu hỏi về Đức Mẹ, giáo hoàng Phanxicô đã kể các giai thoại, các mẫu chuyện về Đức Mẹ.

Biến chuồng bò thành nhà cho Chúa Giêsu

Đức Mẹ đã biến chuồng bò thành nhà cho Chúa Giêsu, đã làm cho em bé nhảy mừng trong bụng mẹ như Phúc Âm mô tả, đã mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta.

Không ai mà không chạy đến cùng Mẹ

Tôi xin kể cho anh chị em nghe một câu chuyện buồn. Vào những năm 1980, tôi đến nước Bỉ để dự một cuộc họp. Có các «tín hữu Công giáo tốt lành» mời tôi dự một tiệc cưới. Họ có nhiều con cái, họ là các giáo sư thần học, họ học rất nhiều và vì thế họ có đầu óc khá nóng sốt… Trong câu chuyện, họ nói về Chúa Giêsu và nói rất hay. Thần học của họ, Kitô học của họ rất vững vàng. Và cuối cùng họ nói với tôi: «Vì chúng tôi đã hiểu biết về Chúa Giêsu nên chúng tôi không cần Đức Mẹ, chúng tôi không cần phải thờ kính Đức Mẹ» (…) Nghe họ nói như vậy, tôi rất đau lòng, rất buồn (…) Không ai biết Chúa Giêsu đủ và cũng không ai đủ chín chắn để có thể không cần đến Đức Mẹ, không đến với Đức Mẹ.

Là Mẹ đến tận cùng

Maria trước hết là Mẹ, Mẹ đến tận cùng. Chúng ta không có một danh hiệu nào khác cho Maria ngoài danh hiệu «Mẹ». Mẹ là Mẹ vì Mẹ cho chúng ta Chúa Giêsu, vì với sức mạnh của Thần Khí, Mẹ giúp chúng ta để Chúa Giêsu được nảy sinh và lớn lên trong lòng chúng ta. Chính Mẹ là đấng liên tục mang sự sống đến cho chúng ta. Mẹ là tình mẫu tử. Chúng ta không được quyền nghĩ mình là con mồ côi. Người tín hữu Kitô có Mẹ! Chúng ta có Mẹ! Có lần có một linh mục đã kết thúc bài giảng như sau: «Ai không muốn có Mẹ Maria là mẹ của mình thì họ sẽ có một bà gia!». Mẹ là Mẹ, không những Mẹ cho chúng ta sự sống nhưng Mẹ còn giáo dục chúng ta trong đức tin.

Không có Mẹ Maria, Giáo hội là một viện mồ côi

Lớn lên trong đức tin mà không cần sự giúp đỡ của Mẹ Maria là một chuyện khác. Rất khác. Đúng, lớn lên đức tin trong Giáo hội nhưng đó là một Giáo hội mồ côi. Một Giáo hội không có Mẹ Maria là một viện mồ côi. Đức Mẹ giáo dục, Đức Mẹ tháp tùng, Đức Mẹ làm chúng ta lớn lên, Đức Mẹ gây ý thức. Đức Mẹ làm cho chúng ta suy nghĩ để ăn năn.

Đức Mẹ của những quả quít, niềm hy vọng của những người bụi đời, những người ăn cắp.

Tôi vẫn còn thích đọc các chuyện về thánh An Phong Maria khi có thì giờ. Một trong những câu chuyện đó xảy ra ở miền Nam nước Ý hay ở Sicile. Ở một nơi có rất nhiều quít, giáo dân sùng kính «Đức Mẹ của những quả quít». Ngay cả những kẻ bụi đời, những người ăn cắp cũng sùng kính Đức Mẹ. Họ nói Đức Mẹ của những quả quít thương họ và họ cầu nguyện để khi họ lên trời – Đức Mẹ nhìn đoàn người sắp hàng và nhận ra họ, Đức Mẹ ra dấu họ trốn đi, đừng ra trình diện với thánh Phêrô. Và khi tối trời, không còn thánh Phêrô ở đó, Đức Mẹ sẽ ra mở cửa cho họ vào! Ẩn giấu đàng sau câu chuyện dân gian này là một sự thật to lớn, mang tính thần học rất cao: Mẹ săn sóc con mình cho đến cùng và cố gắng đến cùng để cứu con mình (…)

Tìm nơi ẩn núp dưới áo Mẹ Maria

Bài hát đầu tiên về Đức Mẹ của phương Tây là bài hát sao lại của phương Đông: «Dưới áo Mẹ, chúng con tìm chỗ ẩn núp, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa». Đó là bài hát đầu tiên, bài hát xưa nhất của phương Tây. Nhưng bài hát này còn có một truyền thống xa xưa khác, các nhà thần nghiệm Nga, các tu sĩ Nga diễn tả như sau: trong những lúc giao động tinh thần nhất, chúng tôi không làm gì khác hơn là ẩn núp dưới áo Mẹ Thiên Chúa, Đấng che chở bảo vệ chúng tôi. Chúng ta hãy nhớ lại câu trong sách Khải huyền: «Mẹ là người vừa chạy vừa bồng con trên tay để con rồng không xé xác em bé».

Nguyễn Tùng Lâm dịch