republicain-lorrain.fr, 23-10-2014
Bộ ba linh mục của blog Padreblog nói lên những gì họ nghĩ. Tài khoản Twitter của họ có 22 000 người theo.
“Bài giảng trên Twitter, ‘Twittomélies’, cha xứ kỹ thuật số ‘Cybercuré, blog của linh mục ‘Padreblog’, Tĩnh tâm trong thành phố’… Giáo dân, linh mục, tu sĩ và ngay cả các giám mục cũng ‘tăng cường’ sự hiện diện của mình trên Internet và các mạng xã hội để rao giảng Tin Mừng. Giám mục Hervé Giraud là giám mục Pháp đầu tiên có tài khoản Twitter, từ năm 2011, mỗi buổi chiều cha đăng các bài giảng ngắn gọn với 140 ký tự trên mạng xã hội. Cha viết bảy mươi ký hiệu cho bài giảng ngày hôm sau, cũng như viết phản hồi cho giáo dân. “Tôi không muốn phân tán. Giáo dân theo tôi vì nó ngắn gọn. Có giáo dân nói “Mấy lời của cha giúp cho con cả ngày”, người khác thì nói “Mấy lời của cha xoa dịu con buổi tối”, giám mục Giraud giải thích, cha thấy đây là một “cách để nối kết với giáo dân trên toàn cầu” và mời gọi mọi người suy niệm dù họ “tin hay không tin”. Cha có 6000 người theo.
Một ví dụ của một trong những tin nhắn này là: “Mt 16, 24 Ai từ bỏ mình thì vác thập giá #twittomelie Tự do là làm nhẹ cuộc sống để chỉ gánh chuyện thiết yếu.” Chữ ‘#twittomélie’ (bài giảng trên twitter) là để tách ra câu trích Phúc Âm với lời chú giải riêng của mình. “Khi có những cuộc tranh luận thời sự, giáo dân đã cám ơn sự có mặt của tôi. Tôi muốn đưa đến một cái gì riêng của tôi, âm nhạc, đời sống thiêng liêng, một mẫu Phúc Âm”, cha nói tiếp.
Dạy giáo lý trên… máy!
Linh mục Hervé Grosjean cùng hợp tác với hai linh mục địa phận Paris và Versailles để làm blog “Padreblog”, cha không ngại các bài giảng trên mạng này. Bộ ba đảm trách dạy một giáo lý không mặc cảm, thậm chí còn mang bản sắc riêng, họ không ngần ngại đấu kiếm các vấn đề khó khăn như chống trợ tử, “thần học giới tính”, “thế tục hóa” nhà thờ của nhóm Femen… Kết quả: 22 000 người đi theo tài khoản Twitter của cha qua @abbegrosjean.
Blog Padreblog, mạng Cybercuré làm việc tập thể. Có 6 linh mục làm việc dưới quyền linh mục Ludovic Serre, người kế vị một trong những người tiền phong dạy giáo lý trên mạng, linh mục Raymond d’Izarny, để phát triển cách giảng Tin Mừng qua web.
Ở thành phố Lille, các cha dòng Đa Minh Pháp đã thành lập một “gia đình các trang web” có tên “Tĩnh tâm trong thành phố”. Ngày nay có “Thánh vịnh trong thành phố” do các nghệ sĩ đọc, “Cầu nguyện trong thành phố” với ý chỉ cầu nguyện đăng trên Mạng và “thần học trẻ em” cho các trẻ em từ 6 đến 11 tuổi.
Nguyễn Tùng Lâm dịch