Chương 14 – Thách thức của sự hội nhập văn hóa

322

 

 

Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016

Một tu sĩ Dòng Tên đến Rôma. Cha muốn đến Đền thờ thánh Phêrô và hỏi đường một cha Dòng Đa Minh.

Cha Dòng Đa Minh trả lời:

-Thưa cha, tôi sợ cha sẽ không bao giờ tìm ra. Đơn giản lắm, cứ đi thẳng.

Một cách tự phát, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ con đường ngắn nhất là con đường hiệu quả nhất. «Tại sao phải đi vòng? Bạn cứ việc đi thẳng đến đích và bạn đừng làm rắc rối quá cuộc đời.»

Dù muốn dù không, đã là con người, thường kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết, mọi việc không xảy ra đơn giản. Khi người ta đập banh quá nhanh, thì thường hoặc quá hung hăng, hoặc làm người khác sợ. Nói chuyện một cách quá trực tiếp có thể đưa đến kết quả ngược với những gì mình dự trù. Con người không phải là người máy đã được lên chương trình trước. Trước hết bạn phải tạo tin tưởng và lấy được lòng tin, rồi sau đó thận trọng vào chuyện với đương sự và dần dần xây dựng quan hệ. Muốn làm được điều này, phải có không gian và thời gian. Và rất nhiều kiên nhẫn. Bình thường bữa ăn chính thanh lịch khi nào cũng bắt đầu bằng một ly rượu và một món khai vị.

Còn về việc loan báo Tin Mừng, Thánh I-Nhã thường hay nói, khi nào cũng đi vào bằng cánh cửa của người kia, để rồi đi ra bằng cánh cửa của mình.

Bạn chỉ có thể đến được với người kia, nếu trước hết bạn bạn sẵn sàng vào trong thế giới họ sống, trong văn hóa và ngôn ngữ của họ. Điều quan trọng là đến gặp họ, dù già dù trẻ, đến nơi họ sống và hiểu chính con người họ. Nếu bạn thúc ép để đi vào, thì bạn có thể sẽ thất vọng khi đi ra. Nếu bạn không tìm hiểu trước, cũng không thích ứng với cách họ sống hoặc nhóm mà bạn muốn gặp, thì nhiều sác xuất, chương trình của bạn sẽ hỏng hoàn toàn.

Thật ra, bạn có thể rút tỉa từ các hệ quả và một cách hữu ý, bạn chọn cách đi đường vòng trong hy vọng sẽ đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn, không phải là không đáng kể mà cho đến bây giờ, các tu sĩ Dòng Tên đã soạn thảo rất nhiều tự điển. Học ngôn ngữ và am hiểu văn hóa là điều kiện đầu tiên để có thể thật sự tiếp xúc với người khác.

Thánh Phanxicô Xaviê, một trong các nhà sáng lập Dòng Tên, năm 1549 đã viết về vấn đề này cho một đồng hữu khi người đó đang còn ở Ấn Độ, trong khi ngài đang trên đường đi Trung quốc:

Người dân sẽ chỉ nghe bạn, khi một cách nào đó, bạn biết lời của mình sẽ chạm vào đáy sâu tâm hồn họ. Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của họ, thì phải để họ tự ý đến gần. […] Nếu bạn muốn làm rõ ràng bằng chữ những gì họ nghĩ, bạn phải hiểu họ; và điều này chỉ có thể có được khi bạn chia sẻ cuộc sống của họ, khi bạn học hỏi từ họ và khi bạn tìm cách thấm nhập vào trong tâm hồn sâu thẳm của họ. Họ là những quyển sách sống động mà bạn cần phải đọc.

Marta An Nguyễn chuyển dịch