Đức Phanxicô và 27 nguyên thủ quốc gia Âu châu ở Nhà Nguyện Sixtine, 24 tháng 3-2017
la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2017-03-24
Chiều thứ sáu 24 tháng 3, Đức Phanxicô đã tiếp 27 nhà lãnh đạo Quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu tại Vatican. Ngài nhấn mạnh đến hy vọng của một tương lai trong việc xây dựng Âu châu. Các lãnh đạo Quốc gia về Rôma họp nhân kỷ niệm 60 năm ngày Hiệp ước Rôma do các nhà sáng lập Âu châu ký.
Buổi tiếp kiến diễn ra ở Phòng Hoàng Gia Dinh Tông Tòa làm gợi nhớ những giây phút trọng đại trong lịch sử Giáo hội, mở đầu bài diễn văn Đức Phanxicô nhắc lại các nền tảng trong việc xây dựng Âu châu. Dựa trên các lời của các nhà sáng lập, ngài nhấn mạnh đến “tinh thần phục vụ, hiệp nhất hành động chính trị và ý thức ‘văn minh Âu châu có gốc rễ từ kitô giáo’”.
“Thật vất vả để hạ các bức tường!”
Theo Đức Giáo hoàng, Âu châu là một dự án khai hóa. Ngài nhấn mạnh khi trích lời của Thủ tướng Ý Alcide De Gasperri (1881-1954): “Âu châu là sự sống, một cách nhìn nhận con người khởi đi từ phẩm cách siêu việt và không thể chuyển nhượng, chứ không phải chỉ một tổng hợp các quyền phải bảo vệ, hay phải đòi lại”.
Âu châu phải trung thành với tinh thần đoàn kết, “ngày nay lại càng thúc bách hơn khi Âu châu đứng trước các cao trào ly tâm cũng như trước rắp tâm rút giảm lại các lý tưởng nền tảng Âu châu, một lý tưởng cần thiết cho sản xuất, kinh tế và tài chánh”.
Đức Phanxicô nhắc lại các cuộc khủng hoảng Âu châu đang trải qua: “khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng các khuôn mẫu xã hội vững chắc, khủng hoảng các thể chế, khủng hoảng di dân; rất nhiều cuộc khủng hoảng ẩn giấu trong đó là nỗi sợ và sự rối loạn sâu xa của con người thời nay và điều này cần một chú giải mới cho tương lai”.
“Chính các lãnh đạo phải nhận định các con đường hy vọng”
Tuy nhiên theo Đức Phanxicô, chữ “khủng hoảng” tự nó không mang nghĩa tiêu cực nhưng nó cho thấy “đây là thời điểm phải nhận định”. Và “chính các lãnh đạo là người phải nhận định các con đường hy vọng, nhận diện các tiến trình cụ thể, làm sao để các bước đáng kể đã được hoàn thiện cho đến ngày hôm nay không bị mất đi, nhưng xem đó là bằng chứng của một con đường lâu dài và sinh lợi”.
“Không khép kín trong sợ hãi và trong an ninh giả tạo”
Đức Phanxicô kêu gọi Âu châu tìm lại hy vọng: “Âu châu tìm lại được hy vọng khi đặt con người vào trọng tâm và trong linh hồn các thể chế của mình, vượt lên các “sai trật tình cảm” giữa các công dân và các thể chế, để tìm lại được “tinh thần gia đình, một gia đình của các dân tộc, cộng đoàn, của những ngày đầu tiên”.
Ngài khẳng định: “Âu châu tìm lại hy vọng trong sự đoàn kết, đó là thuốc giải độc hiệu quả nhất để chống lại các khuynh hướng mị dân hiện đại ngày nay, một khuynh hướng chỉ làm bành trướng thêm tính ích kỷ”.
“Đâu là văn hóa mà ngày nay Âu châu đưa ra?”
Ngài nhấn mạnh khi nói về vấn đề di dân: “Âu châu tìm lại hy vọng khi không khép kín trong sợ hãi và trong an ninh giả tạo, đây không phải là vấn đề con số, kinh tế hay an ninh, nhưng là vấn đề sâu xa hơn, trước hết đó là vấn đề văn hóa”.
Ngài chất vấn: “Đâu là văn hóa mà ngày nay Âu châu đưa ra?”. “Nỗi sợ thường được thấy rõ, và đây đúng là sự mất lý tưởng trong nguyên do căn bản nhất. Không có một phối cảnh lý tưởng, rồi thì cuối cùng chúng ta bị nỗi sợ chế ngự, rằng người khác sẽ lấy mất đi các thói quen vững chắc nhất của chúng ta, lấy đi tiện nghi chúng ta đã có, các sự việc quá thường xuyên đặt vấn đề dựa trên lợi ích vật chất”.
“Tôi nghĩ Âu châu xứng đáng được xây dựng”
Nhắc đến một Âu châu từ Oural đến Đại Tây Dương, Đức Phanxicô khuyến khích củng cố “gia sản ý tưởng và thiêng liêng độc nhất trên thế giới, xứng đáng được đưa ra lại với niềm say mê và với một sự tươi mát được làm mới lại”. Ngài tin chắc: “Đó là thuốc giải độc tốt nhất để chống sự trống rỗng các giá trị của thời buổi chúng ta, sự trống rỗng là miếng đất màu mỡ cho mọi hình thức cực đoan”.
Ngài kết luận: “Cuối cùng, Âu châu tìm lại hy vọng khi Âu châu mở ra với tương lai. Khi Âu châu mở ra với người trẻ, cho họ bối cảnh nghiêm túc của giáo dục, cho họ khả năng thực tế hội nhập vào thế giới việc làm. Khi Âu châu đầu tư vào gia đình, là đơn vị đầu tiên và nền tảng của xã hội. Khi Âu châu tôn trọng lương tâm và ý tưởng của người dân. Khi Âu châu bảo đảm khả năng sinh con mà không sợ không nuôi dưỡng được. Khi Âu châu bảo vệ sự sống trong tính thiêng liêng của nó”. Đây là “tuổi trẻ mới” mà Đức Phanxicô tin Âu châu Cổ “xứng đáng xây dựng lại”.
Ngài nhấn mạnh: “Sự thành công của Âu châu tùy thuộc vào ý chí cùng làm việc chung với nhau, cùng đặt cược vào tương lai, thêm một lần nữa, ngài nhấn mạnh trách nhiệm này thuộc về các nhà lãnh đạo Âu châu. Điều này có nghĩa là không sợ đưa ra các quyết định có hiệu quả nhằm đáp ứng các vấn đề thực sự của người dân và cự lại với thử thách của thời gian”.
Ngày 25 tháng 3 các nhà lãnh đạo Âu châu sẽ ký một tuyên bố chung về tương lai của Âu châu mà không có nước Anh, nước bắt đầu các thủ tục Brexit ra khỏi Âu châu ngày 29 tháng 3.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch